Konglasack SISOUKLATH

Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Bolykhamxay

Email: Konglasack@gmail.com

Tóm tắt

Với nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Bolkhamxay, CHDCND Lào là một trong những địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Bolkhamxay thời gian qua. Nghiên cứu này đánh giá những kết quả và hạn chế của FDI đến phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bolkhamxay thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp cần thiết trong thời gian tới.

Từ khóa: FDI, tác động của FDI, tỉnh Bolkhamxay

Summary

With many efforts to improve the business investment environment, Bolkhamxay Province, Lao People’s Democratic Republic, is one of the localities attracting many foreign investors. Foreign direct investment (FDI) has recently promoted Bolkhamxay Province’s development. This study evaluates the results and limitations of FDI on the socio-economic development of Bolkhamxay Province in recent times, thereby proposing necessary solutions in the coming time.

Keywords: FDI, impact of FDI, Bolkhamxay Province

ĐẶT VẤN ĐỀ

Đối với tất cả các nước đang phát triển, FDI là nguồn lực quan trọng để thu hút vốn, công nghệ nhằm tăng cường năng lực công nghệ của các DN trong nước. Vai trò này được thể hiện ở hai khía cạnh là tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ bên ngoài vào và nghiên cứu, cải tiến phát triển công nghệ, phù hợp với điều kiện thực tế, nâng cao năng lực công nghệ trong nước. Đây là mục tiêu quan trọng mà nước tiếp nhận FDI luôn hướng đến.

Tỉnh Bolykhămxay nằm ở khu vực miền Trung của nước CHDCND Lào, được thành lập ngày 06/3/1984; cách Thủ đô Viêng Chăn 156 km về phía Bắc; có chung đường biên giới phía Đông tiếp giáp tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An, của Việt Nam (dài 215,82km); phía Tây tiếp giáp tỉnh Bưng Can, Nong Khai và tỉnh Na Khôn Pha Nôm, Vương quốc Thái Lan (dài 192,62 km); phía Bắc tiếp giáp Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Xay Xổm Bun và tỉnh Xiêng Khoảng; phía Nam tiếp giáp tỉnh Khăm Muộn (dài 184 km). Bô-ly Khăm-xay là nơi nhỏ nhất, từ phía Đông sang phía Tây chỉ dài 150km.

Tỉnh Bolykhămxay có tổng diện tích tự nhiên 15.977,7 km2; Có 293 Bản, dân số 290.141 người, có 17 dân tộc (có tài liệu ghi 24 dân tộc); mật độ dân số 18 người/km2. Tỉnh lỵ là huyện Pạc-xăn (chạy dài khoảng 11 km theo quốc lộ 13 Nam); Bộ máy hành chính của tỉnh Bolykhămxay gồm có 07 huyện trực thuộc, trong đó có 04 huyện vùng đồng bằng và 03 huyện miền núi.

Hiện nay, phát triển kinh tế số được coi là một trong 03 trụ cột phát triển nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Chính vì vậy, tỉnh Bolikhamxay đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

BOLIKHAMXAY CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH, THU HÚT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHẤT LƯỢNG CAO

Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển trên địa bàn, cùng với chính sách “thu hút đầu tư trực tiếp” cởi mở, thông thoáng, Bolikhamxay được ghi nhận là một trong những tỉnh đứng đầu trong lĩnh vực gọi vốn đầu tư FDI. Theo đó, năm 2023, tỉnh Bolikhamxay tiếp tục về chỉ số chuyển đổi số DTI và là một trong tỉnh đứng thứ nhất về hạ tầng số. Điều này cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhà nước và người dân trong phấn đấu xây dựng Bolikhamxay trở thành một trung tâm chuyển đổi số với nhiều thành công vượt bậc ở giai đoạn tiếp theo nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đón làn sóng đầu tư FDI, quan trọng là thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Xác định thu hút đầu tư FDI được hiểu như mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần tạo động lực cho tăng trưởng lợi nhuận, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực. Các doanh nghiệp FDI đã giúp Bolikhamxay tăng lên trong cả nước là nguồn lực quan trọng và là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp nâng cao hiệu quả của FDI đến phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bolkhamxay, CHDCND Lào

TÌNH HÌNH THU HÚT FDI TẠI TỈNH BOLIKHAMXAY GIAI ĐOẠN NĂM 2016-2023

Chính quyền tỉnh Bolikhamxay đã thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư đối với một số ngành (Điều 49 Luật khuyến khích đầu tư 2009). Các ngành được khuyến khích đầu tư gồm: nông nghiệp, công nghiệp, thủ công và dịch vụ. Căn cứ vào mức độ ưu tiên của chính quyền tỉnh đối với các công trình, dự án (các công trình dự án gắn liền với giải quyết nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm…).

Bảng 1: Tình hình thu hút FDI vào tỉnh Bolikhamxay Giai đoạn 2016-2023

(Chia theo các lĩnh vực hoạt động nhượng quyền)

TT

Lĩnh vực thu hút FDI

Số dự án

Giá trị

(Kíp)

Ghi chú

1

Khai khoáng

35

522.815.574.679

2

Dịch vụ

07

362.687.433.196

3

Nông nghiệp

12

913.226.281.000

4

Công nghiệp

02

20.000.000.000

5

Điện

07

1.550.561.024.000

6

Tổng

63

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bolikhamxay

Trong các lĩnh vực thu hút đầu tư FDI thì lĩnh vực điện có ưu thế nhất do tỉnh tận dụng được ưu thế về vùng miền, 07 dự án thuộc ngành điện của Tỉnh đã thu hút được 1.550.561.024.000 Kip, trong đó đầu tư tư nhân 05 dự án trị giá: 497.648.777.000 Kip.

ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THU HÚT FDI CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI Ở TỈNH BOLIKHAMXAY

Những thành tựu đạt được

Một là, vốn FDI đã bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển của Tỉnh

Giai đoạn 2016-2023, nhờ sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả và hoạt động xúc tiến đầu tư nên tỉnh Bolikhamxay đã thu hút được một số các dự án lớn vào ngành công nghiệp. Có thể kể đến một số các dự án như các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cao su, trồng cây cao su, trồng sắn và chăn nuôi, … hay các dự án được đầu tư vào ngành công nghiệp khai khoáng, và xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản. Đặc biệt phải kể đến các dự án trong ngành năng lượng – thủy điện với quy mô bình quân dự án đạt 135,4 triệu USD/dự án.

Với xuất phát điểm khá thấp của địa phương, việc thu hút được các dự án FDI với quy mô lớn sẽ có tác động quan trọng trong việc bổ sung nguồn kinh tế để phát triển.

Hai là, vốn FDI thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh

Với một lượng vốn FDI tập trung khá lớn vào ngành công nghiệp đã tạo ra tốc độ tăng trưởng và mức đóng góp đáng kể của ngành công nghiệp đối với GDP của tỉnh Bolikhamxay. Trong giai đoạn 2016-2023, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh dẫn đầu trong các ngành của Trung Lào, tuy tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chưa đạt như kỳ vọng nhưng nhờ thu hút được vốn FDI nên một số ngành, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc, chỉ theo sau tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ.

Do có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, nên đóng góp của công nghiệp vào tổng GDP tăng đáng kể, từ việc chỉ có đóng góp 26,52% vào GDP năm 2016, đến nay đã đóng góp 32,48% vào tổng GDP các tỉnh Trung Lào. Tuy nhiên, do điểm xuất phát khá thấp nên mức độ đóng góp của ngành công nghiệp vào GDP vẫn chiếm tỷ lệ chưa cao, thấp hơn so với ngành nông nghiệp và dịch vụ.

Ba là, FDI góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ, tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh các đóng góp đối với tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các dự án FDI đã góp phần đáng kể vào cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và là nguồn bù đắp quan trọng cho cân bằng vốn nhà nước.

Bốn là, FDI tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và tăng trưởng nguồn lao động của địa phương.

Những năm qua, nhờ thu hút vốn FDI và sử dụng bước đầu có kết quả đã tạo điều kiện nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đóng góp vào tốc độ phát triển chung của kinh tế Trung Lào cũng như đóng góp vào tăng trưởng ngành công nghiệp Trung Lào. Các doanh nghiệp FDI đã tạo ra khối lượng đáng kể việc làm cho dân cư trong tỉnh cũng như một số địa phương lân cận, góp phần nâng cao mức sống của người dân nơi đây. Ngoài ra, với một tỷ lệ không nhỏ người dân Trung Lào được tham gia vào các công ty FDI là cơ hội lớn để đào tạo và phát triển trình độ nguồn nhân lực hiện tại cũng như trong thời gian đến.

Những khó khăn hạn chế

Mặc dù có quá trình phát triển khá dài và cũng đã đạt được những kết quả nhất định trong lĩnh vực FDI, tuy nhiên các hoạt động thu hút FDI hiện nay vẫn còn khá nhiều những khó khăn hạn chế:

– Chưa lôi cuốn được các doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh.

– Các dự án hiện tại chủ yếu đến từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan… chưa thu hút được các dự án từ các nước có trình độ phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ hay các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản.

– Các dự án thu hút vào ngành công nghiệp mới chỉ tập trung nhiều vào các nghề như khai khoáng, thủy điện. Các kế hoạch về các ngành công nghiệp cơ khí, các ngành sản xuất chế biến khác còn khá hạn chế. Ít có các dự án công nghiệp công nghệ cao.

– Chưa có khung chính sách hoàn thiện cho công tác thu hút, quản lý chặt chẽ đối với các doanh nghiệp FDI.

– Số người làm việc trong các doanh nghiệp FDI là lao động không có bằng cấp/chứng chỉ đào tạo vẫn còn ở mức rất cao.

– Bên cạnh nhiều doanh nghiệp FDI chấp hành tốt pháp luật lao động của, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, trong đó đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, vi phạm luật pháp lao động, trốn đóng, nợ không đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động, chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

(1) Bổ sung và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội để FDI phát huy tác động tích cực

Trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Bolykhamxay cần quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội việc đưa ra chiến lược rõ ràng, hợp lý hợp thời là vô cùng quan trọng nhất là đối với những người có vốn tài chính ít. Theo đó, cần quan tâm đến các vấn đề sau:

Một là, tiếp tục quy hoạch các dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trọng điểm của tỉnh.

Với mục tiêu tạo sự lan tỏa về công nghệ, trình độ quản lý, một quy hoạch tổng thể phải xác định rõ mục đích thu hút FDI của từng giai đoạn, phù hợp với chiến lược của Nhà nước. Quy hoạch được thực hiện theo lộ trình và song song với lộ trình ấy là xác định mũi nhọn và lựa chọn thị trường để xúc tiến. Quy hoạch phải lựa chọn các mũi nhọn để thu hút FDI. Đầu tiên là những ngành nghề, sản phẩm mang tính chất lan tỏa về mặt công nghệ và trình độ quản lý, như: công nghiệp phụ trợ, dịch vụ chất lượng cao…, bởi đó là những ngành, lĩnh vực mà trong cơ cấu kinh tế đang cần đổi mới để góp phần vào tăng trưởng cho tỉnh Bolikhamxay. Trong các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội phải xác định được các chương trình và dự án đầu tư ưu tiên trong đó có danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hai là, triển khai các kế hoạch thu hút và sử dụng vốn FDI chính xác, hiệu quả hơn. Đổi mới kế hoạch gọi vốn FDI của tỉnh, của từng địa phương, của từng ngành. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng miền, lĩnh vực, ngành đến năm 2025 và cần triển khai kế hoạch thành các quy hoạch cụ thể về lĩnh vực, ngành. Đặc biệt là điều chỉnh kế hoạch thu hút FDI của từng ngành, lĩnh vực, vùng miền một cách rõ ràng.

(2) Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thu hút FDI

Tỉnh Bolikhamxay cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết trong thu hút vốn, tạo môi trường đầu tư chung, cơ sở hạ tầng chung, “phân công, phân vai” giữa các địa phương trong liên kết ngành, lĩnh vực, vùng miền để tạo nên sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp đầu tư. Liên kết được ngành, lĩnh vực, vùng miền được xem là giải pháp có tính chiến lược nhằm đẩy mạnh mẽ thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI vào tỉnh Bolikhamxay.

Tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với FDI. Sự quản lý của Nhà nước đối với FDI là hết sức cần thiết, nó giúp cho hoạt động này diễn ra một cách có trật tự, bảo vệ được lợi ích cho nhà đầu tư và lợi ích phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bolikhamxay trong tiếp nhận FDI. Chính quyền tỉnh cần nhanh chóng đổi mới bộ máy thực hiện đầu tư nước ngoài theo phương hướng đơn giản hoá, gọn nhẹ có hiệu lực cao. Làm rõ nội dung quản lý Nhà nước đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở chiến lược, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của toàn bộ nền kinh tế, xác định cơ cấu FDI theo ngành, theo vùng, theo thành phần kinh tế và theo thị trường. Quản lý chặt chẽ việc nhập thiết bị, chuyển giao công nghệ, tránh để nhập thiết bị, công nghệ đã hoặc sẽ nhanh lạc hậu. Cần có những qui định về chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp FDI. Quản lý lao động tiền lương, trả công cho người lao động đối với các doanh nghiệp FDI.

Tạo ra sự thuận lợi của nhà đầu tư khi tiếp cận các thủ tục hành chính, cần minh bạch qui trình giải quyết công việc: trình tự, thủ tục, thời hạn, người có thẩm quyền giải quyết…; cung cấp đầy đủ các thông tin khi người dân có yêu cầu; công chức có thái độ đúng mực; đảm bảo về phòng ốc, phương tiện làm việc.

Nâng cao cao trách nhiệm của viên chức, công chức, cơ quan quản lý nhà nước trước chủ đầu tư; đảm bảo sự tôn trọng dành cho nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước; quan tâm hơn nữa các ý kiến phản hồi của người dân phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật và đạo đức công vụ. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xem đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của nhà đầu tư. Thực hiện việc ông bố công khai các thủ tục (các loại giấy tờ, biểu mẫu) và quy trình giải quyết công việc, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định.

Làm tốt công tác cán bộ, công chức; thông qua việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, xác định rõ những người đủ và không đủ tiêu chuẩn. Có chính sách thích hợp đối với những người không đủ tiêu chuẩn phải đưa ra khỏi bộ máy. Hiện đại hóa nền hành chính. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính, của cán bộ, công chức, đặc biệt là kỹ năng hành chính và áp dụng phần mềm truyền thông vào hoạt động của cơ quan hành chính.

(3) Tăng cường hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư

Hệ thống xúc tiến FDI của tỉnh Bolikhamxay hiện nay còn manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu tính chủ động, cần phải tổ chức lại theo hướng; Chú trọng hơn nữa việc nghiên cứu thị trường, chính sách đầu tư của các nước, các công ty, tập đoàn lớn để có chính sách tiếp cận và thu hút tài chính thích hợp. Thực hiện tốt hoạch định một chiến lược xúc tiến thương mại nhằm đáp ứng được nhu cầu của mục tiêu ổn định và phát triển kinh kinh tế – xã hội. Tổ chức mạnh mạng lưới xúc tiến đầu tư ở một số nước, khu vực trọng yếu như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, EU… nhằm cung cấp kịp thời thông tin, môi trường FDI của mình đến với họ nhanh nhất, chính xác nhất.

(4) Tạo niềm tin, sự an toàn cho các nhà đầu tư

Bolikhamxay phải tập trung vào nâng cao trình độ dân trí, tiêu chuẩn chuyên môn, tay nghề và rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật lao động theo tác phong công nghiệp. Để hiện thực yêu cầu này, tỉnh Bolikhamxay cần quan tâm thức đẩy phát triển đào tạo nghề, đào tạo nghề có vai trò rất lớn đối với nâng cao trí lực nguồn nhân lực của tỉnh Bolikhamxay, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bolikhamxay và môi trường hấp dẫn cho công tác thu hút FDI. Đồng thời, cần có những chính sách và giải pháp đồng bộ trong phát triển giáo dục – đào tạo nhằm hướng tới hình thành một nguồn nhân lực có tri thức và thể chất đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh.

Tỉnh Bolikhamxay cần ưu tiên các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, viện trợ phi Chính phủ (NGO) đầu tư vào các đề án hạ tầng vật chất, kỹ thuật. Mặt khác, tỉnh Bolikhamxay cũng cần khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong lúc này cần đặc biệt lưu tâm việc nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng như mạng viễn thông, hệ thống internet, hệ thống cấp điện, cấp nước, sân bay, kho bãi, hạ tầng đối với các khu công nghiệp.

Cần đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch, chú trọng phân tích thay đổi phát triển khu công nghiệp, phân kỳ thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể phù hợp với điều kiện phát triển, nhu cầu chỉ định và khả năng thu hút nguồn đầu tư.

Kiện toàn bộ máy và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho các “khu chế xuất, khu công nghiệp”, theo hướng phát huy những thành tựu đã đạt được trong thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ”, đồng thời xác định đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước các cấp, cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ công chức, đảm bảo tính gọn, hiệu lực và có hiệu quả như mong muốn.

(5) Đổi mới chất lượng nguồn nhân lực để khai thác hiệu quả tác động tối đa của FDI đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương

Để phát triển đầu tư tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, kỹ năng quản trị, chất lượng lao động có tay nghề từ khu vực FDI cần hoàn thiện thị trường lao động đảm bảo môi trường phù hợp cho việc dịch chuyển sản xuất linh hoạt giữa khu vực trong nước và khu vực FDI, đặc biệt là có các điều chỉnh sửa đổi ưu tiên hữu hiệu để thu hút nguồn lao động đật chất lượng cao, chuyên gia từ khu vực có vốn FDI vào làm việc trong khu vực công và các doanh nghiệp trong nước.

(6) Hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài để kiểm soát các tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh

Tăng cường việc Nhà nước quản lý đối với hoạt động của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là việc quản lý dự án FDI sau cấp giấy phép đầu tư. Phối hợp với các ban, ngành có liên quan để kịp thời giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư, nhất là các vướng mắc khó khăn trong lĩnh vực đất đai, môi trường…

Có một chương trình quản lý và bảo vệ môi trường một cách đồng bộ, hiệu quả từ việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân, trong các đơn vị, đến việc xây dựng tiêu chuẩn quy định và các điều kiện phương tiện để quản lý và giữ gìn bảo đảm ô nhiễm môi trường tốt nhất với các khu công nghiệp, đặc biệt là giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, và nghĩa vụ đóng góp với nhà nước theo quy định.

Hằng năm phải tổ chức cuộc gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài để đánh giá hiệu quả hoạt động của các nguồn FDI đến tăng trưởng hợp tác kinh tế – xã hội của tỉnh.”Tiếp thu những kiến nghị của doanh nghiệp nước ngoài về các nội dung phát sinh cần giải quyết, đặc biệt là hoạt động của các cấp chính quyền làm cơ sở cho cải cách hành chính trong quản lý và nâng cao hiệu quả của FDI.

Công tác kiểm tra, thanh tra cần thực hiện chủ động, có kế hoạch, có phương pháp xử lý linh hoạt, mềm dẻo, tạo ra sự công bằng, minh bạch, làm tốt công tác này sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với FDI ở tỉnh Bolikhamxay.

Các hình thức trong tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát nhất là nguyên nhân xây dựng và thực hiện cơ chế điều hành của nhà nước, kiểm tra, giám sát tài chính của các doanh nghiệp, các dự án nhằm “chống chuyển giá”. Hoàn thiện các quy trình quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát xây dựng và thực hiện chính sách đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư, thường xuyên kiểm tra, rà soát phân loại các dự án FDI đã được cấp giấy phép đầu tư.

Các chính quyền, các ban ngành đã liên quan phải tăng cường năng lực thể chế, hoàn thiện cơ sở pháp lý, kiện toàn bộ máy và phân công rõ ràng, trách nhiệm cá nhân cụ thể, tăng cường kết nối và kiểm tra theo quy trình đồng bộ trong công tác lao động và bảo vệ môi trường, điều chỉnh và cụ thể hóa các chính sách, cơ chế hoạt động, quy trình tiếp nhận, xử lý tranh chấp, với các chế tài nghiêm khắc nhất nhằm nhận diện và loại trừ nhanh chóng, kiên quyết những hành vi vô cảm, vô trách nhiệm, vô đạo đức và những biểu hiện phi nhân văn, ích kỷ; đồng thời hỗ trợ tích cực cho các tổ chức xã hội, bảo vệ người lao động có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Để hạn chế tình trạng chuyển giá này cần tập trung thực hiện hiệu quả vào một số giải pháp như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Kiện toàn bộ máy. Áp dụng phương pháp định giá.Chính quyền tỉnh Bolikhamxay và các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng điều chỉnh khoảng cách về các lựa chọn thuế giữa các ngành nghề ở địa phương trên địa bàn tỉnh Bolikhamxay./.

Tài liệu tham khảo:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bolikhamxay (2016-2023), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư các năm, từ năm 2016 đến 2023.

2. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savanakhet, Một vài nét về tỉnh Bolikhamxay.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bolikhamxay (2020), Tổng kết đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ VII giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch năm 2021 – 2025 của tỉnh Bolikhamxay, Viêng Chăn.

4. Uỷ ban nhân dân huyện Pakxan (2020), Báo cáo tổng kết giai đoạn (2016-2020), báo cáo kế hoạch giai đoạn (2020-2025) và Báo cáo tổng kết năm 2021, 2022, 2023

Ngày nhận bài: 10/10/2024; Ngày phản biện: 20/10/2024; Ngày duyệt đăng: 24/10/2024