Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cùng một số đại biểu cho biết, lĩnh vực lọc hóa dầu là hoạt động công nghiệp cần chú trọng phát triển, Nghị quyết 55-NQ-TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã xác định cần tiếp tục thu hút, đầu tư trong lĩnh vực lọc hóa dầu theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu, chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tại sao lĩnh vực này không nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này…?

Không để phát sinh thêm vướng mắc khi áp dụng Luật Dầu khí (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan thẩm tra rà soát tổng thể mục tiêu, quan điểm, định hướng, các chính sách lớn của dự án Luật (ảnh: QH)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong quá trình xây dựng dự án Luật cần bám sát những quan điểm, nguyên tắc, chính sách cốt lõi, tránh sa vào những vấn đề kỹ thuật câu chữ. Khi trình dự án Luật trước Quốc hội, cần nêu rõ các quy định trong Luật đã nhất quán và đảm bảo thực hiện được chính sách đề ra như thế nào, để căn cứ trên những nguyên tắc, mục đích đề ra từ ban đầu, sẽ có được những quyết định đúng đắn, giải quyết được các vấn đề thực tiễn.

Liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp về điều tra cơ bản dầu khí còn mờ nhạt, chưa đảm bảo khắc phục tình trạng cát cứ giữa các chủ thể. Đề nghị quy định cần nhấn mạnh tính tổng hợp, tính liên ngành, thể hiện sự chỉ huy tập trung, thông suốt giữa khu vực công và khu vực tư.

“Cũng cần làm rõ, luật sửa đổi đã bổ sung, chỉnh lý cụ thể những nội dung nào, có giải quyết được những vướng mắc, tồn tại, bất cập nào hiện nay hay không, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách, để đảm bảo không phát sinh thêm khó khăn, vướng mắc khi Luật áp dụng trong thực tế…”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Đối với cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về dầu khí, theo ông Vương Đình Huệ, dự thảo Luật quy định: “Thông tin, dữ liệu kết quả điều tra cơ bản về dầu khí được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản”, là chưa đủ rõ ràng. Do đó, đề nghị quy định rõ về chủ thể quản lý, cách thức quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu này.

“Khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật quy định: ‘Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, thì áp dụng Luật Dầu khí”. Quy định này mâu thuẫn với khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản pháp luật, chưa đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đề nghị Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế sửa đổi, điều chỉnh để đảm bảo hợp lý, khả thi trong áp dụng…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý.

Không để phát sinh thêm vướng mắc khi áp dụng Luật Dầu khí (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, việc tham gia ý kiến của Chính phủ cần khẩn trương nhằm đảm bảo thời gian tiếp thu trình Quốc hội (ảnh: QH)

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế gửi tài liệu dự án Luật được tiếp thu chỉnh lý tới Chính phủ, để tham gia ý kiến bằng văn bản. Việc tham gia ý kiến của Chính phủ cần khẩn trương nhằm đảm bảo thời gian tiếp thu trình Quốc hội.

UBTVQH giao Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định, chuẩn bị hồ sơ báo cáo xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan, tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia, để tiếp tục hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, qua đó trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4…/.