Tại cuộc Tọa đàm, đại diện dự án đã giới thiệu chi tiết tới các doanh nghiệp và Hiệp hội về các nội dung hợp phần dự án IPS-C, cách thức vận hành, tiêu chí lựa chọn Doanh nghiệp và Hiệp hội để hỗ trợ trong khuôn khổ dự án, các ưu tiên trong năm đầu triển khai Dự án và các hoạt động cụ thể trong thời gian tới cũng như cách thức đăng ký tham dự.

Hỗ trợ tăng cường năng lực khu vực tư nhân

Các đại biểu cũng nghe các trao đổi, chia sẻ từ phía các Hiệp hội về các vấn đề nóng, thực tiễn của Doanh nghiệp hội viên để Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như nhóm chuyên gia gia dự án nắm bắt nhằm thiết kế các gói hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội thiết thực và sát thực với nhu cầu. Đồng thời xác định các hoạt động có thể phối hợp ngay giữa Dự án và Hiệp hội thời gian tới.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh với những cải cách đổi mới mạnh mẽ thể chế chính sách của Đảng và Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng trong hơn 3 thập kỷ qua và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hỗ trợ tăng cường năng lực khu vực tư nhân

Kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Số liệu chính thức cho thấy khu vực kinh tế này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Hỗ trợ tăng cường năng lực khu vực tư nhân

Đội ngũ doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân cũng đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, đặc biệt đã nỗ lực chung tay cùng Chính phủ vượt qua những khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận, năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trước hết quy mô phần lớn doanh nghiệp khu vực tư còn quá nhỏ bé, có xu hướng “li ti hoá”, thiếu vắng lực lượng có vai trò tiên phong dẫn dắt. Hiện chỉ có khoảng 4% tổng số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, còn lại 96% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thứ hai, đa số khu vực kinh tế tư nhân có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực còn nhỏ bé cả về lượng và chất. Tư duy kinh doanh manh mún, ngắn hạn còn khá bổ biến, thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Thứ ba, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; DN chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Hiện tại, chỉ có 10% số DN đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 01 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của DN cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%)…

Thứ năm, tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

“Thực tế cho thấy nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi rõ rệt, tạo ra những cú hích lớn cho khu vực này phát triển. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, từ nhận thức đến hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển còn một khoảng cách dài”, ông Trung nhìn nhận.

Phân tích cụ thể, ông Trung nêu bật khu vực tư nhân của Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để đóng góp nhiều hơn nữa và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nếu: bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân sẵn sàng và đủ năng lực để đổi mới, nhận biết và nắm bắt được xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực để đầu tư những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại.

Ông Trung cho biết, với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Cục Phát triển Doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang nỗ lực tham mưu cho lãnh đạo Bộ và Chính phủ ban hành và triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà còn tích cực chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế như USAID để có thể cung cấp được những hỗ trợ kỹ thuật mang tính thực tiễn cao thông qua những chương trình, dự án với mục tiêu và phương pháp tiếp cận đi từ vấn đề nội tại của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp khu vực tư nhân làm trung tâm.

Chia sẻ cụ thể về Dự án IPSC vừa được Cục Phát triển Doanh nghiệp và USAID chính thức khởi động vừa ngày 18/1 vừa qua, ông Trung khẳng định đến thời điểm này, có thể nói Dự án IPS-C là dự án hỗ trợ kỹ thuật trong số các dự án hỗ trợ của các nhà tài trợ nước ngoài ở Việt Nam có tính chất tổng thể nhất, quy mô lớn nhất và bao trùm nhất cho mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, trong đó tập trung vào tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp tiên phong và doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, bao gồm cả doanh nghiệp do nữ và các đối tượng yếu thế làm chủ.

Hỗ trợ tăng cường năng lực khu vực tư nhân

Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề nội tại về quản lý, con người, thị trường, công nghệ, tài chính. “Mặc dù nguồn lực của Dự án IPS-C sẽ không thể đảm bảo để hỗ trợ tăng cường năng lực trực tiếp cho toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân nhưng với quy mô về số lượng doanh nghiệp mà Dự án dự kiến sẽ tiếp cận để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp bao gồm tối thiểu 5.000 doanh nghiệp được tăng cường năng lực, 60 tiên phong, 240 doanh nghiệp vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, dự án triển khai thành công sẽ tạo tác động lan toả các tri thức, kết quả và bài học thành công từ Dự án cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp”, ông Trung khẳng định.

Hỗ trợ tăng cường năng lực khu vực tư nhân

Bên cạnh đó, dự án cũng có hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ phát triển doanh nghiệp để tăng cường năng lực và dịch vụ cho khu vực tư nhân Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và hợp tác xã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

“Để triển khai Dự án hiệu quả và thành công rất cần có sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng Dự án sẽ không chỉ góp phần quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết được các vấn đề mà khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang phải đối diện, mà còn tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều doanh nghiệp tiên phong, doanh nhân Việt Nam tự tin và chủ động vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, giúp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu”, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh./.