Dư địa hợp tác còn rất nhiều

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug vừa cùng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) phối hợp tổ chức, theo Văn phòng Quốc hội.

Hiện thực hóa nhiều dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Quốc hội

Theo Chủ tịch FKI Huh Chang Soo, hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Với Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3, đầu tư nước ngoài lớn nhất với khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Các doanh nghiệp này tuyển dụng khoảng 1 triệu người lao động Việt Nam. Trong 2-3 năm tới, khi tình hình Covid-19 được không chế, ước mức quy mô giao dịch thương mại giữa hai nước sẽ đạt trên 100 tỷ USD.

“Quốc hội Việt Nam khẳng định ủng hộ nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, phấn đấu đến năm 2023, riêng về thương mại sẽ đạt mốc 100 tỷ USD theo hướng ngày càng cân bằng và đến năm 2030 phấn đấu đạt mục tiêu 150 tỷ USD…”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

“Việt Nam là đối tác hết sức quan trọng của Hàn Quốc không chỉ ở phương diện song phương, mà còn cả trong khu vực ASEAN. Trao đổi thương mại Việt Nam – Hàn Quốc hàng năm chiếm khoảng 50% tổng giá trị trao đổi thương mại Hàn Quốc – ASEAN. Đối với Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đang xem xét nâng cấp quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược hiện nay lên tầm cao mới. Không gian và dư địa để phát huy mạnh mẽ các kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến một nội dung rất quan trọng trong chuyến thăm lần này là đại diện Chính phủ hai nước sẽ ký kết Hiệp định về bảo hiểm xã hội, tương trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này để bảo đảm quyền lợi được đóng bảo hiểm liên tục của người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc sang làm việc tại Việt Nam. Đây là Hiệp định đầu tiên của Việt Nam ký với nước ngoài, có nội dung khác với quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện cho hai nước tiếp tục gia tăng hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2021, Việt Nam dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 3%. Điều đáng mừng là nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang rất ổn định, lạm phát thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Hiện thực hóa nhiều dự án đầu tư

Rất nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đã được hiện thực hóa tại Diễn đàn. Trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội hai nước, lãnh đạo các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương đã trao 15 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thoả thuận hợp tác với các doanh nghiệp của Hàn Quốc. Ngoài ra, 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thoả thuận hợp tác khác đã được ký và trao trực tuyến.

Hiện thực hóa nhiều dự án đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội hai nước Việt Nam – Hàn Quốc và các đại biểu chứng kiến Lễ trao chứng nhận đầu tư và các thoả thuận hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc với đại diện các tỉnh của Việt Nam. Ảnh: Quốc hội

Đáng chú ý, trong số các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư lần này, có những dự án rất lớn như: Bắc Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vật liệu thiết bị bán dẫn của Tập đoàn Amkor trị giá 1,6 tỷ USD; thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ và xúc tiến đầu tư các dự án mới của Tập đoàn Deawoo tại Việt Nam trị giá 2 tỷ USD.

Tại Diễn đàn, lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã trả lời và giải đáp nhiều câu hỏi của các nhà đầu tư Hàn Quốc đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực bảo hiểm, năng lượng sạch, ô tô điện. Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đến từ Hàn Quốc.

Lãnh đạo các Bộ gợi ý doanh nghiệp Hàn Quốc nên đầu tư vào các lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, trở thành các cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam trong tiến trình cổ phần hóa mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai. Các doanh nghiệp Hàn Quốc nên tận dụng Hiệp định RCEP giữa 10 nước ASEAN với 5 nước đối tác gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022./.