Từ khóa: vai trò của Nhà nước, Đồng bằng sông Cửu Long, tiêu thụ mặt hàng trái cây

Summary

Based on the assessment of the current situaion of fruit consumption and the role of the State in selling this product in the Mekong Delta region recently, the article proposes some solutions to promote the role of the State in the management and implementation of the planning, supporting transportation and logistics infrastructure for fruit distribution, along with the propaganda and management of product origin traceability.

Keywords: role of the State, Mekong Delta, fruit consumption

GIỚI THIỆU

ĐBSCL có vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng và giao thương thuận lợi, có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt là sản phẩm trái cây. Năm 2022, diện tích cây ăn trái của Vùng đạt khoảng 390.000 ha (chiếm tỷ lệ 33% diện tích cả nước) với sản lượng hơn 4 triệu tấn (An Hòa, 2022). Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ, giá cả các mặt hàng trái cây của ĐBSCL vẫn chưa có được sự ổn định do tình trạng sản xuất theo “phong trào”, không theo quy hoạch; mặt khác, các thị trường nhập khẩu đặt ra các yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm trái cây của Vùng. Vì vậy, để thương hiệu trái cây ĐBSCL chinh phục thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người sản xuất, không thể thiếu vai trò của Nhà nước.

THỰC TRẠNG VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG TIÊU THỤ MẶT HÀNG TRÁI CÂY Ở ĐBSCL

ĐBSCL có khoảng 12 loại trái cây chủ lực tập trung ở các tỉnh, như: thanh long (Long An, Tiền Giang); bưởi (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang); xoài (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang…); mít (Tiền Giang, Hậu Giang)… Hiện tại, các mặt hàng trái cây của vùng được tiêu thụ tập trung chủ yếu ở thị trường trong nước là chính (chiếm 85%-90%) (Nguyễn Quang Thuấn, 2021) tại khoảng 8.600 chợ, 1.223 siêu thị, trung tâm thương mại (Tiến Anh, 2022). Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các mặt hàng trái cây phục vụ thị trường xuất khẩu. Năm 2020, các mặt hàng trái cây của Vùng chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu của cả nước (Nguyễn Hoàng Anh, 2021). Thị trường xuất khẩu trái cây tươi và trái cây chế biến chủ yếu là Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và Philippines với các mặt hàng chủ lực, như: thanh long, nhãn, chôm chôm, khóm, bưởi, chanh, chuối, xoài… Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022, tỉnh Long An là địa bàn dẫn đầu về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm trái cây tươi và trái cây chế biến của ĐBSCL, lần lượt là xấp xỉ 20 triệu tấn và 90 triệu USD (Hình).

Hình: Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi và trái cây chế biến của một số địa phương ở ĐBSCL giai đoạn 2016-2022

Đơn vị: tấn, USD

Một số giải pháp góp phần phát huy vai trò của Nhà nước trong tiêu thụ mặt hàng trái cây ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu trích nguồn theo hệ thống nguồn cơ sở dữ liệu của Tổng cục Hải quan (hệ thống thống kê VNACC), 2023

Có thể thấy, thị trường xuất khẩu các mặt hàng trái cây của ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng (chỉ chiếm 10%-15% sản lượng tiêu thụ). Các mặt hàng trái cây chủ lực chưa tạo được thương hiệu và sức cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới, tổn thất hàng hóa trái cây sau thu hoạch lên tới 20%-40%, do hạn chế về năng lực và quy mô cảng biển của ĐBSCL, cũng như thiếu trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh của các địa phương (VCCI và Fulbright, 2020). ­Mặt khác, đa số các loại cây đều thu hoạch vào mùa hè (từ tháng 6-9 hàng năm), lại thêm giữa các vùng trong cả nước trồng những loại cây ăn quả tương đồng nhau, thời gian thu hoạch và bảo quản trái cây ngắn, khiến cho đây là khoảng thời gian thường dẫn đến khủng hoảng thừa tương đối về trái cây trên thị trường nội địa, giá cả giảm nhanh, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Trước hiện trạng nêu trên, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương, cũng như chính quyền các địa phương ở ĐBSCL đã từng bước phát huy vai trò, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn và thúc đẩy việc tiêu thụ các mặt hàng trái cây của Vùng trong tình hình mới. Cụ thể như sau:

Trước hết, đối với vai trò định hướng, Nhà nước đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức hợp tác xã, liên kết sản xuất tiêu thụ; lấy hiệu quả sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để gia tăng hiệu quả sản xuất bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 324/QĐ-TTg, ngày 02/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định trái cây là 1 trong 3 sản phẩm chiến lược của Vùng và xác định vùng sinh thái nước ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng là vùng trọng điểm về trái cây của ĐBSCL và cả nước; trong đó xây dựng 1 trung tâm đầu mối tổng hợp và 07 trung tâm đầu mối tại các địa phương trong Vùng, như: Cần Thơ, An Giang – Đồng Tháp, Kiên Giang – Cà Mau – Sóc Trăng, Tiền Giang – Bến Tre (theo Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Đồng thời, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất cây ăn trái ở Vùng theo hướng “Hợp tác – Liên kết – Thị trường – Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Đa dạng hóa sản phẩm chế biến” (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2022).

Hai là, đối với vai trò hỗ trợ, Nhà nước đã chú trọng đến việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm trái cây của ĐBSCL. Trong chuỗi giá trị trái cây ở ĐBSCL, Nhà nước từng bước thể hiện vai trò hỗ trợ cho sự phát triển của các tác nhân trong chuỗi, nhất là tập trung vào các khía cạnh cung ứng dịch vụ công; hỗ trợ về đào tạo và tuyển dụng lao động; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ ứng dụng các công nghệ; cung cấp thông tin thị trường… (Bùi Quang Tuấn, 2020). Bên cạnh đó, để cung cấp thông tin thị trường, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, thủ tục pháp lý… cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng trái cây, các bộ/ngành của Việt Nam, như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn xuất khẩu chính ngạch và đàm phán ký các nghị định thư các loại trái cây tươi vào thị trường Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ; triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình thương hiệu quốc gia (triển khai từ năm 2012 đến nay). Đến nay, Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia đã hỗ trợ tổng cộng 14 đề án liên quan đến phát triển thị trường tiêu thụ trái cây của ĐBSCL với tổng kinh phí hơn 8,7 tỷ đồng (Trương Thị Lan, 2023), trong đó hoạt động xúc tiến thương mại được mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, cũng như chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử.

Ba là, thực hiện vai trò quản lý đối với việc tiêu thụ trái cây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông sản của doanh nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt trong nông nghiệp, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản (theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg, ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ). Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (theo theo Quyết định số 194/QĐ-TTg, ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ) đã đề ra mục tiêu tổ chức lại sản xuất cây ăn trái theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chú trọng phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ các mặt hàng trái cây theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc.

Hoạt động kiểm tra, quản lý thị trường và chất lượng mặt hàng trái cây đã phát hiện một số sai phạm, góp phần tăng cường vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động tiêu thụ trái cây ở trong nước và phục vụ thị trường xuất khẩu. Năm 2022, toàn vùng ĐBSCL được cấp 1.561 mã số vùng trồng cho cây ăn trái, 923 mã cơ sở đóng gói cho các mặt hàng trái cây tươi phục vụ xuất khẩu, lần lượt chiếm khoảng 39% và 50% số lượng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói được cấp của cả nước (Khánh Trung, 2022).

Một số hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, trước bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu thụ trái cây của thị trường trong nước và thế giới, việc phát huy vai trò của Nhà nước trong tiêu thụ mặt hàng trái cây ở ĐBSCL cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, cụ thể như sau:

Một là, sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở Trung ương với chính quyền các địa phương ở ĐBSCL trong công tác quy hoạch vùng trồng cây ăn trái chủ lực chưa mang tính chất pháp lý ràng buộc và thiếu cơ chế, biện pháp chế tài xử lý kịp thời, hiệu quả khi diện tích sản xuất được mở rộng ngoài quy hoạch. Câu chuyện “được mùa, mất giá” và sự trông chờ “giải cứu” của Nhà nước lại tái diễn. Tình trạng giá cam sành giảm mạnh khi vào thời điểm thu hoạch của người nông dân ở tỉnh Vĩnh Long những tháng đầu năm 2023 là một ví dụ.

Hai là, Nhà nước vẫn chưa phát huy hết vai trò trong việc hỗ trợ đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng logistics tiêu thụ trái cây và hỗ trợ các tác nhân trong chuỗi giá trị trái cây ở ĐBSCL. Hiện tại vẫn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ cảng, chủ tàu, chủ hàng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hải tại ĐBSCL mạnh dạn đầu tư phát triển để tăng cường khả năng kết nối trong vận tải đường thủy nội địa… (Hà Thị Minh Thu, 2022); đặt ra yêu cầu Nhà nước cần sớm tiêu chuẩn hóa hạ tầng logistics gắn với tiêu thụ trái cây, tạo tiền đề để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ cơ sở tiêu thụ trái cây nhận được sự hỗ trợ của chính quyền về khoa học kỹ thuật và thông tin thị trường còn thấp, lần lượt là 6,2% và 29,2%; mặt khác mức độ hài lòng của các cơ sở kinh doanh này cũng chỉ đạt mức lần lượt là 33,3% và 7,1% (Bùi Quang Tuấn, 2020).

Ba là, công tác triển khai, áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sau khi cấp đối với sản phẩm trái cây của các địa phương ở ĐBSCL vẫn còn bất cập. Yêu cầu đặt ra đối với Nhà nước là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, nhất là quản lý chất lượng mặt hàng trái cây tiêu thụ là nội dung các cơ quan quản lý nhà nước cần phải quan tâm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, một số địa phương như Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp vẫn chưa tuân thủ tốt các quy định về kiểm dịch thực vật, quản lý, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong xuất khẩu các mặt hàng trái cây (Trung Chánh, 2023).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm phát huy vai trò của Nhà nước trong tiêu thụ mặt hàng trái cây ở ĐBSCL

Thứ nhất, tăng cường công tác tổ chức quản lý, phối hợp thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái giữa các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền các địa phương ở ĐBSCL.

Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng trung tâm thu thập dữ liệu hoàn chỉnh từ hoạt động sản xuất, chế biến, thông tin thị trường… giúp cho các các bộ, ngành, địa phương ở ĐBSCL có thể phân tích, dự báo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước và xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, tiêu thụ linh hoạt, sát với thực tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và địa phương để thống kê chính xác diện tích cây ăn trái hàng năm, xác định vùng trồng tập trung các mặt hàng chủ lực có sức cạnh tranh cao trên thị trường và điều tiết sản xuất rải vụ, nghịch vụ nhằm kéo giảm áp lực của sản lượng trái cây khi thu hoạch chính vụ. Chính quyền các địa phương trong vùng ĐBSCL quy hoạch vùng trồng cây ăn trái chủ lực không chỉ dựa vào lợi thế từ điều kiện tự nhiên, đặc điểm sinh thái, còn phải gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương trong vùng tham mưu các chính sách, biện pháp tuyên truyền, giám sát, quản lý trong việc xác định loại cây trồng cụ thể, quy mô diện tích và cách thức tổ chức sản xuất, giúp quy hoạch được thực thi hiệu quả.

Thứ hai, đẩy mạnh vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển dịch vụ logistics liên kết tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL. Logistics trong liên kết tiêu thụ trái cây là một quá trình tích hợp các hoạt động kinh tế từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và phân phối các mặt hàng trái cây nhằm tối ưu hoá chi phí, thời gian, vừa đưa nông sản chất lượng đến với người tiêu dùng, vừa nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, điều quan trọng đầu tiên, các bộ, ngành cùng với chính quyền các địa phương ở ĐBSCL cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ, hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan tháo gỡ khó khăn, bất cập cho DN liên quan đến logistics, nhất là việc rà soát, sửa đổi những quy định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, vướng mắc. Tiến hành nâng cấp các tuyến vận tải, thiết lập các trung tâm logistics nông sản; phải thay đổi tư duy làm chợ đầu mối nông sản bằng trung tâm logistics ứng dụng công nghệ cao, sàn giao dịch logistics nông sản; đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống các tuyến đường cao tốc để cải thiện kết nối, tăng khả năng tiếp cận và giảm thời gian vận chuyển đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền và quản lý tốt việc truy xuất nguồn gốc đối với trái cây tiêu thụ trên thị trường. Các mặt hàng trái cây sạch, an toàn phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, như: VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn hữu cơ và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ có giá bán cao hơn so với các loại trái cây được sản xuất theo quy trình truyền thống.

Để kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng trái cây trên thị trường trong điều kiện khó khăn về khả năng, tiềm lực của cơ quan quản lý nhà nước, cần phải có sự phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng, từ Trung ương đến cơ sở trong thanh tra, kiểm tra, các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông, tiêu dùng; Có sự phối hợp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm. Đồng thời, hướng dẫn các nhà bán lẻ cũng phải xây dựng và nâng cao nội quy nội bộ, quy trình từ khi nhập sản phẩm đến khi bán ra, để sao cho bất cứ tình huống nào xảy ra cũng quy được trách nhiệm của từng công đoạn, từng cá nhân để xử lý kịp thời, nghiêm minh. Có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… Mặt khác, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, cần tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý an toàn thực phẩm, nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ hơn nền tảng công nghệ số, mã vạch… để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm nhanh nhất./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. An Hòa (2022), Xuất khẩu trái cây của vùng ĐBSCL còn khiêm tốn, truy cập từ https://nhadautu.vn/xuat-khau-trai-cay-cua-vung-dong-bang-song-cuu-long-con-khiem-ton-d72991.html#:~:text=Theo%20s%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20t%E1%BB%AB%20C%E1%BB%A5c,%2C%20cam%2C%20b%C6%B0%E1%BB%9Fi…

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2022), Tài liệu hỏi đáp Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, truy cập từ otuphap.yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/Tailieutuyentruyen/Attachments/54/TAI%20LIEU%20-%20Hỏi%20đáp%20Chiến%20lược%20NN%20NT%20bền%20vững.v1.0.pdf.

3. Bùi Quang Tuấn và cộng sự (2020), Cơ chế, chính sách liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng đối với vùng Tây Nam Bộ theo hướng phát triển bền vững, Báo cáo tổng hợp đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ (Mã số: khcn-tnb/14-19).

4. Hà Thị Minh Thu (2022), Phát triển dịch vụ logistics khu vực ĐBSCL, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, 01(309), 52-62.

5. Khánh Trung (2021), Đã có 300.000 ha được cấp mã số vùng trồng, truy cập từ https://baocantho.com.vn/da-co-300-000ha-cay-an-trai-duoc-cap-ma-so-vung-trong-a147819.html.

6. Nguyễn Hoàng Anh (2021), Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, Tạp chí Công thương, 25, tháng 11/2021, 122-129.

7. Nguyễn Quang Thuấn (chủ biến) (2021), Giải pháp phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh mới, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.

8. Tiến Anh (2022), Tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ trái cây, truy cập từ https://nhandan.vn/tim-giai-phap-day-manh-tieu-thu-trai-cay-post700556.html.

9. Tổng cục Hải quan (2023), Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi và trái cây chế biến ở các Cục Hải quan Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Đồng Tháp, hệ thống thống kê VNACC.

10. Trung Chánh (2023), Hạn chế trong giám sát mã số vùng trồng khiến trái cây Việt Nam bị cảnh báo, truy cập từ https://thesaigontimes.vn/han-che-trong-giam-sat-ma-so-vung-trong-khien-trai-cay-viet-nam-bi-canh-bao/.

11. Trương Thị Lan (2023), Giải pháp xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản khi trung tâm liên kết chế biến tiêu thụ nông nghiệp vùng ĐBSCL đi vào thực tiễn, Diễn đàn kinh tế thường niên thành phố Cần Thơ năm 2023: Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL do UBND TP. Cần Thơ tổ chức ngày 15/9/2023.

12. VCCI và Trường Chính sách công và quản lý (Fulbright) (2020), Báo cáo tóm tắt kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020.

13. VCCI và Trường Chính sách công và quản lý (Fulbright) (2022), Báo cáo tóm tắt kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022.

ThS. Mai Trần Hải Đăng – Trường Chính trị TP. Cần Thơ

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)