Võ Văn Bản
Lê Văn Thẩm
Trần Thị Xuân Châu
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu được thu thập từ số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Các khu chế xuất, Khu công nghiệp (KCN) TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) và kết quả khảo sát của nhóm tác giả đối với 321 chủ thể doanh nghiệp, nhà quản lý, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ở các KCN trên địa bàn Thành phố. Thông qua các phương pháp xử lý dữ liệu, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, thực trạng thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các KCN. Từ đó, đề xuất một số giải pháp cần thiết để thu hút và phát triển nhân lực chất lượng cao ở các KCN tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ khóa: thu hút, phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, khu công nghiệp, TP. Hồ Chí Minh
Summary
The study was conducted based on data collected from the Department of Planning and Investment of Ho Chi Minh City, the Management Board of Ho Chi Minh City Export Processing and Industrial Zones Authority (HEPZA), and the results of the author’s survey of 321 business entities, managers, and employees working at enterprises in industrial parks in the city. The data was analyzed, and the research results show the current situation, limitations, and shortcomings of attracting and developing high-quality human resources in industrial parks. On that basis, this study proposes several necessary solutions to attract and develop high-quality human resources in Ho Chi Minh City’s industrial parks in the context of international integration.
Keywords: attracting, developing, high-quality human resources, industrial parks, Ho Chi Minh City
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng là năng lực nội sinh, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, nguồn nhân lực ở TP. Hồ Chí Minh có những bước đột phá cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, so với các trung tâm kinh tế khác trong cùng khu vực thì năng suất lao động ở của TP. Hồ Chí Minh vẫn còn chênh lệch. Vì vậy, trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế, Cách mạng công nghiệp 4.0 cần có những giải pháp phù hợp để thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế phát triển cả nước và vùng Đông Nam Bộ, cùng với tỉnh Bình Dương và Đồng Nai trở thành trung tâm sản xuất phía Nam của nước ta. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP. Hồ Chí Minh trong 2022, 2023 đặt mức tăng trưởng là 14,2% và 4,3%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 42,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,8%. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh có sự thay đổi tăng hàng năm. Trong 2 năm (2022, 2023), số doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 31/12 hàng năm lần lượt là 447.4255 và 564.650 [3] [5].
Với mật độ doanh nghiệp cao và số lượng các KCN phát triển nhiều, cho thấy tiềm năng phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới [2]. Việc phát triển nhân lực lao động tại TP. Hồ Chí Minh về lâu dài mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước. Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng về thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các KCN tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, qua đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng mục tiêu trên.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ số liệu thứ cấp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Ban quản lý Các khu chế xuất, Khu công nghiệp (KCN) TP. Hồ Chí Minh (HEPZA). Bên cạnh đó, kết nhóm tác giả cũng tiến hành khảo sát đối với 400 chủ thể doanh nghiệp, nhà quản lý, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ở các KCN trên địa bàn Thành phố. Kết quả thu được 321 phiếu khảo sát hợp lệ được đưa vào phân tích dữ liệu. Thời gian khảo sát được tiến hành từ ngày 15/5/2024 đến ngày 15/6/2024.
THỰC TRẠNG VỀ THU HÚT VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO Ở CÁC KCN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Trong bối cảnh kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, nhất là giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh với nhiều công việc hoàn toàn mới và khó, TP. Hồ Chí Minh càng đặc biệt chú trọng việc xây dựng, phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tâm huyết và làm việc tại tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là tại các KCN trên địa bàn Thành phố.
Tính đến ngày 30/6/2024, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện đang có 23 KCN với tổng diện tích là 5.921,15 ha đang hoạt động thuộc đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề, như: KCN Tân Phú Trung, KCN An Hạ, KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Tạo, KCN Bình Chiểu… với hàng nghìn các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh [3]. Theo Ban quản lý Các khu chế xuất, KCN TP. Hồ Chí Minh (HEPZA), tính đến hết ngày 31/3/2024, tổng vốn đầu tư FDI thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 191,93 triệu USD, đạt 34,90% kế hoạch năm, tăng 112,12% so với cùng kỳ năm ngoái (90,48 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 của khu chế xuất, KCN ước đạt 2,17 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lao động làm việc khoảng 277.000 người, tăng 10% so với cuối năm ngoái [3]. Nếu các KCN của Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển dần từ việc sản xuất tận dụng các yếu tố đầu vào (vốn, lao động, tài nguyên) về mặt số lượng sang giai đoạn sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, thì các KCN ở TP. Hồ Chí Minh đã chuyển sang giai đoạn đạt ngưỡng hiệu quả do yếu tố đầu vào vì thu nhập bình quân đầu người tại TP. Hồ Chí Minh gấp đôi với mức trung bình của cả nước, đạt 5.000-6.000 USD/người. Vai trò động lực góp phần tăng trưởng từ yếu tố đầu vào và hiệu quả của TP. Hồ Chí Minh chiếm 90%, trong đó yếu tố đổi mới sáng tạo góp phần tăng trưởng địa phương đạt 10% [3]. Nói cách khác, TP. Hồ Chí Minh đã bước sang giai đoạn hậu công nghiệp, là giai đoạn hiệu quả các yếu tố đầu vào và bước đầu chuyển tiếp sang giai đoạn đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là giai đoạn thách thức cho các doanh nghiệp trong các KCN của TP. Hồ Chí Minh nếu không đổi mới công nghệ, cũng như các KCN không đầu tư phát triển các yếu tố bền vững về cơ sở hạ tầng xã hội trong KCN. Hệ quả có thể là giai đoạn này sẽ chuyển đổi chậm và thời gian hậu công nghiệp kéo dài, dẫn đến sự kém hiệu quả cho bản thân doanh nghiệp và các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là không tạo ra động lực tăng trưởng mới cho TP. Hồ Chí Minh từ công nghiệp trong 10-20 năm tới.
Trong giai đoạn vừa qua, TP. Hồ Chí Minh muốn tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nguồn chất xám trong và ngoài nước, đặc biệt là đội ngũ trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài tham gia nghiên cứu, tư vấn cho Thành phố trong các lĩnh vực hoạch định chiến lược và phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn tại các KCN của Thành phố.
Bảng 1: Cơ cấu lao động của các KCN tại TP. Hồ Chí Minh
năm 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm 2024
Nguồn: Ban Quản lý Các khu chế xuất, KCN TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) (2024) |
Thực tế trong thời gia vừa qua, lực lượng lao động tại các KCN ở TP. Hồ Chí Minh đa phần là lao động ngoại tỉnh với trình độ chủ yếu là lao động phổ thông (Bảng 1 và Bảng 2). Trong xu hướng đầu từ của các doanh nghiệp nước ngoài tại các KCN trên địa bàn Thành phố hiện nay, thì việc lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI là chủ yếu. Tuy nhiên, với xu hướng hội nhập kinh tế của Thành phố ngày càng sâu rộng, thì yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các KCN bảo đảm có thể làm chủ được công nghệ và dây chuyền sản xuất đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn khu vực và quốc tế là không thể không thực hiện.
Bảng 2: Trình độ học vấn của lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Đơn vị: %
Nguồn: Ban Quản lý Các khu chế xuất, KCN TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) (2024) |
Bảng 2 cho thấy, cơ cấu trình độ lao động tại các KCN tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng lên ở trình độ đại học, cao đẳng và trên đại học. Nguyên nhân chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh với vai trò là một trong 2 trung tâm đào tạo lớn nhất cả nước với khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có trụ sở hoặc phân hiệu đóng trên địa bàn Thành phố, nên nguồn cung nhân lực chất lượng cao được đảm bảo, việc thu hút nguồn lực sẽ chủ yếu xuất phát từ phía các doanh nghiệp với các chính sách và yêu cầu phù hợp.
Kết quả khảo sát ở Hình về các tiêu chí đã thu hút họ về làm việc trong các KCN cho thấy, tiêu chí “Chính sách đãi ngộ và cơ chế tuyển dụng mở” với 82,11% người lựa chọn, tiếp đến là “Mức lương cao” với 72,12% và ngoài ra các tiêu chí khác liên quan, như: “Môi trường và điều kiện làm việc”, “Cơ hội thăng tiến và phát triển sự nghiệp”…, cũng là những tiêu chí mà người lao động lựa chọn. Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp Những cơ chế, chính sách nhằm thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đã và đang được lãnh đạo, cơ quan ban, ngành TP. Hồ Chí Minh quan tâm, chú trọng. UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5715/QĐ-UBND, ngày 21/11/2014 về Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học…, qua đó đã thu hút được một số chuyên gia đầu ngành đến làm việc. Các chính sách này về cơ bản phù hợp với các văn bản do Trung ương ban hành và tuân thủ theo quy định.
Hình: Kết quả đánh giá của người lao động về các tiêu chí thu hút nhân lực chất lượng cao vào các KCN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Đơn vị: %
Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả |
Song song với thu hút nhân lực chất lượng cao, việc phát triển triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp ở các KCN tại TP. Hồ Chí Minh cũng được quan tâm thực hiện. Chất lượng nguồn nhân lực phải xuất phát từ giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên trong những năm gần đây ở các KCN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chiếm trên 20% lực lượng lao động (không tính cao đẳng). Tuy nhiên, chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng với yêu cầu hiện tại, và khó phù hợp với sự phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Bảng 3: Kết quả đánh giá của người lao động về thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các KCN tại TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm tác giả |
Kết quả ở Bảng 3 chỉ ra, đa phần các biện pháp triển khai phát triển nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp ở các KCN trên địa bàn Thành phố thời gian qua được đánh giá ở mức trung bình với điểm trung bình từ 2,88 đến 3,15 điểm trừ biện pháp “Thông qua môi trường làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn” được đánh giá ở mức tốt.
Theo kết quả thống kê của Ban Quản lý Các khu chế xuất, KCN TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) (2024), đội ngũ nhân lực tại các doanh nghiệp trong các KCN TP. Hồ Chí Minh tính đến hết quý II/2024 là 225.924 người và trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2024, thì số lượng nhân lực đã tăng gấp gần 1,32 lần. Sự tăng lên về quy mô nhân lực là do sự tăng lên của các doanh nghiệp trong KCN cũng như yêu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp ở các KCN cũng giống như các tổ chức, doanh nghiệp khác trên địa bàn Thành phố đều thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP. Hồ Chí Minh tại Quyết định số 2673/QĐ-UBND, ngày 29/6/2023 về ban hành kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” [11] nhằm quan tâm thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh các biện pháp khác, Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực trạng với những bất cập nhất định trong các chính sách cũng như từ kết quả khảo sát khi các biện pháp phát triển nhân lực tại các doanh nghiệp trong các KCN chưa được đánh giá cao.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Nhằm thu hút và phát triển hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao ở các KCN tại TP. Hồ Chí Minh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng việc làm thông qua hợp tác khu vực và quốc tế nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào các KCN trên địa bàn Thành phố. Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng được xem là còn nhiều tiềm năng phát triển trong thương mại, dịch vụ và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Một số quốc gia Việt Nam có thể hợp tác đào tạo và đàm phán những chính sách về việc làm của nguồn nhân lực chất lượng cao, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ…, nhằm học hỏi những kinh nghiệm và áp dụng tại các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Thành phố.
Thứ hai, tăng cường hợp tác, giao lưu, trao đổi nhiều hơn giữa nhà trường, nhà doanh nghiệp và chính quyền Thành phố nhằm thống nhất chương trình giảng dạy phù hợp hơn theo định hướng bám sát thực tiễn công việc và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh gắn với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba, đổi mới các chính sách nhân sự nội bộ của các doanh nghiệp trong các KCN tại Thành phố nhằm thu hút và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, xây dựng văn hóa và môi trường doanh nghiệp. Người lao động nào cũng đều muốn làm việc cho các doanh nghiệp có danh tiếng tốt. Do đó, một doanh nghiệp có văn hóa tích cực sẽ thu hút các tài năng sẵn sàng biến nơi làm việc tiếp theo của họ thành nhà, cống hiến hết sức mình cho công việc. Đây là giải pháp quan trọng phù hợp với kết quả khảo sát của tác giả khi môi trường và điều kiện làm việc đang là điểm giữ chân người lao động tại các KCN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
Thứ năm, xây dựng chế độ đãi ngộ nhân sự tốt: Đãi ngộ nhân sự là một trong những công việc quan trọng nhất của công tác quản trị nhân lực, nó tác động lớn tới hiệu suất làm việc của người lao động trong các KCN cũng như kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng một hệ thống đãi ngộ công bằng, hiệu quả đang là yêu cầu cấp thiết của mọi doanh nghiệp.
Thứ sáu, thiết lập quy trình đào tạo chuyên nghiệp cho người lao động: Việc tối ưu năng lực và khả năng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi một người lao động lựa chọn doanh nghiệp. Đào tạo nhân sự liên tục, đều đặn sẽ giúp người lao động tiến bộ mỗi ngày, tăng động lực cũng như phát huy tối đa hiệu quả công việc. Từ đó, doanh nghiệp cũng nhận được sự phát triển tương đương./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Andalib, T. W., Darun, M. R., and Azizan, N. A. (2019), East Asian Trends of Human Resources Management: Theories of Practices, International Journal of Human Resources Development and Management, 19(2), 1-19.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Sách trắng doanh nghiệp 2023, Nxb Thống kê.
3. Ban Quản lý Các khu chế xuất, KCN TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) (2024), Báo cáo thực trạng phát triển hệ thống các KCN trên địa bàn thành phố đến hết quý I/2024.
4. Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2009), Kinh tế nguồn nhân lực, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (2024), Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện hoạt động đầu tư trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2024.
6. UBND TP. Hồ Chí Minh (2014), Quyết định số 5715/QĐ-UBND, ngày 21/11/2014 về Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học.
Ngày nhận bài: 22/7/2024; Ngày phản biện: 25/7/2024; Ngày duyệt đăng: 13/8/2024 |