Trong xã hội ngày nay, áp lực cuộc sống ngày càng gia tăng, các cặp vợ chồng trẻ không chỉ phải nuôi con mà đôi khi còn gánh thêm trách nhiệm nuôi dưỡng người già. Gánh nặng kép này khiến nhiều người cảm thấy choáng ngợp.
Với những người vừa muốn giảm bớt áp lực cho con cái, vừa không muốn sống trong viện dưỡng lão, mô hình “chăm sóc theo nhóm” dần được ưa chuộng.
01.
Sau khi nghỉ hưu, chú Zhang và dì Li về ở nhà con trai, một mặt giúp chăm sóc cháu, mặt khác cũng thuận tiện cho con trai và con dâu được báo hiếu. Tuy nhiên, lối sống của 3 thế hệ rất khác nhau và không thể tránh khỏi những mâu thuẫn trong quá trình chung sống lâu dài.
Đến khi cháu trai vào mẫu giáo, chú Zhang và dì Li trở nên nhàn rỗi ở nhà. Họ bắt đầu tính đến việc sống trong viện dưỡng lão cho thoải mái. Tuy nhiên, cậu con trai phản đối kịch liệt: “Nhà mình có đến nỗi nào đâu mà phải để bố mẹ vào ở trong viện dưỡng lão? Con không đồng ý!” Phản ứng gay gắt của con khiến chú Zhang đành phải từ bỏ ý định đó.
Một ngày nọ, chú Zhang nhìn thấy một mô hình mới trên báo có tên là “nhóm chăm sóc người già” và cảm thấy rất thú vị. Cụ thể, trong mô hình này, một nhóm người già sẽ thuê nhà ở gần nhau, hoặc thuê chung một ngôi nhà lớn nhưng có chia ra các phòng nhỏ riêng biệt. Họ sẽ sống chung hoặc sống đủ gần để tiện chăm sóc, giải trí và sinh hoạt cùng nhau.
Khi chú Zhang đề cập đến ý tưởng này với bạn bè, mọi người đều tỏ vẻ mong chờ hi vọng. Vì thế, sau một thời gian lên kế hoạch, chú Zhang và những người bạn của mình đã tìm được một ngôi nhà cho thuê ở ngoại ô gần đó. Họ quyết định cùng nhau thuê lại vì ngôi nhà còn có 1 khoảng sân nhỏ để trồng rau và hoa. Điều quan trọng nhất là có sự đồng hành của bạn bè, cuộc sống sau này của mọi người trở nên phong phú và đầy màu sắc.
Lúc đầu, con trai chú Zhang hơi lo lắng bố mẹ sẽ không quen với việc sống ở đó với người lạ. Nhưng sau một thời gian đến thăm, cậu thấy sắc mặt bố mẹ hồng hào, tinh thần cũng tốt hơn trước rất nhiều. Đến lúc này, cậu mới yên tâm và tin tưởng sự lựa chọn của bố mẹ.
02.
Ưu điểm của mô hình này là gì? Đây không chỉ là nơi ở chung của người cao tuổi mà quan trọng hơn là nơi nuôi dưỡng tinh thần. Sau đây là một số ưu điểm chính của “chăm sóc nhóm”:
Đời sống xã hội ngày càng phong phú
Khi những người cao tuổi sống cùng nhau, họ có nhiều cơ hội trò chuyện, chia sẻ những điều thú vị trong cuộc sống cũng như động viên, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này không chỉ làm giảm bớt sự cô đơn khi sống một mình mà còn khiến họ cảm thấy vui vẻ mỗi ngày. Ngoài ra, các hoạt động nhóm và tụ tập thường xuyên cũng mở rộng mối quan hệ xã hội và cuộc sống của họ trở nên nhiều màu sắc hơn.
Xây dựng các sở thích chung
Trong môi trường “chăm sóc nhóm”, người cao tuổi có thể cùng nhau tham gia nhiều hoạt động khác nhau như trồng rau, chăm sóc hoa cỏ, chơi bài, đánh cờ, v.v. Những hoạt động này không chỉ làm cho cuộc sống hàng ngày của họ phong phú, thú vị hơn mà còn tăng cường sự tương tác, giao tiếp lẫn nhau thông qua những sở thích chung, hình thành tình bạn sâu sắc hơn và nâng cao hạnh phúc trong cuộc sống.
Chăm sóc lẫn nhau và giảm bớt gánh nặng cho con cái
Những người cao tuổi sống chung có thể chăm sóc lẫn nhau, nhắc nhở nhau uống thuốc, chú ý đến sức khỏe… Điều này làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của họ vào con cái. Nhờ đó, người trẻ có thể yên tâm tập trung tâm trí cho công việc và cuộc sống.
Cải thiện chất lượng cuộc sống
Trong môi trường “chăm sóc người cao tuổi theo nhóm”, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi được cải thiện rõ rệt. Mọi người có thể cùng nhau lên kế hoạch, sắp xếp hoạt động phong phú và xây dựng mối quan hệ xã hội tốt. Họ có nhiều việc để làm hơn và không còn cảm thấy cuộc sống nhàm chán.
Đồng thời, một số mục tiêu, kế hoạch cuộc sống do mỗi người đặt ra cũng khiến cuộc sống sau này của họ trở nên ý nghĩa và viên mãn hơn, mỗi ngày đều tràn đầy kỳ vọng và hy vọng.
Lời kết
Với sự phát triển của xã hội và những thay đổi trong quan niệm, ngày càng có nhiều người cao tuổi bắt đầu chấp nhận và lựa chọn các cách chăm sóc người cao tuổi mới mẻ, hiện đại. Với những gia đình không yên tâm đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão xa xôi, họ hoàn toàn có thể tham khảo các mô hình mới.
Theo Sohu, mô hình “chăm sóc nhóm” tại Trung Quốc này không chỉ giải quyết vấn đề người già sống một mình mà còn mang đến cho họ một môi trường sống năng động.
Hi vọng rằng trong tương lai, ngày càng có nhiều hình thức chăm sóc người cao tuổi đảm bảo hiện đại, thoải mái và uy tín, mang tới nhiều sự lựa chọn hơn cho các gia đình, giúp cuộc sống của mỗi thành viên đều được hạnh phúc.
*Nguồn: Sohu