Năm 2021: Chứng khoán bình thường hay bất thường?
Sau lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán năm 2021 là chuỗi tọa đàm đánh giá hiện trạng và tương lai thị trường với góc nhìn từ các chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành

Kinh tế tăng trưởng âm trong quý III và đặc biệt, khoảng 120.000 doanh nghiệp Việt Nam phải tạm dừng hoạt động trong năm 2021, trong đó có cả những doanh nghiệp quy mô lớn, nhưng chứng khoán Việt Nam lên đỉnh ngoạn mục về cả điểm số và thanh khoản. Dòng tiền từ nhà đầu tư nội cuồn cuộn chảy vào sàn chứng khoán, nhưng khối ngoại bán ròng kỷ lục, gần 60.000 tỷ trong 11 tháng đầu năm. Trong năm, nhiều mã cổ phiếu ghi nhận tăng giá đến 100-400% như CMS, CEO, VTH, SDA, VKC, DZM, TC6… chỉ trong 1 tháng, trong khi hiệu quả hoạt động kinh doanh không có gì nổi trội. Chỉ số VN-Index, HNX-Index tăng mạnh, nhưng với doanh nghiệp, việc huy động vốn mới vẫn không chút dễ dàng. Mức lãi suất trái phiếu 15%, thậm chí 18% là một thực tế nhiều doanh nghiệp đã trả cho việc gọi vốn năm 2021. Bộ Tài chính đã phải nhiều lần cảnh báo, phía sau đó là những câu chuyện bất bình thường.

Đâu là những điểm bình thường và đâu là những điểm bất thường trong bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021? Cuộc tọa đàm sẽ chia sẻ góc nhìn từ Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, lãnh đạo các tổ chức lớn trên TTCK như SSI, DCVFM, FiinGroup… và các chuyên gia uy tín trong nền kinh tế Việt Nam.

Sau lý giải về câu hỏi TTCK năm 2021 bình thường hay bất thường, Phiên 2 cuộc tọa đàm sẽ bàn câu chuyện tất cả các nhà đầu tư quan tâm, đó là Đỉnh nào cho thị trường chứng khoán năm tới?

Đỉnh của TTCK vẫn được đại đa số nhà đầu tư và các thành viên quan niệm, đó là điểm số của VN-Index. Tuy nhiên, tại sự kiện chiều nay, các nhà báo sẽ bắt đầu tìm đỉnh cho VN-Index bằng việc nhìn vào những đỉnh của các yếu tố nền tảng của thị trường, như câu chuyện dự báo tâm lý nhà đầu tư, sức mạnh của dòng tiền, hoạt động thoái vốn Nhà nước, tác động của Kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế và đặc biệt là tác động của gói hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất trong lịch sử tại Việt Nam, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 6/1/2022 tới.

Ông Vũ Bằng, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nghiêm Xuân Đa, Phó Tổng giám đốc SCIC; ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS); ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Vietinbank Capital; ông Quách Mạnh Hào, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam – Anh Quốc, Đại học Lincoln – Vương quốc Anh cùng một số diễn giả uy tín khác sẽ cùng chia sẻ quan điểm về tương lai thị trường.

Phần cuối của sự kiện là chủ đề về Cơ hội sau năm 2022, khi thị trường có sự chuyển biến về chất. Ghi nhận từ các nhà đầu tư đại chúng cho thấy, điều họ chờ đợi nhất là giao dịch T+0, tức là trả tiền xong sẽ được thấy chứng khoán trong tài khoản và được bán chứng khoán ngay sau đó. Đây cũng là một nút thắt kỹ thuật mà hai tổ chức định hạng tín nhiệm là FTSE và MSCI chưa thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Những dự báo lạc quan nhất trên thị trường chứng khoán cho rằng, nếu các nền tảng của thị trường cùng được nâng cấp, chứng khoán Việt Nam có thể sẽ được FTSE đưa vào chỉ số thị trường mới nổi vào tháng 9-2023, còn MSCI có thể sẽ chính thức nâng hạng thị trường Việt Nam vào giữa năm 2024.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau năm 2022 sẽ ra sao? Nội dung này được ông Nguyễn Công Quang, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam; bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu, ông Phan Lê Thanh Long, Giám đốc VIOD cùng tham gia tọa đàm. Đặc biệt, sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đức Chi, chia sẻ đánh giá về TTCK Việt Nam về các mục tiêu trọng yếu trong Chiến lược Phát triển thị trường đến năm 2030 mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng.

Năm 2021 là năm thứ 15, Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán được cấp phép hoạt động và tổ chức sự kiện thường niên nhằm nhìn lại TTCK trong năm và nêu các vấn đề mà thị trường cần giải quyết vì sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường./.