Mục đích Hội thảo nhằm chia sẻ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và thảo luận về những thách thức cũng như kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.

Doanh nghiệp nữ đối mặt nhiều rào cản trong chuyển đối số

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh các DNNVV do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; khoa học công nghệ 7,3%.

Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại Hội thảo

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV do nữ làm chủ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Điều này đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng. Vì vậy, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Nhận thấy được nhu cầu và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, giao Cục Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai thực hiện.

Bà Hương cũng cho biết trong quá trình triển khai các hoạt động của chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số. Doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số như: sự chuyển dịch, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự linh hoạt của các doanh nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của công nghệ, các nhà cung cấp chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV do phụ nữ làm chủ cũng gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình chuyển đổi số như hạn chế về tài chính, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm triển khai, thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số, v.v.

Chính vì vậy, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Cục Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng doanh nhân nữ và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án LinkSME đồng tổ chức Hội thảo: Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ nhằm thảo luận các giải pháp giúp các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp do nữ làm chủ triển khai triển đổi số một cách hiệu quả trong thời gian tới.

90% doanh nghiệp nữ làm chủ sẵn sàng chuyển đổi số

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt nam, chuyển đổi số là xu hướng và lựa chọn tất yếu giúp cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp do nữ làm chủ, không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Chuyển đổi số đồng thời cũng là 1 giải pháp giúp các doanh nghiệp thích ứng với các khủng hoảng của dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu.Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hành động kịp thời trong xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, định hình chiến lược phát triển trong tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế.

Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam nhấn mạnh chuyển đổi số là xu hướng và lựa chọn tất yếu để doanh nghiệp không bị tụt hậu

Một khảo sát cho thấy, trước dịch Covid-19, chỉ có 20% các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến chuyển đổi số nhưng chỉ sau 6 tháng đã lên đến 70%. Và đến năm 2020, 50% các doanh nghiệp đã từng bước thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp của mình. Đáng chú ý, theo khảo sát tinh thần sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã chỉ ra có đến 90% các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đều mong muốn được đào tạo được tập huấn được tham gia vào chương trình chuyển đổi số. Theo bà Minh đây là con số rất là đáng mừng cho thấy việc thay đổi nhận thức tích cực trong lớp lãnh đạo trong khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

“Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn/thách thức về nguồn tài chính để triển khai chuyển đổi số; thay đổi, điều chỉnh văn hóa doanh nghiệp cho phù hợp với chuyển đổi số; nhận thức, năng lực cần thiết để triển khai; và tiếp cận/lựa chọn các giải pháp Chuyển đổi số phù hợp với doanh nghiệp”, bà Minh chỉ ra một số vấn đề khó khăn hiện nay đang là rào cản hạn chế các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Từ thực trạng này, nắm bắt được nhu cầu hỗ trợ thực tế của các doanh nghiệp do nữ làm chủ trong thời kỳ CM 4.0, bà Minh cho biết thời gian qua, Hội đồng DNNVN /VWEC đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều khóa đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho nữ doanh nhân trong nền kinh tế số, nâng cao hiểu biết và kỹ năng về công nghệ số, kỹ năng tiếp thị trực tuyến… Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ DN nữ Chuyển đổi số khởi động năm 2021, VWEC đã và đang tổ chức nhiều hội thảo/diễn đàn trao đổi về các phương pháp và quy trình CĐS cũng như cách tiếp cận hiệu quả các nguồn lực tài chính cho CĐS… Các khóa tập huấn được tổ chức online và/hoặc offline hoặc kết hợp cả hai loại hình tùy theo diễn biến tinh hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

“Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đánh giá cao dự án LinkSMEs do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ /USAID tài trợ đã góp phần thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp”, bà Minh nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò và đóng góp vào nền kinh tế, bà Linda Percy, Quyền Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID Việt Nam) cho rằng các doanh nghiệp do nữ làm chủ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cộng đồng và trên toàn quốc. Thành công và năng lực dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe kinh tế dài hạn của Việt Nam. Do đó, cần đảm bảo rằng các DNNVV do nữ làm chủ không bị bỏ lại phía sau.

Đại diện USAID Việt Nam cũng chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã mở ra kỷ nguyên mới cho chuyển đổi số. Từ việc tăng số lượng các cuộc họp trực tuyến giúp nhân viên có thể làm việc từ xa, đến việc sử dụng công nghệ để thích ứng và chuyển đổi cách thức hoạt động kinh doanh, chuyển đổi số ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tồn tại, phục hồi và phát triển.

Trên toàn thế giới, chuyển đổi số đã có tác động ngày càng lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mang đến cho các doanh nghiệp cách thức mới để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng các DNNVV do nữ làm chủ ở Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để áp dụng các công nghệ đổi mới này, ví dụ như thiếu kiến thức và chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi số. Để khắc phục các hạn chế này, bà Linda Percy cho biết trong thời gian tới, dự án USAID LinkSME và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho 150 doanh nghiệp do nữ làm chủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. “Và chúng tôi đặt mục tiêu tiếp cận hàng nghìn nữ doanh nhân trên toàn quốc thông qua các hội thảo và đào tạo do dự án tổ chức. Bằng cách hợp tác cùng nhau, chúng tôi sẽ giúp đảm bảo rằng các DNNVV do nữ làm chủ sẽ chuyển đổi số thành công để phát triển mạnh mẽ”, bà Percy khẳng định.

Cũng tại Hội thảo, bên cạnh việc cung cấp những kiến thức nền tảng, thông tin tổng quan về chuyển đổi số, và chia sẻ thông tin về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia cũng chia sẻ cho các doanh nghiệp về kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai chuyển đổi số, vai trò của các bộ phận trong doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số và ứng dụng một số giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.

Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ
Các chuyên gia cũng chia sẻ cho các doanh nghiệp về kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai chuyển đổi số và ứng dụng một số giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh

Dự án USAID LinkSME và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có 10 doanh nghiệp do nữ làm chủ để cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất bằng cách áp dụng lộ trình chuyển đổi số, các giải pháp truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử. Trong thời gian tới, khoảng 150 doanh nghiệp do nữ làm chủ sẽ được hỗ trợ nhằm thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số và hàng nghìn nữ doanh nhân sẽ được tiếp cận những kiến thức và thông tin về chuyển đổi số thông qua các hội thảo và đào tạo do Dự án USAID LinkSME tổ chức.

Chuyển đổi số đã và đang có tác động ngày càng lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn thế giới. Chuyển đổi số mang lại cả cơ hội và những cách thức mới, giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Trước xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để chuyển đổi số thành công. Họ còn thiếu kiến thức về chuyển đổi số, đồng thời chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để bắt đầu áp dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang là xu thế tất yếu. Để trở thành doanh nghiệp số, tận dụng được các cơ hội chưa từng có của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ làm chủ cần không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế “hành động”, “đột phá”, chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ chuyển đổi “nhận thức” của người sử dụng lao động và người lao động và kịp thời “hành động” để bứt phá trong kinh doanh./.