Từ khóa: kinh nghiệm, phát triển du lịch, du lịch làng nghề, Duyên hải miền Trung, xu thế hội nhập
Summary
The Central Coast is one of the typical regions in developing craft village tourism. In recent times, the development of craft villages in the Central Coast provinces has promoted the strengths of localities, created jobs, raised income, and improved and enhanced the lives of a part of the local people. The article analyzes the potential and current status of craft village tourism development in the Central Coast, pointing out limitations; thereby proposing solutions in the future.
Keywords: experience, tourism development, craft village tourism, Central Coast, global integration trend
GIỚI THIỆU
Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều Vùng lựa chọn trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch, trong đó có duyên hải miền Trung. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho địa phương mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; đồng thời, cũng là một phương thức giới thiệu sinh động về mỗi vùng, miền trong việc xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế. Khi các vùng kinh tế cùng đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, du lịch làng nghề Việt Nam sẽ trở thành ngành mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh và ngày càng bền vững.
Vùng Duyên hải miền Trung gồm có 5 tỉnh và thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quãng Ngãi, Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng) và 4 tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Thời gian qua, Vùng đã quan tâm phát triển du lịch làng nghề truyền thống, bước đầu đạt được những thành quả quan trọng. Từ bài học thành công phát triển du lịch làng nghề trong xu thế hội nhập của Vùng, gợi mở những giải pháp hay cho các vùng khác trong cả nước nhằm đưa du lịch làng nghề trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
THẾ MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG NGHỀ CỦA DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG TRONG XU THẾ HỘI NHẬP
Duyên hải miền Trung có tiềm năng và lợi thế so với nhiều vùng trong cả nước về phát triển du lịch làng nghề trong xu thế hội nhập. Nằm trên dải đất hẹp theo chiều Đông – Tây, nhưng Vùng lại có vị trí địa lý thuận lợi và quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, là cửa ngõ ra biển của tuyến Hành lang kinh tế – du lịch Đông Tây (WEC) nối với đường hàng hải quốc tế. Vùng Duyên hải miền Trung là nơi hội tụ đầy đủ các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, với vị trí nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, “Con đường di sản miền Trung”, hành lang du lịch Đông – Tây. Nét đặc trưng của Vùng là sự đa dạng của các giá trị văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh và đặc biệt các di tích văn hóa, lịch sử được coi là tiềm năng quan trọng để phát triển các loại hình du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Với chiều dài bờ biển trên 1.400 km, Vùng có nhiều bãi tắm đẹp hàng đầu thế giới trải dài từ Quảng Trị tới Bình Thuận. Ven biển là hệ thống các đảo có giá trị về tự nhiên, lịch sử và văn hóa hấp dẫn du lịch (Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý). Vùng còn là nơi tập trung của nhiều di tích lịch sử, văn hóa, và 08 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận (Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca bài chòi miền Trung, Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế). Tại các điểm du lịch, các làng nghề truyền thống cũng phát triển mạnh, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Làng nghề truyền thống đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch của Vùng. Trong đó, hàng thủ công truyền thống là một phần quan trọng của du lịch làng nghề, phản ánh đặc sắc văn hóa bản địa, hấp dẫn du khách. Xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công truyền thống thông qua việc bán cho du khách quốc tế đã mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ. Điển hình trong việc phát triển du lịch làng nghề là: Làng đá Non Nước (Đà Nẵng); làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế (Quảng Nam); làng thêu Thuận Lộc, làng nón Phú Cam, (Thừa Thiên Huế); Làng Nón ngựa Gò Găng; Lụa đậu tư Nhơn Ngãi (Bình Định)…
Vùng còn có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển nhanh và đồng bộ, kết nối với hành lang kinh tế Đông – Tây khu vực Đông Nam Á và liên thông với quốc tế. Lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông cho phép Vùng thực hiện liên kết du lịch thuận lợi với các vùng khác trong nước và đón du khách quốc tế đến thăm quan. Trong đó, hàng không có 6 sân bay, hàng hải có 7 cảng biển quốc tế. Trên bộ, Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch kết nối các địa phương trong Vùng cũng như kết nối Vùng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và lan tỏa đi các vùng trong cả nước. Cùng với đó, hạ tầng các cơ sở lữ hành, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch của Vùng cũng khá hoàn thiện.
Không chỉ có thế mạnh về tự nhiên, văn hóa, hạ tầng, Vùng còn có thế mạnh về nguồn lực con người. Duyên hải miền Trung chiếm 11,36% dân số trên cả nước với hơn 10 triệu người và mật độ dân số là 204,4 người/km2. Đa số dân cư phân bố trải rộng theo tuyến Quốc lộ 1A và vùng đồng bằng ven biển. Tại các làng nghề, cư dân khá đông đúc, tạo ra nguồn lao động dồi dào phát triển nghề và du lịch làng nghề. Nhân dân trong Vùng có truyền thống cần cù, vượt khó, dám nghĩ dám làm, khéo léo trong chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Lực lượng lao động trẻ tại các địa phương đang được đào tạo ngày càng nhiều, nhất là về nghiệp vụ du lịch lữ hành, hướng dẫn viên và nghệ nhân, thợ thủ công truyền thống. Khả năng sử dụng ngoại ngữ trong tiếp đón khách quốc tế của Vùng khá cao, nhất là ở các địa phương, như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG NGHỀ CỦA DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều địa phương trong Vùng đã quan tâm phát triển du lịch làng nghề, kết hợp phát triển du lịch làng nghề với các loại hình du lịch khác. Cụ thể, nhiều tỉnh, thành đã quan tâm đến tour du lịch làng nghề, xem đây là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tham quan, thẩm thấu các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống. Điển hình như tỉnh Thừa Thiên Huế có có 69 làng nghề có thể phát triển thành các tour du lịch làng nghề truyền thống với nét đặc trưng riêng (làng gốm Phước Tích, làng thêu Thuận Lộc, làng nón Phú Cam, đúc đồng Phường Đúc, điêu khắc Mỹ Xuyên, đan lát Bao La). Các festival nghề truyền thống nơi đây là dịp phô diễn, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là điểm nhấn để hình thành tour du lịch làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, toàn Vùng nói chung. Còn tỉnh Quảng Nam, khi tiến hành phát triển du lịch làng nghề, đã xây dựng mô hình “Làng rau Trà Quế” (thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP. Hội An) thành sản phẩm du lịch làng nghề đặc sắc. Với sản phẩm tour “Một ngày làm cư dân phố cổ” ra đời, từ năm 2003 nhiều du khách nước ngoài đã đến thăm Trà Quế và rất hứng thú khi được trực tiếp tham gia trải nghiệm trồng rau với các nhà vườn.
Những sản phẩm của làng nghề vùng Duyên hải miền Trung tìm được đầu ra nhờ có giá thành phù hợp, mẫu mã đa dạng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đây là một thành công khiến cho hàng Việt Nam truyền thống có thể đến với những thị trường khó tính, như: Mỹ và châu Âu. Mặt khác, vấn đề đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm làng nghề truyền thống của Vùng đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Các cơ sở sản xuất tại làng nghề đã nghiên cứu thị trường từng đối tượng du khách để sản xuất ra những sản phẩm có mẫu mã, màu sắc phù hợp, trước mắt là tổ chức bán hàng sản phẩm thủ công truyền thống tại các điểm du lịch. Đồng thời, củng cố và phát triển sản xuất ngành hàng thủ công mỹ nghệ theo hướng hiện đại trong các làng nghề để vừa bảo đảm tính truyền thống, vừa đáp ứng tốt thị hiếu của du khách, nhất là du khách quốc tế.
Nhờ sự trợ giúp của chính quyền các địa phương, một số doanh nghiệp làng nghề trong Vùng đã chủ động thực hiện các biện pháp liên kết, liên doanh, khảo sát, áp dụng công nghệ mới để phát triển. Đồng thời, giải quyết vấn đề vốn, phát triển các vùng nguyên liệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm, hiện đại hóa công nghệ truyền thống, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác tốt thị trường quốc tế.
Việc đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch làng nghề cũng được các địa phương trong Vùng chú trọng. Hoạt động của tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam hợp tác với các địa phương ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023 với mục tiêu “Kết nối cộng đồng làng nghề – Bảo tồn văn hóa – Phát triển du lịch – Hội nhập quốc tế” đã giúp các làng nghề tăng tính hợp tác phát triển về nguyên liệu, mẫu mã mới, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và xuất khẩu qua các hội chợ triển lãm, lễ hội. Quá trình trao đổi kinh nghiệm, hợp tác cũng tạo sức sống mới để làng nghề các địa phương trong cả nước nói chung, trong Vùng nói riêng trở thành những điểm tham quan du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển du lịch làng nghề của Vùng cũng đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đó là: Mối liên kết toàn diện trong phát trỉển du lịch của Vùng và giữa các địa phương trong Vùng chưa bền chặt; chưa nhiều tiếng nói chung giữa các đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch; chưa khai thác hết tiềm năng thu hút du khách. Chất lượng dịch vụ có địa phương chưa cao, hiệu suất sử dụng nơi lưu trú còn thấp. Việc đầu tư, tổ chức khai thác tuyến du lịch làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế…
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG NGHỀ VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
Thực trạng phát triển du lịch làng nghề của trong thời gian qua đòi hỏi chính quyền các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung cần có những giải pháp hiệu quả nhằm phát triển hơn nữa du lịch làng nghề; theo đó, cần:
Thứ nhất, tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch làng nghề đặc trưng chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu du khách.
Để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, các địa phương cần quản lý chất lượng dịch vụ du lịch làng nghề từ khâu chuyên chở, phục vụ, đón tiếp đến hướng dẫn và điều hành, đồng thời có biện pháp hữu hiệu loại bỏ các tệ nạn trong khu vực làng nghề, lễ hội. Bên cạnh đó, xây dựng từng loại hình du lịch phù hợp, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách du lịch.
Thứ hai, cần gắn phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề với di sản, lễ hội, tham quan; phát triển du lịch làng nghề gắn với du lịch cộng đồng.
Lãnh đạo, chính quyền các địa phương cần thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu thị trường để nắm bắt đặc điểm, thị hiếu từng thị trường, từ đó có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch làng nghề phù hợp. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, địa phương nên khuyến khích các làng nghề tạo thêm nhiều sản phẩm mới gắn với di sản, lễ hội nhằm đáp ứng thị hiếu của du khách. Đồng thời, ban hành và cụ thể hóa chính sách công nhận, tôn vinh nghệ nhân, tổ nghề, sản phẩm, dịch vụ kiểu mẫu; tôn vinh lễ hội nghề truyền thống, hội làng và khuyến khích những thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống gắn với du lịch. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng các cơ sở trưng bày, giới thiệu về làng nghề và các sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm quảng bá hình ảnh của làng nghề, thúc đẩy loại hình du lịch làng nghề phát triển.
Ngoài ra, cần gắn kết phát triển du lịch làng nghề với loại hình du lịch cộng đồng, tạo sức mạnh tổng hợp đưa du lịch làng nghề trở thành loại hình du lịch thế mạnh, hiệu quả. Hình thức du lịch cộng đồng vùng Duyên hải miền Trung khá phát triển, trở thành loại hình du lịch đặc thù. Đây là hình thức du lịch tham quan, khám phá cư dân bản địa cùng những nét độc đáo của văn hóa, ẩm thực vùng ngoại ô, nông thôn, đặc biệt là làng chài ven biển, vùng dân tộc ít người. Loại hình này đang thu hút nhiều du khách quốc tế nhờ nét thuần phác của dân cư địa phương với nhiều yếu tố văn hóa, ẩm thực khác biệt. Du lịch cộng đồng có mối quan hệ chặt chẽ đối với du lịch làng nghề bởi thường chung một không gian sinh tồn và phát triển. Do đó, phát triển du lịch làng nghề gắn với du lịch cộng đồng là một trong những hướng đi đúng, đặc trưng, mang lại hiệu quả cao của Vùng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác quảng bá thương hiệu và xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch làng nghề.
Việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và hình ảnh sẽ đem lại thành công cho các địa phương phát triển du lịch làng nghề trong xu thế hội nhập. Do đó, các địa phương trong Vùng cần:
– Tăng cường hoạt động marketing để giới thiệu du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề. Xây dựng chương trình tuần lễ du lịch làng nghề, đẩy mạnh quảng bá quốc tế để thu hút du khách. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch địa phương có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm; quảng bá thương hiệu du lịch làng nghề đến bạn bè quốc tế.
– Tập trung các nguồn lực để đầu tư hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó chú trọng các thị trường trọng điểm quốc tế, xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch.
– Xây dựng các trung tâm quảng bá, xúc tiến du lịch và hỗ trợ du khách tại các làng nghề.
– Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa trong quảng bá, xúc tiến du lịch; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện các hoạt động quảng bá du lịch liên quan đến các sự kiện lớn, chương trình quảng bá trên các kênh thông tin, truyền hình, hãng phim quốc tế.
– Ứng dụng chuyển đổi số có thể đem lại nhiều giá trị, như: quảng bá hình ảnh, sản phẩm làng nghề đến với cộng đồng quốc tế với chi phí tiết kiệm nhất; quảng bá sản phẩm sống động nhất; quản lý làng nghề trực quan nhất.
Thứ tư, tập trung đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch làng nghề
Nguồn nhân lực luôn có vai trò quan trọng cốt lõi trong phát triển du lịch làng nghề, nhất là khi đẩy mạnh hội nhập. Do đó, các địa phương cần tập trung hỗ trợ, đào tạo nghệ nhân, thợ thủ công trẻ cho các làng nghề. Tận dụng nguồn quỹ khuyến công của địa phương để mở các lớp đào tạo nghề cho thợ trẻ nhằm gìn giữ nghề truyền thống cho các làng nghề lâu đời.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động tại làng nghề nâng cao kỹ năng quản lý, chuyển đổi số, kiến thức kinh doanh. Chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường nghiên cứu, kết hợp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực truyến. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp ứng xử văn minh, thân thiện với du khách; bảo vệ hình ảnh, môi trường du lịch gắn với phát triển làng nghề, góp phần phát triển du lịch bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch làng nghề ở địa phương. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng giao tiếp của người dân với khách du lịch nước ngoài.
Ngoài ra, nên huy động các nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm cho những người phục vụ du lịch làng nghề. Đồng thời, tập trung bồi dưỡng nâng cao khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư. Xây dựng văn hóa du lịch để mỗi người dân là một hướng dẫn viên. Để duy trì được các làng nghề, ngoài việc lưu giữ nét độc đáo truyền thống của làng nghề, người dân và chính quyền địa phương cần luôn tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ đa dạng để có thể thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế./.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung, UBND tỉnh Khánh Hòa (2013), Kỷ yếu Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch vùng Duyên hải miền Trung.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định 801/QĐ-TTg, ngày 07/7/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
ThS. Vũ Đình Thuận
Nghiên cứu sinh, Hệ 5, Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)