Từ khóa: thu hút đầu tư, biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Summary

The Mekong Delta (MRD) is the most prominent representative of the agricultural sector and is affected by climate change. The establishment of a clear, long-term, and legally binding legal and policy frameworks to mainstream and encourage green growth is key to attracting private investment. Based on analysing the current situation of investment attraction and factors affecting investment attraction in the Mekong Delta, this study proposes some solutions to improve the efficiency of investment attraction into the Mekong Delta through the green circular economy model, adapting to climate change.

Keywords: investment attraction, climate change, green economy, Mekong Delta region

GIỚI THIỆU

ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới; là trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp điện năng, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp tầm quốc gia; là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mêkông mang tầm quốc gia và quốc tế; và là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. “ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta, hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng cá xuất khẩu của Việt Nam” [3].

Với lợi thế và vị trí của vùng ĐBSCL nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của Vùng, nhưng thực tế giá trị gia tăng còn thấp, các sản phẩm nông sản xuất khẩu hầu hết chưa tham gia chuỗi giá trị quốc tế, chưa có hợp đồng dài hạn, nên nông sản xuất khẩu của Vùng tuy có khối lượng lớn, nhưng rất bấp bênh và phụ thuộc quá nhiều thị trường xuất khẩu đầy may rủi là xuất khẩu tiểu ngạch hay biên mậu qua Trung Quốc. Sản xuất và xuất khẩu nông sản không theo yêu cầu thị trường, chạy theo số lượng, không coi trọng chất lượng, sản xuất không kết nối với thị trường.

Để thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL xứng với tiềm năng và lợi thế, vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước và duy trì tăng trưởng kinh tế hàng năm, cần có chính sách đủ mạnh, tập trung nguồn lực đầu tư đáp ứng yêu cầu của vùng để tạo được bước đột phá cần thiết cho khu vực và một số địa phương trọng điểm trong vùng để làm động lực liên kết và tăng trưởng.

Khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong phát triển dự án bằng cách đưa ra các ưu đãi và tài trợ cho các doanh nghiệp và tổ chức phát triển các giải pháp bền vững, điều này sẽ giúp THĐT xanh vào các dự án mới, có tác động cao. Chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách tạo ra các khung pháp lý rõ ràng ủng hộ đầu tư xanh.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ THĐT CỦA VÙNG ĐBSCL

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với BambuUP công bố cho thấy, tăng trưởng đầu tư của ĐBSCL tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến tỷ trọng đầu tư của Vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022. Trong giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng trưởng đầu tư thực trung bình của Vùng đạt 5,2%. Báo cáo cũng chỉ ra các hạn chế trong sự phát triển của Vùng và đó cũng là những rào cản trong THĐT của Vùng như sau:

– Kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Đóng góp cho sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 là sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và dịch vụ với mức tăng trưởng năm 2022 đạt 11%. Đồng thời, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định so với giai đoạn trước.

– Điều đáng lưu ý là trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi. Sự chuyển dịch từ khu vực I sang khu vực II và III chỉ dao động trong khoảng 1-2 điểm phần trăm. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do ĐBSCL phải tiếp tục giữ trọng trách an ninh lương thực, nên việc tái phân bổ nguồn lực, đặc biệt là đất lúa, chịu nhiều ràng buộc trong quá trình chuyển đổi.

– Vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn ở ĐBSCL. Sau hai năm đại dịch Covid-19 với dân số tăng mạnh do lao động hồi hương, đến năm 2022, tình hình dân số vùng ĐBSCL quay về xu hướng trước đó khi người lao động bắt đầu quay trở lại vùng Đông Nam Bộ. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, dân số của ĐBSCL chỉ tăng khoảng 10.000 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của ĐBSCL (0,55%) cũng thấp nhất trong số các vùng và thấp hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (9,7%). Kết hợp với mức độ già hóa dân số cao nhất nước, ĐBSCL sẽ nhanh chóng mất đi trạng thái dân số vàng chỉ trong vài năm tới.

– Chất lượng lao động, thể hiện qua tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL, tuy có cải thiện, song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của Vùng.

– Sự phân hóa về tỷ lệ hộ nghèo giữa các tỉnh trong vùng là rất lớn. Các tỉnh công nghiệp, dịch vụ phát triển, như: Long An, Tiền Giang, Cần Thơ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, trong khi các tỉnh mạnh về nông nghiệp, như: Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Sóc Trăng, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

– Điều đáng lưu ý là ĐBSCL đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình ĐBSCL đã thấp hơn so với cả nước. Nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, ĐBSCL vốn đã bất lợi sẽ càng trở nên thất thế trong nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHU VỰC

Năm 2023, để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến THĐT tại vùng ĐBSCL, tác giả thực hiện khảo sát đối với 366 cán bộ quản lý và thực hiện công tác đầu tư từ cấp huyện và các doanh nghiệp đang hoạt động trong Vùng, phân bổ đại diện một số tỉnh, như: Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang… Kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại vùng ĐBSCL của tác giả cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến THĐT, bao gồm 5 nhân tố có thứ tự tác động giảm dần là: Cơ sở hạ tầng vùng THĐT; Cơ chế, chính sách về THĐT; Quy hoạch và phát triển dự án kêu gọi đầu tư; Công tác xúc tiến đầu tư và Ảnh hưởng của BĐKH đến vùng dự án. Cụ thể như Bảng (xem thêm Phạm Quốc Trường, 2024).

Bảng: Các nhân tố ảnh hưởng đã chuẩn hóa

TT

Nhân tố

Các biến quan sát đặc trưng

1

Cơ sở hạ tầng

– Hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng;

– Hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu;

– Hệ thống ngành dịch vụ đa dạng (Tài chính, ngân hàng…);

– Hệ thống đường thủy đồng bộ và liên kết vùng;

– Hạ tầng logistics đáp ứng nhu cầu các chuỗi cung ứng.

2

Hệ thống chính sách về THĐT

– Hệ thống pháp luật về đầu tư ổn định, rõ ràng, minh bạch;

– Chính sách đất đai, thuế, tài chính… hấp dẫn nhà đầu tư;

– Công tác cải cách thủ tục hành chính;

– Chính sách đột phá của địa phương THĐT;

– Chính sách chia sẻ rủi ro phù hợp với các bên liên quan.

3

Quy hoạch và phát triển dự án kêu gọi đầu tư

– Quy hoạch các ngành đảm bảo tính liên kết và bền vững;

– Quy hoạch dự án phù hợp với quy hoạch ngành/lĩnh vực;

– Dự án đảm bảo tính khả thi (mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật…);

– Có khả năng phát triển (quy mô, các vùng lân cận…);

– Thích ứng với BĐKH.

4

Công tác xúc tiến đầu tư

– Mô hình tổ chức cơ quan xúc tiến đầu tư;

– Đơn vị xúc tiến đầu tư có năng lực, chuyên nghiệp và thẩm quyền;

– Sự phối hợp các ban, ngành, trên tinh thần cởi mở hỗ trợ nhà đầu tư;

– Các hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp;

– Sự liên kết trong hoạt động xúc tiến đầu tư.

5

Ảnh hưởng của BĐKH đến vùng dự án

– Tăng chi phí đầu tư (giải pháp kỹ thuật, bảo trì, vận hành…);

– Tạo sự thay đổi dự án đầu tư (công năng, quản lý, vận hành…);

– Tác động đến dự án đầu tư (sạt lở, nhiễm mặn…);

– Ảnh hưởng đến môi trường sống;

– Thu hẹp diện tích đất nông nghiệp (ảnh hưởng dự án nông nghiệp).

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THĐT VÀO VÙNG ĐBSCL TRÊN CƠ SỞ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ “XANH”

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại vùng ĐBSCL là cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả THĐT vào các tỉnh ĐBSCL nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, trên cơ sở chuyển đổi kinh tế “xanh” thích ứng với BĐKH, góp phần đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết tại COP26, Việt Nam đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050, cụ thể như sau:

(1) Cơ sở hạ tầng

– Cần phát triển hệ thống giao thông đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; tận dụng tối đa hệ thống giao thông thủy nội địa (ưu thế của ĐBSCL) kết hợp song song hệ thống đường bộ (kết nối đường thủy – bộ) nhằm tạo tiền đề cho hệ thống logistics.

– Ưu tiên phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo chủ động cân đối năng lượng cho nhu cầu phát triển của Vùng, với lợi thế bờ biển và thời gian nắng tự nhiên, đồng thời đáp ứng mục tiêu chuyển đổi “xanh” của Chính phủ.

– Từ sự liên kết và kết nối hạ tầng giao thông như nêu trên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng mạng lưới logistics hiện đại và thuận tiện cho Vùng và từng địa phương, phục vụ cho việc THĐT và lưu thông hàng hóa.

(2) Hệ thống chính sách về THĐT

Một môi trường pháp lý và quy định minh bạch nhằm bảo vệ quyền sở hữu của các nhà đầu tư là nền tảng thiết yếu cho một môi trường đầu tư. Các quy định về môi trường đầu tư được thiết kế tốt và được thực hiện hiệu quả là không thể thiếu để đạt được các mục tiêu bền vững (Teeter và Sandberg, 2017). Như vậy, tính minh bạch và nhất quán trong chính sách là điều tối quan trọng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Khi áp lực từ các nhà đầu tư và người tiêu dùng ngày càng tăng, các quyết định về địa điểm đầu tư cũng càng cần phải tính đến sức mạnh của các quy định môi trường địa phương và cân nhắc các yếu tố, như: việc chính phủ tuân thủ các mục tiêu về BĐKH toàn cầu. Trong bối cảnh này, các chính sách môi trường mạnh mẽ có thể trở thành điều kiện tiên quyết để thu hút nhà đầu tư và là một phần cốt lõi trong tuyên bố giá trị của một quốc gia và vùng ĐBSCL đối với các nhà đầu tư. Việc đảm bảo các chính sách thương mại và thuế quan phù hợp với các mục tiêu đầu tư bền vững và điều phối các chính sách đó ở cấp khu vực có thể mang lại nhiều lợi ích hơn nữa bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bền vững, đồng thời tận dụng lợi thế quy mô để phát triển hệ sinh thái thương mại và đầu tư “xanh”. Theo định hướng đó, các giải pháp được đề xuất như sau:

– Xác định cụ thể lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, du lịch), rõ ràng về khu vực lựa chọn và kế hoạch thực hiện (khu vực phát triển dự án nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…), minh bạch các chính sách THĐT, đặc biệt là đảm bảo tính ổn định của chính sách.

– Chính phủ nên mạnh dạn phân cấp cho các địa phương trong Vùng; thành lập cơ quan đại diện Vùng tại TP. Cần Thơ làm đầu mối liên kết trong Vùng và với Chính phủ.

– Có chính sách ưu tiên riêng về THĐT vào vùng ĐBSCL (thủ tục hành chính, đất đai, hỗ trợ về tài chính, phương thức đối tác công tư…), đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi “xanh” thích ứng với BĐKH. Ví dụ, đế xuất đối với ưu đãi về thuế đối với các dự án đầu tư theo lĩnh vực như Bảng 2.

Bảng 2: Chính sách ưu đãi thuế theo lĩnh vực

Lĩnh vực

Giá trị đầu tư

(tỷ đồng)

Lao động sử dụng (người)

Ưu đãi thuế

(tỷ đồng)

Tỷ lệ ưu đãi (%)

Công trình giao thông

10.000

500

1.100

10

Công nghiệp chế tạo

5.000

500

750

15

Công nghiệp chế biến

4.000

1.000

480

12

Sản xuất nông nghiệp

10.000

4.000

1.800

18

Du lịch sinh thái

1.000

300

150

15

Nguồn: Đề xuất của tác giả

– Khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngoài các chính sách ưu đãi như Bảng 2, cần phân bổ và chia sẻ rủi ro phù hợp, nên chăng cần có chính sách ưu đãi về “lãi” của nhà đầu tư, nhằm thu hút được các nhà đầu tư lớn, như đề xuất tại Bảng 3.

Bảng 3: Đề xuất tỷ suất lợi nhuận cho các dự án theo phương thức đối tác công tư

Vốn chủ sở hữu của dự án

Tỷ lệ lãi suất được tính vào dự án theo lĩnh vực (%)

Giao thông

Năng lượng

Nông nghiệp

Du lịch

Giáo dục

….

≤ 20%

14

12

15

10

12

….

20%÷30%

17

15

17

12

15

….

> 30%÷40%

20

17

20

15

17

….

> 40%÷50%

22

20

22

18

20

….

> 50%÷60%

25

23

25

20

23

….

> 60%÷70%

27

25

27

22

25

….

> 70%

30

27

30

25

27

….

Nguồn: Đề xuất của tác giả

– Tích hợp dự án đầu tư gồm nhiều lĩnh vực để nhà đầu tư chủ động đề xuất các giải pháp kỹ thuật và công nghệ vào dự án (nông nghiệp + giao thông + du lịch…). Đồng thời, tích hợp nhiều loại hợp đồng trong một dự án đầu tư (BOT + BLT + BT…) nhằm tạo cơ hội thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

(3) Quy hoạch và phát triển dự án kêu gọi đầu tư

– Quy hoạch ngành (nông nghiệp, giao thông, du lịch) Vùng trên cơ sở liên vùng, gắn với điều kiện cụ thể của từng tỉnh (ví dụ: cánh đồng mẫu lớn liên kết tỉnh An Giang và Kiên Giang; nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại các tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh; du lịch sinh thái kết hợp Tiền Giang và Cần Thơ…). Từ đó, xác định các dự án THĐT phù hợp với Vùng, đồng thời là quy hoạch giao thông và hệ thống logistics phù hợp với phát triển các dự án.

– Đối tượng THĐT là các dự án phù hợp với quy hoạch trên, các dự án kêu gọi đầu tư phải đảm bảo tính khả thi (mặt bằng dự án, hạ tầng kỹ thuật, thích ứng với BĐKH, tính chuyển đổi “xanh” bền vững, có tác động lan tỏa…).

– Vận dụng “kinh tế tuần hoàn” vào các dự án THĐT, nhằm giảm chi phí đầu tư và gia tăng khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư, đồng thời kích thích kinh tế “xanh”, kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch như đề xuất tại Hình 1.

Hình 1: Mô hình vận dụng “Kinh tế tuần hoàn” vào dự án kêu gọi đầu tư

Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long theo hình thái chuyển đổi xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu
Nguồn: Đề xuất của tác giả

(4) Công tác xúc tiến đầu tư

Mục tiêu là xây dựng ĐBSCL thực sự trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia. Theo đó, cần tập tung vào một số nội dung, như: Đẩy mạnh các hình thức liên kết thị trường thông qua việc tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh ổn định, minh bạch, bình đẳng và có chi phí giao dịch thấp; Bảo vệ môi trường, tài nguyên đất, nước, sinh thái và khoáng sản, cùng nhau ứng phó với BĐKH; Xây dựng cổng thông tin điện tử và cơ sở dữ liệu chung; Liên kết xúc tiến đầu tư, hợp tác xây dựng hạ tầng thương mại dịch vụ và du lịch; Khai thác các nguồn tài chính, xây dựng cơ chế tài chính cho phát triển Vùng và Phát triển nguồn nhân lực.

Để đảm bảo thực hiện được các vấn đề chung và các nội dung nêu trên, cần thiết phải có “người” đại diện cho Vùng, đồng thời cũng cần thay đổi tổ chức xúc tiến đầu tư như các tỉnh hiện nay. Mục đích đảm bảo tổ chức xúc tiến đầu tư đủ thẩm quyền, chủ động trong thực hiện, nâng cao tính chuyên nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư, giảm thủ tục hành chính… Mô hình tác giả đề xuất như Hình 2.

Hình 2: Mô hình tổ chức xúc tiến đầu tư Vùng

Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long theo hình thái chuyển đổi xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu
Nguồn: Đề xuất của tác giả

Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu… trong thực thi công vụ và tiếp xúc với doanh nghiệp. Đối với nguồn nhân lực, cần đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề; thực hiện chính sách thu hút và đãi ngộ nguồn lao động chất lượng cao theo hướng cụ thể hóa về ngành nghề, chế độ thu nhập, học tập, môi trường và điều kiện làm việc cho đối tượng cần thu hút; cải thiện chế độ trợ cấp và các chế độ khác nhằm tiến tới thu hút cán bộ quản lý giỏi và công nhân lành nghề từ các địa phương khác đến làm việc.

(5) Ứng phó với ảnh hưởng của BĐKH đến vùng dự án

Thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường theo tiêu chí “xanh” nhằm đáp ứng các cam kết của Chính phủ trong thời gian tới là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với THĐT, tác động qua lại hỗ trợ phát triển bền vững. Để có giải pháp triệt để cần thiết phải có các nghiên cứu sâu, khảo sát, đánh giá, dự báo… Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp như sau:

(1) Cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với BĐKH và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Cần lưu ý tới tính thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường theo tiêu chí “xanh”, cụ thể, cần tập trung vào một số nội dung:

– Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo lĩnh vực và theo vùng, phù hợp với loại cây trồng và nuôi thủy sản đối với vùng đất và nước bị nhiễm mặn.

– Nghiên cứu cải tạo đất. Hiện nay, mặn xâm nhập qua hệ thống các sông chảy ra biển ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất phát triển kinh tế – xã hội nói chung và THĐT nói riêng, trong dài hạn với phương châm “sống chung” cần phải có các giải pháp cải tạo đất, tùy theo độ nhiễm mặn mỗi khu vực để có giải pháp phù hợp, song song với đó là định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xem xét thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng chuyên canh khu vực đất được cải tạo.

– Điều tra, đánh giá thực trạng nguồn nhiễm mặn và sạt lở (theo quy luật hoặc do tác động của con người), từ đó xây dựng bản đồ độ mặn các vùng để có giải pháp xử lý và quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở “thuận tự nhiên”.

(2) Đối với nhóm giải pháp kỹ thuật canh tác. Cần nghiên cứu hoàn thiên quy trình canh tác cho cây trồng chính trên từng loại đất, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với những thay đổi về đất đai, khí hậu trong Vùng. Phát triển các mô hình canh tác lúa thông minh (cánh đồng lớn, công nghệ cao), giảm chi phí, tiết kiệm nước tưới và giảm phát thải khí nhà kính… Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng phân bón công nghệ cao, có chức năng cải tạo đất trồng lúa bị suy thoái./.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Ngọc Cành (2022), Khai thác tiềm năng, lợi thể để phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL, Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL – Tầm nhìn 2045” (Sustainable Development of the Mekong Delta – SDMD Outlook 2045), Trường Đại học Cần Thơ.

2. Mộng Toàn (2022), BĐKH – Thách thức lớn cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/bien-doi-khi-hau-thach-thuc-lon-cho-toan-vung-dong-bang-song-cuu-long.html.

3. OECD (2011), Towards Green Growth, OECD Green Growth Studies, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/9789264111318-en.

4. OECD (2017a), Mobilising financing for the transition”, in Investing in Climate, Investing in Growth, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/9789264273528-9-en.

5. OECD (2017b), Green Growth Indicators 2017, OECD Green Growth Studies, OECD Publishing.

6. Phạm Quốc Trường (2024), Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo hình thái chuyển đổi xanh và thích ứng với BĐKH, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 2, tháng 01/2024.

7. Teeter, P. and Sandberg, J. (2017), Constraining or enabling green capability development? How policy uncertainty affects organizational responses to flexible environmental regulations, British Journal of Management, 28(4), 649-665.

8. Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám Thống kê 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội.

9. VCCI, BambuUP (2023), Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2023.

TS. Phạm Quốc Trường – Trường Đại học Phan Thiết

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)