THỰC TRẠNG

Kết quả đạt được

Hiện nay, kinh doanh thực phẩm an toàn phải tuân thủ theo các văn bản quy phạm. Trong đó, văn bản có tính pháp lý cao nhất đó là: Luật An toàn thực phẩm (năm 2010). Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Kinh doanh thực phẩm an toàn tại Việt Nam:  Thực trạng và giải pháp
Sự xuất hiện của khái niệm “thực phẩm an toàn” bắt đầu từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ. Nghị định này quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP cũng khuyến khích sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Sự xuất hiện của khái niệm “thực phẩm an toàn” đã bắt đầu từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, tuy nhiên, tiêu chuẩn đánh giá “an toàn” của thực phẩm mang tính “tự nhiên” nhiều hơn là phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế về thực phẩm an toàn và không phải xuất phát từ thị trường trong nước, mà do phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm an toàn đều là khai thác từ tự nhiên, với các sản phẩm, như: gia vị các loại, mật ong, tinh dầu, thảo dược các loại… (Nguyễn Tường Minh, 2020).

Sau đó, bắt nguồn từ sự “sợ hãi” của người tiêu dùng với tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn ở thị trường Việt Nam, việc tìm kiếm nguồn cung ứng thực phẩm an toàn ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo định kỳ về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế (2021), riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18/12/2020 đến ngày 17/2/2021, cả nước có 7 vụ ngộ độc thực phẩm gây ra với 192 người, trong đó có 2 người tử vong. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết, có 42 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 902 người bị ngộ độc và 5 người tử vong. Thực trạng thực phẩm bẩn cũng làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam. Hiện nay, thực phẩm bẩn là một trong những “thủ phạm” được cho là liên quan đến tỷ lệ người bị ung thư ngày càng tăng cao đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Trong đó, ung thư đại trực tràng là loại ung thư có mối liên quan tới thực phẩm bẩn.

Ngoài ra, một nguyên nhân của việc việc tìm kiếm nguồn cung ứng thực phẩm an toàn ngày càng gia tăng là do, khi thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên, nhu cầu về đời sống cao hơn, tỷ lệ dân số trẻ cao và tầng lớp trung lưu phát triển, nhận thức về sức khỏe ngày một sâu sắc, người tiêu dùng sẽ dần hướng đến một lối sống xanh và lành mạnh. Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen năm 2019 cũng cho thấy, 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sản phẩm organic cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị thơm ngon (Hoàng Thị Bảo Thoa và cộng sự, 2019). Trong báo cáo nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của người dân Việt Nam được thực hiện bởi AC Nielsen, lĩnh vực sức khỏe tiếp tục đứng đầu trong các mối quan tâm của người tiêu dùng trong năm 2020, đặc biệt là vấn đề thực phẩm (Nguyễn Thị Nhung và cộng sự, 2021).

Theo báo cáo thị trường nông sản 2019 của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ – lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam (Vũ Anh, 2019).

Những năm qua, thực hiện mục tiêu hiện đại hóa hạ tầng thương mại mà Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính, cả nước đã phát triển được hơn 5.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân phối thực phẩm an toàn, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ cũng như truy xuất nguồn gốc (Nguyễn Tường Minh, 2020).

Như vậy có thể thấy, thị trường kinh doanh thực phẩm an toàn được đánh giá tiềm năng cho các doanh nghiệp phát triển, với sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các đề án xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hợp tác xã sản xuất thực phẩm hữu cơ tại địa phương… được quản lý bởi Bộ Công Thương và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), doanh nghiệp có nguồn cung ứng thực phảm đảm bảo có chứng nhận nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn vẫn còn ít so với nhu cầu, hầu hết là các cửa hàng tự phát, kinh doanh nhỏ lẻ, khó kiểm soát (Nguyễn Tường Minh, 2020).

Những thách thức đặt ra

Kinh doanh thực phẩm an toàn là cơ hội lớn khi thị trường có tốc độ tăng trưởng ổn định và nhu cầu lớn về tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đảm bảo duy trì vận hành và chỗ đứng trên thị trường này, đó là:

Thách thức đầu tiên chính là nguồn cung ứng thực phẩm an toàn cho doanh nghiệp. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nhãn mác “thực phẩm hữu cơ”, “thực phẩm sạch”, thân thiện với môi trường, tuy nhiên người tiêu dùng không thể kiểm chứng hết được nguồn gốc xuất xứ của các thực phẩm này. Từ góc độ doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn nào cũng có một mô hình kinh doanh khép kín, từ sản xuất đến cung ứng ra thị trường. Để xây dựng mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư lớn và chỉ có một số những thương hiệu lâu năm trên thị trường đã làm được. Thực phẩm được đánh giá an toàn phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ từ quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản và đi kèm những chứng nhận về an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là công việc bắt buộc và phải được thể hiện trên bao bì sản phẩm thông qua một số hình thức như quét mã QR, tem chứng nhận. Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm từ nước ngoài, việc lựa chọn nhà cung cấp lại càng khó khăn hơn và đòi hỏi tính minh bạch cao và kỹ lưỡng trong mọi quá trình, đặc biệt là khâu bảo quản để đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nếu như sản phẩm của doanh nghiệp được đảm bảo an toàn về chất lượng, nguồn gốc, nhưng không thể xuất trình được các giấy tờ thủ tục hải quan đúng quy định, thì cũng ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí gây ra những thiệt hại lớn như tịch thu, buộc tiêu hủy.

Thách thức thứ hai liên quan đến giá thành sản phẩm. Thực phẩm sạch, hay thực phẩm được gắn mác “thực phẩm hữu cơ” luôn có giá thành cao hơn so với những sản phẩm cùng loại mà không có tem mác. Không chỉ thực phẩm tươi sống có giá rất cao mà các sản phẩm rau hữu cơ, trong đó, các loại rau xanh, trái cây sạch đang bán tại hệ thống siêu thị Co.op Mart hay rau sạch thương hiệu VinEco tại các cửa hàng tiện lợi VinMart cũng có giá bán cao hơn hàng cùng loại thông thường ở chợ. Nguyên nhân của việc thực phẩm an toàn có giá thành cao là do, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, tuân thủ theo các bộ tiêu chí của HACCP, GlobalGap, VietGap đòi hỏi chi phí sản xuất cao, công nghệ hiện đại, nhân lực có trình độ.

Thách thức thứ ba , doanh nghiệp gặp khó khăn trong gây dựng niềm tin với khách hàng. Thực tế có rất nhiều thông tin về những vụ ngộ độc thực phẩm hay buôn bán hàng kém chất lượng, hàng tiêm chất kích thích, sử dụng chất hóa học để bảo quản. Việc này khiến người tiêu dùng tin rằng sản phẩm “chuẩn sạch” không dễ có.

Thách thức thứ tư là vấn đề vốn đầu tư cho cơ sở vật chất, vận hành hoạt động doanh nghiệp. Việc kinh doanh thực phẩm an toàn hướng tới nhóm đối tượng khách hàng cao nên việc đầu tư cho vị trí kinh doanh, cửa hàng, trang thiết bị chế biến và bảo quản thực phẩm không hề nhỏ. Thực phẩm an toàn còn có những tiêu chuẩn bao quản nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Để thực phẩm luôn giữ được sự tươi ngon, thì doanh nghiệp buộc phải sử dụng các loại tủ bảo quản hiện đại, chỉ cần bất cứ trục trặc nào cũng có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Hiện nay, người dân Việt Nam ngày càng nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc tiêu thụ thực phẩm tự nhiên, sạch và tốt cho sức khỏe trong cuộc sống hàng ngày. Căn cứ vào cơ hội mà thị trường kinh doanh thực phẩm an toàn đang mở ra, tác giả đề xuất một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn như sau:

Một là, lựa chọn nguồn cung ứng thực phẩm uy tín chất lượng. Đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm an toàn là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn. Sự minh bạch trong quy trình nguồn gốc xuất xứ sản phẩm làm tăng độ tin cậy và trung thành của khách hàng. Hiện nay với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, hệ thống các hợp tác xã sản xuất, trang trại chăn nuôi theo chuẩn Vietgap, Globalgap đã được hình thành, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn liên kết, tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm sạch cho thị trường, giảm thiểu những rủi ro gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hai là, ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành doanh nghiệp. Kinh doanh online là xu thế tất yếu với nhiều lợi thế và tính ưu việt, mặc dù đối với thực phẩm là điều vô cùng khó khăn bởi thói quen mua bán truyền thống tại chợ của người dân và đặc thù của nhóm hàng hóa nông sản thực phẩm khó bảo quản. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì việc bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với khách hàng. Nhìn chung, thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng nông sản, vốn trước đây là nhóm mặt hàng khó đưa lên kinh doanh online, thì hiện nay đang gia tăng. Sự phát triển của internet đã khiến cho người tiêu dùng dành thời gian sử dựng internet nhiều hơn để tra cứu thông tin và mua sắm. Khách hàng hoàn toàn có thể tìm kiếm thông tin sản phẩm, doanh nghiệp, so sánh giá. Để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn, thì việc bán hàng qua các trang thương mại điện tử, bán hàng trên mạng xã hội được xem là giải pháp an toàn, hiệu quả cho cả người bán và người mua. Hệ thống cung cấp thực phẩm online kết nối trực tiếp từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất dựa trên tiêu chí minh bạch, đảm bảo chất lượng và tuyệt đối an toàn.

Ba là, tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Sự minh bạch chính là yếu tố quan trọng giúp tạo niềm tin cho khách hàng, doanh nghiệp cần ý thức trong việc cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng. Tuân thủ đúng nguyên tắc, dây chuyền đóng gói, bảo quản, giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn, tránh hư hỏng dẫn đến thua lỗ. Và hơn hết, việc bảo quản sạch sẽ, tươi sống tạo cho khách hàng cảm giác an toàn và tin tưởng khi mua thực phẩm.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều hộ gia đình tại Việt Nam đang phải chịu những gánh nặng về kinh tế, cắt giảm chi tiêu là một phương án mà nhiều gia đình đang áp dụng. Chính vì vậy, để kích cầu cho thị trường, doanh nghiệp có thể đưa ra các chương trình khuyến mãi, hay thay đổi hình thức kinh doanh từ bán lẻ sang bán số lượng lớn có chiết khấu giá, xây dựng hệ thống khách hàng thân thiết qua thẻ tích điểm, nhằm thu hút khách hàng và duy trì lượng khách hàng trung thành.

Bốn là, đa dạng các hình thức thanh toán. Linh hoạt các hình thức thanh toán, đa năng, thân thiện, tích hợp được một số loại hình dịch vụ. Các hình thức thanh toán như: tiền mặt, thẻ ngân hàng, ví điện tử NFC, mobile pay, QR code, Barcode, MobiBay… Thực tế rất nhiều cửa hàng kinh doanh còn hạn chế trong các hình thức thanh toán, đây cũng là một cản trở với khách hàng, khách hàng muốn sự thuận tiện để tiết kiệm thời gian.

Năm là, thực hiện trách nhiệm xã hội. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc vai trò của mình trong việc thực hiện những công việc thúc đẩy cộng đồng, xã hội phát triển. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của người dân, mà còn giúp cho doanh nghiệp nâng cao hình ảnh và vị thế của mình trong đánh giá của người tiêu dùng. Doanh nghiệp có thể thực hiện một số hoạt động xã hội, như: Kết nối với những nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nước, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng để nâng cao sản lượng sản xuất nông nghiệp địa phương; Sử dụng các bao bì, đóng gói dễ dàng tái chế, tiêu hủy, thân thiện với môi trường, khuyến khích khách hàng hướng đến tiêu dùng xanh; Cấp phát lương thực, nhu yếu phẩm cho những hộ gia đình có hoàn cành khó khăn… Những hoạt động này hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực vốn có của doanh nghiệp và đem lại hiệu quả cao trong xây dựng thương hiệu./.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2010). Luật An toàn thực phẩm, số 55/2010/QH12, ngày 17/6/2010

2. Bộ Y tế (2021). Báo cáo định kỳ về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (2021). Báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn TP. Hà Nội giai đoạn 2015-2020

4. Tổng cục thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng quý II và 6 tháng đầu năm 2021

5. Trương Minh Hoàng (2012). Marketing rau hữu cơ, Bài trình bày trong hội thảo Phát triển chuỗi giá trị rau hữu cơ Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, ngày 8/5/2012

6. Ngô Minh Hải và Vũ Quỳnh Hoa (2017). Nhận thức người tiêu dùng Việt Nam về thực phẩm hữu cơ: Trường hợp nghiên cứu tại thành phố Hà Nội, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 14, 1466-1474

7. Ngô Thái Hưng (2013). Các yếu tố tác động đến việc người tiêu dùng chọn mua hàng thực phẩm Việt Nam, Tạp chí khoa học Đại học An Giang, số 1, 48-56

8. Võ Thị Ngọc Thúy (2016). Ảnh hưởng của nhãn mác thực phẩm an toàn đến hành vi khách hàng với sản phẩm của nhãn hàng riêng, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh, 32(4)

9. Hoàng Thị Bảo Thoa và cộng sự (2019). Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh, 35(3), 72-83

10. Vũ Anh (2019). Tìm cú hích cho thực phẩm Organic “bùng nổ” ở Việt Nam, truy cập từ https://baodautu.vn/tim-cu-hich-cho-thuc-pham-organic-bung-no-o-viet-nam-d105003.html

11. Nguyễn Tường Minh (2020). Thực trạng và phương hướng phát triển của thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-va-phuong-huong-phat-trien-cua-thi-truong-thuc-pham-an-toan-viet-nam-hien-nay-68787.htm

12. Nguyễn Thị Nhung, Trần Thị Vân Anh, Đào Thị Thanh Huyền (2021). Thực trạng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam, truy cập từ https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thuc-trang-tieu-dung-thuc-pham-huu-co-tai-viet-nam-d22798.html

13. Euromonitor International (2020). Market research Vietnam 2020

14. Hai, N.M., M. Moritaka, and S. Fukuda (2013). Willingness to Pay for Organic Vegetables in Vietnam: An Emperical Analysis in Hanoi capital, J. Fac. Agri., Kyushu Univ, 58(2), 449-458

14. Odeyemi, O., Sani, N.A., Obadina, A., Saba, C., Bamidele, F., Abughoush, M., Asghar, A., Dongmo, F.F., Macer, D., Aberoumand, A. (2019). Food safety knowledge, attitudes and practices among consumers in developing countries: An international survey, Food research international, 116, 1386-1390

15. Roosen, J. (2003). Marketing of safe food through labeling, Journal of Food Distribution Research, 34(3), 77-82

16. Ruby, G.E., Abidin, U.F., Lihan, S., Jambari, N., Radu, S. (2019). A cross sectional study on food safety knowledge among adult consumers, Food Control, 99, 98-105.

17. Sanlier, N., Sormaz, Ü., & Güneş, E. (2020). The effect of food safety education on food safety knowledge, attitudes, behaviors of individuals who work in food and beverage departments in Turkey, International Journal of Gastronomy and Food Science, 22, 100-259

Nguyễn Minh Trang

Trường Đại học Thương mại

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 năm 2022)