Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam
Việt Nam không còn là đối tượng bị phân tích nâng cao như tại các kỳ báo cáo gần đây

Mới đây, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, trong đó tiếp tục xem xét các đối tác thương mại chính trên cơ sở 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Theo báo cáo, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa 12 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mexico, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).

Việt Nam không còn là đối tượng bị phân tích nâng cao như tại các kỳ báo cáo gần đây, mà được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa trở lại Danh sách giám sát. Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng kết luận không có đối tác lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong năm 2021.

Trong giai đoạn từ tháng 1-12/2021, Việt Nam đáp ứng tiêu chí được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra là thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ với Hoa Kỳ ở mức 90 tỷ USD (ngưỡng 15 tỷ USD).

Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.

Tại báo cáo này, Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 5/4/2022, đại diện Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã thể hiện sự nghiêm túc của Ngân hàng Nhà nước trong việc giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ và duy trì được ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức./.