Bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam

Gần 600 trăm năm trước, tiến sĩ Thân Nhân Trung đã nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Câu nói ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị về vai trò của hiền tài trong xây dựng đất nước. Và để có hiền tài, đại học đóng một vai trò không thể thay thế bởi nơi đây không chỉ thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực, sáng tạo tri thức, mà là bồi dưỡng nhân tài.

Hợp tác đại học công - tư để thúc đẩy khoa học Việt Nam thăng hạng
Để có hiền tài, đại học đóng một vai trò không thể thay thế, bởi nơi đây không chỉ thực hiện sứ mệnh đào tạo nhân lực mà là bồi dưỡng nhân tài

Chất lượng đại học Việt Nam đã không ngừng tăng tiến trong hai thập kỷ qua. Số lượng công trình xuất bản đã tăng nhanh giai đoạn 2008-2019 [1]. Theo một số tổ chức xếp hạng độc lập, vị trí các trường đại học Việt Nam đã liên tục được cải thiện. Điều đáng nói là mặc dù đại học tư thục có từ lâu, nhưng phải cho đến những năm gần đây, vai trò của các trường tư nhân mới thực sự rõ nét, mang đến tín hiệu tích cực cho xã hội [2]. Theo ARWU (Academic Ranking of World Universities) công bố kết quả xếp hạng những đại học tốt nhất thế giới năm 2020, thì Đại học Tôn Đức Thắng đứng số 1 Việt Nam và thứ 701-800 thế giới. Còn theo Times Higher Education (THE) công bố mới nhất, lần đầu tiên Việt Nam có hai trường đại học lọt TOP 500 thế giới. Đại học Duy Tân (khối tư nhân) và Đại học Tôn Đức Thắng (khối công lập).

Mặc dù có sự tiến bộ, nhưng nền giáo dục của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo trang xếp hạng webometrics, Việt Nam không có tên trong TOP 10 trường đại học của khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Singapore có 3 trường ở các vị trí (1,2), Malaysia có 4 trường ở vị trí (3,4,5,7), Thái Lan có 3 trường (6,8,10), và Indonesia có 1 trường ở vị trí số 9.

Để góp phần tăng cường chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, rút ngắn khoảng cách xếp hạng với các đại học trong khu vực và trên thế giới, trong bài viết ngắn này, chúng tôi tập trung phân tích vào giải pháp hợp tác giữa mô hình đại công lập và đại học tư nhân. Chúng tôi trình bày điểm mạnh của từng khối đại học, sau đó là cơ sở và bằng chứng khoa học của sự hợp tác công tư và cuối cùng đề xuất một số giải pháp để tăng cường hợp tác công tư trong thời gian tới.

Điểm mạnh của từng khối trường công tư

Để bước vào hệ thống uy tín thì nền giáo dục Việt Nam cần có những cải tiến có giá trị, điều mà thế giới đã và đang thực hiện nhiều thế kỷ qua…

Lợi thế của từng hệ thống trường công lập và tư thục được xem xét dựa trên khía cạnh nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vốn xã hội và văn hóa khát vọng thay đổi.

Đầu tiên là nhân lực. Trường công có ưu điểm rất lớn là văn hóa và bề dày truyền thống đã được định hình, quy tụ được nhiều nhà khoa học có tên tuổi. Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển ổn định. Tuy nhiên trường tư cũng đang thu hút tốt nguồn nhân lực trẻ trung năng động và hầu hết lại được đào tạo bài bản, có vốn ngoại ngữ khá, và khả năng hợp tác, hội nhập với thế giới tốt.

Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc là một yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng của trường đại học. Tại khối trường tư nhân các trường Đại học Tôn Đức Thắng, Duy Tân, FPT, Phenikaa, đang sở hữu cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Mức độ ứng dụng công nghệ nổi trội, môi trường làm tiện nghi và có nhiều cải tiến so với đa phần các trường công lập.

Văn hóa làm việc và hợp tác quốc tế cũng là một lợi thế khá lớn của trường tư thục, do đa phần nhân lực trẻ, có trình độ ngoại ngữ khá tốt, được đào tạo và làm việc ở nước ngoài và có mối quan hệ với đồng nghiệp nước ngoài. Điều quan trọng là khát vọng thay đổi ở các trường tư nhân cũng rõ nét hơn.

Vốn xã hội (sự gắn kết với hệ thống chính trị) là một ưu điểm nổi bật của khối trường công lập. Lợi thế này cho phép các trường công lập (Đại học Quốc gia, Đại học Kinh tế quốc dân…) tham gia tư vấn chính sách quốc gia, thực hiện các nhiệm vụ công một cách thuận lợi.

Cơ sở khoa học và thực tiễn của hợp tác công tư trong giáo dục đại học

Một ví dụ về thành quả của sự hợp tác công và tư đó là sự áp dụng thành công hệ thống lý thuyết quản trị kiến thức để lý giải quá trình sản xuất vắc xin Covid-19 toàn cầu giữa Trường đại học Phenikaa (Khối tư nhân) và Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (Khối công lập).

Theo hệ xử lý thông tin hay còn gọi là hệ sáng tạo 3D, sự hợp tác (out-of-discipline) là một trong 3 cách (con đường) để thúc đẩy sáng tạo ra tri thức [3]. Sự hợp tác trường công tư là một giải pháp quan trọng trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục hiện nay. Sự hợp tác không chỉ tập trung vào việc hợp tác giữa các trường Đại học Việt Nam với các trường nước ngoài, mà còn giữa khối trường công và tư nhân.

Sự hợp tác sẽ giúp tận dụng các lợi thế tương đối và tuyệt đối của từng khối trường. Nếu như trường tư thục có nguồn nhân lực trẻ trung và khả năng thay đổi nhanh với điều kiện hoàn cảnh, thì trường công lập có vốn xã hội (sự gắn kết chính trị) và chiều sâu trong hệ thống do có bề dày lịch sử (within-of discipline). Sự hợp tác sẽ giúp giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực và thúc đẩy sáng tạo, năng suất khoa học một cách tổng thể.

Về thực tiễn, số liệu thực tế trong thời gian qua đã cho thấy, các trường TOP đầu của Việt Nam có năng suất khoa học cao đều dựa vào sự hợp tác rộng rãi giữa các nhà khoa học của các trường công-tư khác nhau [2]. Điều này khẳng định con đường hợp tác khoa học giữa hai khối công lập – tư thục là có cơ sở và khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Một ví dụ gần nhất về thành quả của sự hợp tác giữa trường công và tư đó là sự áp dụng thành công hệ thống lý thuyết quản trị kiến thức để lý giải quá trình sản xuất vắc xin Covid-19 toàn cầu của nhóm tác giả người Việt cách đây chưa lâu (ngày 18 tháng 1 năm 2022) giữa Trường Đại học Phenikaa (Khối tư nhân) và Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (Khối công lập). Công trình có tên đầy đủ là “Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework” và được đăng trên Tạp chí Humanities and Social Sciences Communications, tập san thuần túy về KHXH&NV duy nhất trong Nature Portfolio [4]. Một điểm đáng lưu ý khác là, bài nghiên cứu được hoàn thành hoàn toàn bằng nội lực Việt. Kể cả hệ thống lý thuyết được dùng làm xương sống cho bài cũng được đề xuất bởi người Việt từ một thập niên trước.

Một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự hợp tác của các trường công-tư ở Việt Nam

Sử dụng hệ thống 3D, tháp văn hóa và giá trị của đầu tư vào khoa học giáo dục [5,6], chúng tôi có một số khuyến nghị để tăng cường hợp tác đại học công-tư như sau:

Thứ nhất là tăng cường thông tin truyền thông về khoa học và tầm quan trọng của hợp tác khoa học giữa các trường. Đây là bước nhằm gia tăng mật độ thông tin hữu ích. Theo hệ xử lý thông tin, những thông tin này là điều kiện để phân phối nguồn lực thích hợp và tìm ra các giải pháp sáng tạo cho hợp tác khoa học giữa các đơn vị công-tư.

Thứ hai là xây dựng văn hóa hợp tác khoa học. Muốn thực hiện được, cần bắt đầu từ sự thay đổi văn hóa hợp tác của lãnh đạo hạt nhân, Ban lãnh đạo của các trường. Các lãnh đạo hạt nhân và Ban lãnh đạo cần có thái độ chủ động hơn trong việc tìm kiếm, đánh giá, và tận dụng nguồn lực thông qua việc hợp tác [7]. Thay đổi nhận thức hợp tác của Ban lãnh đạo là bước đầu tiên để hình thành lên văn hóa hợp tác khoa học giữa các đơn vị.

Thứ ba, tăng cường đầu tư hơn vào xây dựng hệ sinh thái các chuyên gia đầu ngành [8], đầu tư các dự án hợp tác khoa học [6] cụ thể từ nhỏ đến lớn, từng bước gieo mầm hợp tác để nâng cao năng suất chất lượng khoa học (chất lượng giáo dục đại học) Việt Nam.

Thứ tư, thực hiện hợp tác khoa học công-tư trong thời gian đủ dài. Theo hệ thức xử lý thông tin 3D, thực hiện kỷ luật sự hợp tác khoa học không chỉ là một con đường sáng tạo tri thức (giải pháp sáng tạo), mà còn là điều kiện quan trọng để hình thành văn hóa (hợp tác) khoa học giữa các đơn vị (disciplined process).

Bốn yếu tố trên thúc đẩy độ tin cậy của các đối tác và hạn chế tổn thất tài chính cũng như thời gian trong những thời kỳ dài cần thiết đầu tư cho phát triển khoa học-công nghệ. Quá trình này cũng góp phần làm gia tăng lượng thông tin quan trọng và rất cần thiết từ cả hai chiều: Viêt Nam ra tới cộng đồng quốc tế và ngược lại.

Tóm lại, khoa học là động lực, mục tiêu của sự phát triển, là quốc sách hàng đầu của Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển. Khoa học Việt Nam mặc dù đã có bước tiến lớn so với chính mình, nhưng vẫn còn khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới. Để bước vào hệ thống uy tín thì nền giáo dục cần có những cải tiến có giá trị, điều mà thế giới đã và đang thực hiện nhiều thế kỷ qua, để đạt đến vị thế hiện nay. Đây là trận chiến khó khăn vì để đạt chuẩn được công nhận cũng đã rất gian truân, cho dù mới ở mức “nhập môn”. Hợp tác đại học công tư có đầy đủ cơ sở khoa học, bằng chứng chứng minh cho một hướng giải pháp tốt để thúc đẩy khoa học Việt Nam trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo

  1. Ho MT, et al. (2020). The internal capability of Vietnam social sciences and humanities: A perspective from the 2008-2019 dataset. Publications, 8, 32.

  2. Vuong QH, et al. (2021). Top economics universities and research institutions in Vietnam: evidence from the SSHPA dataset. Heliyon, 7(2), e06273.
  3. Vuong QH, Napier NK. (2015). Making creativity: the value of multiple filters in the innovation process. International Journal of Transitions and Innovation Systems, 3(4), 294.
  4. Vuong QH, et al. (2022). Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 22. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01034-6
  5. Khuc VQ. (2022). Về khả năng ứng dụng của hệ xử lý thông tin 3D và nguyên lý bán dẫn giá trị trong tìm kiếm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Kinh Tế và Dự Báo. Trích xuất từ https://kinhtevadubao.vn/ve-kha-nang-ung-dung-cua-he-xu-ly-thong-tin-3d-va-nguyen-ly-ban-dan-gia-tri-trong-tim-kiem-giai-phap-cho-van-de-o-nhiem-moi-truong-va-bien-doi-khi-hau-o-viet-nam-20840.html
  6. Vuong QH. (2018). The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies. Nature Human Behaviour, 2(1),5. https://www.nature.com/articles/s41562-017-0281-4
  7. Vuong QH. (2019). Breaking barriers in publishing demands a proactive attitude. Nature Human Behaviour, 3(10), 1034. https://www.nature.com/articles/s41562-019-0667-6
  8. Nguyen QT, Nguyen MH (2021). Phát triển khoa học và công nghệ: Đâu là con đường cho Việt Nam?. Kinh tế và Dự báo. Trích xuất từ: https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-dau-la-con-duong-cho-viet-nam-18084.html

Khúc Văn Quý, Lê Tâm Trí, Nguyễn Minh Hoàng

Preprint DOI: 10.31219/osf.io/8px2b