Nghị định 35 tạo bước tiến mới cho phát triển KCN chuyên biệt

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh “Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP là việc làm thiết thực, kịp thời, phù hợp tình hình khách quan nhằm mục đích hoàn thiện và tạo đà cho tiến trình xây dựng một hành lang pháp lý góp phần hình thành những khu công nghiệp chuyên biệt, hiện đại, xanh, sạch và đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.

Hóa giải các
Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế”

Theo đó, Nghị định quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế trong quy hoạch vùng, tỉnh. Các doanh nghiệp hiểu rõ các điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế và dễ dàng tiếp cận hệ thống quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế của các địa phương.

Các khu công nghiệp của Việt Nam kỳ vọng bước vào giai đoạn mới tích cực hơn khi Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm sửa đổi tiến bộ so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, Nghị định 35/2022/NĐ-CP phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng khu công nghiệp gồm quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp.

Đặc biệt, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như lập quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt…

Như vậy, Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã có giải pháp cho nhiều vấn đề mấu chốt, mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng và có một số chủ trương tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và đầu tư. Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp và cơ sở, tiếp cận cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Cụ thể, ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế được giao nhiệm vụ, được ủy quyền cụ thể trên từng loại hình, công việc gần như “một cửa” nhưng cụ thể hơn trước đây.

Hóa giải các
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn

Đáng chú ý, một điểm mới đột phá của Nghị định 35/2022/NĐ-CP là công nhân, người lao động được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại khu công nghiệp. Trong đó, để được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án hạ tầng khu công nghiệp phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Ngoài ra, một trong các điều kiện xem xét mở rộng khu công nghiệp là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho công nhân.

Với những điểm sửa đổi bổ sung này, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế được đánh giá là đã giúp khắc phục những hạn chế mà Nghị định 82/2018/NĐ-CP Quy định về việc Quản lý khu Công nghiệp và Khu kinh tế đang mắc phải, góp phần tháo gỡ một số hạn chế, bất cập trong các quy định về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội của các Khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý khơi thông phát triển các loại hình KCN

Cùng với những điểm được đánh giá là mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà, từ thực tế triển khai, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng khuyến nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để phù hợp với thực tế khách quan, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, cũng như cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án.

Theo đánh giá của Luật sư Trần Đại Nghĩa, Nghị định 35/2022/NĐ-CP là chính sách quan trọng trong việc định hướng phát triển hạ tầng KCN của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt là các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các mô hình KCN chuyên dụng như Khu công nghiệp hỗ trợ, Khu công nghiệp chuyên ngành, Khu công nghiệp sinh thái, Khu công nghiệp công nghệ cao. Thực tiễn đối chiếu với các quy định thực tế còn có một số điểm chưa thực sự thuận lợi cho việc áp dụng các quy định này, do đó cần tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện trong các hệ thống pháp luật có liên quan, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của các KCN.

Theo Luật sư Nghĩa, Nghị định 35/2022/NĐ-CP là một chính sách đúng đắn trong việc định hình phát triển hệ thống các KCN chuyên sâu tại Việt Nam. Các quy định tại Nghị định đã làm rõ khái niệm về loại hình KCN chuyên sâu vốn trong điều kiện Việt Nam. Đối với từng mô hình thì sẽ có những quy định cụ thể để triển khai. Nhằm triển khai thành công chính sách ra thực tiễn cần tiếp tục hoàn thiện trong hệ thống pháp luật cũng như cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương liên quan.

Hóa giải các
Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn

Nêu bật những điểm tiến bộ của Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Trần Thị Tố Loan cho rằng Nghị định 35/2022/NĐ-CP có nhiều điểm sửa đổi tiến bộ so với Nghị định 82/2018 trước đây về quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Theo đó, Nghị định đã phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp; Vai trò của UBND cấp tỉnh, nhà đầu tư cũng được chú trọng; địa phương được trao quyền cho nhiều hơn. Ngoài ra, quy định cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đầu tư hạ tầng.

“Tất cả những thay đổi, sửa đổi này đều giúp tiết kiệm thời gian triển khai dự án, giảm chi phí cho nhà đầu tư, định hướng nhà đầu tư. Đặc biệt tránh được quy trình phức tạp và kéo dài ở việc điều chỉnh hiện đang gây khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án, vì trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều vấn đề phát sinh mà lúc lập dự án không thể tính toán hết được”, bà Loan nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, TS. Hán Minh Cường, đại diện Công ty CP Tập đoàn Sgroup đánh giá cao những điểm mới sửa đổi của Nghị định 35, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn cố hữu của Nghị định 82/2018/NĐ-CP trong phát triển KCN, Khu kinh tế. Ông Cường cũng lưu ý sẽ còn một số khó khăn tiềm ẩn cũng như nhiều rào cản nảy sinh đối với việc chuyển đổi KCN mà các nghị định đang thực thi cũng như sắp ban hành tới đây cần tiếp tục tập trung tháo gỡ.

Cũng theo ông Cường, trong giai đoạn này, khi các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đang được lập cho giai đoạn 2021-2030, các quy hoạch chung xây dựng đang được điều chỉnh cho kỳ quy hoạch mới thì cần có những dự báo, tính toán chính xác về nhu cầu phát triển để từ đó xác định đúng tính chất của các KCN, quy hoạch hợp lý vị trí, quy mô của các khu vực nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội bởi đó là giải pháp căn cơ và bền vững để phát triển KCN.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN và KKT, chiếm khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Chỉ trong vòng hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, đã có hàng trăm KCN đi vào hoạt động, hệ thống KCN, KKT của Việt Nam là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể khẳng định, việc hình thành và phát triển KCN, KKT là hướng đi chiến lược, quan trọng của Việt Nam trong việc kêu gọi, thu hút vốn FDI. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đến nay, các KCN, KKT vẫn là điểm nhấn thu hút đầu tư và được đánh giá là mô hình đầu tư ưu việt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương./.

Box:

Cũng tại Diễn đàn, Ban tổ chức đã trao Chứng nhận cho các Khu công nghiệp tiêu biểu năm 2022. Đây là sự kiện thường niên do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức nhằm động viên, khuyến khích các chủ đầu tư Khu công nghiệp đã tạo nên những khu công nghiệp xanh, sạch, đáp ứng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Để có được kết quả bình chọn khách quan, chính xác, trước đó Ban tổ chức đã thành lập Hội đồng bình chọn và thẩm định bao gồm các chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, quy hoạch kiến trúc, môi trường, xây dựng, bất động sản,… Trong tổng số hàng trăm KCN trên cả nước, Ban Tổ chức đã chọn ra 12 KCN tiêu biểu năm 2022, 4 khu công nghiệp đạt những tiêu chí vượt trội là: Khu công nghiệp Thân thiện với môi trường; Khu Công nghiệp có hạ tầng an sinh tiêu biểu; KCN có hạ tầng công nghiệp và Logistics đồng bộ.