THỰC TRẠNG

Công tác lập, phân bổ, thực hiện dự toán chi NSNN hàng năm

Hoàn thiện công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa
TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Trong giai đoạn 2017-2019, dự toán chi ngân sách TP. Cam Ranh tương đối ổn định, mức tăng không đáng kể. Đối với lập dự toán chi ĐTPT, giai đoạn 2017-2019 có sự tăng/giảm không đáng kể. Năm 2017, chi ĐTPT tăng 7% so với năm 2016 và năm 2018 giảm 0,8% so với năm 2017, năm 2019 tăng 2,8% so với năm 2018. Chi ĐTPT chiếm tỷ lệ 13,27%, 13,45% và 11,78% lần lượt các năm 2017, 2018 và 2019, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với cơ cấu chi thường xuyên (Bảng 1). Thành phố qua đã từng bước chủ động trong việc thực hiện chu trình quản lý chi ĐTPT từ NSNN, từ khâu lập dự toán chi ĐTPT, chấp hành dự toán và thực hiện khâu quyết toán chi ĐTPT. Mặc dù, cơ cấu giữa chi thường xuyên và chi ĐTPT còn chênh lệch khá lớn, nhưng cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu chi đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Hoàn thiện công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Công tác lập dự toán chi ĐTPT từ NSNN

Dự toán chi ĐTPT của Thành phố chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách của Tỉnh, chiếm trên 50%, tỷ lệ này thay đổi tùy theo năm (năm 2017, chiếm 69,4%; năm 2018, chiếm 63%; năm 2019, chỉ chiếm 53%). Nguồn vốn ĐTPT của Thành phố từ nguồn tăng thu tiền sử dụng dụng đất còn thấp, năm 2017 là 25 tỷ đồng, năm 2018 là 30 tỷ đồng và năm 2019 là 37 tỷ đồng (Bảng 2). Tuy nhiên, nhiều đơn vị dự toán gặp khó khăn khi thực hiện lập dự toán chi ĐTPT từ NSNN, như: cán bộ làm dự toán thiếu kinh nghiệm, kỹ năng; thiếu sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan; thiếu thông tin dự báo, khả năng dự báo; chất lượng công tác quy hoạch, khảo sát, tính toán, lập hồ sơ thiết kế dự toán dự án đầu tư chưa cao. Có thể nói, những khó khăn trên sẽ ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng của công tác lập dự toán chi ĐTPT.

Hoàn thiện công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Về phân bổ và chấp hành dự toán chi ĐTPT

Trong giai đoạn 2017-2019, dự toán chi ĐTPT tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công trình công cộng phúc lợi xã hội, giáo dục, qua đó góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện đảm bảo an sinh xã hội cho đời sống người dân ở địa phương.

Hoàn thiện công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Số liệu Bảng 3 cho thấy, cơ cấu chi đầu tư phân bổ cho từng chương trình, mục tiêu chưa hợp lý, như: Cơ cấu nguồn vốn đầu tư XDCB dành cho Chương trình phát triển đô thị (chiếm 7,34%), hoặc vốn đầu tư dành cho mục tiêu kiến thiết thị chính (chỉ 1,99%). Đối với vốn đầu tư Chương trình kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất thấp (chiếm 0,78%), chủ yếu từ nguồn vốn của Tỉnh, Thành phố chỉ đối ứng. Trong khi đó, vốn đầu tư dành cho xây dựng mới, duy tu bảo dưỡng công sở cao (chiếm 8,35%), song việc đầu tư cho mục tiêu này lại không tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.

Tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư năm 2017 đạt cao nhất là 90,4% kế hoạch, năm 2018 chỉ đạt 70,8% kế hoạch, và 82,5% cho năm 2019 (Bảng 4). Qua khảo sát, hầu hết các đơn vị gặp khó khăn trong chấp hành dự toán chi đầu tư, các đơn vị cho rằng, trong giai đoạn 2017-2019 có nhiều công trình/dự án kéo dài thời gian đầu tư 2 đến 3 năm, một số trường hợp công trình có tổng mức đầu tư thấp dưới 1,5 tỷ đồng nhưng phân bổ thành 2 năm (năm đầu triển khai phân bổ vốn 80%, năm thứ 2 phân bổ số vốn còn lại) hoặc một số công trình/dự án chậm triển khai tiến độ đầu tư phải thực hiện chuyển nguồn sang năm sau do nguồn vốn phân cấp điều chỉnh, bổ sung vào những tháng cuối năm, nguồn phân bổ vốn đầu tư dàn trải, phân kỳ nhiều năm, bố trí vốn chưa đủ theo tổng mức đầu tư, việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ĐTPT giữa cấp trên và địa phương còn chậm, công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công chưa nghiêm.

Hoàn thiện công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Về quyết toán vốn đầu tư phát triển

Những năm qua, công tác quyết toán vốn đầu tư XDCB được UBND TP. Cam Ranh, các chủ đầu tư, các địa phương quan tâm chỉ đạo. Qua Bảng 5 và 6 cho thấy, giai đoạn 2017-2019, tổng vốn ĐTPT thực hiện quyết toán là 192.471,1 triệu đồng so với dự toán ĐTPT được duyệt là 236.423 triệu đồng, đạt 81,4%. Số vốn đề nghị quyết toán so với tổng mức vốn đầu tư còn thấp, năm 2017 là 60%; năm 2018 là 48,17%; năm 2019 là 57,5%. Không có sự chênh lệch giữa phê duyệt quyết toán và đề nghị quyết toán. Số chuyển nguồn sang năm sau vẫn còn cao, năm 2017 chuyển 6.534 triệu đồng, năm 2018 chuyển 21.601,9 triệu đồng, năm 2019 chuyển 15.816 triệu đồng.

Hoàn thiện công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa
Hoàn thiện công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Về công tác thanh tra, kiểm tra quản lý vốn đầu tư phát triển

Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc đã kịp thời phát hiện ra những sai phạm trong quản lý, qua đó đã chấn chỉnh việc đầu tư không đúng quy định, kéo dài thời gian thi công, những sai phạm trong đấu thầu, thi công, nghiệm thu và quyết toán công trình, đã thu hồi nộp NSNN góp phần tăng thu ngân sách, giảm thất thoát trong chi đầu tư XDCB (Bảng 7). Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, cả giai đoạn 2017-2019, Thành phố chỉ triển khai 4 cuộc thanh tra nhà nước đối với một vài công trình, trong khi đó, giai đoạn này Thành phố triển khai đến 231 công trình/dự án, tỷ lệ số công trình/dự án được thanh tra, kiểm tra là rất thấp (1,73%), chưa phát huy vai trò giám sát của HĐND trong lĩnh vực quản lý chi ĐTPT.

Hoàn thiện công tác quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI ĐTPT TỪ NSNN CỦA TP. CAM RANH

Một là, hoàn thiện công tác lập dự toán chi ĐTPT từ NSNN

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, các đơn vị được giao nhiệm vụ và được cụ thể hóa bằng Quy chế phối hợp thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ đầu tư, theo đó nêu rõ về căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục, hồ sơ, thời gian thực hiện, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, nhằm tránh sự chồng chéo, cũng như sự trùng lắp trách nhiệm, hoặc bỏ sót trách nhiệm giữa các ngành, đơn vị.

Hai là, hoàn thiện công tác phân bổ, chấp hành dự toán chi ĐTPT từ NSNN

Việc phân bổ dự toán chi đầu tư phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đối tượng, công khai, đảm bảo phân bổ cơ cấu vốn hợp lý trong điều kiện nguồn lực có hạn, đảm bảo thời gian để các đơn vị được phân bổ dự toán chủ động triển khai thực hiện dự toán. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát quá trình huy động, phân bổ vốn đầu tư cũng cần phải quan tâm. Việc tăng chi ngân sách địa phương cho ĐTPT để thu hút vốn đầu tư trong xã hội sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Trong chấp hành dự toán chi ĐTPT, cần chú trọng khâu kiểm soát quá trình sử dụng vốn đầu tư, các cơ quan liên phải đề cao trách nhiệm trong từng khâu, từ lập hồ sơ thiết kế dự toán, tổ chức thực hiện đầu tư đến khâu thanh quyết toán vốn đầu tư, quyết toán công trình hoàn thành.

Trong công tác theo dõi việc chấp hành dự toán và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm liên quan hầu hết đến thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND, UBND Thành phố, phòng Tài chính – Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị được giao là chủ đầu tư. Do vậy, cần cụ thể hóa bằng một Quy chế quy định công tác lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm trên địa bàn Thành phố.

Ba là, hoàn thiện công tác quyết toán chi ĐTPT từ NSNN

Để hoàn thiện công tác quyết toán chi ĐTPT, đòi hỏi lãnh đạo địa phương cần quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo quyết toán đảm bảo đầy đủ, chính xác, thống nhất, đồng bộ. phòng Tài chính – Kế hoạch, phòng Quản lý đô thị, Ban quản lý dự án các công trình xây dựng của Thành phố kịp thời tham mưu, đề xuất biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác quyết toán, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý và sử dụng vốn ĐTPT từ NSNN

Cần phải tăng cường và nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra chi ĐTPT của các đơn vị được giao dự toán/các đơn vị giao nhiệm vụ chủ đầu tư. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát cần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, thanh tra chuyên ngành, cơ quan thanh tra nhà nước… nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư.

Phát huy chức năng giám sát của HĐND Thành phố, HĐND xã, phường trong các khâu của chu trình quản lý chi ĐTPT từ NSNN, chú trọng tăng cường vai trò phản biện, giám sát của xã hội thông qua sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, các ban giám sát đầu tư cộng đồng, người dân địa phương… trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng công trình/dự án.

Năm là, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý chi NSNN

Để bộ máy hoạt động tốt, lãnh đạo Thành phố cần đánh giá vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch quản lý chi ĐTPT từ NSNN, từ đó bố trí nhiệm vụ, phân công công tác, số lượng biên chế cho phù hợp. Cùng với đó, các cơ quan liên quan phải tích cực và chủ động trong việc phối hợp để triển khai thực hiện công tác đầu tư.

Sáu là, nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn trong quản lý vốn ĐTPT từ nguồn NSNN

Thường xuyên củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng thông qua công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác. Đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, trong đó quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các chuyên ngành kỹ thuật (như: phòng Quản lý đô thị, Ban quản lý dự án các công trình xây dựng).

Bảy là, tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chi ĐTPT từ NSNN

Cần quan tâm chỉ đạo tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chi ĐTPT từ NSNN của địa phương, áp dụng các phần mềm quản lý điều hành ngân sách dự án và quyết toán dự án hoàn thành, như: phần mềm quản lý, điều hành ngân sách dự án và quyết toán dự án hoàn thành (OPMS.VN), hệ thống “quản lý dự án đầu tư FlexProject”, phần mềm “quản lý đầu tư Faceworks”, phần mềm “quản lý dự án và ngân sách đầu tư công Pabmis”, phần mềm “quản lý vốn đầu tư Hinet”… hoạt động trên nhằm thực hiện chức năng quản lý thông tin dự án xây dựng, quản lý giám sát dự án, theo dõi thanh toán vốn đầu tư xây dựng, quản lý hợp đồng, hiện đại hóa công tác quản lý vốn đầu tư XDCB, từ khâu cấp mã số dự án đến quyết toán dự án hoàn thành và báo cáo ngân sách dự án./.

Tài liệu tham khảo

  1. UBND TP. Cam Ranh (2016-2020). Tình hình phát triển kinh tế – xã hội các năm, từ năm 2016 đến 2020
  2. Thanh tra TP. Cam Ranh (2017-2019). Kết quả thanh tra nhà nước việc thanh quyết toán vốn đầu tư XDCB giai đoạn 2017-2019
  3. Phòng Tài chính – Kế hoạch TP. Cam Ranh (2017-2019). Báo cáo quyết toán vốn đầu tư các năm 2017, 2018, 2019

PGS, TS. Nguyễn Thị Kim Anh

Hồ Thị Thanh Thảo

Trường Đại học Nha Trang

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)