Giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP.HCM bằng đường sắt 350km/h trị giá 70 tỷ USD: “Thời điểm đã chín muồi”

ORIG. TEAM

Thời điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ (VGP), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết trong suốt 18 năm qua, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến đường sắt tốc độ cao với sự hỗ trợ từ các tổ chức và chuyên gia trong và ngoài nước.

Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, Bộ GTVT đã tổng hợp kinh nghiệm từ quốc tế và đánh giá các điều kiện cụ thể tại Việt Nam.

Qua quá trình làm việc với các Bộ, ngành liên quan, phân tích chi tiết về khả năng vận tải, tốc độ, tải trọng trục, khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ, lộ trình đầu tư và huy động nguồn lực, Bộ GTVT đề xuất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có chiều dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, sử dụng điện khí hóa với tốc độ thiết kế 350 km/h chủ yếu vận chuyển hành khách nhưng có thể vận chuyển hàng hóa khi cần. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án dao động từ 65 đến 70 tỷ USD.

Dự án sẽ được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt với mục tiêu khởi công trước năm 2030 và hoàn thành toàn tuyến trước năm 2040.

“Tôi cho rằng, ở vị thế và tiềm lực của Việt Nam hiện nay, thời điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao đã chín muồi. Có đường sắt tốc độ cao là khát khao chính đáng mà bất cứ quốc gia, người dân nào cũng mong muốn để hạ tầng giao thông vượt lên một tầm cao mới; hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế”, Thứ trưởng Huy nói.

Giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP.HCM bằng đường sắt 350km/h trị giá 70 tỷ USD: "Thời điểm đã chín muồi"- Ảnh 1.

Khánh thành đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong tương lai. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Trước đó, cuối tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Sau khi thảo luận Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong tháng 9 sẽ trình Bộ chính trị

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Cục Đường sắt cho biết trải qua quá trình nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng với sự góp ý, hỗ trợ của các tổ chức, bộ, ngành trong và ngoài nước, hiện Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thiện đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

“Đến thời điểm này, phía tư vấn đang gấp rút hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong tháng 9 sẽ trình Bộ Chính trị để xem xét, cho ý kiến và phấn đấu trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10 sắp tới để sang năm 2025, chúng ta có thể sắp xếp vốn trung hạn”, vị này cho hay.

Theo ông Chu Văn Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết trên VGP, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã cùng các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.

Giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP.HCM bằng đường sắt 350km/h trị giá 70 tỷ USD: "Thời điểm đã chín muồi"- Ảnh 2.

Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Trải qua quá trình nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng với sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, TPHCM. Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã đề xuất tập trung nguồn lực khởi công dự án thành phần Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào khoảng cuối năm 2027. Khởi công đoạn Vinh – Nha Trang (dài khoảng 899km) trước năm 2030, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Nguồn: Kinh tế và Dự báo

Share This Article
Leave a comment