Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức. Mục tiêu của sự kiện là tạo kết nối giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương khu vực phía Nam trong tiến trình phục hồi kinh tế, triển khai một số định hướng cho năm 2022 cùng với đó là nhận diện những trở ngại pháp lý thông qua thực tiễn tranh chấp, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho giai đoạn phục hồi kinh tế mới.

Nên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách

Phát biểu tại Hội thảo, khi đề cập đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với doanh nghiệp thời gian gần đây, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho rằng, nên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách.

Theo ông, một chính sách không đúng có thể làm chậm bước đi của doanh nghiệp, gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Hỗ trợ thực tế nhất cho doanh nghiệp vẫn là các chính sách tốt, còn tiền chỉ là phần nhỏ”, ông nhấn mạnh.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho rằng, một chính sách không đúng có thể làm chậm bước đi của doanh nghiệp, gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông dẫn chứng rằng, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chứng kiến nhiều chính sách phức tạp, cái sau chồng lên cái trước.

Cụ thể, với vai trò là Chủ tịch của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An, ông đã nhận được nhiều phản hồi của doanh nghiệp như: Luật với quy định cái nào tính pháp lý lớn hơn? Luật trước cho đầu tư, sau đó, khi sửa đổi thì truy cứu, truy thu lại dự án, vậy phải làm như thế nào…

Những điều này khiến cho doanh nghiệp rất bức xúc. “Ngay bản thân tôi cũng từng “có lúc nản đến muốn đóng cửa Công ty”, ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng dẫn chứng một số quy định hiện nay cũng chưa phù hợp, như việc khống chế lãi vay trong giao dịch liên kết không được quá 25% vốn điều lệ.

Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam đa phần nhỏ và vừa, không có nhiều tiềm lực. Vì thế, quy định này khiến họ không xoay được nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh. Vì thế, “Cơ chế chính sách cần được tháo gỡ hợp lý hơn”, ông nói.

Theo Bầu Thắng, trong bối cảnh ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ cần cân nhắc việc dùng tiền để hỗ trợ. “Nên dùng chính sách vì nó sẽ giải quyết được rất nhiều thứ cho doanh nghiệp trong giảm chi phí, giá thành sản xuất…”, ông nói.

Đánh giá về các gói hỗ trợ hiện nay, ông Thắng lại nêu quan điểm “cần hỗ trợ bằng chính sách hơn là hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền”.

Theo ông Thắng, trong bối cảnh ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ cần cân nhắc việc dùng tiền để hỗ trợ. “Nên dùng chính sách vì nó sẽ giải quyết được rất nhiều thứ cho doanh nghiệp trong giảm chi phí, giá thành sản xuất…”, ông nói.

Cũng thể hiện quan điểm về các gói hỗ trợ, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM chỉ rõ, có hỗ trợ bằng chính sách, thể chế và hỗ trợ bằng tài khóa, tiền tệ và cần song song chính sách tài khoá tiền tệ và thể chế.

Bởi, hỗ trợ về tài khoá tiền tệ sẽ quan trọng ở việc giúp khơi thông nguồn lực, lưu chuyển của dòng tiền. Đặc biệt, các chính sách này cũng thể hiện sự sẵn sàng của Nhà nước trong đồng hành với doanh nghiệp cùng tạo cầu, thúc đẩy sự vận hành lưu thông hàng hóa.

Dẫn ví dụ về chính sách tài khóa, tiền tệ, ông Dương đưa ra các số liệu tích cực về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.

Cụ thể với điều hành tín dụng, đến giữa tháng 11, chỉ số này đã tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng tương đối cao. Tín dụng ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,2%, xuất khẩu là 8,9%, nông nghiệp nông thôn là 9,2%. Việt Nam cũng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho 500.000 khách hàng, tương đương 260.000 tỷ đồng dư nợ; miễn giảm 118.760 tỷ đồng tiền thuế phí, lệ phí, thuê đất…

Với gói hỗ trợ về thể chế – đây là những chính sách mà Nhà nước có thể sử dụng ngay cả khi ngân sách bị hạn chế.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM chỉ rõ, có hỗ trợ bằng chính sách, thể chế và hỗ trợ bằng tài khóa, tiền tệ và cần song song chính sách tài khoá, tiền tệ và thể chế.

“Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cũng cần phải hiểu đến những yếu tố bên ngoài có thể khiến việc đặt ra chính sách và thực hiện nó nhiều chừng mực bị chậm”, ông Dương cho hay.

Bên cạnh đó, gói chính sách này còn cần được chú ý về thời điểm hỗ trợ. “Nếu thị trường chưa có đầu ra, doanh nghiệp có vay vốn và được hỗ trợ của Nhà nước cũng khó tổ chức sản xuất được”, ông giải thích.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý về vấn đề liều lượng của các gói chính sách bởi trong tình hình nhiều bất định, nếu không cân nhắc được quy mô, dư địa hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể không còn khi tình hình khó khăn hơn.

Nói thêm về Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, ông Dương nhấn mạnh, quy mô gói hỗ trợ lần này sẽ lớn hơn các gói hỗ trợ trước đó. Nguyên nhân là do thời điểm. Nếu trước đó, khi cả nước chưa tiêm vắc xin, thì việc thực hiện các gói hỗ trợ lớn sẽ ít có hiệu quả.

Ông cũng cho hay, thời gian triển khai gói hỗ trợ lần này cũng “ Phải kéo dài đến năm 2023 và chia nhiều giai đoạn”, ông nói.

Vị chuyên gia này lưu ý đến tầm quan trọng của việc khơi thông trách nhiệm các bên liên quan để gói hỗ trợ đi nhanh vào thực tế.

Theo ông Dương, tốc độ thực thi quan trọng hơn quy mô của gói hỗ trợ. “Mà để tăng tốc độ thực thi thì phải khơi thông được trách nhiệm các bên liên quan”, ông chia sẻ quan điểm.

Dẫn thực tiễn chậm triển khai của các gói hỗ trợ trước, ông Dương chỉ rõ, do các gói hỗ trợ trước có kèm yêu cầu “tránh trục lợi”, “hỗ trợ đúng đối tượng”…, nên các cơ quan thực hiện đã “đẻ ra” rất nhiều tiêu chuẩn để không bị quy trách nhiệm khi triển khai, khiến tiến độ của các gói hỗ trợ bị ảnh hưởng.

Lĩnh vực mua bán hàng hóa có số lượng tranh chấp lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2021

Doanh nghiệp cần chuyển mình trong giai đoạn mới

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VAIC) cho biết: “Dịch bệnh có qua đi thì chúng ta cũng sẽ bước vào giai đoạn phát triển bất định của thế giới, chúng ta sẽ kinh doanh trong môi trường biến đổi, không có gì cố định, không có gì là không thay đổi. Chính vì vậy, cần phải có một mô hình quản trị, mô hình kinh doanh có khả năng chống chịu, có khả năng quản trị rủi ro, phòng ngừa tốt tranh chấp, xử lý tốt tranh chấp, thì đó là yêu cầu rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay”.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Anh Dương lưu ý một số vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm. Đó là giữ chân lao động; tiếp cận thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo xu hướng xanh, chuyển đổi số và liên kết.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này còn lưu ý, doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu, cần gắn với các FTA (CPTPP; EVFTA; RCEP và Trung Quốc?).

Ông Dương cũng lưu ý tới vấn đề xuất chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

“Doanh nghiệp cũng cần có cách ứng xử với xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới và rủi ro lạm phát trong nước; Khả năng giảm mặt bằng lãi suất; Biến động tỷ giá và hàm ý”, ông đề xuất.

Đến hết tháng 10/2021, có 215 vụ tranh chấp

Ở góc độ nhận diện những trở ngại về pháp lý trong giai đoạn mới, ông Trương Trọng Nghĩa – Đại biểu Quốc hội, Luật sư thành viên Công ty Luật YKVN đưa ra 4 vấn đề pháp lý điển hình của các doanh nghiệp. Đó là: Chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; Ngưng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; Trì hoãn, gia hạn việc thực hiện hợp đồng; Viện dẫn điều khoản về sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng đứt gãy, tình trạng giãn cách kéo dài, thiếu nguyên vật liệu… dẫn đến doanh nghiệp không thể thực hiện sản xuất, kinh doanh, trung chuyển hàng hóa; Khó khăn trong việc thuê đơn vị vận chuyển hàng hóa.

Dẫn số liệu từ VIAC về tranh chấp phát sinh trong giai đoạn Covid-19, ông Nghĩa cho biết, đến hết tháng 10/2021, có 215 vụ tranh chấp, gần bằng cả năm 2020 (có 221 vụ).

Trên cơ sở phân tích thuận lợi, khó khăn đối với doanh nghiệp, ông Nghĩa đề xuất 3 khuyến nghị nhằm giải quyết những trở ngại về pháp lý trong thời gian tới.

Thứ nhất, đối với điều khoản về sự kiện bất khả kháng, ông Nghĩa lưu ý, khi ký hợp đồng, doanh nghiệp cần có chuyên gia dự liệu các tình huống có thể phát sinh. Hợp đồng cần quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.

“Điều khoản về sự kiện bất khả kháng phải phù hợp với pháp luật Việt Nam hoặc của một nước thứ ba nào đó nếu các bên thỏa thuận chọn luật áp dụng. Cần phải xem xét kỹ lưỡng để tránh điều khoản bị vô hiệu”, ông nói.

Đối với điều khoản khác trong hợp đồng, theo ông Nghĩa, các bên cần dự liệu những thỏa thuận khác khi thỏa thuận và ký kết hợp đồng. “Dù không phải là sự kiện bất khả kháng nhưng những điều khoản này cho phép khi có sự cố xảy ra thì một trong các bên có thể áp dụng điều khoản cụ thể để được miễn giảm trách nhiệm”, ông Nghĩa giải thích.

Đối với điều khoản giải quyết tranh chấp, theo ông Nghĩa, đây là điều khoản bắt buộc trong hợp đồng. Khi phát sinh tranh chấp, các bên có nhiều phương án giải quyết (đàm phán, thương lượng, hòa giải, Trọng tài và Tòa án).

“Căn cứ trên tinh thần thiện chí, các bên sẽ lựa chọn phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp. Phương thức tố tụng bằng trọng tài, nhất là trong quan hệ quốc tế rất phù hợp và phổ biến. Việc áp dụng phương thức trọng tài đem lại những thuận tiện nhất định về mặt thời gian, địa điểm, cách giải quyết, nhất là trong bối cảnh Covid-19 hiện tại”, ông nêu quan điểm./.