Một số quy định mới về nghi lễ đối ngoại
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26

Nghị định này thay thế nội dung Nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài (từ Chương 8 đến Chương 13) tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.

Nghị định 18/2022/NĐ-CP quy định nghi lễ đối ngoại, bao gồm:

– Đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh; đón, tiếp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương và một số đoàn khách quốc tế khác;

– Tiễn, đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao;

– Nghi lễ dành cho Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài, bao gồm Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự, và Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Trường hợp đặc biệt, cơ quan chủ trì kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đón, tiếp các đối tượng khách khác.

Nghị định số 18/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao như sau: Bộ Ngoại giao chủ trì kiến nghị và dự thảo thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao kiến nghị, trình Tổng Bí thư duyệt điện mừng, thăm hỏi của Tổng Bí thư gửi Nguyên thủ một số nước, Người đứng đầu một số Đảng có quan hệ đặc biệt.

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp Bộ Ngoại giao kiến nghị, trình Chủ tịch Quốc hội duyệt, ký thư mừng, thăm hỏi, chia buồn gửi Người đứng đầu Nghị viện các nước có quan hệ đặc biệt.

Nghị định số 18/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2022./.