Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số năm 2025 đặt mục tiêu đạt 20% trong GDP Việt Nam. Năm 2021, tỷ trọng này ước đạt 9,6%.

Tại phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số sáng ngày 8/8/2022, Thủ tướng nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số.

Giá trị tăng thêm của kinh tế số ước đạt trên 10% GDP Việt Nam

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.

Tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hỏi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết thực sự hiệu quả nhiều vấn đề liên quan tới thống kê, tiêm chủng, xét nghiệm, bảo đảm an sinh xã hội…

Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, những nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban và những nhiệm vụ được giao tại Phiên họp lần trước của Uỷ ban, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan; tinh thần là làm việc thực chất, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, cho nhân dân.

Giá trị tăng thêm của kinh tế số ước đạt trên 10% GDP Việt Nam
Thủ tướng cho biết, chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số

Tại cuộc họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, Bộ đã tổng hợp và công bố 55 bài toán chuyển đổi số của các bộ, ngành và địa phương tại địa chỉ: https://c63.mic.gov.vn/. Bộ cũng chia sẻ một số thông số đánh giá thực trạng chuyển đổi số. cụ thể, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79 Mbps, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29 Mbps, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 477/832 thôn lõm sóng viễn thông. Đặc biệt, số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money tính đến hết tháng 6/2022 tăng 4 lần so với tháng 01/2022.

Cùng với đó, 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 01 nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; 8/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố.

Về việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL), Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, CSDL quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, CSDL quốc gia về Bảo hiểm quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân. CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 28 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; trên 6 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử. CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%…

Tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%. Tỉ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỉ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Tỉ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%.

Trong 05 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021, trong đó, qua điện thoại di động và QRCode có mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất. Qua điện thoại di động tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị, qua QRCode tăng 68,9% về số lượng và 113,2% về giá trị so với cùng kỳ 2021./.