Hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân có lúc, có nơi còn bất cập

Phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, diễn ra hôm nay (ngày 21/2), theo Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận trong tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp đã có chuyển động tích cực…

Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chất lượng kỳ họp của HĐND có lúc, có nơi còn bất cập… Ảnh: QH

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, HĐND đã rất linh hoạt, nhạy bén và trách nhiệm để đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của thực tiễn địa phương. Thực hiện tốt hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và Đại biểu HĐND; đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề; triển khai phối hợp công tác giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Chú trọng nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri và tổ chức các kỳ họp bao gồm trực tuyến, trực tiếp; kết hợp trực tuyến, trực tiếp; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của nhân dân và cử tri, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%.

Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ lưu ý, chất lượng kỳ họp của HĐND; hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, cử tri…

8 nhiệm vụ cho năm 2022

Để khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 8 nội dung trong triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của HĐND các tỉnh, thành phố như sau:

Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý HĐND các tỉnh kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: QH

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND.

Thứ hai, rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, thành phố. Việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND phải bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố; hoạt động của HĐND phải lấy đại biểu làm trung tâm và trong mọi quyết sách liên quan đến chính quyền địa phương lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động từ sớm, từ xa trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ, thể chế kiến tạo phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố.

Thứ ba, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội, tài chính – ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, các giải pháp tài chính – tiền tệ trong 2 năm 2022-2023.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND như kỳ họp không giấy tờ, biểu quyết điện tử, từ xa, chuyển đổi số…

Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND với UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031; phối hợp với Ban công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp và công chức, viên chức Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

Thứ bảy, UBTVQH tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề; nghiên cứu ban hành Quy chế khung cho HĐND.

Thứ tám, tăng cường giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa HĐND các tỉnh, thành phố với nhau với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH, tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức và hoạt động của HĐND; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối với hoạt động của HĐND các cấp.

“Trên cơ sở kết quả của Hội nghị lần này, UBTVQH giao Ban Công tác đại biểu tiếp thu hoàn thiện báo cáo, đồng thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của HĐND các tỉnh, thành phố báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định…”, Chủ tịch Quốc hội cho biết./.