Đầu tư công ước thanh toán đến ngày 31/5/2023 là 157.095,4 tỷ đồng, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao,

Vẫn còn 44 bộ, cơ quan và 29 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (ngày 3/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng; trong đó, đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 707.044,198 tỷ đồng, chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã giao toàn bộ kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng. Đến ngày 25/5/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết kế hoạch năm 2023 là 628.778,247 tỷ đồng, đạt 88,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 78.265,951 tỷ đồng (11,1% kế hoạch), bao gồm: vốn NTSW là 36.577,84 tỷ đồng (của 27/51 bộ, cơ quan trung ương và 42/63 địa phương), vốn cân đối NSĐP là 41.688,111 tỷ đồng (của 16/63 địa phương).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán đến ngày 31/5/2023 là 157.095,4 tỷ đồng, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), tuy nhiên số tuyệt đối cao hơn 41.172,9 tỷ đồng (35,5%).

Có 07 bộ, cơ quan và 24 địa phương giải ngân đạt trên 25% kế hoạch, cụ thể: Ngân hàng phát triển Việt Nam (100%), Tiền Giang (49,22%), Đồng Tháp (46,9%), Hải Phòng (44,37%), Long An (43,51%), Tây Ninh (40,66%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%). Ngoài ra, 44 bộ, cơ quan và 29 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước.

Về giải ngân của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 88,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó: (i) Cho vay tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 18.021 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.724 tỷ đồng; (ii) Hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 4.302 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện); (iii) Hỗ trợ 2% lãi suất đạt 327 tỷ đồng; (iv) Giảm thuế, phí, lệ phí là 57.067 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện), hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng: (i) Số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch 161.848,3 tỷ đồng; (ii) Số vốn 14.151,7 tỷ đồng còn lại: Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về phương án phân bổ 13.642,5 tỷ đồng, kiến nghị không phân bổ 509,2 tỷ đồng còn lại. Ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình đến ngày 31/5/2023 đạt khoảng 23.116 tỷ đồng.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội giao Kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương còn lại năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.208,188 tỷ đồng. Đến ngày 31/5/2023, 48/48 địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, dự toán NSNN năm 2023 của 03 CTMTQG với tổng số vốn là 22.054,1 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31/5/2023 giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSTW năm 2023 ước đạt 7.544,8 tỷ đồng (khoảng 22,8% kế hoạch). Số vốn này đã bao gồm nguồn vốn kéo dài năm 2022 chuyển sang.

Cần nâng cao hiệu quả 5 Tổ công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả 05 Tổ công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị số 08/CT-TTg, Công điện số 123/CĐ-TTg và số 238/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời báo cáo chi tiết khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết theo thẩm quyền để Tổ trưởng, Thành viên các Tổ công tác xem xét, xử lý, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền điều hòa nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi tổng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 Quốc hội đã quyết nghị, bảo đảm giải ngân toàn bộ nguồn vốn của Chương trình trong năm 2023 theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi; các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình.

Về triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương chủ động nắm bắt tiến độ thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tổng hợp, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tại cấp cơ sở.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn đã được giao và thực hiện, giải ngân; cụ thể hóa cơ chế chính sách theo thẩm quyền phân cấp; chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư thuộc Chương trình, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực./.