Theo Bộ Tài chính, thực hiện Kế hoạch số 18-KH/BCĐTW, Quyết định số 19-QĐ/BCĐTW, ngày 23/3/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, Đoàn Kiểm tra số 2 do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc, công bố Quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra và Kế hoạch kiểm tra tại Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.

Kiểm tra sơ hở, bất cập trong chính sách pháp luật về tài chính, chứng khoán
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: MOF)

Theo bà Mai, thực hiện kế hoạch kiểm tra, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm, cụ thể: việc hoàn thiện thể chế, rà soát, khắc phục các sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến: đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực…

Theo bà Trương Thị Mai, đối với Bộ Tài chính, việc quan trọng nhất chính là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật và tổ chức thực thi. Bộ Tài chính có khối lượng văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý khá rộng, do đó, các hoạt động cải cách hành chính của ngành Tài chính sẽ có tác động rất lớn tới xã hội…

Trưởng Ban tổ chức Trung ương đề nghị Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện bản báo cáo theo các nội dung mà các thành viên trong đoàn đã yêu cầu bổ sung. Những vấn đề nào không thuộc phạm vi của Bộ Tài chính, đề nghị Bộ trả lời, báo cáo lại với Đoàn Kiểm tra. Bộ Tài chính có tới 27 chức năng, nhiệm vụ quan trọng, trong đó nhiều nhiệm vụ phức tạp và yêu cầu phải đẩy nhanh việc hiện đại hóa. Để quản lý những lĩnh vực này không phải đơn giản. Lĩnh vực Thuế, Hải quan không hiện đại hóa nhanh sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp…

“Qua kiểm tra, chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào những gì còn vướng mắc, còn khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện hệ thống pháp luật…”, bà Mai lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, riêng đối với công tác phòng chống tham nhũng, Bộ Tài chính vừa là cơ quan phòng chống tham nhũng, vừa là đối tượng phòng chống tham nhũng, là đơn vị quản lý tài chính, tài sản nhà nước và xây dựng chính sách, chế độ. Bộ Tài chính sẽ bám sát để hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Đoàn Kiểm tra./.