Theo Bộ Công Thương, với Hiệp định EFTA, hiện hai bên đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức (lần đàm phán thứ 16 diễn ra từ ngày 29/5 đến ngày 01/6/2018 tại Oslo, Na Uy) và nhiều phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn và cấp kỹ thuật. Hiện tại, hai bên đã xác định được các vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực quan trọng của Hiệp định như: thương mại hàng hóa, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã liên tục thúc đẩy việc nối lại đàm phán và nỗ lực xử lý những vấn đề còn tồn tại, để có thể sớm kết thúc đàm phán trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai phía. Theo đó, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ (có thêm một nhóm đã kết thúc đàm phán). Hiện tại, chưa có thông báo chính thức nào về vòng đàm phán tiếp theo giữa Việt Nam và EFTA.
Hiệp định EFTA đã trải qua 16 phiên đàm phán chính thức |
Nhiều cơ hội mở ra
Khối các nước thuộc EFTA dù là quy mô thị trường không lớn như các thị trường khác, nhưng được đánh giá là các nước có thu nhập cao hàng đầu thế giới, nên có nhu cầu hàng hóa lớn, nhất là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Vì vậy, Hiệp định này mở ra thị trường rất tiềm năng cần khai mở. Theo đó, những cơ hội từ xuất khẩu và đầu tư từ thị trường này có thể kể đến như sau:
Tăng trưởng xuất khẩu
Theo số liệu từ Bộ Công Thương Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước EFTA trong năm 2023 đạt khoảng 2 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản và các sản phẩm gỗ.
Với việc ký kết EFTA, thuế quan đối với các mặt hàng này dự kiến sẽ được giảm mạnh, có thể giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EFTA từ 10-15% mỗi năm trong giai đoạn đầu sau khi hiệp định có hiệu lực.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết, thực thi 17 FTA và 3 FTA (Việt Nam – EFTA FTA; ASEAN – Canada; Việt Nam – Mercosur) đang đàm phán. |
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Các quốc gia EFTA như Thụy Sĩ và Na Uy có tiềm năng đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, dược phẩm, tài chính và dịch vụ. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng vốn FDI từ EFTA vào Việt Nam tính đến năm 2023 là khoảng 500 triệu USD.
Với Hiệp định EFTA, dòng vốn FDI từ các nước này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn và các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Tăng cường quan hệ ngoại thương
Các phân tích dự báo cho thấy, sau khi ký kết hiệp định EFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EFTA có thể tăng từ mức hiện tại là 3 tỷ USD lên khoảng 5 tỷ USD vào năm 2028.
Các mặt hàng Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu bao gồm nông sản (như cà phê, hạt tiêu, điều), hàng thủy sản (như tôm, cá basa) và hàng tiêu dùng (như đồ gỗ, sản phẩm điện tử).
Giảm thuế và rào cản phi thuế quan
Theo các thỏa thuận ban đầu, các nước EFTA sẽ giảm hoặc xóa bỏ thuế quan cho khoảng 90%-95% các dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Điều này sẽ giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước này.
Việc giảm thuế và các rào cản phi thuế quan cũng giúp các sản phẩm của Việt Nam có giá cạnh tranh hơn, từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường EFTA.
Phát triển bền vững
Các FTA như EFTA thường đi kèm với các cam kết về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam có thể nhận được sự hỗ trợ về công nghệ và tài chính từ các quốc gia EFTA, để cải thiện các tiêu chuẩn môi trường và phát triển kinh tế xanh.
Các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giữa Việt Nam và EFTA có thể được mở rộng, với dự đoán tổng đầu tư trong lĩnh vực này có thể đạt 200-300 triệu USD trong vòng 5 năm tới.
Cần tận dụng tối đa các cơ hội
Để tận dụng được tối đa các cơ hội từ EFTA, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Việt Nam cần chú trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến. Cùng với đó, các sản phẩm cần chú trọng đến vấn đề thương hiệu, nhằm tạo được dấu ấn trong khách hàng quốc tế, từ đó nâng cao giá trị gia tăng. Ngoài ra, cần chú trọng đến sự kết nối, phối hợp của các doanh nghiệp Việt Nam với nhau trong việc thâm nhập thị trường quốc tế. Cuối cùng, doanh nghiệp cần có định hướng xanh hóa, số hóa, phát triển bền vững và phải xác định đó là những yếu tố sống còn cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Từ góc độ chuyên gia, TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến sản xuất xanh và phát triển bền vững để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường của EFTA. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của việc đào tạo và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, để giúp họ nắm bắt tốt hơn cơ hội từ Hiệp định này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ và tăng cường liên kết chuỗi cung ứng để tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, bao gồm cả EFTA.
Ngoài ra, cần thúc đẩy cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư từ các nước EFTA. Việc đơn giản hóa thủ tục xuất – nhập khẩu và giảm thiểu các rào cản hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EFTA./.