Xuất hiện tại tập mới nhất của Talk show “The Next Power” do S-World và VnExpress thực hiện tuần qua, Chủ tịch Lê Viết Hải và con trai – Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu của HBC, nhà thầu xây dựng của những công trình quy mô lớn như Vinhomes, Ecopark… đã chia sẻ các bài học vượt qua đại dịch, giữ vững đà tăng trưởng, đưa Hòa Bình trở thành nhà thầu xây dựng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2021.

Thời điểm đại dịch năm 2020-2021, Tập đoàn Hòa Bình trải qua quá trình tái cấu trúc toàn diện từ mô hình kinh doanh đến hệ thống quản lý và tài chính, trong đó bao gồm việc chuyển giao quyền quản lý Công ty giữa nhà sáng lập Lê Viết Hải cho con trai Lê Viết Hiếu sau hơn 3 thập kỷ vận hành. Tháng 11 năm 2021 đánh dấu mốc lịch sử khi Hòa Bình vượt đối thủ cạnh tranh để vươn lên trở thành doanh nghiệp xây dựng có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.

Lãnh đạo HBC: Muốn cạnh tranh phải có vật tư, công nghệ riêng
Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu chia sẻ các bài học vượt qua đại dịch, giữ vững đà tăng trưởng, đưa Hòa Bình trở thành nhà thầu xây dựng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Chính thức nhận chuyển giao quyền quản lý HBC vào năm 2020 từ người cha Lê Viết Hải, anh Lê Viết Hiếu khi ấy mới 28 tuổi, triển khai quá trình tái cấu trúc để tìm sức mạnh mới, đưa Hòa Bình trở thành nhà thầu xây dựng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2021.

Với tầm nhìn trở thành một tập đoàn đa quốc gia với doanh thu 20 tỷ đô trong năm 2032, ông Hải đánh giá cao lớp trẻ khi được trang bị kiến thức từ những nước phát triển cùng lợi thế tiếng Anh lưu loát. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc năm 2020, anh Lê Viết Hiếu đã được đào tạo về quản trị kinh doanh tại Mỹ và từng giữ vị trí lãnh đạo mảng phát triển thị trường nước ngoài của HBC trong 4 năm.

Qua 2 năm đầu tiên đầy thử thách, khi thị trường đi xuống do đại dịch và biến động của kinh tế vĩ mô do tình hình thế giới hiện nay, nhà sáng lập Lê Viết Hải cho rằng công ty đã may mắn khi có thể chuyển giao kịp thời để có kinh nghiệm đối phó trong giai đoạn mới của nền kinh tế cũng như thực hiện tham vọng cạnh tranh toàn cầu.

Chuyển giao thế hệ trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện

Ông Hải cho biết, doanh thu của HBC trong 30 năm, từ 1988 đến 2018, cứ 5 năm tăng 5 lần, buộc Hòa Bình phải liên tục thay đổi. Trong đó, Tập đoàn thực hiện rất nhiều cuộc cách mạng về công nghệ, kỹ thuật xây dựng, quy mô thị trường và dự án, phạm vi hoạt động, cơ cấu và sơ đồ tổ chức nhân sự, quy chế làm việc, điều lệ Công ty, hình thức và mô hình hoạt động.

Lãnh đạo HBC: Muốn cạnh tranh phải có vật tư, công nghệ riêng
Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho biết trong 30 năm từ 1988 đến 2018 doanh thu của tập đoàn cứ 5 năm tăng 5 lần, buộc Hòa Bình phải liên tục thay đổi

Trong quá trình tái cấu trúc gần nhất, Lê Viết Hiếu đã thực hiện tinh giản hóa lại từ quản lý cấp cao, sau đó tới phòng ban, nhân viên. “Khi tinh giản lại đội ngũ như vậy, cái lợi là mỗi người được trao quyền nhiều hơn và trách nhiệm, chức năng của mỗi người cũng được tăng cường lên”, anh Hiếu chia sẻ.

Lãnh đạo HBC: Muốn cạnh tranh phải có vật tư, công nghệ riêng
Để thực hiện bất cứ sự thay đổi nào một cách thuận lợi, vị tổng giám đốc trẻ tuổi cho biết anh dành nhiều công sức để thuyết phục các phó tổng đáng tuổi cha, chú của mình

Để thực hiện bất cứ sự thay đổi nào một cách thuận lợi, vị tổng giám đốc trẻ tuổi cho biết anh dành nhiều công sức để thuyết phục các phó tổng đáng tuổi cha, chú mình. Anh lấy ý kiến của rất nhiều người đi trước, hoàn thiện các phương án của mình rồi “ngồi riêng”, “ngồi chung” và chuẩn bị những luận điểm và chứng cứ rất rõ ràng để thuyết phục. Tại đây, phương pháp lãnh đạo tạo nên dấu ấn của vị Tổng Giám đốc này là “lãnh đạo bằng câu hỏi”. Những câu hỏi được anh đưa ra hướng tới phương pháp giải quyết, những bước đi tiếp theo của vấn đề và cho tất cả mọi người cơ hội để đóng góp. “Tất nhiên sẽ có một phần nhỏ không đồng ý hoặc có ý kiến, nhưng mình phải có đủ bản lĩnh để chứng minh luận điểm của mình đúng”, Hiếu nhấn mạnh.

Mặt khác, khi có một mục tiêu mới được đưa ra từ hội đồng quản trị, phong cách triển khai của vị tổng giám đốc này là “kiểm tra chéo”, “đi từng bước cẩn trọng” để có sự đồng thuận cao. Lúc đó, công ty không vấp phải những vấn đề về pháp lý, tài chính hay những biến cố bên ngoài, tránh làm dự án chậm triển khai và tăng cơ hội thành công.

“Chủ tịch Lê Viết Hải luôn luôn có tính khẩn trương trong cách triển khai và đó là ngọn lửa kéo cả đầu tàu đi. Về tầm nhìn, chúng tôi có tầm nhìn chung. Về cách làm, chúng tôi cẩn trọng hơn, tập trung vào việc quản lý rủi ro nhiều hơn”, vị Tổng giám đốc trẻ chia sẻ.

Phải có công nghệ riêng và đủ năng lực tài chính để ra nước ngoài

Hai người lãnh đạo – 2 thế hệ trong Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết, việc áp dụng công nghệ mới vào ngành xây dựng Việt Nam là rất khó khi hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của những vật liệu cũ đã hoàn thiện nên chi phí được tối ưu. Tuy nhiên, nếu không áp dụng những công nghệ mới, thì ngành xây dựng nước nhà sẽ đối mặt với những gì mà những nước phát triển đối mặt ngay lúc này: thiếu nhân công chất lượng cao và chi phí quá cao.

“Trong tương lai, nếu muốn có lợi thế cạnh tranh thật sự và bền vững, chúng ta phải hướng tới những cái giá trị cao hơn”, Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu nói tại The Next Power. “Chúng ta phải có những vật tư, công nghệ riêng của mình”.

Lãnh đạo HBC: Muốn cạnh tranh phải có vật tư, công nghệ riêng
Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình chia sẻ đang chuẩn bị con đường để gia tăng giá trị thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo

Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đa số đem vật tư mới, vật liệu mới hoặc phần mềm mới ở nước ngoài về để áp dụng theo kịp chuẩn quốc tế. Tuy nhiên trong tương lai sẽ cần tốn thời gian và chi phí đầu tư để không bị tụt hậu. Theo đó, hai vị lãnh đạo cho biết để có thể thực sự cạnh tranh, tập đoàn phải giải quyết 3 bài toán gồm năng lực tài chính để có thể mở rộng ra thị trường nước ngoài, nâng cao tay nghề và trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực và kết nối hệ sinh thái ngành xây dựng như vật tư, nhà thầu phụ ở nước ngoài.

Là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm làm việc với các công ty quốc tế như Samsung, Lotte của Hàn Quốc hay Kajima, Taisei của Nhật Bản, Hòa Bình thấu hiểu yêu cầu về quản lý dự án cũng như văn hóa làm việc của đối tác. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng thực hiện những chương trình trao đổi nhân viên ra nước ngoài, cũng như xác định những “hạt giống” tốt ở công ty để đào tạo tiếp nối thế hệ trước. Đặc biệt, để xứng tầm với thế giới, anh Hiếu cho rằng, các công ty Việt Nam rất cần nâng cao tính minh bạch trong vận hành và đảm bảo các yếu tố ESG (Environmental, Social and corporate Governance – mối liên hệ giữa Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp).

Lãnh đạo HBC chia sẻ đang chuẩn bị con đường để gia tăng giá trị thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo. Một trong những bước đi mang tính “xây dựng” mới nhất của Tập đoàn là rót 900 tỷ đồng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình rộng 2,5ha tại Khu công nghệ cao thuộc Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Tập đoàn cho biết, Trung tâm đang làm việc để hình thành mô hình hỗ trợ các chuyên đề nghiên cứu của công ty khởi nghiệp, hoặc dùng những máy móc, thiết bị, không gian đó để nghiên cứu và phát triển cho chính tập đoàn.

“Đây là một quy mô lớn so với nhiều trung tâm của nhiều doanh nghiệp khác. Một mình Hòa Bình sẽ không khai thác hết và không hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi chủ trương đây là cơ sở vật chất sáng tạo phục vụ chung cho nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành”, Chủ tịch Lê Viết Hải nhấn mạnh.

Tổng giám đốc Lê Viết Hiếu cho biết thêm, mục tiêu của Trung tâm Đổi mới sáng tạo là tạo điều kiện cho các công ty trong ngành xây dựng, cơ khí, công nghiệp, sản xuất… có không gian hợp tác, chia sẻ thông tin chuyên ngành cũng như hình thành môi trường phát triển các ý tưởng mới, sản phẩm mẫu. Đồng thời, Trung tâm cũng giúp thu hút các nhà đầu tư quốc tế cho lĩnh vực này tại Việt Nam./.