Ngô Thị Ngọc Huyền
Phòng Tổ chức – Hành chính, Trường Đại học Nam Cần Thơ
ThS. Nguyễn Thị Chiểu
Khoa Du lịch và Quản trị Khách sạn – Nhà hàng, Trường Đại học Nam Cần Thơ
Email: ntngochuyen@nctu.edu.vn, nguyenchieu1606@gmail.com
Tóm tắt
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, quản lý hệ thống và tiếp cận thị trường, góp phần mang lại nhiều biến đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bài viết tập trung phân tích một số thuận lợi, cũng như những thách thức đối với hoạt động du lịch trong quá trình chuyển đổi số tại ĐBSCL, qua đó, đề xuất giải pháp nhằm góp phần khắc phục các khó khăn, thách thức và phát huy những mặt tích cực của chuyển đổi số trong hoạt động du lịch ở khu vực này.
Từ khóa: chuyển đổi số, hoạt động du lịch, Đồng bằng sông Cửu Long
Summary
In the context of globalization, digital transformation plays a crucial role in improving customer experience, system management and market access, contributing to many robust changes in the Vietnamese economy in general and the tourism industry in particular, including the Mekong Delta region. The article focuses on analyzing some advantages and challenges for tourism activities in the digital transformation process in the Mekong Delta, thereby proposing solutions to help overcome difficulties and challenges and promote the positive aspects of digital transformation in tourism activities in this region.
Keywords: digital transformation, tourism activities, Mekong Delta
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thời đại công nghệ số 4.0, còn được gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ sự phát triển và ứng dụng của công nghệ số, bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), máy học, blockchain và các công nghệ mới trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Thời đại công nghệ số cũng đi kèm với những thách thức mới cho các doanh nghiệp. Nó yêu cầu doanh nghiệp phải tự chủ động, thay đổi cách thức quản lý, lãnh đạo và hoạt động sản xuất để tận dụng được những lợi ích tốt nhất. Nếu doanh nghiệp có khả năng đưa ra các giải pháp và thay đổi phù hợp, thì có thể biến những thách thức này thành cơ hội để phát triển mạnh mẽ. Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ không ngừng tiến bộ và vươn xa hơn nữa trong tương lai.
Du lịch là một ngành công nghiệp không khói được coi là “gà đẻ trứng vàng” bởi các hoạt động từ kinh doanh du lịch đã và đang mang lại nguồn đóng góp GDP đáng kể. Ngành dịch vụ này đang đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ, nó mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả cá nhân và cộng đồng, như: tạo công ăn việc làm, tăng cường thu nhập, phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn văn hóa và môi trường, cải thiện sức khỏe, thúc đẩy giao lưu văn hóa và kéo theo các ngành nghề khác phát triển.
Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, nền kinh tế kỹ thuật số đã và đang chuyển đổi việc tương tác với khách du lịch và tiếp thị dịch vụ du lịch, đồng thời mở ra những cách thức mới và mang tính sáng tạo cao nhằm cung cấp dịch vụ du lịch hiệu quả, nâng cao trải nghiệm của du khách. Quá trình này thay đổi cách thức tổ chức công việc, xử lý các giao dịch, nắm bắt và xử lý thông tin, dữ liệu về cung và cầu du lịch. Hơn thế nữa, nó cũng giúp cải thiện và kết nối các hoạt động dọc theo chuỗi giá trị và hệ sinh thái du lịch.
Hiện nay, mô hình kinh doanh du lịch hiện đại và các kênh đại lý du lịch trực tuyến ngày càng phát triển. Ngoài ra, thị trường du lịch đang ngày càng có sự cạnh tranh mạnh mẽ với những thay đổi công nghệ tạo ra xu hướng mới, như: phát triển fanpage mạng xã hội, website riêng giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, cũng như tạo ra sự kết nối, tương tác tốt với khách hàng trên bất kỳ nền tảng trực tuyến nào. Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và đang tiếp cận nhanh chóng với công nghệ để phát triển các loại hình du lịch số, du lịch thông minh, góp phần tạo ra sản phẩm mới hấp dẫn, thu hút du khách. Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu về thực tiễn chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại khu vực ĐBSCL là rất cần thiết nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, kích thích sự tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương trong thời gian tới.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nhóm tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu phân tích, thống kê, so sánh và tổng hợp để phân tích thực trạng về chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngành du lịch ĐBSCL. Các số liệu phục vụ cho nghiên cứu được thu thập từ dữ liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Cục Thống kê các tỉnh ĐBSCL, Hiệp Hội du lịch ĐBSCL, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh ĐBSCL, sách chuyên ngành và các kênh internet.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC LỮ HÀNH TẠI ĐBSCL
Thực trạng hoạt động du lịch ĐBSCL
ĐBSCL là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông, có vị trí nằm liền kề vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông. Là khu vực kinh tế – văn hóa đặc biệt quan trọng của vùng phía Nam đất nước, với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đây là vùng châu thổ phì nhiêu, được bồi đắp phù sa của sông Cửu Long. ĐBSCL có diện tích 40.518 km2, dân số hơn 18 triệu người, với 4 dân tộc chính là: Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Điều này đã hình thành cho ĐBSCL một hệ sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn. Ngoài nguồn lương thực, ĐBSCL còn có nguồn lợi về cây ăn quả, thủy – hải sản xuất khẩu với trữ lượng lớn và đa dạng về chủng loại. Đây là vùng đất mới trù phú, cảnh quan xinh đẹp, cây trái tốt tươi quanh năm.
Với những đặc điểm về vị trí địa lý, kinh tế – xã hội nói trên, khu vực ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh về du lịch. Vùng đã hình thành các điểm du lịch có tầm cỡ quốc gia, như: điểm du lịch Cần Thơ mang sắc thái của vùng Tây Đô, điểm du lịch sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau, vùng Đồng Tháp Mười, du lịch trên đảo Phú Quốc… có thể khai thác nhiều loại hình, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch nghiên cứu – nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống… đến du lịch biển đảo chất lượng cao và có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng Mê Kông.
Là một trong 7 vùng trọng điểm về du lịch trong cả nước, có hệ sinh thái du lịch đa dạng, đặc sắc với đặc trưng văn hóa tiêu biểu gắn với sông nước; nơi hội tụ của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với bề dày văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, nhiều lễ hội lớn nhỏ trong năm và đa dạng về kiến trúc tôn giáo lâu đời gắn với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất nam Bộ. Được thiên nhiên ưu đãi về giá trị tài nguyên đa dạng và phong phú, lợi thế về du lịch biển đảo, sông nước; du lịch địa hình đồi núi; du lịch về văn hóa – lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái và đặc biệt là sự chân chất, thật thà, mến khách của người dân Nam Bộ, khu vực này đã thu hút đông đảo du khách từ các vùng miền.
Hình 1: Thống kê lượt khách du lịch đến với ĐBSCL từ năm 2022
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả |
Hình 1 cho thấy, trong thời gian gần đây, ĐBSCL thu hút khách tăng dần qua các năm. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp, năm 2022, du lịch ĐBSCL thu hút hơn 37 triệu lượt khách; năm 2023, đón hơn 42,5 triệu lượt du khách, tăng 13,50% so với năm 2022, trong đó, có gần 2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 263% so với cùng kỳ (Hồng Thắm, 2023; Bích Liễu và Phước Vinh, 2023). Năm 2024, tính đến hết quý I, toàn Vùng đón gần 15 triệu lượt du khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 662,7 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 38,72% và gần 14,3 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,22% (Cát Đằng, 2024).
Hình 2: Thống kê doanh thu của ngành du lịch ở ĐBSCL qua các năm
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả |
Cùng với sự tăng trưởng của số lượng du khách, doanh thu từ ngành du lịch ĐBSCL tăng cao qua tương ứng qua các năm trong giai đoạn từ năm 2022. Số liệu tổng hợp cho thấy, năm 2022, doanh thu du lịch của toàn Vùng đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng; năm 2023, đạt hơn 35.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022 (Hồng Thắm, 2023, Bích Liễu và Phước Vinh, 2023); 3 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 17,4 tỷ đồng, tăng 33,02% so với quý I/2023 (Hình 2) (Cát Đằng, 2024). Thực tế này cho thấy, tài nguyên du lịch ở ĐBSCL có sức hấp dẫn lớn và thu hút được ngày càng nhiều khách trong và ngoài nước.
Tình hình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch ở ĐBSCL
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương vùng ĐBSCL đã ban hành văn bản chỉ đạo về xây dựng kế hoạch để triển khai kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có 12/13 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết; 1/13 tỉnh ban hành chỉ thị (Bạc Liêu), sớm nhất là Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/10/2020 về chuyển số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Tỉnh ủy An Giang ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 22/8/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những quyết tâm chính trị của các địa phương vùng ĐBSCL đã góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế số. Ngay sau khi các tỉnh ủy, thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số, UBND cùng cấp đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động, đề án nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương trên các lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch lữ hành.
Trên cơ sở nền tảng cơ chế chính sách này, các địa phương trong vùng ĐBSCL tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người dân về công nghệ số, giúp cải thiện công tác quản lý kinh doanh trong các lĩnh vực nói chung cũng như ngành du lịch lữ hành, từ đó, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch ở ĐBSCL tiếp cận các kênh đặt phòng, thanh toán tiếp thị và quảng cáo hiệu quả hơn qua mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến, email marketing, góp phần giúp doanh nghiệp du lịch tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động, tăng khả năng tiếp cận và tương tác với khách hàng mục tiêu.
Để giúp các doanh nghiệp lữ hành tăng cơ hội thu hút khách hàng mới và mở rộng được thị trường tiềm năng, các hoạt động tập huấn về chuyển đối số được triển khai thực hiện cho các nhân viên trong doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương vùng ĐBSCL với việc chú trọng vào đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, thương mại điện tử và hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, nền tảng số. Đồng thời, các doanh nghiệp lữu hành cũng đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh nhằm cung cấp thông tin chi tiết, dễ tìm kiếm cho khách hàng về các tour du lịch, điểm đến, dịch vụ và giá cả.
THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA DOANH NGHIỆP DU LỊCH LỮ HÀNH ĐBSCL
Thuận lợi
Phát triển du lịch thông minh: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp trong ngành du lịch tại ĐBSCL tăng cường trải nghiệm khách hàng thông qua việc áp dụng công nghệ mới, cung cấp thông tin chi tiết và dễ dàng tiếp cận thông tin về điểm đến, như: chợ nổi, vườn cây ăn trái, du lịch sinh thái rừng ngập mặn hoặc những hoạt động trải nghiệm cùng với người dân địa phương, như: tát mương bắt cá, bơi xuồng, bắt cua, ba khía…, đồng thời giúp khách hành dễ dàng tìm kiếm khách sạn, nhà hàng tại các điểm đến. Từ việc đặt tour, thanh toán online đến việc cung cấp thông tin và dịch vụ thêm, tất cả đều trở nên thuận tiện và nhanh chóng, từ đó tạo ra ấn tượng tích cực đối với khách hàng. Bằng cách áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp lữ hành địa phương có thể tối ưu hóa quy trình kinh doanh, giảm chi phí vận hành và tăng hiệu suất lao động. Điều này giúp doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ với chi phí cạnh tranh hơn, từ đó, thu hút khách hàng và tăng cơ hội tiếp cận thị trường. Công nghệ số cho phép doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu một cách chính xác và hiệu quả hơn. Qua đó, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó phát triển các chiến lược marketing và dịch vụ phù hợp.
Quảng bá và tiếp thị hiệu quả: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp du lịch lữ hành ở ĐBSCL tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng từ mọi vùng miền trong cả nước và quốc tế. Đồng thời, ở góc độ ngược lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách trong và ngoài nước dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận sản phẩm và dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp địa phương một cách dễ dàng thông qua các kênh trực tuyến, như: mạng xã hội, website, email marketing. Điều này giúp doanh nghiệp du lịch địa phương quảng bá và tiếp thị một cách hiệu quả các điểm đến, sản phẩm đặc thù và thế mạnh du lịch của địa phương tới không chỉ khách hàng trong nước, mà từ khắp nơi trên thế giới, không bị hạn chế bởi địa lý, từ đó mở rộng thị trường tiềm năng và tăng cơ hội kinh doanh.
Cải thiện quản lý thông tin khách hàng và các quy trình nghiệp vụ: Sử dụng hệ thống quản lý khách hàng thông qua công nghệ số giúp doanh nghiệp du lịch lữ hành nói chung cũng như ở ĐBSCL nói riêng cải thiện hoạt động quản lý thông tin khách hàng, tương tác với họ một cách linh hoạt và hiệu quả, cho phép các công ty lữu hành địa phương tạo ra hệ thống đặt phòng và quản lý đơn đặt hàng tự động, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng phục vụ. Bằng cách tự động hóa các quy trình kinh doanh thông qua công nghệ số, doanh nghiệp ở ĐBSCL có thể giảm thiểu các sai sót do con người gây ra, tăng năng suất lao động và giảm chi phí hoạt động. Việc tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến giúp doanh nghiệp ở ĐBSCL thuận lợi trong việc giao dịch với khách hàng, mà không cần phải đến các phương thức thanh toán truyền thống. Đồng thời, việc thanh toán trực tuyến còn giúp giảm rủi ro và tăng tính bảo mật cho doanh nghiệp. Điều này giúp cải thiện dịch vụ và tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Khó khăn
Thứ nhất, về nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin của vùng ĐBSCL còn thiếu và yếu, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phục vụ quá trình chuyển đổi số của các tỉnh và thành phố trong vùng. Mặt khác, tỷ lệ các doanh nghiệp và người dân hiểu biết về công nghệ thông tin, phục vụ quá trình chuyển đổi số còn khá thấp hoặc nguồn nhân lực không đúng chuyên ngành. Do đó, chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn lực, bao gồm cả công nghệ, tài chính, lẫn nguồn nhân lực có chuyên môn công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo hiện tại ở vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng nhanh chóng xu hướng đào tạo nhân tài và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động du lịch số. Điều này đã cản trở quá trình đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch ở vùng ĐBSCL hiện nay.
Thứ hai, nhận thức và chấp nhận: Trong quá trình hội nhập và phát triển người dân ĐBSCL đã sử dụng các phương tiện và thiết bị hiện đại, kết hợp với các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp du lịch và người dân ở ĐBSCL vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành. Việc thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình kỹ thuật số có thể gặp phải sự chậm trễ trong quá trình thích nghi, làm kìm hãm quá trình đẩy nhanh chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Thứ ba, chi phí đầu tư ban đầu. Trong quá trình áp dụng công nghệ số đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu đáng kể cho việc mua sắm thiết bị, phần mềm mới để hỗ trợ hoạt động kinh doanh số hóa, gồm: máy tính, phần mềm quản lý khách hàng, hệ thống đặt phòng trực tuyến, cũng như cập nhật và duy trì các thiết bị này, đào tạo nhân lực và hiệu chỉnh hệ thống. Việc phải bỏ qua khoản chi phí đầu tư ban đầu lớn có thể tạo ra áp lực tài chính và ảnh hưởng đến quyết định về triển khai công nghệ số đối với các doanh nghiệp du lịch lữ hành quy mô nhỏ và vừa vốn chiếm số lượng lớn tại vùng ĐBSCL.
Thứ tư, về bảo mật thông tin. Việc sử dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch cũng đồng nghĩa với việc tăng cường cảnh giác và bảo mật thông tin cho dữ liệu cá nhân của du khách. Điều này đòi hỏi đầu tư vào giải pháp an ninh thông tin và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ số để tiếp cận khách hàng vẫn còn hạn chế, nên du khách thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin và trải nghiệm du lịch trực tuyến về ĐBSCL, điều này giảm tính hấp dẫn của địa điểm du lịch này.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Đào tạo và phát triển nhân lực: Cần đào tạo và nâng cao năng lực cho người lao động trong ngành du lịch về việc áp dụng công nghệ số. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch ở ĐBSCL cần đẩy mạnh liên kết với các đơn vị đào tạo chuyên ngành để đào tạo và hỗ trợ để nâng cao năng lực về kỹ thuật số, bao gồm: quản lý website, sử dụng mạng xã hội để quảng bá và quản lý dữ liệu khách hàng. Chính quyền các địa phương xem xét có cơ chế hỗ trợ về đào tạo chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lữ hành.
Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số: Các địa phương Vùng ĐBSCL cần tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, các chương trình nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và người dân cùng với tăng cường liên kết trong xây dựng hạ tầng số và đào tạo phát triển nhân lực. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số. Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Chi phí đầu tư ban đầu: Các doanh nghiệp du lịch lữ hành khu vực cần nghiên cứu kỹ lưỡng về chi phí đầu tư ban đầu và dự kiến lợi ích dài hạn của việc chuyển đổi số. Tìm nguồn tài chính hỗ trợ, nắm bắt các cơ hội tài chính từ Chính phủ, tổ chức tài trợ hoặc vốn đầu tư riêng để giảm áp lực tài chính đầu tư ban đầu. Chính quyền các tỉnh, địa phương cần có có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào các dự án công nghệ số trong ngành du lịch, từ việc cung cấp dịch vụ cho đến quản lý và quảng bá.
Chú trọng đến an ninh và bảo mật thông tin: Bảo vệ thông tin cá nhân của du khách và đảm bảo an toàn thông tin là yếu tố quan trọng khi triển khai công nghệ số trong ngành du lịch ở ĐBSCL. Để xây dựng niềm tin từ phía khách hàng, cần đầu tư và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu. Đầu tư vào công nghệ bảo mật thông tin, xác định và giám sát các rủi ro bảo mật, thiết lập chính sách và quy trình về an ninh thông tin. Đồng thời, cung cấp huấn luyện và hướng dẫn để nhân viên hiểu và thực thi các biện pháp bảo mật thông tin trong công việc hàng ngày./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Cẩm nang Chuyển đổi số.
2. Bích Liễu và Phước Vinh (2023), Năm 2023, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phục hồi mạnh mẽ đón gần 45 triệu lượt khách, truy cập từ https://dulich.dongthap.gov.vn/vi/detailnews/?t=nam-2023-du-lich-dong-bang-song-cuu-long-phuc-hoi-manh-me-don-gan-45-trieu-luot-khach&id=news_1003#:~:text=N%C4%83m%202023%2C%20du%20l%E1%BB%8Bch%20%C4%90BSCL,so%20v%E1%BB%9Bi%20c%C3%B9ng%20k%E1%BB%B3%202019).
3. Chử Bá Quyết (2021), Nghiên cứu khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 233.
4. Cát Đằng (2024), 6 tháng đầu năm, ĐBSCL đón gần 30 triệu lượt du khách, truy cập từ https://baocantho.com.vn/6-thang-dau-nam-dbscl-don-gan-30-trieu-luot-du-khach-a175883.html.
5. Đoàn Mạnh Cương (2022), Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và yêu cầu đặt ra đối với đào tạo nhân lực du lịch, truy cập từ https://vietnamtourism.gov.vn/post/42950.
6. Hồng Thắm (2023), Hơn 37,5 triệu lượt khách du lịch đến ĐBSCL trong năm 2022, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/hon-37-5-trieu-luot-khach-du-lich-den-dbscl-trong-nam-2022.html#:~:text=%C3%94ng%20L%C3%AA%20Thanh%20Phong%20%2D%20Ph%C3%B3,tr%C3%AAn%2032.078%2C7%20t%E1%BB%B7%20%C4%91%E1%BB%93ng.
Ngày nhận bài: 17/7/2024; Ngày phản biện: 31/7/2024; Ngày duyệt đăng: 12/9/2024 |