Ngày 18/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC do ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC không công bố thông tin. Giao dịch của ông Quyết đã bị HOSE thông báo hủy bỏ và đây là việc chưa có tiền lệ trên thị trường.

UBCK cũng cho biết, Cơ quan quản lý đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

“Hủy giao dịch” cần trở thành một công cụ mạnh, xử lý các giao dịch bất minh
Giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết đã bị HOSE thông báo hủy bỏ và đây là việc chưa có tiền lệ trên thị trường

“Hủy giao dịch” – chuyện chưa có tiền lệ

Năm 2020, UBCK ra quyết định xử phạt đối với 380 tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trên TTCK; năm 2021, khoảng 340 tổ chức, cá nhân bị xử phạt, nhưng chưa từng có tổ chức, cá nhân nào giao dịch không công bố thông tin bị hủy bỏ giao dịch, như Chủ tịch FLC…

Do độ nóng của câu chuyện Chủ tịch FLC bán chui cổ phiếu, ngày 11/1/2022, UBCK công bố thông tin chi tiết đến từng phút về việc nhận báo cáo từ HOSE liên quan đến vụ việc này. Theo đó, UBCK cho biết, chiều ngày 10/01/2022 (17 giờ 45 phút), Ủy ban nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. UBCK hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.

Ngày 12/1/2022, UBCK có thông báo tiếp theo về việc hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Thông báo cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBCK tại Công văn số 198/UBCK-TT ngày 11/01/2022 về việc bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch, Sở GDCK TP.HCM sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/01/2022 của ông Trịnh Văn Quyết.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBCK cho biết, “hủy giao dịch” là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự minh bạch, lành mạnh của thị trường, cơ quan quản lý và các cơ quan liên quan đã ra quyết định như vậy. Trước đó, đêm ngày 10/1, UBCK cũng đã có Quyết định số 19/QĐ-UBCK phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.

Quan sát TTCK Việt Nam nhiều năm nay cho thấy, việc lãnh đạo doanh nghiệp, người có liên quan giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin rất thường xuyên xảy ra, theo đó, xử phạt sai phạm này chiếm đa số trong các quyết định xử phạt của UBCK. Chẳng hạn, năm 2020, UBCK ra quyết định xử phạt đối với 380 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 22,2 tỷ đồng. Năm 2021, khoảng 340 tổ chức, cá nhân có sai phạm đã bị nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBCK.

Trong hàng trăm giao dịch không công bố thông tin bị xử phạt mỗi năm, chưa từng có giao dịch nào bị hủy như trường hợp bán 74,8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch FLC. Chế tài hủy giao dịch xảy ra với Chủ tịch FLC thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, một phần vì độ nóng của thương vụ giao dịch chui, phần khác vì trong các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK (Luật Chứng khoán, các nghị định hướng dẫn Luật, các thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định), chưa có điều khoản nào cụ thể hóa hoặc hướng dẫn về “hủy giao dịch” khi lệnh đã được khớp trên thị trường.

“Hủy giao dịch” cần trở thành công cụ mạnh, xử lý các giao dịch bất minh

“Hủy giao dịch” cần trở thành một công cụ mạnh, xử lý các giao dịch bất minh
Các nhà đầu tư mua theo giao dịch đột biến cổ phiếu FLC đang phải chịu thiệt hại rất nặng từ việc giá cổ phiếu rơi tự do từ ngày 10/1/2022
Quy chế giao dịch của HOSE có nội dung về hủy giao dịch là điều đáng mừng, giúp tình huống xử lý giao dịch bất thường của Chủ tịch FLC có căn cứ để thực hiện. Tuy nhiên, “hủy giao dịch” cần được cụ thể hóa bằng quy chuẩn pháp lý để chế tài này trở thành một công cụ mạnh xử lý các giao dịch bất chính.

Chiều ngày 11/1/2022, UBCK ban hành văn bản chỉ đạo HOSE thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết. Đồng thời với chỉ đạo này, UBCK đã chỉ đạo HOSE, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và các công ty chứng khoán phối hợp rà soát các giao dịch đối ứng giao dịch bán từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy giao dịch. Các giao dịch hủy bỏ là các giao dịch đối ứng với giao dịch bán cổ phiếu FLC ngày 10/1 từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết.

Đặt câu hỏi: “Nghiệp vụ hủy giao dịch là gì?”, đại diện HOSE chia sẻ, hiểu đơn giản là việc bán của Chủ tịch FLC không được thực hiện, cổ phiếu sẽ trả về tài khoản của người bán và tiền sẽ trả về tài khoản của người đặt mua. Do lệnh hủy giao dịch được đưa ra ngay sau thời điểm giao dịch 1 ngày, nên việc tìm người có lệnh mua đối ứng (để trả lại tiền) chỉ diễn ra ở phía HOSE và các công ty chứng khoán. Giao dịch chưa “chạy” đến phần thanh toán bù trừ đa phương (giữa các công ty chứng khoán với nhau) tại VSD, nên việc hủy không quá phức tạp. Đặc biệt, giá cổ phiếu FLC giảm mạnh sau khi vỡ lở thương vụ bán chui của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, nên hàng chục nghìn nhà đầu tư trót mua đối ứng cổ phiếu từ tài khoản bán của ông Quyết vui lòng nhận lại tiền. Họ không có kiếu nại khác về quyền lợi. Việc hủy giao dịch vì thế được các bên phối hợp xử lý nhanh gọn ngay trong 1 này.

Nhưng, nếu việc tổn thất tài chính không xảy ra với người trực tiếp mua cổ phiếu theo lệnh đối ứng bán của Chủ tịch FLC, thì với các nhà đầu tư mua theo giao dịch đột biến cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 (ông Quyết chỉ bán 74,8 triệu cổ phiếu, trong khi phiên ngày 10/1, có 134 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch), họ chịu thiệt hại rất nặng. Tài khoản của những nhà đầu tư mua FLC đều bị suy giảm giá trị, do giá cổ phiếu FLC ở tình trạng rơi tự do kể từ ngày 10/1/2022. Chủ thể nào chịu trách nhiệm với tổn thất của nhà đầu tư là câu hỏi được hàng vạn người đặt ra, nhưng câu trả lời còn để ngỏ trên thị trường.

Trở lại với nghiệp vụ hủy giao dịch trên TTCK Việt Nam, thông tin từ HOSE cho biết, nghiệp vụ được quy định tại Điều 22, Quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE (kèm theo Quyết định số 352/QĐ-SGDHCM ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM). Cụ thể như sau:

“Điều 22. Xác lập và hủy bỏ giao dịch

Giao dịch chứng khoán được xác lập khi hệ thống giao dịch thực hiện khớp lệnh mua và lệnh bán theo phương thức khớp lệnh tập trung hoặc ghi nhận giao dịch theo phương thức thỏa thuận.

Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo UBCKNN”.

Bình luận về diễn biến xử lý vụ việc trên, ông Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Bluechip IB cho rằng, xét theo mô hình tổ chức, HOSE đang là pháp nhân độc lập, trực tiếp tổ chức sàn, nên việc hủy giao dịch do HOSE quyết định là hợp pháp. Trong trường hợp chưa có quy định mới giữa chức năng nhiệm vụ của Sở GDCK Việt Nam với các Sở con thì trong giai đoạn chuyển tiếp, vẫn áp dụng quy chế giao dịch hiện hữu. Việc xử lý hủy giao dịch thuộc thẩm quyền của HOSE và hoàn toàn phù hợp.

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc một công ty chứng khoán, Quy chế giao dịch của HOSE có nội dung về hủy giao dịch là điều đáng mừng, giúp việc xử lý giao dịch bất thường của Chủ tịch FLC có căn cứ để thực hiện. Tuy nhiên, từ vụ việc chưa có tiền lệ này, nhiều ý kiến cho rằng, “hủy giao dịch” cần được cụ thể hóa bằng quy chuẩn pháp lý và cần truyền thông mạnh mẽ đến mọi chủ thể trên TTCK, để chế tài này trở thành một công cụ mạnh xử lý các giao dịch bất chính, đồng thời là một công cụ minh bạch để tạo sức răn đe với các bên có ý định thực hiện những hành vi sai quy định.

Việt Nam có 3 Sở GDCK, tổ chức nào quy định về “hủy giao dịch”?

“Hủy giao dịch” cần trở thành một công cụ mạnh, xử lý các giao dịch bất minh
Trao quyết định thành lập Sở GDCK Việt Nam ngày 11/12/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Sở GDCK Việt Nam ra đời sẽ thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển TTCK Việt Nam

Quyết định hủy giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu FLC dựa theo Điều 22, Quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE được ban hành từ năm 2021 đã khép lại một nghiệp vụ chưa từng có tiền lệ trên TTCK. Tuy nhiên, để “hủy giao dịch” được cụ thể hóa, trở thành công cụ mạnh và minh bạch trên TTCK Việt Nam thì UBCK, Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK TP. HCM hay Sở GDCK Việt Nam là cơ quan nghiên cứu, ban hành nội dung này?

Từ năm 2020 trở về trước, TTCK Việt Nam vận hành với mô hình 2 Sở gồm Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM. Cuối năm 2020, Sở GDCK Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 11/12/2021, Sở GDCK Việt Nam chính thức khai trương hoạt động với sự chứng kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Theo đó, Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM trở thành các công ty con do Sở GDCK Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sự thay đổi vị thế của các Sở GDCK kéo theo nhiều sự thay đổi, trong đó có thay đổi về quyền ban hành các quy chế về niêm yết, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin… trên Sở GDCK như từ trước đến nay.

Tại Điều lệ hoạt động của Sở GDCK Việt Nam (ban hành theo Quyết định số 757/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, ngày 1/4/2021) có quy định: Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nắm quyền “a) Xây dựng và ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán; ban hành tiêu chí giám sát giao dịch; ban hành chỉ tiêu báo cáo giám sát giao dịch áp dụng cho thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận…”.

Nghiệp vụ “hủy giao dịch” nằm trong Quy chế giao dịch chứng khoán, thuộc thẩm quyền của Sở mẹ (Sở GDCK Việt Nam) xây dựng và ban hành. Theo đó, một số ý kiến đề nghị Sở GDCK Hà Nội hay Sở GDCK TP. HCM quy định rõ nghiệp vụ “hủy giao dịch” là không khả thi, trong bối cảnh 2 Sở hiện hành được đặt ở vị thế công ty con của Sở mẹ.

Áp dụng nghiệp vụ chưa có tiền lệ – “hủy giao dịch” đã xử lý gọn quyền lợi giữa người đặt mua cổ phiếu FLC từ lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. Giải pháp này có cái thuận là giá cổ phiếu FLC giảm mạnh, những người “trót” đặt mua FLC mừng thầm khi được nhận lại tiền và đặc biệt, cách xử lý được quyết nhanh, nên việc hủy chưa đến phần xử lý thanh toán đa phương giữa các công ty chứng khoán. Trong trường hợp khác, quyết định hủy giao dịch có thể sẽ gặp những phản ứng trái chiều do ảnh hưởng khác nhau đến lợi ích của các chủ thể trên TTCK. Vì thế, nghiệp vụ hủy giao dịch rất cần được cơ quan quản lý minh định rõ ràng, để tạo quy chuẩn pháp lý thông suốt và cân bằng trong cấu trúc vận hành, giám sát và xử lý sai phạm trên thị trường chứng khoán.

Việt Nam có 3 Sở GDCK đang cùng hoạt động, tổ chức nào sẽ quy định cho rõ nghiệp vụ “hủy giao dịch” và bao giờ có quy định này là câu chuyện mới, sau cú sốc đầu năm đã cũ về thương vụ bán lớn của Chủ tịch FLC./.