Với tính chất đặc thù, như: quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che giấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch… của TMĐT khiến vấn đề quản lý thu thuế gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới. Những thách thức này cần được nhận diện đúng.

KỲ 2: NHẬN DIỆN NHỮNG THÁCH THỨC TRONG QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI TMĐT
TMĐT có những tính chất đặc thù, như: quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che giấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch. Vì vậy, vấn đề quản lý thu thuế gặp nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Có quá nhiều khác biệt so với quản lý thuế truyền thống

Trao đổi về sự khó khăn trong công tác quản lý thuế TMĐT hiện nay, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, thách thức lớn nhất là làm thế nào để quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế.

“Vì khó xác định nguồn thu, đối tượng nộp thuế, nên cơ quan Thuế rất khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế. Bởi trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website, chỉ hiện diện ở một khu vực thị trường nào đó mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế. Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của luật thuế đang căn cứ vào “sự hiện diện vật chất” của tổ chức kinh doanh – nguyên tắc đánh thuế hiện hành”, bà Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ.

Một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều hoạt động TMĐT khác đang trong tình trạng tranh cãi, chưa thuộc vào loại hình kinh doanh nào, dẫn đến cơ quan quản lý thuế rất khó khăn trong việc xác định bản chất, loại hình để đánh thuế hoạt động kinh doanh, trong khi tùy theo loại hình hoạt động mà cơ quan quản lý thuế áp dụng các mức thuế khác nhau.

Ví dụ, nhiều cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán tiền “ảo”, chuyển nhượng các vật phẩm “ảo” trong game hay cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nhưng không có căn cứ để giám sát, yêu cầu nộp thuế hay đánh giá việc kê khai, nộp thuế có đầy đủ hay không.

Khó khăn tiếp theo đến từ việc xác định doanh thu, thu nhập của các đối tượng kinh doanh TMĐT. Hiện nay, công tác quản lý TMĐT chưa có các công cụ để kiểm soát khoa học để theo dõi lượng hàng hóa, cũng như doanh thu phát sinh từ các hoạt động này.

Việc xác định doanh thu chủ yếu dựa trên hóa đơn bán hàng và nội dung giao dịch thanh toán. Để lách điểm này, nhiều đối tượng kinh doanh TMĐT khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã… không xuất hóa đơn, hoặc xuất hóa đơn không đúng thực tế.

Một sự kiện được người dùng mạng xã hội Facebook (đổi tên là Meta) chú ý gần đây, là DN này thông báo bắt đầu từ ngày 1-6 sẽ thu thêm phí 5% đối với dịch vụ quảng cáo trên Facebook để nộp thuế cho cơ quan thuế Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi Tổng cục Thuế công bố cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile), nhằm tháo gỡ vướng mắc về khung pháp lý tồn tại từ nhiều năm nay, buộc các DN xuyên biên giới đang hoạt động thương mại theo mô hình B2C phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho doanh thu từ các giao dịch với khách hàng cá nhân Việt Nam.

Cùng với đó, rất khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 sàn giao dịch TMĐT và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.Ngoài ra, các hàng hóa, dịch vụ được mua bán trong lĩnh vực TMĐT được áp dụng các sắc thuế khác với các hàng hóa, dịch vụ truyền thống. Tuy nhiên, do các cơ quan quản lý thuế khó nắm bắt được hết các thông tin về giao dịch hàng hóa, dịch vụ, nên việc thu thuế đối với các giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực TMĐT rất… không dễ dàng.

Đã vậy, quá trình thu thuế qua TMĐT cũng phức tạp, bởi các cơ quan quản lý thuế phải phối hợp với người bán hàng liên quan, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến, các trung gian tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ internet để thu thuế.

Theo thống kê, phần lớn các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT tại Việt Nam không tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan nhà nước khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng. Các loại hình quảng cáo trực tuyến, bán hàng qua mạng xã hội (như thông qua Google, Facebook, Zalo…) là những ví dụ điển hình.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin qua lĩnh vực TMĐT được bảo mật, hoặc các doanh nghiệp kinh doanh cố tình trốn thuế, một số loại hàng hóa dịch vụ được mua bán không cần trung gian phân phối cũng là các khó khăn lớn mà cơ quan quản lý thuế chưa có các giải pháp hữu hiệu hiện nay.

Những rào cản trong thu thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới

Giải trình trước Quốc hội ngày 8/6/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận: “Việc đánh thuế TMĐT và các nền tảng kỹ thuật số là một thách thức mới và nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực này, thất thu thuế rất lớn do các máy chủ được đặt ở nước ngoài”.

Cái khó đầu tiên, cơ quan quản lý thuế gặp nhiều rào cản trong việc đạt được các thỏa thuận trao đổi về chính sách thuế trong lĩnh vực TMĐT khi phải thực hiện đàm phán nhiều giai đoạn với các đối tác thương mại để có phương án thu thuế trong lĩnh vực TMĐT hiệu quả giữa các nước.

Cái khó tiếp theo là khung pháp lý đã có quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong việc cung cấp thông tin giao dịch thanh toán TMĐT, trách nhiệm của các đơn vị cho thuê máy chủ về cung cấp thông tin các doanh nghiệp vận hành các trang mạng có hoạt động kinh doanh TMĐT, nhưng chưa có công cụ hỗ trợ, nên cơ quan thuế rất khó khăn trong quản lý kê khai, xác định doanh thu của các đối tượng kinh doanh TMĐT.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế từng chia sẻ, đối với các mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Facebook, Google, hay là YouTube…, cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo, hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình huống thường thấy là các doanh nghiệp loại này lại không kê khai, hoặc kê khai sai doanh thu thuế giá trị gia tăng.

KỲ 1: CHÚNG TA ĐANG THẤT THU RẤT LỚN KỲ 1: CHÚNG TA ĐANG THẤT THU RẤT LỚN

Báo cáo kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á của Google dự báo, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 …

Các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài, thì thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các nhà thầu, tổ chức nước ngoài. Đối với số thuế đã kê khai nộp thay, các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp. Thế nhưng, cũng có trường hợp không kê khai thuế nhà thầu đối với các dịch vụ của một số công ty đa quốc gia có phát sinh dịch vụ tại Việt Nam.

Đó là chưa kể việc Việt Nam từ trước đến nay thu thuế của người dùng dịch vụ, tức là cách thứ hai (thường gọi là thuế nhà thầu). Lợi ích của cách thức này là cơ quan thuế có thể nắm được người dùng dịch vụ ở Việt Nam. Chính điều này đã và đang được các “gã khổng lồ” công nghệ tận dụng và chuyển nghĩa vụ thuế của mình cho các khách hàng cá nhân của họ. Gần đây, Meta, công ty mẹ Facebook thông báo yêu cầu khách hàng từ Việt Nam đăng quảng cáo trên mạng xã hội này phải nộp thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) để doanh nghiệp tiến hành nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam. Theo công ty, việc tính thêm thuế VAT là bắt buộc với người dùng đăng quảng cáo.

Để xử lý được vấn đề thu thuế cho các dịch vụ xuyên biên giới đòi hỏi trước tiên là phải có sự cộng tác chặt chẽ giữa các quốc gia thông qua quá trình đàm phán, ký kết để thống nhất việc tránh đánh trùng thuế, hài hòa hóa thuế suất và sau đó cho phép ưu đãi thuế ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, sự chậm chạp trong tiến trình đàm phán các hiệp định về thuế cho thấy, các chính phủ không thể đạt được mức độ hợp tác cao hơn, nếu không có sự bảo trợ của một số tổ chức quốc tế như Liên Hợp quốc hoặc một vài tổ chức mới thành lập để giải quyết những vấn đề thuế quốc tế nói chung và thuế đối với các hoạt động dịch vụ xuyên biên giới nói riêng.

Pháp luật hiện tại đang có sự “khập khiễng”

Trong bản góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thẳng thắn nhận định, việc quản lý thuế đối với TMĐT còn nhiều khó khăn, chưa thống nhất với pháp luật hiện tại.

Cụ thể, dự thảo quy định các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn. Quy định này yêu cầu các sàn TMĐT thực hiện khấu trừ thuế từ thu nhập kinh doanh của người bán là cá nhân trên sàn. Tuy nhiên, theo VCCI, việc này chưa phù hợp với quy định pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, vốn quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế của thu nhập từ kinh doanh thuộc về cá nhân kinh doanh.

KỲ 2: NHẬN DIỆN NHỮNG THÁCH THỨC TRONG QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI TMĐT

Với đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế truyền thống như trước đây sẽ không còn phù hợp và khó thực hiện. Ảnh minh họa

Ngoài ra, quy định yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm đại diện cho người bán kê khai, nộp thuế thay. Tuy nhiên, theo VCCI cơ quan soạn thảo cần làm rõ trách nhiệm đại diện được phát sinh theo căn cứ nào, có cần trình tự, thủ tục nào hay không?

Lý do được VCCI đưa ra là, Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định 2 trường hợp căn cứ xác lập quyền đại diện, gồm: đại diện theo pháp luật (gồm đại diện của cá nhân trong một số trường hợp đặc biệt; đại diện của pháp nhân); đại diện theo uỷ quyền.

Mặt khác, quy định không nêu rõ phạm vi đại diện trong việc kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT bao gồm những trách nhiệm nào, có bao gồm quyết toán, hoàn thuế hay không?

Quy định này sẽ gây nên gánh nặng tuân thủ lên sàn TMĐT trong việc nộp thuế cho người bán trên nền tảng của mình. Trong khi đó, các mạng xã hội dự kiến sẽ không thuộc đối tượng thực hiện nghĩa vụ, dù số liệu khảo sát cho thấy người tiêu dùng mua sắm qua mạng xã hội tương đương với qua sàn TMĐT.

Bản dự thảo không làm rõ quy định như trên có áp dụng với các sàn TMĐT cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hay không. Do đó, VCCI cho rằng, nếu quy định chỉ áp dụng được với các sàn TMĐT trong nước, đây có thể là một rào cản “bảo hộ ngược”, gây bất bình đẳng cho DN nội địa. “Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá các tác động, ảnh hưởng của quy định này lên các nhóm đối tượng liên quan và ảnh hưởng đối với sự cạnh tranh trong ngành TMĐT” – VCCI kiến nghị.

Từ góc nhìn của các doanh nghiệp, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới đây đã có công văn gửi Bộ Tài chính góp ý cho bản dự thảo 2 nghị định trên. Dự thảo yêu cầu sàn giao dịch TMĐT thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân bao gồm cả trong nước và nước ngoài có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn, tuy nhiên, VECOM cho rằng, quy định như vậy có thể dẫn đến mâu thuẫn với một số quy định hiện hành.

Theo quy định hiện hành về hoạt động TMĐT thì “thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT thiết lập website để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ”. Do đó, các sàn TMĐT không thuộc đối tượng là tổ chức, cá nhân trả thu nhập được nêu tại Luật thuế thu nhập cá nhân.

Cũng theo VECOM, sàn TMĐT không phải là đơn vị trả thu nhập mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối, tạo điều kiện cho việc thực hiện giao dịch giữa người bán và người mua. Việc chuyển trách nhiệm kê khai, nộp thuế của người bán và trách nhiệm thu thuế của cơ quan thuế cho các sàn TMĐT vừa tạo thêm gánh nặng cho các sàn, vừa mâu thuẫn với các quy định hiện hành về trách nhiệm kê khai, nộp thuế.

Một quy định khác trong dự thảo cũng được cho là bất cập, đó là quy định sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn, bao gồm liên quan việc khai thuế nếu sàn không thực hiện kê khai thay, nộp thay thuế cho người bán. Theo VECOM, đây là một yêu cầu chưa có tiền lệ, có thể mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành về bảo mật thông tin khách hàng.

Quy định này cũng sẽ tạo gánh nặng tuân thủ cũng như rủi ro rất lớn cho các sàn thương mại điện tử trong trường hợp dữ liệu của khách hàng bị lộ lọt. VECOM đặt vấn đề, trong trường hợp lộ lọt dữ liệu xảy ra từ phía cơ quan nhà nước, gây tổn thất cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT thì giải pháp xử lý là gì?…

TMĐT là lĩnh vực mới nhưng lại tăng trưởng với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây tại Việt Nam. Làm thế nào để có thể thích ứng, bắt kịp và hoàn thiện các chính sách thuế phù hợp với tình hình thị trường TMĐT tại Việt Nam trở thành là bài toán thời sự và ngày càng hóc búa với cơ quan quản lý thuế…

KỲ 3: GỢI MỞ HƯỚNG GIẢI BÀI TOÁN “QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ”