Những ngày gần đến Trung thu, bên trong con ngõ số 19 phố Nguyễn Siêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, lại có nhiều người ra vào hơn. Bởi lẽ ở phía bên trong lại có căn nhà nhỏ, là nơi bán những chiếc bánh Trung thu cổ truyền hình lợn ỉ được nặn bằng tay độc đáo.
Những chiếc bánh Trung thu lợn ỉ được nặn hoàn toàn bằng tay, mộc mạc nhưng lại rất có hồn
Chỉ đứng từ bên ngoài là khách đến mua ai cũng ngửi thấy mùi bánh nướng thơm nức. Bởi thế mà mọi người cũng chẳng quá khó khăn khi tìm đến với những chiếc bánh Trung thu thương hiệu Ba Giầu. Chẳng có biển hiệu gì hết nhưng suốt mấy chục năm nay, đây vẫn là địa chỉ dành cho những ai thích bánh Trung thu hình con lợn kiểu truyền thống, mà nhất định phải là bánh nặn bằng tay chứ không dùng khuôn.
“Nhà bà chỉ bán bánh chuyên về hình con lợn thôi. Nhà này rất thích lợn, từ trẻ con đến người lớn ai cũng thích con lợn cả. Đi các nước mọi người cũng phải mua những món đồ lưu niệm hình lợn về. Trên gác bà có một cái tủ toàn các hình con lợn, đủ các giống lợn. Nói chung là ông bà đi nước nào là đều mua hết, các con cháu chúng nó đi nước ngoài cũng mua về làm quà. Nhưng mà phải công nhận là lợn Việt Nam mình là đẹp nhất” – Bà Thái, vợ ông Trương Hữu Ba (biệt danh Ba Giầu), chia sẻ.
Ở Việt Nam, hình ảnh con lợn mang theo ý nghĩa chúc tụng mọi người gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc, đủ đầy. Vì thế, những chiếc bánh Trung thu đàn lợn là biểu tượng cho tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, cũng như một cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Vào dịp Trung thu, người ta thường tặng nhau hộp bánh hình đàn lợn cho người thân, bạn bè như một lời chúc gia đình êm ấm, cuộc sống sung túc.
Những chiếc giỏ có chú lợn ở bên trong nhìn mộc mạc và gần gũi.
Đến với những chiếc bánh Trung thu của ông Ba Giầu, bạn sẽ bắt gặp đủ các loại bánh hình lợn khác nhau. Nào là bánh con lợn được đựng trong giỏ, lại có hộp bánh 2 con lợn ở cạnh nhau hay bánh hình đầu lợn… Đặc biệt nhất là phải kể đến bánh Trung thu đàn lợn gồm 1 con lợn mẹ đàn lợn 10 con nhỏ.
Bên trong bánh mềm xốp và rất thơm.
Bánh ở đây chỉ có bánh nướng, những chiếc bánh nhỏ là bánh nhân dừa, còn bánh đàn lợn to thì có nhân đậu xanh trứng mặn. Tất cả đều được làm thủ công, không chất bảo quản, nên cũng không để được quá lâu nhưng quan trọng là làm đảm bảo để cho trẻ con có thể yên tâm ăn. Bên cạnh đó, các nguyên liệu được tự tay ông bà chuẩn bị, trứng muối cũng là bà chọn lựa trứng ngon và tự muối. Khi thưởng thức có thể thấy được phần vỏ bánh có độ mềm xốp, nhân dừa rất thơm ngon, tổng thể bánh có độ ngọt vừa phải, không hề bị ngọt gắt.
Nói về những chiếc bánh nặn tay, bà Thái cho biết: “Khó nhất là nặn bánh. Giờ người ta đều làm khuôn hết có mấy nhà nặn tay thế này đâu. Nhà mình là lợn nặn tay nên nhìn có sức sống, mỗi con một vẻ, không con nào giống con nào. Mà vì nặn tay nên chả đồng đều được, lúc ông nặn to, lúc ông nặn nhỏ, con lợn lúc ông cắm mũi hếch, lúc ông cắm mũi nằm xuống, muôn hình muôn vẻ lắm”.
Người đàn ông gần 40 năm gắn liền với nghề nặn bánh Trung thu lợn ỉ, chỉ đơn giản vì tình yêu với công việc này
Ông Trương Hữu Ba, biệt danh Ba Giầu, là người trực tiếp nặn những chiếc bánh Trung thu hình lợn ỉ này. Gia đình ông Ba vốn có nghề làm bánh quy gai xốp nức tiếng, thời bao cấp khách đến nhà mua bánh còn phải xếp hàng. Sau này, ông Ba kế nghiệp làm bánh của gia đình và tự sáng tạo những chiếc bánh nướng hình con lợn theo cách riêng của mình.
Bà Thái, vợ ông Ba kể: “Nói về nghề bánh thì ông làm từ năm 1965, khi đó ông làm bánh quy gai xốp, tính đến nay cũng ngót nghét 60 năm rồi. Còn nghề làm bánh hình con giống này thì là từ năm 1988 đến giờ, cũng được gần 40 năm. Từ hồi chuyển sang làm bánh này là nhà hoàn toàn làm bánh hình con lợn thôi. Bánh nướng truyền thống thì nhà có làm nhưng đến ngày 14 Âm lịch thì cũng chỉ làm để gia đình thắp hương”.
Còn cơ duyên chọn con lợn để tạo hình bánh thì được biết trong một lần đến làng Hoài Đức, Hà Nội, ông Ba tình cờ nhìn thấy một đàn lợn đang bú mẹ, ông thấy hình ảnh đó rất đẹp và tượng trưng cho sự ấm no. Nên khi về nhà ông quyết định làm ra những chiếc bánh nướng hình con lợn.
Trong căn nhà nhỏ ở phố Nguyễn Siêu, khu vực tầng 1 là nơi ông Ba, bà Thái ở và làm bánh. Phụ giúp ông bà là mấy người cháu trong gia đình. Những ngày này, ông Ba cặm cụi nặn từng chiếc bánh nhỏ, vì đã quá quen tay nên ông cứ đều đặn làm từng công đoạn, chỉ một loáng là những chú lợn đáng yêu đã được nặn xong. Người đàn ông hơn 70 tuổi, tóc đã bạc, da nhăn nheo, đi lại chầm chậm nhưng nặn bánh hình những chú lợn thì lại rất nhanh. Chỉ với một chút bột, bằng sự khéo léo và tài tình, ông Ba nhẹ nhàng vuốt nặn, bẻ cong hay bóp nhẹ một chút là đã ra những con lợn khác nhau trông rất thú vị.
Dù là vợ chồng nhưng bà Thái tâm sự: “Ông làm quen tay rồi, chứ như bà không nặn được, mấy chục năm cũng có học nghề của ông được đâu”. Nói vậy, nhưng bà Thái lại là người phụ trách nướng bánh, công đoạn cũng quan trọng không kém để có được những chiếc bánh Trung thu thơm ngon. “Ông chuyên nặn, bà chuyên nướng. Giờ tay bà đau rồi nên các cháu trong nhà phải phụ nhưng về kỹ thuật để cho chuẩn thì bà vẫn phải làm. Một mẻ bánh này trông thế chứ phải nướng đến gần 50 phút đấy. Nhà bà dùng lò nhỏ thôi nên mỗi mẻ cũng chỉ nướng được số lượng vừa phải” – Bà Thái kể thêm.
Các loại bánh Trung thu hình lợn khác nhau để người mua lựa chọn, ông Ba còn đặt tên cho mỗi hộp bánh.
Vừa nặn xong một mẻ bánh, ông Ba mới có thời gian chia sẻ thêm về niềm đam mê với những chiếc bánh Trung thu lợn ỉ. Ông Ba vừa cười vừa kể về những con lợn do chính tay ông nặn: “Những chiếc bánh con lợn này mọi người ai cũng thích, nhất là mấy đứa trẻ con. Bánh nặn bằng tay có cái sinh động riêng, mười con như một, nhưng mỗi con một dạng. Ông nặn tay, đàn lợn con có con to con bé, có con bò lên lưng mẹ, có con nằm bên cạnh, có con quay đầu ra, rồi lại có con nhảy vào bú mẹ. Con lợn quan trọng nhất là cái mũi, cái tai, cái mắt là phải thể hiện được. Bên cạnh đó, còn phải thể hiện được dáng của nó, độ co thắt thế nào… Xong rồi người ta nhìn vào người ta chưa cười đâu, một lúc sau người ta mới bật cười vì con lợn này nó có hồn, nó sinh động”. Quả thật với ông Ba, nghề làm bánh chính là đem lại nụ cười cho mọi người.
Tuổi đã cao nên với ông Ba, bà Thái thì công việc này giờ như là niềm vui, niềm đam mê mỗi dịp Trung thu đến, như cách ông Ba tâm sự: “Chủ yếu với ông, công việc này từ hứng thú mà ra. Ông bà làm như này cho vui là chính”. Nhìn cách ông Ba say mê kể về những chiếc bánh con lợn đủ hiểu ông yêu công việc này thế nào: “Con lợn này là lợn đôi, một con đực một con cái nên ông đặt tên là ‘Đôi lợn bên nhau’, con đực người ngắn hơn một tý. Còn cái hộp này ông có 4 cái đầu con lợn, hay còn gọi là thủ lợn đấy”.
Trước đây, làm bánh từng là nghề kiếm sống để nuôi con, nhưng giờ con cái trưởng thành và ổn định thì với ông bà làm bánh là niềm vui tuổi già. Bên cạnh bánh Trung thu thì ông bà giờ vẫn làm bánh mặn thời bao cấp, ai cứ đặt thì là làm.
Vào ngày 14, 15 tháng 8 Âm lịch, mọi người lại tranh thủ ghé căn nhà ông bà để mua những chiếc bánh Trung thu hình con lợn. Không chỉ người lớn tuổi mà rất nhiều bạn trẻ cũng ghé đến đây để tìm mua những chiếc bánh thủ công thế này. Chiếc bàn lớn của nhà được tận dụng để bày đủ loại bánh hình lợn khác nhau, mọi người thích thú chọn cho mình những chiếc bánh hình lợn mà mình yêu thích. Không khí Trung thu cũng chính là từ đây chứ đâu.