Từ khóa: nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

Summary

In recent years, organic agricultural production has become one of the important sustainable agricultural production methods in the world. Organic agriculture under circular economy is based on ecological principles to coordinate cultivation and animal husbandry, applying a series of agricultural technologies to recycle and reuse waste to maintain the continuous, stable and sustainable agricultural production process. This article explores some experiences in implementing programs and policies to increase organic agricultural area and organic food market share in some countries around the world, thereby proposing some lessons for Vietnam in the process of promoting organic agricultural production towards circular economy.

Keywords: organic agriculture, circular economy, sustainable development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học không cân đối, không đúng lúc đã làm xấu đi môi trường sản xuất nông nghiệp, môi trường sống và là nguyên nhân gây ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí. Trước những vấn đề ô nhiễm môi trường và sự an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người, nông nghiệp hữu cơ trở thành cuộc cách mạng nông nghiệp được nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới. Một trong những thay đổi đang được các nước thực hiện đó là chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang KTTH, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh chuyển sang nền KTTH, nông nghiệp đang được xác định là ngành then chốt và thân thiện với khí hậu, môi trường. Khái niệm KTTH gắn liền với Chiến lược châu Âu 2020 về tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm liên quan đến khuôn khổ các sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy một nền kinh tế cạnh tranh và hiệu quả hơn về tài nguyên [2]. Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FIBL) và Liên đoàn Các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) cũng xác định, đến năm 2030 nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần giải quyết các thách thức trong tương lai của nông nghiệp; trở thành hệ thống sử dụng đất được ưa chuộng và được lựa chọn ở nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ an toàn hệ sinh thái nhờ việc tăng cường chức năng sinh thái; sản xuất thực phẩm lành mạnh và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người [3].

Vì vậy, nghiên cứu ở những nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam theo hướng KTTH có ý nghĩa về cả về lý luận và thực tiễn.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ THEO HƯỚNG KTTH

Kinh nghiệm của Úc

Úc là một trong những nước có vị trí dẫn đầu về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ trên thế giới. Đây cũng là nước có nhiều diện tích được chứng nhận hữu cơ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong lịch sử, nước Úc đã bắt đầu rất sớm trong dự án hữu cơ và có lịch sử lâu đời về thành tựu trồng cây hữu cơ. Hiệp hội Làm vườn và Canh tác Hữu cơ Úc là đơn vị sớm nhất trên thế giới ủng hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiệp hội được thành lập vào năm 1944 và “Tập san Nông nghiệp hữu cơ” là một ấn phẩm tiên phong về lĩnh vực hữu cơ. Chính phủ Úc ngày càng quan tâm hơn đến việc tạo ra môi trường chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp hữu cơ phát triển. Với vai trò quan trọng trong việc kết nối những người trồng hữu cơ, Hội Nông nghiệp hữu cơ (OAA) ở thành phố Adelaide, thủ phủ của vùng phía Nam nước Úc có các trang trại nuôi bò, heo, trồng nho hữu cơ quy mô lớn, nhiều sản phẩm hữu cơ và rượu được sản xuất tại đây. Khi tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng tuần hoàn, nông dân được hướng dẫn tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, sử dụng phụ phẩm của sản phẩm hữu cơ của nông nghiệp phục vụ đầu vào cho ngành khác. Ví dụ, tận dụng nguồn phế thải của yogurt hữu cơ để làm đầu vào cho chăn nuôi, làm thức ăn cho heo hữu cơ. Việc xử lý tàn dư hữu cơ, sản xuất, sử dụng các sản phẩm hữu cơ tái chế cũng được phổ biến rộng rãi ở Úc. Hàng năm, lĩnh vực tái chế chất hữu cơ của Úc xử lý khoảng 7,5 triệu tấn bã hữu cơ [7].

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vấn đề tiêu thụ là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Ở Úc, họ chọn cách phát triển thị trường tiêu thụ hữu cơ rất đa dạng. Mỗi vùng trồng, nuôi hữu cơ đều có phiên chợ cuối tuần (chợ farm) để cho người trồng hữu cơ mang sản phẩm ra bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Người mua và người bán có dịp trao đổi với nhau về sản phẩm mình làm ra, từ đó giúp tăng lòng tin. Sản phẩm hữu cơ cũng được bày bán tại các cửa hàng bán lẻ, các quán cà phê, nhà hàng bán sản phẩm từ nguyên liệu hữu cơ và các siêu thị. Chính vì vậy, sản phẩm hữu cơ đạt chứng nhận được tiêu thụ nhiều hơn, giá mặt hàng hữu cơ ít bị biến động, trong khi giá các mặt hàng không chứng nhận luôn dao động.

Kinh nghiệm của Đan Mạch

Kế hoạch hành động hữu cơ Đan Mạch được thông qua vào năm 2011, đến năm 2012 diện tích canh tác hữu cơ của nước này đã tăng hơn 57% so với năm 2011 và doanh số bán các sản phẩm hữu cơ tăng lên gấp đôi [6]. Người dân Đan Mạch ưa thích tiêu dùng các nông sản hữu cơ, như: sữa hữu cơ, trứng, bột yến mạch, bột mì, cà rốt và chuối. Theo Tổ chức phi chính phủ Hữu cơ Đan Mạch, từ năm 2018 đến năm 2019, doanh số bán thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch đã tăng 9,4%. Dân số Đan Mạch thường mua thực phẩm hữu cơ mỗi tuần chiếm tỷ lệ 52,5%. Trung bình mỗi người dân Đan Mạch chi khoảng 344 Euro cho tiêu dùng thực phẩm hữu cơ vào năm 2019, qua đó đưa Đan Mạch trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ thực phẩm hữu cơ [4].

Các nhà chính trị Đan Mạch đang thúc đẩy hỗ trợ tài chính để đưa nông sản hữu cơ vào các bếp ăn công cộng. Một mô hình được coi là có khả năng chuyển giao cao sang các nước khác. Điều quan trọng để thành công là sự kết hợp của 4 sáng kiến ​​chính sách công (mục tiêu mua sắm, tài chính, nhãn hiệu và nâng cao năng lực các tổ chức phi chính phủ) và 3 sáng kiến ​​trong lĩnh vực hữu cơ (hợp tác chuỗi cung ứng, trường học hữu cơ về dịch vụ ăn uống và giáo dục cho nhân viên bếp). Điều này đã tạo ra động lực tập thể quan trọng trong việc chuyển đổi xanh trong bếp ăn công cộng. Để phát triển KTTH, Chính phủ Đan Mạch đã thành lập Hội đồng tư vấn về KTTH năm 2017, gồm 12 thành viên là đại diện ở cấp CEO của nhiều công ty. Đan Mạch cũng ban hành kế hoạch hành động phát triển KTTH như một phần của Kế hoạch quốc gia về ngăn chặn và quản lý rác thải giai đoạn 2020-2032. Kế hoạch này đưa ra các mục tiêu, chỉ số, chính sách và sáng kiến của Đan Mạch trong toàn bộ chuỗi giá trị tuần hoàn, bao gồm từ thiết kế và tiêu thụ đến quản lý chất thải, từ đó tài nguyên thiên nhiên được tái chế thành các sản phẩm và vật liệu mới.

Nhờ thiết lập các chỉ số, các quy tắc cho canh tác hữu cơ, logo quốc gia và hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm, Chính phủ Đan Mạch có kế hoạch chi 147 triệu Euro trong năm 2018 và 2019 để hỗ trợ sản xuất hữu cơ và giúp nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Đến nay, tỷ lệ người dân Đan Mạch nhận diện được logo hữu cơ quốc gia chiếm 98%, người dân sử dụng các sản phẩm nông sản hữu cơ gần 80% và hơn một nửa dân số sử dụng thực phẩm hữu cơ mỗi ngày [6].

Kinh nghiệm của Ấn Độ

Ấn Độ là nước có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp nhờ áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ. Năm 2016, Chính phủ Liên bang đã khởi động chương trình PKVY (là một phần của nhiệm vụ quốc gia về Nông nghiệp bền vững), theo đó phân bổ 40 triệu Euro cho các biện pháp hỗ trợ hữu cơ. Đây là chương trình thúc đẩy hình thức chứng nhận hữu cơ của Hệ thống đảm bảo có sự tham gia cho Ấn Độ (PGS-Ấn Độ). Số tiền này được phân bổ cho Chính phủ Tiểu bang để thành lập các tổ chức chứng nhận hữu cơ công cộng [3].

Bang Sikkim là một trong những địa phương có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được biết đến nhiều ở Ấn Độ. Nằm trên khu vực miền núi phía Đông Ấn Độ có hệ sinh thái với hàng trăm loài chim, hoa lan hoang dã, bang Sikkim đã trở thành nơi đầu tiên chuyển sang phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ 100% ở đất nước này. Tại Sikkim không còn thấy dấu vết của phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thực phẩm biến đổi gen (GMO). Từ sau khi chuyển sang hữu cơ 100%, sức khỏe của cư dân địa phương đã được cải thiện rõ rệt. Thương hiệu Sikkim Organic ngày càng phổ biến với các sản phẩm như gạo, đậu, gừng, cam, bạch đậu khấu và nghệ. Nhờ sự gia tăng nhu cầu về sản phẩm hữu cơ, thu nhập của nông dân ở Sikkim đã tăng lên 20% so với trước đây. Phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng hỗ trợ đắc lực cho lĩnh vực du lịch tại Sikkim khi số lượng các tour du lịch và nghỉ dưỡng nông trại ở bang này ngày càng tăng. Du khách có thể ở lại các trang trại, thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên của dãy Himalaya và dùng thực phẩm hữu cơ sạch nổi tiếng của bang Sikkim.

Để triển khai nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành các sắc lệnh, như: Pháp lệnh thương mại và sản xuất nông nghiệp năm 2020; Hiệp định trao quyền và bảo vệ cho nông dân về đảm bảo giá cả và pháp lệnh dịch vụ trang trại năm 2020 đã thúc đẩy đầu tư tư nhân vào chuỗi cung ứng nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm và cơ sở hạ tầng xuất khẩu. Số lượng nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) dưới sự quản lý của hệ thống PGS do Chính phủ quản lý đã tăng lên gần 1 triệu nông dân trong 5 năm, có 1,3 triệu nông dân được chứng nhận theo hệ thống của bên thứ 3 [1]. Đông Bắc Ấn Độ có thể trở thành một trung tâm nông nghiệp hữu cơ khổng lồ và là thủ đô cho các sản phẩm hữu cơ mang bản sắc riêng trên thế giới. Các chính sách và biện pháp can thiệp của Chính phủ đang theo bước chân của bang Sikkim – bang hữu cơ đầu tiên của Ấn Độ.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Năm 2015, Trung Quốc đã ban hành chiến lược Dự trữ thực phẩm trong công nghệ, trong đó nâng cao, đổi mới năng lực nghiên cứu và phát triển, cụ thể là công nghệ sinh học và công nghệ kỹ thuật số. Trong bối cảnh thực phẩm bẩn được bày bán tràn lan, phát triển những mô hình trang trại thực phẩm hữu cơ là một sự lựa chọn đúng đắn của các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Vì vậy, phát triển năng lực trong nông nghiệp hữu cơ được đưa vào trong chương trình nghị sự ở Trung Quốc. Chính phủ có kế hoạch đầu tư khoảng 187 triệu euro trong giai đoạn 2016-2020 vào đào tạo nông dân mới, tập trung vào nông nghiệp hữu cơ và bền vững [3].

Năm 2019, diện tích nông nghiệp hữu cơ là 2.216.000 hecta, tăng 103,3% trong 10 năm qua, đây cũng là một trong mười nước có thị trường thực phẩm hữu cơ lớn nhất thế giới với doanh số bán lẻ 8.504 triệu euro. Công ty nghiên cứu thị trường Organic Monitor cho biết thị trường thực phẩm hữu cơ tại Trung Quốc ngày nay đang đạt khoảng 3 tỷ USD [4].

Một số địa phương ở Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp thúc đẩy nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, trong đó chú trọng khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ biogas. Một số cơ sở tái chế đã tặng miễn phí phân bón biogas cho người dân nhằm thay đổi dần thói quen trồng trọt sử dụng nhiều chất hóa học. Một nhà máy tái chế chất thải hữu cơ được xây dựng ở huyện Lương Châu, thu gom rác thải bao gồm bã thực phẩm, lá rau và phân gia súc để sản xuất khí đốt và phân bón biogas. Mỗi năm, nhà máy này có thể xử lý hơn 80.000 tấn rác hữu cơ và tạo ra 6,5 triệu (kWh điện) và coi đây là công việc “biến phế thải thành kho báu”. Năm 2018, để thu hút sự tham gia của các nông dân, công ty đã áp dụng hệ thống hàng đổi hàng, theo đó nông dân địa phương có thể mang phân gia súc và các phụ phẩm từ cây ngô đến nhà máy để đổi lấy phân biogas [4].

Có thể thấy, các chính sách của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào ứng dụng công nghệ tiên tiến và sự tham gia của lĩnh vực tư nhân.

MỘT SỐ BÀI HỌC RÚT RA CHO VIỆT NAM

Nền KTTH là một con đường để đạt được sự thay đổi thuận lợi của cả nền kinh tế và môi trường. Việc tái sử dụng các đặc tính nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp tuần hoàn là cải thiện việc sử dụng tổng thể các tài sản ở nông thôn. Nông nghiệp hữu cơ cần duy trì bản sắc riêng, như: bảo vệ môi trường, sản xuất thực phẩm an toàn, theo đuổi đa dạng sinh học, phục hồi các cộng đồng địa phương và các hoạt động tương tự khác. Trên cơ sở kinh nghiệm của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển theo hướng KTTH, một số bài học có thể rút ra đối với Việt Nam, như sau:

Thứ nhất, về khoa học, công nghệ: Ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để theo kịp các xu hướng mới trong nông nghiệp trên thế giới, trong đó có nông nghiệp hữu cơ nói riêng và nông nghiệp nói chung phải đề cao vai trò của các tiến bộ khoa học trong phát triển nông nghiệp. Những tiến bộ trong nông nghiệp hữu cơ sẽ hỗ trợ nông dân đạt được dòng nguyên liệu và tài nguyên luân chuyển, là chìa khóa chính trong việc thúc đẩy nền KTTH. Đánh giá lại quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ của các doanh nghiệp trên các phương diện quản lý, chất lượng, thương mại sản phẩm… để tìm ra những khó khăn, đề xuất giải pháp phù hợp cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Thứ hai, hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ: Trong xây dựng và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, Việt Nam nên tiến gần hơn với quốc tế. Có như vậy, ngành thực phẩm hữu cơ của nước ta phát triển lành mạnh.

Thứ ba, liên kết hợp tác trong chuỗi giá trị: Cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên quan. Nhà nước cần ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, như: quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ưu đãi cho thuê đất… Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ, quan tâm tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan tới phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học

Thứ tư, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ. Đây sẽ là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu về việc ứng dụng những mô hình sản xuất hữu cơ chuẩn mực, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất đến các trang trại, hợp tác xã và hộ gia đình làm nông nghiệp.

Thứ năm, tuyên truyền, giáo dục nhận thức lối sống bền vững và khỏe mạnh giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ môi trường theo cách “từ dưới lên” dẫn đến hình thành các mô hình sản xuất sạch./.

ThS. Trần Thị Thu Huyền

Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 34, tháng 12/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Department of Agriculture and Cooperation of India (2020), Participatory Guarantee System (PSG) for India, retrieved from http://pgsindia-ncof.gov.in/.

2. EipAgri (2015), European Innovation Partnership, Agricultural Productivity and Sustainability.

3. FIBL., and IFOAM (2016), The World of Organic Agriculture 2016, Helga Willer and Julia Lernoud.

4. FIBL., and IFOAM (2021), Organic international. The world of organic agriculture, Frick and Bonn

5. Jocelyn Parot (Urgenci), Amaelle Seigneret (TDL), Attila Szocs and Francois Frigot (ECVC), Thomas Haselberger and Léna Brisset (IFOAM), Sylvia Kay (TNI), Ruth West (RFT) (2021), Roots of Resilience: Land Policy for an Agroecological Transition in Europe, retrieved from https://www.accesstoland.eu/Policy-Report-Roots-of-Resilience.

6. Nguyễn Trần Minh Trí (2019), Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ của các nước trên thế giới, truy cập từ https://doanhnghiephoinhap.vn/kinh-nghiem-phat-trien-nong-nghiep-huu-co.html.

7. WMR (Waste Management Review) (2021), The circular economy for organicsare we there yet? retrieved from https://wastemanagementreview.com.au/the-circular-economy-for-organics-are-we-there-yet/.