TS. Nguyễn Thị Khuyên

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Email: nguyenkhuyenajc@gmail.com

Tóm tắt

Hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước là nội dung đặc biệt quan trọng trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Quá trình này được thực hiện trên khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của Đảng và tham khảo những bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Bài viết khái lược quá trình hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước ở Trung Quốc và rút ra một số bài học cho Việt Nam.

Từ khóa: thể chế, sở hữu nhà nước, thành phần kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc, Việt Nam.

Summary

Improving the institutions of state ownership and economic sectors is particularly critical content in perfecting the institutions of the socialist-oriented market economy in Vietnam. This process is carried out based on the Party’s independent and creative thinking ability and referring to lessons learned from countries around the world. The article outlines the process of perfecting the institutions of state ownership and economic sectors in China and draws some lessons for Vietnam.

Keywords: institutions, state ownership, state economic sectors, state-owned enterprises, China, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm đổi mới, Trung Quốc đã không ngừng hoàn thiện chế độ sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước theo hướng nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, đảm bảo sở hữu nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những động lực phát triển quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nghiên cứu vận dụng các nguyên lý khoa học và bài học kinh nghiệm của các nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nói chung, hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước nói riêng là yêu cầu cấp bách, thường xuyên, liên tục.

QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VỀ SỞ HỮU VÀ THÀNH PHẦN KINH TẾ NHÀ NƯỚC Ở TRUNG QUỐC

Tiến trình hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước của Trung Quốc được thực hiện từ năm 1978 đến nay, bao gồm 4 giai đoạn chính: giai đoạn đổi mới nhận thức và thử nghiệm ban đầu 1978-1992; giai đoạn thực hiện chế độ khoán với doanh nghiệp nhà nước từ năm 1993 đến 2002; giai đoạn đổi mới toàn diện về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước từ năm 2002 đến nay.

Giai đoạn 1978 đến năm 1992

Mục tiêu chính trong giai đoạn này là điều chỉnh mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp theo hướng mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp, đồng thời gắn kết quả kinh doanh với lợi ích của người lao động, nhằm tăng cường tính tích cực, chủ động cho doanh nghiệp. Tháng 10-1978, 6 doanh nghiệp nhà nước đầu tiên ở Tứ Xuyên được chọn để thực hiện thí điểm cải cách. Tháng 5-1979, mô hình thí điểm được nhân rộng với 8 doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải. Tháng 7-1979, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố văn kiện liên quan đến “Quy định về mở rộng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước”, theo đó doanh nghiệp có quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh nhất định, bắt đầu trở thành chủ thể có lợi ích độc lập gắn với tính tích cực của doanh nghiệp được nâng cao

Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XII (tháng 10/1984) đánh dấu bước cải cách thể chế kinh tế lớn trong quá trình phát triển của Trung Quốc. Mô hình tổng quát được xác định là kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Với khu vực kinh tế nhà nước, đẩy mạnh thực hiện chế độ khoán kinh tế với hầu hết doanh nghiệp nhà nước; thực hiện chương trình cải cách với kinh tế, cổ phần hóa, tập đoàn hóa đối với các doanh nghiệp cỡ trung và lớn của nhà nước.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, khóa XII, hầu hết các doanh nghiệp cỡ trung và lớn của nhà nước đã thực hiện chế độ khoán. Thực tiễn này đã tạo điều kiện để Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn thiện hơn nữa lý luận về thể chế sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước, trong đó nhấn mạnh vai trò của cơ chế khoán trong cải cách khu vực sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước, chế độ khoán đã đưa lại hai vai trò to lớn: Một là, giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường; Hai là, giúp xác định rõ mục tiêu lợi nhuận phải đạt của doanh nghiệp nhà nước, xác định mức thuế tối thiểu mà doanh nghiệp nhà nước phải đóng cho ngân sách và xác định phương thức phân phối lợi nhuận giữa doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước Trung Quốc. Buộc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, không đạt được mục tiêu lợi nhuận phải nộp thuế bằng các quỹ của doanh nghiệp. Quy định này vừa khuyến khích vừa ép buộc, tạo động lực đổi mới hoạt động trong khu vực kinh tế nhà nước giai đoạn này. Trong một thời gian ngắn, kinh tế nhà nước ở Trung Quốc đã tăng trưởng cả lợi nhuận và thuế nộp cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế vận hành cơ chế khoán tiếp tục bộc lộ những hạn chế, bao gồm: (i) Tính phụ thuộc của doanh nghiệp nhà nước vào Nhà nước còn cao. (ii) Chế độ khoán chưa thống nhất ở tất cả các doanh nghiệp nhà nước, mức khoán được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa Nhà nước với từng doanh nghiệp, dẫn đến hình thành một cơ chế cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước để có được mức khoán hợp lý. (iii) Mục tiêu khoán bị lạc hậu dần trong quá trình phát triển. Thời hạn khoán từ 3 đến 5 năm, những mục tiêu và mức thuế khoán không phù hợp, dẫn đến thỏa thuận điều chỉnh trong thời gian đó. (iv) Để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận và thuế khoán, doanh nghiệp nhà nước chạy theo lợi nhuận trước mắt, không tập trung vào đầu tư phát triển dài hạn, khai thác triệt để trang thiết bị, cắt giảm chi phí bảo trì dẫn đến hư hỏng trang thiết bị của doanh nghiệp nhà nước. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế với thành phần kinh tế và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong giai đoạn tiếp theo.

Tháng 10/1992, Trung Quốc chủ trương không khuyến khích chế độ khoán với doanh nghiệp nhà nước, mà đặt ra mục tiêu tổng kết thực tiễn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và thể chế về sở hữu, thành phần kinh tế nhà nước nói riêng.

Giai đoạn 1993-2002

Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIV (tháng 11/1993) là một dấu mốc quan trọng trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội Trung Quốc nói chung và hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước nói riêng. Hội nghị đã thông qua Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề liên quan đến xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đối với sở hữu và doanh nghiệp nhà thực hiện chế độ xây dựng doanh nghiệp nhà nước hiện đại, có khả năng thích ứng tốt với cơ chế thị trường, sản xuất trên quy mô lớn, tách tách bạch vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Thực hiện minh bạch quyền và trách nhiệm tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.

Giai đoạn từ cuối năm 1994 đến năm 1997, Trung Quốc thực hiện giai đoạn một trong xây dựng doanh nghiệp nhà nước hiện đại. Trung Quốc lựa chọn 100 doanh nghiệp nhà nước cỡ trung và lớn được lựa chọn để thí điểm thành lập hệ thống doanh nghiệp hiện đại, nhằm cơ cấu lại quyền tài sản và xác định rõ cơ quan đầu tư cho doanh nghiệp; chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn; đánh giá lại và cung cấp đầy đủ quyền tài sản cho doanh nghiệp; giảm bớt gánh nặng các khoản nợ không xác định được nguyên nhân trong quá khứ của doanh nghiệp.

Cuối năm 1997, Trung Quốc tổng kết kinh nghiệm ở quá trình triển khai thể chế này và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xác lập lại cơ cấu sở hữu trong công ty cổ phần nhà nước, tách quyền quản lý doanh nghiệp nhà nước với chức năng quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện đại hội cổ đông, xây dựng hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước và hình thành cơ chế quản lý mới đối với doanh nghiệp nhà nước.

Năm 1998, khủng hoảng tài chính châu Á khiến kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, nhiều ngành nghề và sản phẩm xuất hiện tình trạng dư thừa, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước không mấy thuận lợi. Trước thực trạng đó, quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng liên quan đến cải cách và phát triển doanh nghiệp nhà nước ban hành năm 1999 đã yêu cầu điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhà nước, tiếp tục cải tổ chiến lược cải cách doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 2000, số lượng doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ giảm 70% so với năm 1997, lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước đạt 239,2 tỷ nhân dân tệ, tăng gấp 2,9 lần so với năm 1997.

Giai đoạn 2002-2012

Cùng với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước dần bước sang giai đoạn phát triển. Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVI, Trung Quốc tiếp tục tăng cường xây dựng thể chế doanh nghiệp hiện đại, thay đổi phương thức quản lý tài sản nhà nước và cải cách thị trường vốn trở thành những nét chính trong cải cách doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc thời kỳ này.

Cải cách thể chế quản lý tài sản nhà nước là một bước tiến có chiều sâu trong cải cách thể chế kinh tế. Tháng 11/2002, Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra nhiệm vụ đi sâu cải cách thể chế khu vực nhà nước, yêu cầu thành lập cơ quan quản lý tài sản nhà nước tại Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu tự trị. Tháng 3-2003, Ủy ban Quản lý giám sát tài sản nhà nước (SASAC) tại Trung ương và địa phương lần lượt được thành lập, thống nhất quyền quản lý về con người, sự vụ và tài sản. Sau khi thành lập, SASAC đã nêu rõ, các doanh nghiệp nhà nước lớn cần thu hút đầu tư nước ngoài và vốn xã hội hóa, thực hiện đa dạng hóa quyền tài sản.

Trong giai đoạn này, cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn chủ yếu theo nguyên tắc “nắm to, bỏ nhỏ”. Nguyên tắc này giúp nắm bắt những mâu thuẫn chủ yếu và phương diện chủ yếu của mâu thuẫn, làm tốt công tác điều hành vĩ mô, tiến hành điều tiết vi mô đối với những mâu thuẫn thứ yếu và phương diện thứ yếu của mâu thuẫn. Đồng thời lấy đa dạng hóa quyền tài sản và xây dựng cơ cấu điều hành làm trọng tâm.

Tháng 10/2003, “Quyết định một số vấn đề liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVI chỉ rõ, cần đẩy mạnh phát triển chế độ sở hữu hỗn hợp bao gồm vốn nhà nước, vốn tập thể và vốn ngoài quốc doanh, thực hiện đa dạng hóa chủ thể đầu tư, đưa chế độ cổ phần trở thành hình thức thực hiện chủ yếu của chế độ công hữu. Cũng theo quyết định trên, Trung Quốc cần hoàn thiện cơ chế vốn nhà nước lưu động hợp lý, tiếp tục thúc đẩy đầu tư vốn nhà nước vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tăng cường khả năng điều hành của kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành nghề và lĩnh vực khác cần thông qua điều chỉnh cơ cấu tài sản, thực hiện cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Giai đoạn từ năm 2013 đến nay

Tháng 11/2013, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII thông qua quyết định về một số vấn đề quan trọng liên quan đến đi sâu cải cách toàn diện. Tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước tiếp theo bao gồm: tích cực phát triển chế độ kinh tế sở hữu hỗn hợp, tăng cường quản lý, giám sát tài sản nhà nước, trong đó chú trọng quản lý vốn, giới hạn chức năng cho các doanh nghiệp nhà nước khác nhau.

Trước thành quả đó, Trung Quốc tiếp tục tiến hành cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp một cách tích cực và hợp lý nữa. Cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp của doanh nghiệp nhà nước đã chuyển trọng tâm từ cải cách quản lý giám sát sang cải cách phân quyền, từ thí điểm sang hành động, từ các giải pháp đơn lẻ sang cải cách tổng hợp. Cùng với sự tăng cường cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp, tư duy cải cách từ Trung ương đến địa phương cũng trở nên mạch lạc hơn, đồng thời coi cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp để phát triển trong nền kinh tế thị trường, là phương thức quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và kiện toàn kết cấu điều hành doanh nghiệp.

Trung Quốc ban hành “Hướng dẫn cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp cho doanh nghiệp nhà nước”, trong đó nêu rõ, doanh nghiệp theo chế độ sở hữu hỗn hợp có thể thông qua thị trường sở hữu trí tuệ, cổ phiếu… thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước một cách công khai, minh bạch và công bằng.

Năm 2020 Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cũng là năm bản lề trong việc đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc. Báo cáo công tác Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII đề cập về phương hướng cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc giai đoạn tiếp theo như sau: Tăng cường hiệu quả cải cách doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện thể chế quản lý giám sát tài sản nhà nước, đi sâu cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp. Cơ bản hoàn thành tách biệt chức năng xã hội và giải quyết những vấn đề tồn đọng trong lịch sử. Doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chủ yếu, kiện toàn cơ chế kinh doanh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi.

Nhiều chuyên gia chiến lược, nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã chỉ ra những định hướng quan trọng để đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tiếp theo, nhằm phát huy toàn diện vai trò đi đầu của các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao và doanh nghiệp công nghệ tiên tiến, bao gồm: Một là, tăng cường phân quyền đối với các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao và doanh nghiệp công nghệ tiên tiến. Cơ quan quản lý tài sản nhà nước phải nỗ lực thu hẹp phạm vi ảnh hưởng xấu, thực hiện phân quyền nhiều nhất có thể, tăng cường quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trên. Hai là, tăng cường cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp, khiến cho tài sản nhà nước được phân phối linh hoạt. Ba là, tăng cường cơ chế khuyến khích hệ thống tiền lương theo cơ chế thị trường tại các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao và doanh nghiệp công nghệ tiên tiến. Bốn là, tăng cường giám sát, quản lý tài sản nhà nước, giám sát quản lý ở tất cả các khâu, tăng tính thị trường và tính chủ động trong phương thức giám sát, quản lý, kiên quyết ngăn chặn tình trạng thất thoát tài sản nhà nước. Năm là, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp có quy mô, hiệu quả kinh doanh cao và doanh nghiệp công nghệ tiên tiến, gắn trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm xã hội với trách nhiệm chính trị.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO HOÀN THIỆN THỂ CHẾ VỀ SỞ HỮU VÀ THÀNH PHẦN KINH TẾ Ở VIỆT NAM

Quá trình hoàn thiện thể chế, đổi mới khu vực sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước tại Việt Nam trong thời gian qua đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp này đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, một số tập đoàn, tổng công ty và dự án đầu tư còn thua lỗ, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế; đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới thay đổi nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều ngành, lĩnh vực mới. Việt Nam chưa có nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Sự tương đồng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giữa Việt Nam và Trung Quốc, tạo cho Việt Nam có những cơ hội để học hỏi, vận dụng kinh nghiệm của Trung Quốc vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung, hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước nói riêng. Quá trình hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước ở Trung Quốc luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Chú trọng đổi mới phương pháp, cách thức quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước là vấn đề then chốt.

Kinh nghiệm cải cách khu vực kinh tế nhà nước ở Trung Quốc mang lại những bài học đối với định hướng hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước ở Việt Nam như sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng với đổi mới, hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước có quy mô, hiệu quả kinh doanh cao và doanh nghiệp công nghệ tiên tiến, gắn trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm xã hội với trách nhiệm chính trị.

Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty một cách toàn diện. Xây dựng những tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Ba là, Mở rộng chế độ sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các khu vực kinh tế khác, để tài sản nhà nước được phân phối linh hoạt trong các khu vực của nền kinh tế. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại những khu vực nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ. Tập trung hơn nữa các nguồn lực của nhà nước vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò quan trọng, dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, cuốn hút, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cùng phát triển

Bốn là, đưa kinh tế nhà nước thực sự trở thành là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm là, đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện công tác kế hoạch hóa, tăng cường giám sát, quản lý tài sản nhà nước, giám sát quản lý ở tất cả các khâu, tăng tính thị trường và tính chủ động trong phương thức giám sát, quản lý, kiên quyết ngăn chặn tình trạng thất thoát tài sản nhà nước. Tách bạch giữa quyền sở hữu của nhà nước với quyền quản lý sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Tăng cường quản lý của nhà nước với các doanh nghiệp nhà nước, định hướng phát triển cho khu vực này, đồng thời phát hiện kịp thời những lệch lạc, có biện pháp hỗ trợ, đảm bảo tính hiệu và và vai trò then chốt của khu vực kinh tế Nhà nước. Tăng cường phân quyền đối với các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao và doanh nghiệp công nghệ tiên tiến. Cơ quan quản lý tài sản nhà nước phải nỗ lực thu hẹp phạm vi ảnh hưởng xấu, thực hiện phân quyền nhiều nhất có thể, tăng cường quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trên.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu cho thấy, Trung Quốc đã coi hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế nhà nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua 45 năm, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế nói chung và hoàn thiện thể chế kinh tế nói riêng. Những kinh nghiệm từ quá trình này là bài học quan trọng với công cuộc hoàn thiện thể chế về sở hữu và thành phần kinh tế ở Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban chỉ đạo tổng kết Ban Chấp hành Trung ương) (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Hoàng Công Thi (1999), Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc, Nxb Tài chính, Hà Nội.

3. Ngô Hiểu Ba, dịch giả Hồ Tiến Huân (2018), Cải cách kinh tế Trung Quốc qua các thời đại, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

Ngày nhận bài: 22/10/2024; Ngày phản biện: 30/10/2024; Ngày duyệt đăng: 12/11/2024