Tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý I năm 2022, TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, tuy nhiên bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý I năm 2022 đạt được mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.

GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03%, hầu hết các ngành phục hồi và tăng trưởng trở lại
TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì cuộc họp báo

Bà Hương nhấn mạnh, kinh tế – xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraina đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu. Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Dự báo gần đây về tăng trưởng toàn cầu năm 2022 của các tổ chức quốc tế đều giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Điển hình như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nhận định tăng trưởng toàn cầu có thể giảm hơn 1 điểm phần trăm trong năm 2022, so với mức dự báo 4,5% đưa ra vào tháng 12/2021. Tổ chức Fitch Rating điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm, dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống còn 3,5%. Tại thời điểm tháng 01/2022, Ngân hàng Thế giới dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 4,1% năm 2022 trong khi con số này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 4,4%.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đồng thời đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp. C

ùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

“Kinh tế-xã hội nước ta ba tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại”, bà Hương thông tin.

Cụ thể, theo người đứng đầu Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019.

Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ chính cho nền kinh tế, khi tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cùng xu hướng tăng với 2 khu vực kinh tế trên, với mức 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa mùa vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá (tăng 7,4 tạ/ha) so với vụ mùa năm trước; ngành chăn nuôi đang dần phục hồi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước; chế biến và xuất khẩu tiêu thụ gỗ có nhiều tín hiệu tích cực; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, giá cá tra, tôm nuôi trồng đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh.

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2022 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Nếu tính riêng các tiểu ngành, thì ngành lâm nghiệp dù tăng 3,86%, nhưng chiếm tỷ trọng thấp, nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,54%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I năm 2022 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

“Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm”, bà Hương cho biết.

Trong đó, ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I năm 2021, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.

Điều đáng mừng là trong bối cảnh bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, nhưng khu vực dịch vụ trong quý I năm 2022 tăng trưởng khởi sắc, khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại.

Theo tính toán của cơ quan thống kê trung ương, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay gồm: hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).

Về sử dụng GDP quý I năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.

Theo người đứng đầu Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng quý I năm 2022 là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước./.