CĂN CỨ PHÁP LÝ
Theo quy định tại Luật Thương mại năm 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Hoạt động kinh doanh theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp 2020 là “việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận” cũng mang bản chất là hoạt động thương mại.
Điều 6, Luật Thương mại 2005 quy định, thương nhân (các chủ thể tiến hành hoạt động thương mại) bao gồm: tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có ĐKKD. Như vậy, pháp luật thương mại quy định rõ về 2 nhóm chủ thể kinh doanh là: tổ chức kinh tế và cá nhân, 2 nhóm này đều phải có ĐKKD để được ghi nhận tư cách thương nhân. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khung khổ pháp lý về ĐKKD đối với nhóm chủ thể kinh doanh là tổ chức kinh tế, chưa có đầy đủ quy định về ĐKKD đối với cá nhân kinh doanh.
Các nội dung về ĐKKD được xây dựng và ban hành gắn với quá trình xây dựng và phát triển khung pháp lý về các chủ thể kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân nhằm cụ thể hóa chủ trương “Đổi mới” của Đảng và Nhà nước, trong đó, có các văn bản pháp luật quy định về thương mại/thương nhân và doanh nghiệp. Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 là những văn bản pháp lý đầu tiên quy định về việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp, công ty, trong đó, có các quy định về ĐKKD (không có quy định về ĐKKD của cá nhân kinh doanh). Các quy định ĐKKD được kế thừa tại các Luật Doanh nghiệp 1999, 2005, 2014 và 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này (các Nghị định và Thông tư hướng dẫn về ĐKKD/đăng ký doanh nghiệp). Luật Thương mại 1997 có đưa ra các quy định về ĐKKD đối với thương nhân (trong đó, bao gồm cả thương nhân là cá nhân), nhưng sau đó, kể từ năm 2005, các nội dung ĐKKD không còn được quy định tại Luật Thương mại. Như vậy, kể từ 2005, chỉ còn quy định về ĐKKD tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành – các văn bản vốn chỉ quy định về ĐKKD của doanh nghiệp, không quy định về cá nhân kinh doanh. Như vậy, quy định pháp luật về ĐKKD hiện nay mới chỉ ghi nhận việc đăng ký của thương nhân dưới dạng tổ chức kinh tế, chưa có quy định về đăng ký thương nhân theo hình thức cá nhân kinh doanh (Hiện chỉ có quy định về các trường hợp hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và không phải ĐKKD).
QUY ĐỊNH VỀ ĐKKD ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KINH DOANH TẠI CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Các nước không có hộ kinh doanh và thay vào đó là sự phổ biến của hình thức kinh doanh cá thể (sole proprietorship). Hình thức đăng ký kinh doanh đối với cá nhân kinh doanh tại một số nước trên thế giới đều theo hướng đơn giản tối đa thủ tục hành chính.
Tại hầu hết các quốc gia, các hình thức kinh doanh, doanh nghiệp được tổ chức dưới 3 hình thức cơ bản sau: (i) cá nhân kinh doanh (sole proprietorship hay sole trader); (ii) hợp danh (partnership) và (iii) công ty TNHH/ công ty cổ phần (corporation). Trên cơ sở 3 hình thức cơ bản, các cơ sở kinh doanh có thể được chia thành các loại hình cụ thể hơn, như: (i) cá nhân kinh doanh; (ii) hợp danh hữu hạn; (iii) trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; (iv) công ty cổ phần.
Hình thức kinh doanh do một cá nhân làm chủ và vận hành, toàn bộ tài sản của cá nhân đó không tách bạch với hoạt động kinh doanh (sole trader/ sole tradership/ sole proprietorship ở các nước, như: Anh, Mỹ, Úc, entreprise unipersonnel ở Pháp, hay einzelunternehmen ở Đức). Hình thức này rất tương đồng với hình thức hộ kinh doanh tại Việt Nam với một số đặc điểm chính: (i) do một cá nhân làm chủ, (ii) việc thành lập tương đối đơn giản; (iii) chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình (trách nhiệm vô hạn) đối với hoạt động kinh doanh; (iv) lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh được tính vào thu nhập chịu thuế cá nhân của chủ sở hữu.
Quy định của Úc
Pháp luật của Úc không có quy định về hộ kinh doanh. Theo pháp luật của Úc, nếu không thành lập công ty, cá nhân có thể đăng ký thành lập “sole trader”, tạm dịch là cá nhân kinh doanh[1] (độc lập). Cá nhân tự kinh doanh với doanh thu trên 75.000 AUD phải đăng ký với Cơ quan ĐKKD (Australian Business Register) và lấy đăng ký mã số kinh doanh (ABN)[2]. Trước đó, cá nhân phải có mã số thuế (tax file number) để nộp thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập của sole trader chính là thu nhập cá nhân người đó phải kê khai và nộp. ABN được sử dụng trong các giao dịch của sole trader với các tổ chức, cá nhân khác, bao gồm việc sử dụng lao động. Lợi ích của đăng ký làm sole trader với mã số ABN là thương hiệu được bảo vệ và không bị đối tác tạm khấu trừ thuế thu nhập.
Quy định của Vương quốc Anh
Vương quốc Anh không có quy định về hộ kinh doanh. Cá nhân tự kinh doanh có thu nhập từ 1.000 Bảng/năm trở lên phải ĐKKD dạng tự làm chủ (self-employed) với Cơ quan thuế (HMRC)[3], mặc dù cá nhân có thể có công việc làm thuê. Cá nhân kinh doanh hoặc cho thuê nhà với thu nhập dưới mức phải nộp thuế (12.500 Bảng/năm) không cần phải ĐKKD[4]. Cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn hình thức pháp lý là sole trader (phổ biến nhất) hoặc hợp danh nếu làm cùng cá nhân khác.
Quy định của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ không có quy định về hình thức kinh doanh hộ gia đình. Các cá nhân kinh doanh thường đăng ký làm “sole proprietor” hay còn gọi là “sole trader”. Theo Cục doanh nghiệp nhỏ (SBA) Hoa Kỳ, năm 2019, Hoa Kỳ có hơn 27 triệu cá nhân kinh doanh không thuê thêm người. Không thấy có quy định nào bắt buộc phải ĐKKD khi thu nhập đạt một ngưỡng nhất định như ở Vương quốc Anh. Tùy theo từng bang, nếu cá nhân kinh doanh bằng một thương hiệu hay một tên khác tên mình, cá nhân có thể phải đăng ký[5].
Đối với hình thức sole trader ở Hoa Kỳ, ngoài tờ khai thuế thu nhập cá nhân thông thường, chủ thể có nghĩa vụ kê khai thêm một tờ khai thuế liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình (Schedule C (1040 or 1040-SR), Profit or Loss from Business). Nếu thuê lao động, sole trader cũng phải nộp tờ khai về chi phí lao động[6].
Quy định của Singapore
Singapore quy định cá nhân kinh doanh thường xuyên vì mục đích lợi nhuận phải ĐKKD [7]. Singapore quy định 5 hình thức pháp lý của đơn vị kinh doanh, gồm: cá nhân kinh doanh (sole proprietor), hợp danh, hợp danh hạn chế, hợp danh trách nhiệm hữu hạn và công ty. Người nước ngoài muốn đăng ký sole prorietor phải có đại diện địa phương và có đại lý nộp hồ sơ đã được đăng ký[8].
Theo quy định của Cơ quan ĐKKD, cá nhân kinh doanh bằng tên ghi trên căn cước công dân không bắt buộc phải ĐKKD. Họ có thể lựa chọn đăng ký để được hưởng nhiều lợi ích mà pháp luật quy định, ví dụ như: tham gia đầu thầu hợp đồng cung cấp cho cơ quan nhà nước, hỗ trợ tài chính và uy tín thị trường[9].
Quy định của Trung Quốc
Về phương diện quy định pháp luật, Trung Quốc ban hành một luật riêng cho các cá nhân kinh doanh với tên Luật Doanh nghiệp Cá thể (Sole Proprietorship Enterprise Law) và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Luật này gồm 6 chương, 48 điều. Một số điểm đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp Cá thể đó là xác định doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ của doanh nghiệp, có thể dùng địa chỉ nhà làm địa chỉ ĐKKD, chủ doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng lao động khi sử dụng lao động và có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Chế độ thuế áp dụng đối với doanh nghiệp cá thể là thuế cá nhân.
KẾT LUẬN
Như vậy, có thể nhận thấy tại nhiều quốc gia trên thế giới, hình thức cá nhân kinh doanh có thể bao gồm: cá thể kinh doanh, doanh nghiệp một chủ hay doanh nghiệp cá thể (tạm dịch từ sole proprietorship hay sole trader). Loại hình này có đặc điểm tương tự với với hình thức hộ kinh doanh tại Việt Nam. Điểm khác biệt là các doanh nghiệp cá thể tại quốc gia này, đặc biệt là tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, như: Mỹ, Canada, châu Âu, các nước OECD các nền kinh tế tiên tiến tại Đông Á đều được đăng ký chính thức. Các doanh nghiệp cá thể/một chủ này được đăng ký một cách rất dễ dàng (tại chính quyền sở tại hoặc qua mạng) và chi phí tuân thủ các quy định pháp lý, chế độ kế toán, báo cáo tài chính, đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều so với các loại hình công ty khác do bản chất và quy mô của loại hình doanh nghiệp này. Đây là yếu tố quyết định tính hấp dẫn của loại hình doanh nghiệp này và khiến phần lớn người dân khi tiến hành ĐKKD đã lựa chọn đăng ký chính thức theo hình thức doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ (như người dân tại Việt Nam đã lựa chọn hình thức hộ kinh doanh, hiện nay, số lượng hộ kinh doanh đang hoạt động là 2,5 triệu hộ, nhiều hơn 2,5 lần so với doanh nghiệp).
Từ kinh nghiệm quốc tế đối chiếu với thực tiễn ở Việt Nam cho thấy cần phải nghiên cứu để làm rõ phạm vi các nhóm đối tượng kinh doanh cá thể tại Việt Nam (ngoài hộ kinh doanh còn có cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân với bản chất tương tự doanh nghiệp cá thể…); đánh giá cơ sở, sự cần thiết phải xây dựng khung pháp lý đơn giản, thuận tiện, chi phí tuân thủ thấp cho mô hình kinh doanh cá thể, trong đó có cá nhân kinh doanh…/.
Đặng Tiến Đạt
Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 34, tháng 12/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. CIEM và ADB (2017), Chính thức hóa hộ kinh doanh ở Việt Nam.
2. Jean-Pierre Cling, Mireille Razafindrakoto and Francois Roubaud (2010), Kinh tế không chính thức ở Việt Nam, ILO, Hanoi.
3. Lê Duy Bình (2022), Thu hẹp khu vực không chính thức trong kinh tế tư nhân Việt Nam, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/thu-hep-khu-vuc-phi-chinh-thuc-trong-kinh-te-tu-nhan-25092.html.
4. Lê Duy Bình (2020), Chính thức hóa doanh nghiệp siêu nhỏ ở ASEAN, OECD và Ban Thư ký ASEAN.
5. Lê Duy Bình và Phạm Tiến Dũng (2017), Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Rào cản từ chi phí tuân thủ pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, (36)163, 9/2017.
[1] Sole trader còn gọi là sole proprietorship ở nhiều nước, ví dụ như Hà Lan (https://business.gov.nl/starting-your-business/choosing-a-business-structure/sole-trader-or-sole-proprietorship-in-the-netherlands/) hoặc Hoa Kỳ (https://www.sba.gov/business-guide/launch-your-business/choose-business-structure).
[2] Cá nhân kinh doanh có doanh thu thấp hơn 75.000 AUD cũng có thể đăng ký và lấy ABN (https://hnry.com.au/au/tax-resources/how-to-register-as-an-abn-sole-trader/#:~:text=If%20you’re%20a%20sole,might%20want%20to%20do%20so)
[3] https://realbusiness.co.uk/need-register-self-employed
[4] https://startups.co.uk/setting-up/how-to-register-as-self-employed/
[5] https://smallbusiness.chron.com/need-register-small-business-3056.html và https://www.upcounsel.com/can-i-do-business-without-registering
[6] https://www.irs.gov/businesses/small-businesses-self-employed/forms-for-sole-proprietorship
[7][7] https://www.guidemesingapore.com/business-guides/incorporation/other-business-entity-types/singapore-sole-proprietorship-registration#:~:text=Sole%2DProprietorship%20%E2%80%93%20Quick%20Facts&text=The%20business%20owner%20is%20personally,to%20register%20a%20sole%20proprietorship.
[8] https://www.acra.gov.sg/how-to-guides/starting-sole-proprietorships/who-can-set-up-a-sole-proprietorship-or-partnership-in-singapore.
[9] https://www.acra.gov.sg/how-to-guides/before-you-start/who-must-register