Từ khóa: mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, phát triển Thủ đô, Hà Nội

With the rapid and very complex movement of practical landcape, especially in the context of globalization and international economic integration, along with the development of science and technology in the 4.0 era, it is very necessary for Hanoi Capital to promote the restructuring of the economy, attached to reforming the growth model. The article provides insight into the assessment of the current growth and economic restructuring of Hanoi Capital in the period 2011-2022 and recommends a number of solutions for the City in the following years to improve economic growth efficiency and quality in the spirit of the Resolution No. 15-NQ/TW of the Politburo on directions and tasks for developing Hanoi Capital until 2030, with a vision to 2045.

Keywords: growth model, economic structure, capital development, Hanoi

GIỚI THIỆU

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã nghiêm túc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020 và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Hạ tầng kinh tế, xã hội được nâng lên một bước; kết quả xây dựng nông thôn mới là dấu ấn nổi bật.

Bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững; Chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch.

Để phát triển kinh tế Thủ đô đáp ứng tình hình mới, ngày 05/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh yêu cầu “Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực”. Trong bối cảnh mới, cần thiết có sự đánh giá tốc độ tăng trưởng và chuyển dich cơ cấu kinh tế Hà Nội giai đoạn 2011-2022, nhận diện những hạn chế và cập nhật những tư tưởng mới, xu hướng mới trong phần giải pháp phát triển.

ĐÁNH GIÁ TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ TP. HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2011-2022

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Thủ đô thường cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước, nhưng thấp hơn vùng ĐBSH

Hình 1: Tăng trưởng kinh tế Hà Nội so với cả nước và vùng ĐBSH giai đoạn 2011-2022 (%)

Một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thủ đô Hà Nội theo tinh thần nghị quyết sô 15/NQTW của bộ chính trị
Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ Niên giám Thống kê Hà Nội và Việt Nam các năm

Hình 1 cho thấy, trừ hai năm (2020 và 2021) do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tăng trưởng kinh tế Hà Nội chỉ đạt trung bình 3%-4%/năm, còn lại trong suốt thời kỳ từ năm 2011 đến 2022, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá cao và ổn định. Trong giai đoạn 2011-2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hà Nội đạt trung bình 6,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế cả nước đạt trung bình 6,07%/năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của vùng ĐBSH đạt trung bình 7,92%/năm.

Trong giai đoạn 2011-2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hà Nội cao hơn cả nước (gấp khoảng 1,1 lần) và ít có sự biến động, ngoại trừ năm 2013 (cao hơn 1,25 lần) và 2020 (cao hơn 1,46 lần). Nguyên nhân là sau giai đoạn nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính thế giới 2008-2009, khiến lạm phát trong nước tăng kỷ lục, Chính phủ buộc phải thi hành một loạt các biện pháp thu hẹp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát, giúp lạm phát cả nước năm 2013 giảm chỉ còn 6,04% và thấp hơn mức kế hoạch đề ra là 8%; tuy nhiên điều này đồng thời cũng làm tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2013 chỉ đạt 5,55%, tương đương năm 2012. Trong khi đó, trong năm 2013, các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Hà Nội đối với các doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến tình hình kinh tế – xã hội của Thành phố; nhất là, thu thuế sản phẩm tăng nhanh (đóng góp khoảng 26% vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội trong năm này), hoạt động lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn, dịch vụ thông tin và dịch vụ tài chính phát triển nhanh, đóng góp chung là khoảng 13% vào tăng trưởng của Hà Nội với năm 2012. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thủ đô tuy chỉ đạt 4,18% mức tăng thấp trong giai đoạn 2011-2020 do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn gấp 1,46 lần tốc độ tăng trưởng cả nước. Nguyên nhân là do tăng trưởng một loạt các tỉnh thành có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế cả nước đều sụt giảm mạnh do tác động của các biện pháp giãn cách, phong tỏa làm đứt gãy sản xuất, như: TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 1,16% (so với 7,95% năm 2019), khu vực ĐBSH đạt 5,23% (so với 8,92% năm 2019).

Cơ cấu kinh tế của Thủ đô Hà Nội có sự chuyển dịch theo đúng định hướng

Hình 2 cho thấy, cơ cấu kinh tế của Thành phố có sự chuyển dịch theo hướng tích cực khi tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp – xây dựng có xu hướng tăng và tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, nền kinh tế Hà Nội duy trì một cơ cấu hiện đại với tỷ trọng đóng góp của nhóm ngành dịch vụ luôn ổn định và chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm trên 63%, năm 2022 chiếm 63,25% trong tổng GRDP toàn nền kinh tế; trong đó, giai đoạn 2014-2017 chiếm trên 70% trong tổng số GRDP. Tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng từ 20% năm 2011 lên 24,02% năm 2022 và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Tỷ trọng ngành nông – lâm – thủy sản giảm từ 3,56% năm 2011 xuống còn 2,07% năm 2022. Có được kết quả trên là do hàng loạt những chủ trương và giải pháp nỗ lực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hình 2: Cơ cấu kinh tế Hà Nội giai đoạn 2011-2022 (%)

Một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thủ đô Hà Nội theo tinh thần nghị quyết sô 15/NQTW của bộ chính trị
Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ Niên giám Thống kê Hà Nội các năm

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Hà Nội cũng theo xu hướng chung của cả nước

Bảng 1: So sánh hệ số ICOR Hà Nội với cả nước và thành phố Hồ Chí Minh

Địa bànThời kỳ

2011-2015

2016-2020

2011-2022

Toàn nền kinh tế

6,25

7,04

6,65

Hà Nội

5,94

7,07

7,09

TP. Hồ Chí Minh

4,47

4,94

4,6

Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ Niên giám Thống kê Hà Nội và Việt Nam các năm

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển được phản ánh rõ nhất qua chỉ số ICOR. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên hệ số ICOR của Hà Nội những năm cuối của thời kỳ tăng vọt. Bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,94 đến giai đoạn 2016-2022 tăng lên 7,09. Xét cả thời kỳ, hệ số ICOR của Hà Nội cao hơn của cả nước và của TP. Hồ Chí Minh (Bảng 1).

Năng suất lao động (NSLĐ) và tốc độ tăng NSLĐ của Hà Nội khá ổn định và tăng đều qua các năm

Bảng 2: Chỉ tiêu về NSLĐ và tốc độ tăng NSLĐ của Hà Nội so với ĐBSH và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2022

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

Hà Nội

NSLĐ (giá hàng hóa – HH)

124,0

136,2

150,7

164,6

174,0

187,4

205,3

221,5

240,4

252,3

266,0

291,6

Tốc độ tăng NSLĐ (%)

5,5

1,2

6,4

6,4

5,0

6,3

6,7

5,6

6,1

4,3

3,5

7,0

Vùng ĐBSH

NSLĐ (giá HH)

80,6

91,4

102,1

110,9

118,4

130,4

146,1

162,5

181,5

197,6

228,9

252,7

Tốc độ tăng NSLĐ (%)

7,2

3,4

7,6

5,8

6,5

8,7

9,0

7,7

9,4

7,7

13,5

7,3

NSLĐ Hà Nội /NSLĐ ĐBSH (tín theo giá HH, lần)

1,54

1,49

1,48

1,48

1,47

1,44

1,41

1,36

1,32

1,28

1,16

1,15

TP. Hồ Chí Minh

NSLĐ (Giá HH)

161,5

171,9

188,9

204,0

212,9

230,2

250,3

268,4

286,3

298,8

305,6

328,2

Tốc độ tăng NSLĐ (%)

2,5

2,7

5,6

5,6

3,5

6,0

5,8

5,1

5,2

3,4

0,3

4,8

NSLĐ Hà Nội/NSLĐ TP. Hồ Chí Minh (giá HH, lần)

1,30

1,26

1,25

1,24

1,22

1,23

1,22

1,21

1,19

1,18

1,15

1,13

Nguồn: Tổng hợp và tính toàn từ Niên giám thống kê Hà Nội và Việt Nam các năm

Bảng 2 cho thấy, ngoại trừ năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhìn chung tốc độ tăng NSLĐ của Hà Nội khá ổn định, tăng đều qua các năm; bình quân giai đoạn 2010-2015 tăng khoảng 4,9%/năm; giai đoạn 2016-2020, tăng khoảng 5,79%/năm và cả giai đoạn 2011-2022 tăng khoảng 5,3%/năm.

NSLĐ của Hà Nội các năm đều cao hơn so với kết quả đạt được chung của vùng ĐBSH (năm cao nhất gấp 1,54 lần và năm thấp nhất gấp 1,15 lần). Điều đáng chú ý là tốc độ tăng NSLĐ của Hà Nội các năm hầu hết đều thấp hơn so với tốc độ tăng NSLĐ của ĐBSH, làm cho chênh lệch giữa NSLĐ của Hà Nội so với bình quân chung của vùng ĐBSH ngày càng được rút ngắn. So sánh với TP. Hồ Chí Minh, NSLĐ của Hà Nội dần thu hẹp khoảng cách, năm 2011, NSLĐ của TP. Hồ Chí Minh gấp 1,3 lần so với NSLĐ của Hà Nội; năm 2020, con số này rút ngắn còn 1,18 lần và năm 2022 là 1,13 lần. Xét về mặt sử dụng lao động, trung tâm kinh tế Hà Nội đã có hiệu quả lao động tốt hơn và được cải thiện tích cực hơn so với trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Những mặt còn tồn tại

Một là, chưa phát huy được vai trò và lợi thế của ngành dịch vụ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung theo định hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước nên nhu cầu về hoạt động dịch vụ rất lớn, yêu cầu về hoạt động dịch vụ rất cao. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ vẫn chỉ chiếm khoảng 63% trong tổng GRDP, tương đương với những năm 2010, 2011. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng gia tăng tỷ lệ này từ 20% lên 24,02% (tăng 4,02 điểm %).

Hai là, hệ số ICOR của Hà Nội luôn ở mức cao hơn của cả nước và của TP. Hồ Chí Minh, quy mô và cơ cấu đầu tư chưa phù hợp. Nhiều hoạt động đầu tư mang tính thời điểm, đầu tư còn dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, chưa mạnh dạn đầu tư “đi tắt – đón đầu”, cơ cấu đầu tư bất hợp lý với tỷ trọng đóng góp quá cao của bộ phận vốn đầu tư nhà nước; các chính sách thu hút đầu tư còn chưa thật sự hấp dẫn, thiếu các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích mang tính đặc thù của Thủ đô… dẫn đến hiệu quả đầu tư còn thấp, quá trình tái cấu trúc theo ngành còn bất hợp lý.

Ba là, chủ trương phát triển mạnh các ngành lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đưa khoa học, công nghệ trở thành nguồn lực và động lực quan trọng để nâng cao NSLĐ, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô chưa được thực hiện có hiệu quả.

Bốn là, lao động của Hà Nội còn bộc lộ khá nhiều nhược điểm. Mặc dù so với cả nước, lao động của Hà Nội có trình độ cao hơn, nhưng hiện nay vẫn còn số lượng lớn lao động chưa qua đào tạo, chất lượng các cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo chưa thực sự gắn với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế – xã hội; chất lượng lao động của Hà Nội vẫn còn thấp, chưa đóng góp nhiều vào chất lượng tăng trưởng của Thủ đô. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn ở mức khá cao và tỷ lệ lao động nông thôn không sử dụng hết quỹ thời gian đang là những yếu tố làm giảm sự đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.

Năm là, tính liên kết, kết nối giữa các ngành, các vùng, các khu vực kinh tế chưa chặt chẽ, chưa phát huy tốt hiệu quả tương tác, hỗ trợ. Bên cạnh đó, sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài nhà nước của Hà Nội lại kém hiệu quả, có sức cạnh tranh kém, vì thế hàng vạn doanh nghiệp tư nhân của Hà Nội bị phá sản hay phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong mùa dịch bệnh…

GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ THỦ ĐÔ ĐẾN NĂM 2030

Để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội cần tập trung vào những giải pháp trực tiếp sau đây:

Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách

Hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về Thủ đô với các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm và những nét đặc thù của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới; đặc biệt là bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó kiến nghị Quốc hội về các cơ chế “đột phá” cho Thủ đô để tăng tính tự chủ, tăng quyền hạn để tạo bước chuyển, thay đổi thực sự trong quá trình phát triển.

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng đầy đủ, đồng bộ, hội nhập, ổn định, công bằng, cụ thể, minh bạch. Tăng khả năng tiếp cận cơ chế chính sách của mọi đối tượng thụ hưởng. Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách theo hướng đảm bảo sự đóng góp và hưởng lợi công bằng cho tất cả mọi người thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách. Trọng tâm của các cơ chế, chính sách cần rà soát hoặc bổ sung sửa đổi phục vụ thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đề ra.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả đầu tư

– Xác định tỷ trọng hợp lý của đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội: Trong thời gian tới, đi đôi với việc cần thiết phải giảm tỷ trọng tích lũy từ kết quả tăng trưởng, chỉ duy trì mức độ khoảng 30%-32% so với GRDP, cần phải giảm tỷ trọng đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội. Theo kinh nghiệm thực tiễn, thì đầu tư nhà nước chỉ nên chiếm khoảng dưới 1/3 tổng đầu tư xã hội.

– Vốn đầu tư công cần được hướng chủ yếu vào những ngành, lĩnh vực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và chăm lo phúc lợi nhân dân, đặc biệt cần đầu tư mạnh cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp và cải thiện đời sống nông thôn khu vực ngoại thành. Tăng cường đầu tư nhà nước cho phát triển nguồn nhân lực Thủ đô; Tăng cường đầu tư công cho khoa học công nghệ, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo bước bứt phá về một số công nghệ cao có tác động tích cực đến nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế Hà Nội. Sử dụng đầu tư công như một công cụ hữu hiệu đảm bảo sự phát triển hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng và nhóm xã hội.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố

Để thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đối với Hà Nội, cần: Hiểu đúng về nguồn nhân lực chất lượng cao và xác định loại lao động chất lượng cao cần ưu tiên; Hoạch định chính xác và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiệu quả; Phát triển hệ thống đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; Áp dụng nghệ thuật/chính sách dụng người hiệu quả; Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vùng. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin dự báo thị trường và chất lượng lao động…

Thứ tư, tăng cường vai trò và hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân

Để thực hiện giải pháp này, cần: Thực hiện cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước trên địa bàn thành phố; Tăng cường sự hỗ trợ của thành phố với khu vực tư nhân để khắc phục những yếu kém của khu vực này.

Thứ năm, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Để thực hiện giải pháp này, cần: Xác định rõ vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nguồn lực và cũng là động lực cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các ngành, địa phương đưa các chỉ tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo vào nội dung chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương. Hoàn thiện cơ chế , chính sách về quản lý và đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ…

Thứ sáu, hiện đại hóa và đồng bộ kết cấu hạ tầng

Để thực hiện giải pháp này, cần: Tận dụng tốt các cơ hội đầu tư nhằm hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông. Phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại. Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn, như: WB, ADB, JICA, KOICA… nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển Thủ đô…

Thứ bảy, giải pháp về hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế

Nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất cao về tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, công chức, viên chức liên quan về lợi ích của liên kết vùng. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương tham gia điều phối vùng và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách phát triển vùng, từ đó có giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.

Đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, chú trọng hạ tầng giao thông vận tải, thúc đẩy các hoạt động liên kết, phát triển của vùng bằng các tuyến đường bộ, đường sắt liên vùng. Đầu tư hoàn thiện các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai, hệ thống đường kết nối theo quy hoạch và phù hợp với kiến trúc, cảnh quan… Hình thành được hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao để làm động lực cho các chuỗi cung ứng của vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ…

Tiếp tục thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ…

Thứ tám, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

TP. Hà Nội cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản lý kinh tế, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu trong nhóm có thứ hạng cao so với cả nước. Tập trung khắc phục và tiếp tục nâng cao các chỉ số thành phần còn xếp hạng thấp như: chỉ số môi trường cạnh tranh bình đẳng; chỉ số tính minh họa. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp tư nhân. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp…/.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2012), Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 06/01/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020.

2. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/05/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Bùi Quang Tuấn (2020), Một số quan điểm và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 4.

4. Cục Thống kê TP. Hà Nội (2016-2023), Niên giám Thống kê Hà Nội các năm từ năm 2015 đến năm 2022, Nxb Thống kê.

5. Tổng cục Thống kê (2016-2023), Niên giám Thống kê các năm từ năm 2015 đến năm 2022, Nxb Thống kê.

6. Vũ Lê Tùng Giang (2021), Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29.

TS. Trịnh Kim Liên – Trường Đại học Đại Nam

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)