Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội vừa họp thẩm tra, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, mục tiêu của chính sách là nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, để góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, ngày 5/5/2023 Chính phủ đã có Tờ đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trước đó, tại Phiên họp thứ 23, diễn ra ngày 13/5/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo như chính sách giảm thuế đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, mục tiêu của chính sách là nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển, để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, trong năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2%. Cụ thể: giảm 2% thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoảng (không kể khai thác than), than cốc, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…

Giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm thảo luận tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 như đề nghị của Chính phủ, để tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh đang rất khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong thời điểm hiện nay, vì còn băn khoăn về hiệu quả của chính sách, đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn…

Theo Bộ Tài chính, để kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Kết quả thực hiện đã cho thấy, tổng gói hỗ trợ giảm thuế GTGT năm 2022 đạt khoảng 44.000 tỷ đồng. Việc giảm thuế GTGT đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Nếu áp dụng chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT như trên, theo ước tính của Bộ Tài chính, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023, thì tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng…/.