Cơ chế thu hồi đất phải thuận lợi

“Cơ chế thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải giải quyết được những vướng mắc, điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng và triển khai dự án hiện nay để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển…”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề xuất tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra, khi thảo luận về dự thảo Luật này.

Luật Đất đai (sửa đổi) phải giải quyết được những điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề xuất, những dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 hecta trở lên, thì nên giao Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận

Ông Thắng cho rằng, để tạo động lực phát triển thương mại dịch vụ thì phải phát triển đô thị, đẩy mạnh đô thị hóa, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hình thành những khu đô thị, các dự án thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế và đủ sức cạnh tranh quốc tế. Muốn làm được điều đó phải có cơ chế thu hồi đất, triển khai dự án thuận lợi.

“Những dự án đô thị, dự án thương mại dịch vụ với quy mô sử dụng đất từ 100 hecta trở lên, thì nên giao Nhà nước thu hồi đất chứ không thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nếu thực hiện thỏa thuận thì cần có cơ chế kiểm soát việc này…”, ông Thắng đề xuất.

Ở một khía cạnh có liên quan, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Song An (Long An) cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.

“Nếu áp dụng trong thực tiễn thì quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp. Thời gian thông báo nêu trên là quá dài, trong khi mục đích việc thông báo thu hồi là để người sử dụng đất biết được quyền sử dụng đất của mình sẽ bị thu hồi để thực hiện công trình, dự án. Việc kéo dài thời gian thông báo thu hồi không có tác dụng để người sử dụng đất đồng thuận chủ trương thu hồi. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét để rút ngắn lại thời gian thông báo thu hồi đất, có thể khoảng 45 ngày với cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp…”, bà An đề xuất.

Dự thảo Luật đã làm rõ khái niệm thế nào là vì lợi ích kinh tế quốc gia

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, với tinh thần “từ sớm, từ xa”, sáng ngày 6/4 Thường trực Chính phủ đã thống nhất một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp tục hoàn thiện.

Luật Đất đai (sửa đổi) phải giải quyết được những điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định sửa đổi luật theo hướng bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng

Phó Thủ tướng nêu các nội dung lớn cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, tính đến hết ngày 02/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 1.159.990 ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 1.004.674 ý kiến; tài chính đất đai, giá đất: 979.736 ý kiến; thu hồi đất, trưng dụng đất: 888.018 ý kiến; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận: 881.021 ý kiến…

Về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện an sinh xã hội.

“Dự thảo Luật đã làm rõ khái niệm thế nào là vì lợi ích kinh tế quốc gia, công cộng. Trong đó, liệt kê quy định các trường hợp thu hồi đất đối với các công trình công cộng, từng lĩnh vực thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật sự cần thiết khác như: dự án nhà ở xã hội, công trình xã hội hóa, dự án đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và những lĩnh vực thiết yếu…”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ông Trần Hồng Hà khẳng định sửa đổi luật theo hướng bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất (cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư…)…