Công điện của Thủ tướng gửi đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đưa ra khỏi Danh mục dự án của Chương trình phục hồi, nếu không hoàn thành thủ tục đúng hạn
Thủ tướng chỉ thị, trường hợp dự án không hoàn thành thủ tục đầu tư đúng thời hạn quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa ra khỏi danh mục dự án của Chương trình. Ảnh minh họa

Công điện nêu rõ, khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư phát triển thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (Chương trình) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, căn cứ dự kiến danh mục và mức vốn cho từng nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 và mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Điều 3, Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, khẩn trương triển khai, sớm hoàn thành thủ tục đầu tư (phê duyệt chủ trương đầu tư), bảo đảm đúng thời hạn theo yêu cầu tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022.

Thủ tướng chỉ thị, trường hợp dự án không hoàn thành thủ tục đầu tư đúng thời hạn quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa ra khỏi danh mục dự án của Chương trình.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm số dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, không hiệu quả để bảo đảm bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt, kéo dài; ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa nhanh, có khả năng giải ngân sớm và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn phục hồi; các dự án phải bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định.

“Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan trong việc đề xuất danh mục, mức vốn và thông tin, số liệu các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình, bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và hiệu quả đầu tư của dự án”, Công điện nêu rõ quan điểm của Thủ tướng Chính phủ./.

Đưa ra khỏi Danh mục dự án của Chương trình phục hồi, nếu không hoàn thành thủ tục đúng hạn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Tại phiên họp Quốc hội sáng 23/5, trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả kinh tế – xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với phát triển kết cấu hạ tầng, Quốc hội đã cho phép bổ sung 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ NSNN. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349,447 tỷ đồng, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Nghị quyết số 43 đã được Quốc hội ban hành từ ngày 11/1/2022, nhưng đến nay Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, mà chưa hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như chương trình đã đặt ra.