Kinh tế – xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sẽ chậm lại và chỉ đạt mức 3%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm. Liên hợp quốc dự báo chỉ tăng trưởng 3,1%, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

GDP quý II năm 2022 tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2021
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, ngày 08/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Triển khai các Nghị quyết trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch. Sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch, văn hoá sôi động hơn, tạo cú hích cho phục hồi kinh tế.

Trên cơ sở đó, kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Người đứng đầu Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tốc độ tăng GDP quý II so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2022 lần lượt là: 6,29%; 5,57%; 5,39%; 6,18%; 7,1%; 6,79%; 6,71%; 7,18%; 7,1%; 0,52%; 6,73%; 7,72%.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,02%, đóng góp 4,56% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,87%, đóng góp 46,85%; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 48,59%.

“Về sử dụng GDP quý II/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 4,57%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,88%”, bà Hương cho biết.

Như vậy, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 5,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, đóng góp 48,33%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, đóng góp 46,60%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng gỗ khai thác và xuất khẩu gỗ khởi sắc; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong đó, ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,97% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,95%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,94 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%, thấp hơn mức tăng 11,3% và tương đương mức tăng 9,63% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019, đóng góp 2,58 điểm phần trăm.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 2,28%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 3,65%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,60% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn mức tăng 0,49% và 3,92% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ của các năm 2014-2019.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,82% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,58 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,5%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,94%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,13%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, người đứng đầu cơ quan thống kê trung ương cũng chỉ rõ, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, lạm phát cao trên toàn cầu… Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng với các biến thể mới có thể còn diễn biến phức tạp trên thế giới.

“Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, để đạt mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đời sống của nhân dân, cần sự chung sức, đồng lòng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước ta. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023)”, bà Hương nhấn mạnh./.