“Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Nhiều đơn vị hành chính còn chưa đạt tiêu chuẩn. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay chỉ có 22,22% đơn vị hành chính cấp tỉnh, 17,59% đơn vị hành chính cấp huyện và 18,52% đơn vị hành chính cấp xã đạt đủ cả 2 tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên…”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các cơ quan liên quan về đề xuất sửa đổi Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, theo Văn phòng Quốc hội.

Không cảm tính khi sửa các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, quá trình thực hiện Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 đã phát sinh những vướng mắc (ảnh: Quốc hội)

Trước thực tế trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH130 theo hướng tập trung vào sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù và giảm tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của 4 loại đơn vị hành chính (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận).

Từ thực tiễn giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quan điểm chưa nên thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tại thời điểm hiện nay để bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2022 – 2030. Đồng thời nhất trí phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị quyết như đề xuất của Chính phủ…

“Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần rà soát, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao; còn những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất, thì tiếp tục nghiên cứu để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung khi có đủ điều kiện bởi các yêu cầu, mục tiêu được nêu trong các Nghị quyết có thời gian thực hiện còn dài (đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045)…”, ông Tùng cho hay.

Không cảm tính khi sửa các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc sửa đổi các tiêu chuẩn cần phải đánh giá thấu đáo, mang tính căn cơ (ảnh: Quốc hội)

Trực tiếp tham gia cùng Ủy ban Pháp luật ngay từ khâu thẩm tra đề xuất của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc sửa đổi các tiêu chuẩn cần phải đánh giá thấu đáo, mang tính căn cơ, không cảm tính…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, chỉ sửa đổi những vấn đề bộc lộ bất cập, được thực tiễn kiểm nghiệm, nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị hành chính, đồng thời, bảo đảm tính nhất quán, ổn định…

“Tuy đã có sự thống nhất cao giữa các cơ quan về quan điểm, phạm vi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1211, nhưng đúng như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể phải đánh giá hết sức thấu đáo, trên cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học về quản lý nhà nước, quản lý hành chính, các yếu tố về địa lý, dân cư, xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, phân cấp, phân quyền…, chứ không thể cảm tính”, ông Định lưu ý.

Ông Định yêu cầu Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, thực hiện theo các quy trình thủ tục để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết mới trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2022…/.