THỰC TRẠNG

Kết quả đạt được

Sau gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh hiếm thấy nếu so sánh với quan hệ song phương giữa các nước trên thế giới, nhất là kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc” năm 2009. Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực, Việt Nam là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong Chính sách hướng Nam mới tăng cường.

Hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Hàn Quốc: Thực trạng và một số khuyến nghị trong thời gian tới
Gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh hiếm thấy

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua đã tác động tới cả hai nước, song với những hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước, như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc và với rất nhiều FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký với các nước, trong đó có Hàn Quốc, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA)… đã tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiều. Đặc biệt, thời gian gần đây, dù đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, nhưng quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục duy trì được đà phát triển. Chính trong thời điểm khó khăn, tinh thần hỗ trợ lẫn nhau, tinh thần Đối tác hợp tác chiến lược ngày càng được thể hiện rõ. Đặc biệt, Hàn Quốc là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nhiều trang thiết bị y tế và vắc xin. Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng chục nghìn lượt chuyên gia, nhà quản lý Hàn Quốc nhập cảnh, bảo đảm duy trì hoạt động kinh tế tại Việt Nam, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Hai bên hiện đang nỗ lực biến đại dịch Covid-19 thành cơ hội để hợp tác trên các lĩnh vực mới, nhất là hợp tác về y tế, kỹ thuật số…

Theo đó, những thành quả đạt được về hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua như sau:

Về đầu tư: Hàn Quốc chính thức đầu tư vào Việt Nam sau Đổi mới (năm 1986) và trong giai đoạn đầu, Hàn Quốc thường xuyên giữ vị trí thứ 3, thứ 4 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, với những dự án lớn và chất lượng. Từ năm 2014 đến nay, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, xét cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), năm 2021 Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD (sau Singapore), chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Tính lũy kế đến hết năm 2021 (tính đến ngày 20/12/2021), Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đăng ký gần 74,7 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư).

Những năm gần đây, Hàn Quốc luôn nằm trong top những quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam. Năm 2020, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam 3,949 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm và đứng thứ 2 trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Singapore. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu quốc gia, trong đó hơn 1/2 là các mặt hàng điện tử và khoảng 1/4 là của 1 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, trong đó có Samsung Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, như: dịch vụ, logistics, tài chính ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến… tạo việc làm cho khoảng 700.000 lao động địa phương, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu (Thế Hải, 2021). Điều này cho thấy tác động cũng như đóng góp quan trọng của FDI Hàn Quốc đối với xuất khẩu của Việt Nam. Gia tăng dòng vốn FDI của Hàn Quốc trong giai đoạn vừa qua còn giúp Việt Nam cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Chất lượng nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng được đánh giá cao, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ do Hàn Quốc chuyển giao và ứng dụng tại Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn Samsung đã thành lập 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào năm 2012 và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2016.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, thu hút 30% đầu tư của Hàn Quốc vào ASEAN (Khánh Vân, 2021).

Về thương mại: Sau hơn 5 năm có hiệu lực (năm 2015), VKFTA đã góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Năm 2020, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (Zuki, 2021).

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng, từ 4,71 triệu USD năm 2013 tăng lên đến 8,93 triệu USD năm 2015 (trước khi thực thi VKFTA) và tiếp tục tăng lên đến 19,72 triệu USD năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam sang Hàn Quốc có bị giảm nhẹ so với năm 2019, nhưng vẫn đạt tới 19,70 triệu USD (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc trong giai đoạn 2016-2020 đạt mức tăng trưởng trung bình 17,13%/năm và kim ngạch nhập khẩu tăng 10,5% trong cùng giai đoạn (Hình).

Hình: Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc

Hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam – Hàn Quốc: Thực trạng và một số khuyến nghị trong thời gian tới

Nguồn: Ban Quan hệ Quốc tế – VCCI (2020)

Một số vấn đề đặt ra

Về đầu tư: Sự gia tăng và dịch chuyển dòng vốn FDI sang Việt Nam đồng nghĩa với gia tăng hiện diện của các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này có rủi ro khi các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nắm vững được thị trường tại các địa bàn, khu vực trọng điểm kinh tế thì các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc dễ dàng thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường không chỉ tại các khu vực này, mà có thể cả ở quy mô toàn quốc. Sự chiếm lĩnh này có thể thấy ở một số lĩnh vực nổi bật, như: ô tô, mỹ phẩm, điện tử, rạp chiếu phim… dẫn đến sự lép vế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước.

Dòng vốn FDI Hàn Quốc vào Việt Nam tăng lên trong những năm qua cũng gây tác động tới môi trường. Thực tế, quá trình thiết lập cơ sở hạ tầng phục vụ vận hành các dự án FDI của Hàn Quốc tại các địa phương thường được tiến hành với tiến độ nhanh, thời gian ngắn và gây ra những áp lực, tác động tới môi trường (phế liệu xây dựng, rác thải, tiếng ồn, bụi bẩn…). Ngoài ra, khi đi vào vận hành, các cơ sở kinh doanh, nhà máy sản xuất tạo ra một lượng lớn rác thải công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng như chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và bản thân người lao động làm việc tại các cơ sở, nhà máy. Đây là một vấn đề cần lưu ý cải thiện nhằm đảm bảo tính phát triển bền vững của dòng vốn FDI từ Hàn Quốc nói riêng, cũng như từ các nước khác nói chung.

Về thương mại: Số liệu ở Hình cho thấy, cán cân thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc luôn trong tình trạng nhập siêu với giá trị lớn và có xu hướng gia tăng cùng với lộ trình thực hiện VKFTA. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu hết về VKFTA, nên chưa biết tận dụng những cơ hội từ thị trường này, trong khi đó, các doanh nghiệp của Hàn Quốc có sự chuẩn bị rất kỹ các điều kiện để được hưởng ưu đãi thi thực thi VKFTA.

Các mặt hàng mà Việt Nam và Hàn Quốc cam kết cắt giảm thuế trong VKFTA đều có mức tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu. Đối với Việt Nam là các mặt hàng: thủy sản, dệt may, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại, xơ, sợi dệt các loại, rau quả. Đối với Hàn Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; dây điện và cáp điện (Bộ Công Thương, 2020). Tuy nhiên, những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc vẫn chủ yếu là những mặt hàng sử dụng nhiều lao động, gia công, có giá trị thấp. Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Hàn Quốc chủ yếu là nguyên phụ liệu liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất… có giá trị lớn. Giá trị nhập khẩu lớn từ Hàn Quốc phần lớn là các sản phẩm máy móc, linh kiện, thiết bị phục vụ các dự án đầu tư của chính các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, như: L&G, Samsung, Posco… trong bối cảnh khả năng cung cấp của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước còn kém.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Có thể nói, những thành quả đạt được trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong gần 30 năm qua, cùng với sự gần gũi về địa lý, tương đồng về lịch sử, văn hóa, cùng chung lợi ích bổ trợ lẫn nhau trong hợp tác phát triển và chính sự quan tâm của lãnh đạo hai nước, sự cố gắng hết sức của nhân dân và doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Với nền tảng như trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác bền vững trong quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước như sau:

Một là, Chính phủ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư bằng nhiều công cụ, đặc biệt là công cụ về tài chính, như: giãn, hoãn, miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi… Riêng đối với Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục rà soát hệ thống luật pháp, bổ sung, sửa đổi nếu cần thiết để phù hợp với thực tiễn, hướng tới việc tạo khung pháp lý để hỗ trợ bảo đảm được những trụ cột cho tăng trưởng, như: vốn, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn với kinh tế số. Như vậy, giải pháp ngắn hạn phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng.

Hai là, tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách theo hướng thực hiện đầy đủ các cam kết trong các FTA đã ký kết, đặc biệt là VKFTA theo lộ trình, phù hợp với điều kiện và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Quá trình điều chỉnh này phải đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, đối xử công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ba là, đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức (báo đài, hội nghị, hội thảo, Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của bộ, ngành…) về các cam kết và lộ trình thực thi các cam kết của Việt Nam trong các FTA đã ký kết với Hàn Quốc cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần quảng bá rộng rãi hơn nữa về các FTA đã ký kết với Hàn Quốc thông qua tổ chức các khóa đào tạo hướng dẫn trực tiếp các doanh nghiệp (phân theo các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh) để doanh nghiệp nắm bắt thông tin, biết cách tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực từ các FTA đã ký kết với Hàn Quốc nói chung, VKFTA nói riêng đối với các mặt hàng xuất khẩu.

Bốn là, có cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi riêng, đặc thù và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn vào các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu, trọng điểm của Việt Nam sang Hàn Quốc trong giai đoạn 2021-2030. Thực hiện tốt cơ chế chính sách này cùng với việc mở cửa thị trường của Việt Nam trong các các FTA đã ký kết với Hàn Quốc nói chung, VKFTA nói riêng, sẽ góp phần khai thác tối đa làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam, tạo sự lan tỏa cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu.

Năm là, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn của thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao, quản trị tiên tiến theo các hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng được yêu cầu của thị trường Hàn Quốc./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công Thương (2020). Tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với doanh nghiệp Hàn Quốc, tổ chức tại Hà Nội ngày 26/11/2020

2. Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021

3. Ngô Thị Tuyết Mai, Nguyễn Phương Anh, Đinh Thảo Vân, Đỗ Mạnh Hoàng, Đào Thuỳ Linh, Đặng Quang Bình (2021). Nhìn lại 5 năm xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc trong bối cảnh thực thi VKFTA, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13

4. Ban Quan hệ Quốc tế – VCCI (2020). Hồ sơ thị trường Hàn Quốc, truy cập từ https://vcci.com.vn/uploads/HSTT_Han_Quoc_05.2016.pdf

5. Thế Hải (2021). Vốn FDI Hàn Quốc vào Việt Nam tăng gần gấp đôi sau 6 năm thực thi VKFTA, truy cập từ https://baodautu.vn/von-fdi-han-quoc-vao-viet-nam-tang-gan-gap-doi-sau-6-nam-thuc-thi-vkfta-d158065.html

6. Khánh Vân (2021). Thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/thuc-day-quan-he-hop-tac-dau-tu-giua-viet-nam-va-han-quoc/760823.vnp

7. Zuki (2021). Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của TP. Hồ Chí Minh, truy cập từ https://hochiminhcity.gov.vn/-/han-quoc-la-thi-truong-xuat-khau-lon-thu-5-cua-tp-kim-ngach-xuat-khau-at-1-8-ty-usd

ThS. Đoàn Vân Hà

Học viện Ngân hàng

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 năm 2022)