KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ ĐẠI HỌC VÙNG TRÊN THẾ GIỚI VỀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

Kinh nghiệm của Đại học Nam Queensland (Australia)

Đại học Nam Queensland (USQ) được thành lập vào năm 1969 với tên gọi là cơ sở Darling Downs của Học viện Công nghệ Queensland. Đây là một trường đại học khu vực, với quy mô trung bình có trụ sở tại Toowoomba, Queensland, Australia, với ba cơ sở đại học tại Toowoomba, Springfield và Ipswich. Đại học cung cấp các khóa học về luật, y tế, kỹ thuật, khoa học, kinh doanh, giáo dục và nghệ thuật. Năm 1970, Đại học đã cung cấp các chương trình học tập cho các cộng đồng nông thôn Queensland và quốc tế. Năm 1971, Đại học trở thành Học viện Giáo dục Cao cấp Darling Downs, sau đó là Cao đẳng Nam Queensland vào năm 1990 và cuối cùng là Đại học Nam Queensland vào năm 1992. Đại học có 3 viện nghiên cứu và 7 trung tâm nghiên cứu tập trung vào nhiều lĩnh vực kinh doanh, các vấn đề nông nghiệp, khoa học, môi trường và công nghệ (University of South Queensland, 2018-2021).

Kinh nghiệm của một số đại học vùng trên thế giới về quản lý tài chính và bài học cho Đại học Thái Nguyên
Đại học Nam Queensland (USQ) được thành lập vào năm 1969.

Thời gian qua, Đại học Nam Queensland đã tích cực hỗ trợ các mục tiêu của chính quyền Queensland đối với cộng đồng thông qua các chương trình giảng dạy, nghiên cứu và tham gia các hoạt động xã hội, cụ thể là:

+ Đào tạo sinh viên chất lượng cao, sẵn sàng tham gia vào các ngành nghề là trọng tâm chính của cộng đồng, đạt được thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp khu vực, sự công nhận về chuyên môn và năng lực sinh viên và cựu sinh viên, kinh nghiệm trong ngành, các định hướng nghề nghiệp rõ ràng và giáo dục nghề nghiệp sâu rộng.

+ Đây là đại học đi đầu trong việc cung cấp các chương trình giáo dục cho các phạm nhân đang bị giam giữ; đặc biệt là thông qua việc xây dựng dựa trên dự án Making the Connection (Tạo kết nối) từng đoạt nhiều giải thưởng để cung cấp một môi trường học tập ảo cho các học sinh bị giam giữ.

+ Đại học Nam Queensland có các chương trình nghiên cứu chính về tái chế năng lượng và tài nguyên, khoa học khí hậu cơ bản và mô hình hệ thống khí hậu trong nông nghiệp và tài nguyên nước, góp phần đáp ứng mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu của khu vực và quốc gia.

+ Đại học đã từng bước mở rộng trình độ giáo dục đại học và công tác xã hội. Thông qua việc đảm bảo chất lượng cao của các chương trình trong quan hệ đối tác với các nhà tuyển dụng tốt nghiệp và các cơ quan chuyên môn; đồng thời, thể hiện khả năng lãnh đạo và đổi mới trong chất lượng trải nghiệm của sinh viên, Đại học đã dần nâng cao vị thế toàn cầu của mình với một nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc tại nơi làm việc và phát triển như những nhà lãnh đạo.

+ Bằng cách xem xét sự phù hợp với các chương trình nghị sự của khu vực và toàn cầu về nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp, di sản văn hóa và khảo cổ, khoa học môi trường, sức khỏe và phúc lợi khu vực, vật liệu và kỹ thuật cơ khí, toán học tính toán và khoa học vũ trụ, sức khỏe cộng đồng khu vực và phát triển kinh tế cũng như giáo dục và kỹ thuật số, Đại học đã làm việc cùng với các đối tác của mình để phát triển các giải pháp có thể áp dụng trực tiếp cho ngành công nghiệp và cộng đồng.

Với sự đa dạng hóa hoạt động đào tạo, nghiên cứu, tham gia vào tư vấn, thực hiện các dự án, vận hành doanh nghiệp, Đại học Nam Queensland đã có bước tiến lớn trong quản lý và sử dụng nguồn tài chính (Bảng), cụ thể như sau:

Kinh nghiệm của một số đại học vùng trên thế giới về quản lý tài chính và bài học cho Đại học Thái Nguyên

Cơ cấu thu chi hiệu quả

Tại Australia, Chính phủ chi tiêu cho giáo dục đại học công lập không giông như một số quốc gia trên thế giới là phân bổ trực tiếp cho các đại học công lập phục vụ các khoản chi thường xuyên, chi xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn ngân sách được chi trực tiếp đến người học, chi các chương trình hỗ trợ học bổng, trợ cấp cho sinh viên đại học và nghiên cứu sinh, hay các chương trình vay vốn học tập. Nguồn tài chính này được Chính phủ Australia phân bổ dựa trên từng đối tượng sinh viên theo học tại đại học công lập. Nguồn thu từ tài trợ và cho sinh viên vay vốn của Chính phủ có tỷ trọng cao nhất trong nguồn thu của Đại học Nam Queensland, luôn hơn 70% tổng thu của trường.

Quản lý hiệu quả nguồn thu từ Chính phủ và chính quyền địa phương

Nguồn hỗ trợ tài chính từ ngân sách của Trung ương và chính quyền địa phương đối với Đại học Nam Queensland thường ở mức dưới 1,5% so với tổng nguồn thu của Đại học. Nguồn hỗ trợ này phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển khu vực thông qua giáo dục bậc cao, được phân bổ từ trung ương xuống từng khu vực và được chính quyền khu vực phân bổ về Đại học dựa trên những mục tiêu và kế hoạch nghiên cứu phát triển đã được đặt ra cho Đại học Nam Queensland.

Nguồn thu học phí là nguồn thu do chính Đại học Nam Queensland đặt ra định mức thu, mức thu cho từng chương trình giáo dục. Nguồn thu sự nghiệp này cùng với nguồn thu hoạt động tư vấn, nghiên cứu luôn được quản lý với mức thu tương đương 20% tổng thu của trường và cùng với các khoản trợ cấp, cho vay của chính phủ đối với sinh viên luôn đảm bảo cho các khoản chi, bao gồm: chi lao động, chi bảo trì cơ sở hạ tầng, chi dịch vụ, chi bộ máy quản trị đại học…

Quản lý chặt chẽ các khoản chi

Về các khoản chi, Đại học Nam Queensland quản lý chặt chẽ, tối thiểu hóa các khoản chi không thiết yếu, như: in ấn, viễn thông và tập trung đầu tư vào chi cho con người (bao gồm: lương, bảo hiểm xã hội, chi hỗ trợ phát triển cá nhân, chi sức khỏe người lao động với mức chi luôn đảm bảo ở mức 60% đến 70% tổng chi). Bên cạnh đó, chi bảo trì bảo dưỡng cơ sở vật chất và chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng luôn được đánh giá thường xuyên, chi thường xuyên ở tỷ trọng cố định so với tổng chi của Đại học.

Về kết quả tài chính, chênh lệch thu lớn hơn chi trong hoạt động trong năm của Đại học được giữ lại làm nguồn tài trợ đầu tư tài sản cố định và các tài sản khác trong các năm tiếp theo, với quyết định sử dụng do Hội đồng Đại học thực hiện.

Kinh nghiệm quản lý tài chính tại Đại học James Madison (Hoa Kỳ)

Đại học James Madison là một trường đại học vùng ở Harrisonburg, Virginia, Hoa Kỳ. Đại học được xếp hạng thứ hai trong các trường đại học công lập đào tạo trình độ thạc sỹ tại miền Nam Hoa Kỳ năm 2019 (Board of Visitors, 2020-2021).

Là một tổ chức công lập, Đại học James Madison nhận được sự hỗ trợ đáng kể của Khối thịnh vượng chung (CAFR) từ việc điều hành và sử dụng vốn. Hội đồng Đại học do Thống đốc Khối thịnh vượng chung bổ nhiệm, chịu trách nhiệm giám sát và quản lý, bao gồm quản lý tài chính. Là một tổ chức công lập thành phần của Khối thịnh vượng chung, các chính sách quản lý nguồn thu và các chế độ giữ học phí của Đại học James Madison được thực hiện theo triển vọng phát triển của Khối. Cụ thể như sau:

Một là, quản lý hiệu quả nguồn thu học phí và từ doanh nghiệp phụ trợ theo hướng đa dạng hóa nguồn thu. Nguồn thu hoạt động của Đại học James Madison chủ yếu hơn 50% đến từ học phí, lệ phí với mức 236 triệu USD năm 2020 và 42% đến từ các doanh nghiệp phụ trợ với mức 196 triệu USD năm 2020 (Board of Visitors, 2020-2021). Hội đồng Đại học quản lý hai nguồn doanh thu chính hiệu quả với mức học phí đảm bảo hoạt động giảng dạy, bổ sung môi trường học tập và nghiên cứu của trường. Doanh thu từ doanh nghiệp phụ trợ, bao gồm: dịch vụ ký túc, ăn uống, đậu xe, giải trí cho sinh viên và các dịch vụ khác sau khi trừ đi các chi phí liên quan được Đại học James Madison sử dụng nguồn thu để trả các khoản tín dụng ngắn hạn và vốn hóa với mục đích cải thiện cơ sở vật chất của Đại học. Bên cạnh đó, Đại học cũng đa dạng hóa nguồn thu với các nguồn quà tặng và đóng góp, trợ cấp từ Liên bang, trợ cấp từ Nhà nước, nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ và các dịch vụ giáo dục và hoạt động chung.

Hai là, quản lý chi tiết từng khoản chi và trích lập dự phòng. Trong năm 2019, trích lập nguồn thu từ hỗ trợ của Nhà nước bao gồm 27% chi phí hoạt động, không bao gồm các nguồn thu phụ cấp và trích lập dự phòng, trích khấu hao cho tài sản (Board of Visitors, 2020-2021). Với các chính sách điều tiết học phí và cho phép Đại học James Madison trích lập một phần học phí bổ sung hoạt động sự nghiệp trong năm học tới, nguồn tài chính của Đại học được đặt vào vị thế vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý tài chính hiệu quả. Nguồn thu hoạt động được ghi nhận thông qua việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho sinh viên và các bộ phận khác của Đại học. Chi phí hoạt động là những chi phí được thực hiện để thu được hoặc sản xuất hàng hóa và dịch vụ được cung cấp để đổi lại nguồn thu hoạt động và thực hiện sứ mệnh. Tiền lương và tiền công và các khoản phúc lợi ngoài lề cho giảng viên và nhân viên là loại chi phí hoạt động lớn nhất.

Hội đồng Đại học đã củng cố quản lý tài chính của Trường thông qua 4 điểm trọng tâm: (1) Tuyển thêm đội ngũ quản lý tài chính giàu kinh nghiệm hàng đầu; (2) Tăng cường nhân viên lập kế hoạch hoạt động và tài chính hoạt động; (3) Tăng năng lực công nghệ thông tin trong quản lý tài chính; (4) Nâng cao khả năng chi trả cho những sinh viên xứng đáng.

Kinh nghiệm quản lý tài chính tại Đại học Edinburgh (Vương Quốc Anh)

Đại học Edinburgh được thành lập vào năm 1583, là trường đại học cổ thứ 6 trong các nước nói tiếng Anh và là một trong 7 trường đại học cổ xưa ở Anh và Scotland. Đại học Edinburgh tọa lạc tại thành phố Edinburgh, là một trong những Đại học tại vương quốc Anh có khuôn viên vô cùng rộng với 3 cơ sở đào tạo đặt tại Edinburgh, Scotland, UK (Urban, Russell Group, Coimbra Group). Cùng với tài nguyên phong phú, cơ sở vật chất hiện đại, Đại học được công nhận là cơ sở hàng đầu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, như: công nghệ thông tin – khoa học máy tính, y dược, ngôn ngữ và tâm lý – xã hội.

Tại Đại học Endinburg, nguồn tài chính tài trợ cho các khoản chi nhân viên, giảng viên, chi hoạt động và đầu tư tài sản mang tính bền vững, chủ yếu đến từ hợp đồng đào tạo và hoạt động nghiên cứu (2 nguồn thu này có tỷ trọng 60% đến 70% tổng thu). Tài chính Đại học được Giám đốc tài chính Đại học và đội ngũ quản lý tài chính thực hiện có những ưu điểm nổi bật:

Quản lý kết quả thu chi hướng tới thặng dư. Quản lý tài chính được thực hiện chú trọng đến khả năng tạo tiền của các hoạt động, chú ý đến tái đầu tư các hoạt động của Trường dựa trên các chỉ báo về tính bền vững trong tương lai. Các khoản thặng dư được sử dụng thực hiện các chương trình học bổng và hưu trí đang được Trường thực hiện.

Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính thông qua chuyển đổi số hóa. Kế hoạch đầu tư và quản lý tài sản được nâng cao thông qua chuyển đổi dữ liệu về bất động sản đã xây dựng, cần duy tu sửa chữa. Kế hoạch đầu tư vốn qua các dự án được thực hiện đúng tiến độ thông qua chuyển đổi các quản lý thực hiện qua hệ thống dữ liệu tài chính, nhân sự, quá trình đánh giá và thực hiện dự án.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

Qua thực tiễn quản lý tài chính tại một số đại học vùng ở một số quốc gia trên thế giới, có thể rút ra bài học kinh nghiệm đối với Đại học Thái Nguyên như sau:

Thứ nhất, đổi mới cơ chế quản lý nguồn thu theo hướng xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn tài chính. Xã hội hóa giáo dục, đào tạo đã và đang là định hướng rất cơ bản để huy động sức mạnh của cả xã hội vào công cuộc phát triển giáo dục. Đó là quá trình nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, để mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng về nhân lực, vật lực, tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng tốt các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động của giáo dục – đào tạo phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn.

Các nguồn tài chính ngoài ngân sách, nguồn thu tại các trường đại học bao gồm nguồn thu học phí các hệ (cao đẳng, đại học, sau đại học), nguồn thu sự nghiệp (đào tạo ngắn hạn, kinh doanh, dịch vụ, phục vụ sinh viên, lãi tiền gửi…); và các nguồn tài trợ, viện trợ, các loại vốn vay; các nguồn xã hội hóa… Từ nghiên cứu kinh nghiệm của 3 trường đại học: Nam Queensland, James Madison và Edinburgh, Đại học Thái Nguyên cần thực hiện đa dạng hóa các khoản thu và tăng cường thu hút các nguồn thu ngoài ngân sách trên một cách có hiệu quả; đổi mới phương thức quản lý để tăng cường phát triển, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn thu được đặt lên hàng đầu. Quản lý nguồn thu cần được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực, điều kiện hiện có của nhà trường và các hoạt động liên doanh liên kết. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích việc đa dạng hóa các nguồn từ hoạt động chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tư vấn đào tạo và sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, áp dụng tài trợ hoạt động sự nghiệp thông qua quỹ tín dụng ngắn hạn cũng là một phương phức huy động nguồn tài chính trong ngắn hạn các trường đại học công lập nói chung và đại học vùng, trong đó có Đại học Thái Nguyên có thể cân nhắc và kiến nghị. Phương thức này góp phần đảm bảo hoạt động sự nghiệp diễn ra trôi chảy, tránh xảy ra trường hợp nguồn thu tăng lên vào cuối kỳ chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi tại thời điểm nhất định trong kỳ.

Đặc biệt, kinh nghiệm của Đại học James Madison cho thấy, các trường đại học cũng cần đa dạng hóa nguồn thu với các nguồn quà tặng và đóng góp, trợ cấp từ Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ…

Thứ hai, quản lý tài chính phải đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm và cơ cấu chi hợp lý. Qua kinh nghiệm của 3 đại học nghiên cứu ở trên, việc quản lý tài chính tại đại học vùng cần tăng quyền chủ động cho các chủ thể tài chính trong việc quyết định các khoản chi tiêu thường xuyên và chế độ trách nhiệm của từng bộ phận theo quyết định và sự điều hành từ Hội đồng đại học. Thực hiện cơ chế khoán trong các đơn vị trực thuộc của trường đại học công lập, đặc biệt là các trường đại học vùng, trước hết là khoán quỹ lương và các khoản chi hành chính. Trong công tác quản lý chi, cần đảm bảo được tính ổn định trong thu – chi trong thời gian dài, tạo quyền chủ động trong quản lý và điều hành chi tiêu.

Đồng thời, cơ cấu các khoản chi cần chú ý đảm bảo hoạt động nghiên cứu, hoạt động sự nghiệp của đại học vùng. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng thêm thu nhập cho đội ngũ nhân lực của đại học tương xứng với chất lượng đào tạo.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát thu – chi. Nguồn thu sự nghiệp (như: học phí, hoạt động dịch vụ, hoạt động nghiên cứu triển khai…), về mặt quản lý cũng được tập trung thống nhất giống như những khoản thu của ngân sách nhà nước. Vì vậy, phải được hạch toán đầy đủ vào sổ sách kế toán và quản lý tập trung thống nhất. Đồng thời, kinh nghiệm của Đại học Nam Queensland và Đại học Edinburgh cho thấy, các khoản chi ngân sách cho các hoạt động cũng phải được kiểm soát chặt chẽ, nhằm sử dụng nguồn kinh phí một cách có hiệu quả và đảm bảo chi tiêu đúng mục đích…/.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. American academy of Arts and Science (2016). Public research Universities: understanding the Financial Model, The Lincoln Project: Excellence and Access in Public Higher Education

2. Board of Visitors (2020-2021). Audited financial report for the year 2019 and 2020, James Madison University

3. University of Endinburg (2021). Annual report 2019-2020, published by The University of Edinburgh

4. University of South Queensland (2018-2021). Annual report 2017-2021, the Office of the Vice-Chancellor, https://www.usq.edu.au/about-usq/governance-leadership/plans-reports

Đỗ Thị Thu Hồng

Đại học Thái Nguyên

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 35 năm 2021)