Tại Công văn số 402/TTg-CN, ngày 6/5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư.

Duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Phối cảnh dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Ảnh do đơn vị tư vấn thiết kế cung cấp

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là dự án quan trọng của tỉnh Cao Bằng, thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công tư. Điểm đầu dự án tại vị trí nút giao của tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam thuộc địa phận huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Điểm cuối dự án tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh). Quy mô dự án giai đoạn hoàn thiện 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 17m, phần tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012.

Ngày 18/11/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch đầu tư về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Nội dung chính về điều chỉnh chủ trương đầu tư gồm chiều dài của tuyến cao tốc là 121,06 km (tăng 6km); tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh là 22.698 tỷ đồng (tăng 1.759 tỷ đồng); ngân sách nhà nước tham gia là 6.580 tỷ đồng (tăng 1.580 tỷ đồng); bỏ dự án thành phần giai đoạn 1; thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 là từ năm 2020 đến năm 2025, giai đoạn 2 là sau năm 2025; nhu cầu sử dụng đất khoảng 727,48 ha (giảm 60,52ha); bổ sung cơ chế chia sẻ phẩn tăng, giảm doanh thu.

Trước đó, đại diện liên danh nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra 5 đề xuất để thực hiện được dự án. Trước hết là bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước đúng tiến độ khi các nguồn vốn khác đã được cơ cấu; bảo đảm tiến độ các dự án kết nối cao tốc tạo nguồn lực cho dự án. Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư; thống nhất với nhà đầu tư để phê duyệt tiến độ thực hiện dự án, khẳng định sự quyết tâm và xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, cần công khai cho nhân dân giám sát, có chế tài thưởng, phạt làm cơ sở thúc đẩy quá trình triển khai dự án.

Ngày 24/2/2022, tại Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằngvà liên danh các nhà đầu tư: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại – Đầu tư xây dựng Thành Lợi, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest ký thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư Dự án. Các dự án tạo nguồn lực thực hiện cao tốc gồm: công tác tài trợ lập Đồ án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung thành phố Cao Bằng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư các dự án khu đô thị tại thành phố Cao Bằng; các dự án bất động sản khu công nghiệp, cảng cạn ICD và khu trung chuyển hàng hóa cửa khẩu… tiếp tục hoàn thiện các thủ tục liên quan. Theo kế hoạch, việc triển khai thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương và báo cáo nghiên cứu kỹ thuật dự án cao tốc, triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự kiến trong tháng 8/2022; kế hoạch triển khai dự án tuyến kết nối cao tốc thực hiện trong 3 năm (2022 – 2024).

Ngày 4/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc quan trọng có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và các ngân hàng tín dụng, về việc triển khai 2 dự án do Tập đoàn Đèo Cả cùng các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tại cuộc họp, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cam kết tài trợ cho dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh 4.366 tỷ đồng. Dự án Hữu Nghị – Chi Lăng cũng được Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cam kết thu xếp tài trợ 3.511 tỷ đồng” – ông Hoàng Xuân Ánh thông tin. Hai ngân hàng này cũng là nhà tài trợ vốn cho 2 dự án thực hiện mô hình đầu tư theo phương thức PPP là cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (đang triển khai) và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (vừa hoàn thành đưa vào sử dụng).

Hai dự án đường cao tốc này do các nhà đầu tư tư nhân tham gia, đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả. Từ các giải pháp hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư với phương thức PPP, các doanh nghiệp là liên danh nhà đầu tư có thế mạnh về bất động sản, khu công nghiệp… đã chung tay tại dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh để bảo đảm tính khả thi, khi các ngân hàng thẩm định cho vay xác định điểm rơi an toàn của phương án tài chính là thời gian hoàn vốn từ 15-18 năm.

Tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, tỉnh đã cắt bỏ các dự án đầu tư công khác để bổ sung đầu tư 4.080 tỉ đồng cho dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Tỉnh Lạng Sơn thống nhất tăng phần góp của ngân sách địa phương từ 1.000 lên 2.500 tỉ đồng cho dự án Hữu Nghị – Chi Lăng./.