GS.TSKH Nguyễn Mại: Đề nghị Chính phủ giữ giá dầu ở 22-23.000/lít đến hết tháng 6
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư chủ trì cuộc tọa đàm “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022” sáng 15/3/2022

Phát biểu tại tọa đàm “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022” do Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, TS. Nguyễn Anh Tuấn chủ trì, GS.TSKH Nguyễn Mại chia sẻ, chính ông cũng không ngờ tới xung đột Nga – Ukraine xảy ra và khi đã xảy ra thì chưa ai biết bao giờ kết thúc. Đó là câu chuyện của cả thế giới kéo theo hệ luỵ giá dầu leo thang, đã và đang tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với Việt Nam, mục tiêu đặt ra là tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6,5% – 7%. Mục tiêu này vẫn có thể đạt được trong điều kiện chúng ta không phải chịu tác động quá lớn với những biến động của thế giới và nội tại Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, vấn đề rất đáng quan tâm là phản ứng chính sách của Chính phủ. Hiện nay, giá dầu tăng vọt đang nổi lên là vấn đề rất lớn. Trong 2 tháng qua, giá xăng dầu trong nước đã tăng từ 22.000 đồng/lít lên 28.000 đồng/lít rồi có thể lên 30.000 đồng/lít. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa đưa ra giải pháp làm sao ngăn giá dầu lên. “Vận chuyển, giao thông vận tải vừa phục hồi, mới gần 3 tháng thì lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá dầu, nhiều DN không dám tiếp tục vận chuyển. Thử hỏi toàn bộ vận chuyển bị đứt gãy thì nền kinh tế đi về đâu”, GS.TSKH Nguyễn Mại đặt câu hỏi.

Dẫn câu chuyện Tổng thống Mỹ cũng như các nguyên thủ các quốc gia hàng ngày đều quan tâm tới giá dầu, ông Nguyễn Mại cho rằng, biến động dầu khí đang là câu chuyện toàn cầu, nhưng cái khó là sắp tới ra sao thì chưa lường trước. Theo đó, với Việt Nam, nếu không có kịch bản khác nhau trong điều hành giá cả thì chúng ta sẽ bị động khi cả giá dầu lên và xuống.

Hiện Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 2.000 đồng/lít xăng dầu để hỗ trợ giảm giá xăng dầu, nhưng Chính phủ vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Nếu chúng ta không có quyết sách mạnh kìm hãm giá dầu thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Quốc hội và Chính phủ mới ban hành. Thực tế đang đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh hơn.

GS.TSKH Nguyễn Mại: Đề nghị Chính phủ giữ giá dầu ở 22-23.000/lít đến hết tháng 6
GS.TSKH Nguyễn Mại
Chính sách cần linh hoạt ứng phó với biến động lớn của kinh tế thế giới, bởi kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng GDP 7-8% hay sụt xuống 3% trong năm nay nếu không có giải pháp thích ứng…

Trong góc nhìn của GS. Nguyễn Mại, giá dầu thế giới tăng không chỉ có thiệt hại, bởi Việt Nam có xuất khẩu dầu thô. Hai tháng đầu năm 2022, doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 118,73 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách ước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch và tăng 48% so với cùng kỳ 2021.

GS. Nguyễn Mại đề nghị Chính phủ giữ giá dầu ở mức 22-23.000/lít cho đến cuối tháng 6 năm nay. Quyết sách này sẽ giúp ngành giao thông vận tải phục hồi, yên tâm mở động sản xuất, làm kinh tế không bị đứt gãy do ngừng giao thông vận tải. Mất đi bao nhiêu cho ngân sách do giảm thu từ giá dầu thì thặng dư từ thu nhập của PVN sẽ bù vào, rồi tăng nguồn cung liên quan tới vận tải sẽ bù đắp được giá dầu. Cùng với đó, không bị khủng hoảng kinh tế do giá dầu. Giải pháp này nhiều nước đã làm trong những giai đoạn nhất định.

Kiến nghị thứ hai từ GS. Nguyễn Mại là chính sách cần linh hoạt, nhanh nhạy hơn với biến động của kinh tế thế giới. Từ ngày 15/3, nước ta bắt đầu mở cửa nền kinh tế, tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định gây khó khăn để mở cửa du lịch quốc tế, thậm chí có những quy định thay vì mở cửa lại thành đóng cửa nền kinh tế.

Trong khi đó tại Malaysia, từ 1/4/2022, họ sẽ coi COVID là bệnh lý thông thường nên không có chuyện phải cách ly nếu đã tiêm đủ 2 mũi. Tại Indonesia, khi mở cửa Baly, chính phủ nước này tuyên bố làm mọi cách thu hút khách quốc tế. Trước đây Indonesia cấp visa chi phí rất cao thì nay cấp nhanh chóng, giảm chi phí để thu hút khách du lịch.

Theo GS. Nguyễn Mại, chính sách cần linh hoạt ứng phó với biến động lớn của kinh tế thế giới, bởi kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng GDP 7-8% hay sụt xuống 3% trong năm nay nếu không có giải pháp thích ứng.

Sẽ phát triển chứng khoán xanh, tăng chất lượng minh bạch và kỷ cương thị trường Sẽ phát triển chứng khoán xanh, tăng chất lượng minh bạch và kỷ cương thị trường

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chia sẻ những định hướng chính trong …