Mối liên hệ giữa thị trường carbon, đặc biệt là thị trường tự nguyện và công lý khí hậu rất phức tạp. Trong các thị trường này, các công ty từ các nước phát triển (các nước Bắc bán cầu) có thể bù đắp lượng khí thải carbon của họ bằng cách mua tín chỉ carbon từ các dự án ở các nước đang phát triển (các nước Nam bán cầu). Các dự án này thường bao gồm sáng kiến tái trồng rừng hoặc phát triển năng lượng tái tạo, nhằm giảm hoặc thu giữ khí nhà kính. Ý tưởng là các công ty có thể đạt mức trung hòa carbon bằng cách hỗ trợ các dự án này, đồng thời góp phần giảm lượng khí thải ở những nơi khác. Tuy nhiên, hệ thống này đặt ra nhiều câu hỏi về tính công bằng và sự cân bằng trong việc phân chia lợi ích và chi phí giữa các quốc gia giàu và nghèo hơn [1,2].

Pande [2] gần đây đã nhấn mạnh rằng, mặc dù thị trường carbon được thiết kế với mục tiêu tích cực như hỗ trợ các dự án tái trồng rừng hoặc năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển, nhưng chúng có thể vô tình làm gia tăng sự bất bình đẳng. Các quốc gia giàu có có thể sử dụng các cơ chế này để đạt được mục tiêu giảm phát thải của họ, mà không cần giảm đáng kể mức ô nhiễm trong nước. Điều này làm suy yếu tác động thực sự của các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và thường không mang lại lợi ích kinh tế cho các cộng đồng, mà hệ thống tín dụng carbon được thiết kế để hỗ trợ.

Một vài suy nghĩ về thị trường carbon và các giá trị kinh tế trong phát triển bền vững

Hình minh họa, được tạo bởi Bing AI

Tuy nhiên, quyển sách của Vuong và Nguyen [3] đã chỉ ra rằng, hệ thống trao đổi tín dụng carbon có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng hơn so với những gì Pande [2] đề cập. Các tác giả cho rằng, thị trường carbon có thể trở thành công cụ của chủ nghĩa thực dân hiện đại, khi các quốc gia giàu có lợi dụng hệ thống này để thu lợi kinh tế từ các quốc gia nghèo hơn. Các quốc gia giàu mua tín chỉ carbon giá rẻ từ các nước đang phát triển, sau đó bán lại với giá cao, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng kinh tế gia tăng.

Ví dụ, các công ty carbon ở EU có thể mua tín chỉ carbon từ Indonesia với giá rẻ, chẳng hạn 5 đô la mỗi tín chỉ, nhưng sau đó bán lại trên thị trường EU với giá cao hơn nhiều, như 100 đô la. Bên cạnh việc bán tín chỉ carbon, các công ty Indonesia còn phải phá hủy các bể carbon tự nhiên của họ để có khai thác các sản phẩm nông nghiệp (như dầu cọ) và nguyên liệu thô (như niken) để sau đó xuất khẩu sang EU. Để bù đắp cho sự thâm hụt carbon, Indonesia sẽ phải mua các tín chỉ carbon từ các công ty EU. Lợi nhuận từ việc bán tín chỉ với giá cao này quay trở lại các quốc gia EU, sau đó được phân phối cho các khu vực có thu nhập thấp hơn trong EU và viện trợ cho các nước nghèo để “thúc đẩy các sáng kiến giảm phát thải.”

Điều này tạo ra một vòng lặp khai thác kiệt quệ tài nguyên của các nước nghèo, trong đó các quốc gia đang phát triển như Indonesia hay Cộng hòa Congo phải chịu gánh nặng môi trường và kinh tế, còn các nước phát triển, như EU, lại thu được lợi ích từ hệ thống này và duy trì lối sống vốn có.

Hệ thống giao dịch carbon phân bổ những tác động tiêu cực không đều giữa các quốc gia. Các quốc gia đang phát triển có thể phải chịu chi phí cao hơn và đối mặt với áp lực môi trường lớn hơn, trong khi họ lại nhận được rất ít lợi ích từ giao dịch này. Thêm vào đó, mặc dù cơ chế tín chỉ carbon có thể nâng cao nhận thức về các vấn đề khí hậu, chúng cũng có thể vô tình khuyến khích mức tiêu thụ và phát thải cao hơn. Khái niệm “trung hòa carbon” đôi khi tạo ra ảo giác an toàn sai lầm, khiến các cá nhân và doanh nghiệp tiếp tục những hoạt động có hại cho môi trường với niềm tin rằng họ đang bù đắp tác động của mình, trong khi thực tế không như vậy [3].

Để vượt qua những thách thức của thị trường carbon, chúng ta cần thay đổi cơ bản trong các giá trị và hệ thống kinh tế hiện tại. Điều này bao gồm việc xây dựng một văn hóa tập trung vào tái tạo và bảo vệ môi trường (văn hóa thặng dư sinh thái) và áp dụng nguyên tắc bán dẫn trong trao đổi giá trị môi trường và tiền tệ. Mục tiêu là kết nối các hoạt động xã hội và văn hóa với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo rằng, mọi cộng đồng đều được hưởng lợi một cách công bằng và ưu tiên bảo vệ môi trường trong dài hạn.

Tài liệu tham khảo

[1] Bayon R, et al. (2012). Voluntary carbon markets: An international business guide to what they are and how they work. Routledge. https://www.taylorfrancis.com/books/mono/10.4324/9781849773737/voluntary-carbon-markets-ricardo-bayon-amanda-hawn-katherine-hamilton

[2] Pande R. (2024). Offsets, carbon markets, and climate and economic justice. Science, 385, 6714. https://www.science.org/doi/10.1126/science.ads1902

[3] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Better economics for the Earth: A lesson from quantum and information theories. https://www.amazon.com/dp/B0D98L5K44