Xuất siêu 4 tỷ USD năm 2021

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 12/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu quý IV/2021 ước đạt 95,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,4% so với quý III/2021.

Tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,2%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,1%, bằng năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 32 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý IV/2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 89,07 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,2% so với quý III/2021.

Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 668,5 tỷ USD
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước

Tính chung năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%. Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm trước. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD. Năm 2021 xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD, tăng 53%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34,2 tỷ USD, tăng 22,9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63,1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 127,9%.

Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD.

Tiếp tục triển khai thực hiện các FTA thế hệ mới

Theo các chuyên gia, trong tháng cuối năm 2021, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Trên thế giới, việc các quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta như Hoa Kỳ, EU,…đã và đang thực hiện các phương án mở cửa, sử dụng hộ chiếu vaccine, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cư dân, tổ chức lại các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, mở cửa du lịch báo hiệu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao.

Hơn nữa, nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế, tạo đà tăng cho kim ngạch xuất khẩu cả năm. Ở trong nước, tính tới thời điểm hiện tại, tốc độ và số lượng người được tiêm vaccine ngày càng tăng.

Nhờ hiệu quả của công tác chống dịch, Việt Nam có một giai đoạn tương đối dài tổ chức sản xuất chuẩn bị nguồn hàng, xuất khẩu, nhập khẩu trong trạng thái “bình thường mới” để sẵn sàng “bứt tốc”.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định cùng với lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng của ta.

Tuy nhiên, xuất khẩu trong thời gian tới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro khi mà dịch bệnh Covid 19 với biến thể mới OMICRON đang lan nhanh trên toàn cầu.

Vì vậy bên cạnh việc khôi phục, đẩy nhanh tiến độ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn phải quan tâm giám sát tình hình dịch bệnh. Để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm, Bộ Công Thương với vai trò cơ quan quản lý sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tình hình trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi.

Đồng thời, chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này;

Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới;

Ngoài ra, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước, chú trọng công tác đảm bảo tiến độ lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN…, để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu./.