TS. Khúc Văn Quý, Đại học Quốc gia Hà Nội

Hơn ba năm trước khi mới trở về Việt Nam, tôi đã giới thiệu cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” với những bạn trẻ ở Hà Nội. Đây là cuốn sách mà hơn 15 năm trước, khi còn là sinh viên năm cuối, chúng tôi rất háo hức được nghe và đọc nó.

Cuốn sách kể chuyện về những năm tháng lửa đạn ở chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi) của nữ bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được cô viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968 đến ngày 20 tháng 6 năm 1970 (trước khi cô hy sinh 2 ngày). Được chuyển từ nội dung của cuốn nhật ký, “Đừng Đốt – Don’t Burn” sau đã trở thành tên của bộ phim (chính kịch lịch sử) gây tiếng vang lớn cho khán giả trong nước và quốc tế. Với nhà sản xuất, bộ phim đã thành công về khía cạnh thương mại, tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì với những nhà môi trường, nhà nghiên cứu lâm nghiệp, cái tên “Đừng Đốt” còn mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu xa (vượt xa) hơn thế. Đó là một ý niệm (thông điệp) hướng thượng về những hành động bảo vệ môi trường: “đừng đốt rừng, đừng phá rừng” (Hình 1).

Đừng Đốt
Hình 1. Rừng đang bị cháy. Nguồn: Internet

Từ “đừng đốt”, tôi nhớ đến câu chuyện “trồng rừng”. Nếu như “đừng đốt” giúp tránh tổn thất tài nguyên rừng thì “trồng rừng” là con đường để mở rộng rừng và làm thay đổi môi trường sống từ rừng. Năm 2013, trong kỳ mùa thu tại Trường Colorado State, tôi đăng ký học môn “phục hồi sinh thái” (Course NR678: Ecological Restoration) của Giáo sư Mark Paschke – người thầy hướng dẫn của tôi. Ở buổi đầu tiên, thầy cho chúng tôi xem một phim ngắn xúc động “A man who planted trees” về một người đàn ông trồng cây. Tôi không nhớ là đã xem lại phim này bao nhiêu lần (kể từ đó). Câu chuyện xoay quanh một người đàn ông chăn cừu, sống một mình, hàng ngày trồng cây Sồi (Oak) trên những ngọn đồi cao, dốc và cằn cỗi. Mặc dù điều kiện sống của ông rất khó khăn, nhưng ông vẫn (kiên trì) ở đó và miệt mài với trồng từng cây Sồi. Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến và đi qua cũng là lúc những cây Sồi đã lớn lên thành rừng Sồi xanh ngát (trong cả một vùng rộng lớn), chim sóc khắp nơi kéo về, những dòng nước mát xuất hiện. Đoạn cuối của phim ghi lại cảnh người dân đổ về vui chơi ca hát dưới những cánh rừng Sồi. Năm 1947, người đàn ông trồng rừng đã thanh thản trút hơi thở cuối cùng và để lại những cánh rừng Sồi rợp bóng mát cho đời.

Sử dụng hệ quản trị tri thức SM3D [1–4] và nguyên lý bán dẫn giá trị kinh tế – môi trường [5], chúng tôi nhận ra rằng, câu chuyện có thật “cảm xúc chạm vào tâm hồn – a soul-touching story” của người đàn ông chăn cừu nước Pháp bền bỉ, hy sinh cả đời mình để trồng cây gây rừng dù ở trong điều kiện (hoàn cảnh) vô cùng khắc nghiệt, đã mang lại kết quả tốt đẹp/kỳ vĩ, (có thể) gợi mở lời giải cho bài toán biến đổi khí hậu dựa vào rừng hiện nay, đó là:

Natural climate solutions = Don’t burn*Plant trees*3D

Phương trình trên được diễn giải ngắn gọn là: văn hóa kiến tạo/văn hóa chất lượng cao [6] có thể là chìa khóa để giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu. Sự hy sinh của thế hệ hiện tại là yêu cầu bắt buộc, trong khi đừng đốt rừng là việc đầu tiên phải thực hiện trước khi cùng hợp tác (chung tay) kiên trì trồng rừng.

Tóm lại, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là thử thách cực đại cho nhân loại trong thế kỷ này. Trong bối cảnh như vậy, “đừng đốt” là thông điệp rõ ràng và tích cực để con người không gây thêm tổn hại cho rừng, tiếp theo là thực hành trồng cây gây rừng, từng bước ươm mầm và xây dựng văn hóa kiến tạo, văn hóa môi trường, văn hóa hướng thượng để dần thay thế văn hóa khai thác, văn hóa hưởng thụ cho (lớp) người trẻ hiện nay.

Tài liệu tham khảo

[1] Vuong, Q. H. et al. (2022). Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. Humanities and Social Sciences Communications, 9(1), 1–12. https://doi.org/10.1057/s41599-022-01034-6.

[2] Vuong, Q.-H. (2022). A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism. Berlin, Germany: De Gruyter.

[3] Vuong, Q. H., & Napier, N. K. (2014). Making creativity: the value of multiple filters in the innovation process. International Journal of Transitions and Innovation Systems, 3(4). https://doi.org/10.1504/IJTIS.2014.068306

[4] Vuong, Q. H., & Napier, N. K. (2015). Acculturation and global mindsponge: An emerging market perspective. International Journal of Intercultural Relations, 49, 354–367. https://doi.org/10.1016/j.ijintrel.2015.06.003

[5] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284–290. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290

[6] Khuc, Q. Van. (2022). Transforming our world from high-value culture. OSF Preprints. https://doi.org/10.31219/osf.io/r5pcy