Năm 2022 và đầu năm 2023: Có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có thể gói gọn về bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới năm 2022, những tháng đầu năm 2023 như sau: Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi; biến động nhanh; rất khó lường, khó dự báo, có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo và độ phức tạp của tình hình thế giới tác động đến các nền kinh tế. Ảnh: VGP

Thực tiễn biến động nhanh, vượt quá dự báo

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, qua thực tế diễn ra, có thể gói gọn về bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới năm 2022, những tháng đầu năm 2023 như sau: Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi; biến động nhanh; rất khó lường, khó dự báo, có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo và độ phức tạp của tình hình thế giới tác động đến các nền kinh tế.

“Cuối năm 2021 và năm 2022, chúng ta kỳ vọng là sau khi vượt qua dịch Covid-19, các nền kinh tế sẽ đến thời kỳ phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tiễn không như dự báo, thậm chí có những yếu tố như những cuộc xung đột chính trị, tài chính – tiền tệ… đã làm chậm đi quá trình phục hồi, thậm chí đẩy nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái”, Thứ trưởng chia sẻ.

Một số nhân tố trên thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô của các nước, trong đó yếu tố lạm phát là yếu tố lớn, xuất phát từ Mỹ, châu Âu, tác động lan toả trên toàn cầu. Nhiều nước phải bung ra các giải pháp ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, đặc biệt là giải pháp tài khóa, tiền tệ. Fed liên tục tăng mức lãi suất ở biên độ lớn, các ngân hàng trung ương của châu Âu và các nền kinh tế lớn đều có động thái tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Điều quan trọng nhất chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ. Điều quan trọng nhất chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khoá ở mức hợp lý.

“Đơn cử như vấn đề tỷ giá, lãi suất, chúng ta có điều chỉnh, nhưng ở biên độ phù hợp, không tạo ra các cú sốc lớn với kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng, nước ta vẫn phải tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài và phải tìm cách vượt qua trong thời gian tới, như: Cầu thế giới giảm mạnh; lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và một vài lĩnh vực động lực bị ảnh hưởng nặng nề; thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất…

“Đó là khó khăn trước mắt chúng ta phải đối diện từ nay đến cuối năm”, Thứ trưởng nói.

Để so sánh với các nước trên thế giới và khu vực, qua các con số tổng hợp – thống kê, bối cảnh vĩ mô của chúng ta vẫn ở mức khá tích cực. Ví dụ như sau khi hết quý I, tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đạt 3,32%, trong khi các đối tác chính, nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thấp như Mỹ đạt 1,6%; EU đạt 1,3%; Nhật Bản đạt 1,3%; Hàn Quốc đạt 0,8%. Khi tăng trưởng thấp, cầu tiêu dùng của những nền kinh tế này cũng giảm theo, dẫn tới đơn hàng của doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra của chúng ta bị ảnh hưởng. Trong quý I/2023, tăng trưởng của lĩnh vực chế biến, chế tạo giảm đáng kể.

Nhưng mức tăng trưởng 3,32% so với dự báo của World Bank và IMF trong năm 2023 là hơn 2% cho thấy, Việt Nam vẫn ở mức khá tích cực, tạo tiền đề để phấn đấu trong các tháng cuối năm.

“Bên cạnh đó, sau 4 tháng, chúng ta đạt chỉ số lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong khi các nền kinh tế khác đều ở mức khá cao như: Singapore (5,5%); Indonesia (khoảng 5%); EU (khoảng 7%); Mỹ (khoảng 5%). Đây là các nền kinh tế đối tác của chúng ta và họ đều đang chống đỡ với tình trạng lạm phát gia tăng. Với phân tích như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành của chúng ta từ năm ngoái, cũng như đầu năm này để đạt mục tiêu đã đề ra”, Thứ trưởng phân tích.

Năm 2022 và đầu năm 2023: Có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo
Các diễn giả tham gia Tọa đàm. Ảnh: VGP

Kết quả kiểm soát lạm phát trong thời gian qua rất đáng ghi nhận

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng khẳng định, kết quả kiểm soát lạm phát của chúng ta trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong chính sách điều hành kiểm soát giá…

Thứ trưởng cũng khẳng định thêm về tầm quan trọng của lạm phát, đặc biệt trong khía cạnh thực tiễn.

“Trong quá khứ, chúng ta cũng từng chứng kiến những lúc phải gánh chịu hậu quả của lạm phát cao như những năm 80, 90 của thế kỷ trước hay là giai đoạn 2008-2011 với sự tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Với tác động của lạm phát như vậy, đúng như vấn đề đã đặt ra là chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian, nguồn lực để khắc phục được hậu quả của nó, cũng như là quay trở lại trạng thái phát triển kinh tế tốt”, Thứ trưởng nói và chỉ rõ, hậu quả để lại rất nặng nề, tăng trưởng bị suy giảm, thậm chí là suy thoái, đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, rồi thất nghiệp, đói nghèo, kể cả việc phá hoại tài nguyên môi trường. Tất cả những hệ lụy đó chúng ta có thể phân tích được do lạm phát gây ra.

Thứ hai, Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, xã hội rất quan tâm đến vấn đề lạm phát. Người dân cũng đã hiểu được rằng lạm phát đánh thẳng vào nồi cơm của gia đình họ, đánh thẳng vào túi tiền của họ. Do vậy, họ rất quan tâm đến vấn đề làm sao kiểm soát lạm phát, vì một khi lạm phát gia tăng, câu chuyện cuộc sống bị đảo lộn, chi tiêu, chi phí tăng lên rất nhiều và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. “Chính vì lẽ đó mà tầm quan trọng của việc kiểm soát lạm phát ngày càng được đặt ở vị trí trọng tâm cao hơn”, Thứ trưởng nêu lại quan điểm.

“Chúng ta cần chuẩn bị cho các cú sốc bên trong”

Đồng tình với ý kiến đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Phương về tình hình kinh tế vĩ mô, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất để tạo được sự ổn định rất nhiều mặt, kể cả đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không phải trả giá cho việc khôi phục lại các cân bằng.

Ông Cường cũng chỉ rõ, Việt Nam vẫn đứng trước bối cảnh thế giới nhiều biến động hết sức khó lường, dự báo lạm phát của thế giới có xu hướng giảm, nhưng “chưa biết thực sự là hết chưa. Đặc biệt chúng ta thấy gần đây, một loạt ngân hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí có ngân hàng phá sản, phải bán lại. Đó là một lo ngại ảnh hưởng tới hệ thống tài chính”, ông Cường quan ngại.

Nhấn mạnh về các cú sốc, TS. Vũ Minh Khương chỉ rõ, khi nói về chuẩn bị cho các cú sốc bên ngoài, với một nền kinh tế phát triển như chúng ta thì cũng cần chuẩn bị cho các cú sốc bên trong.

“Chúng ta có thể có những cú sốc, những khủng hoảng cục bộ ở đâu đó, doanh nghiệp này, ngân hàng kia, nên cũng phải sẵn sàng, chứ không phải chỉ bên ngoài. Đấy là bài toán mà thế giới họ cũng phải định hướng rõ, đó là tạo ra những buffer (lớp đệm) để thẩm thấu những gì có thể xảy ra”, vị chuyên gia này khẳng định.

Ông Khương cũng cho rằng, Việt Nam phải nhận thức thế giới đã đổi thay, “có những cái không chỉ là bất thường, mà là không thể tưởng tượng được nó có thể xảy ra, sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, có những xu thế thay đổi ghê gớm, như ChatGPT.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng chỉ rõ yêu cầu phải đổi mới mô hình. “Từ việc nhân lực rẻ trở thành nhân lực cao như thế nào là một bài toán tất cả các địa phương phải suy nghĩ đến. Hiện giờ “chúng tôi có nhân lực rẻ, đất rẻ, cứ vào đây” là không được. Phải là “nhân lực cao”, ông Khương lưu ý.

Thứ nữa, ông Khương cho rằng, Việt Nam phải xây dựng nền tảng của một nền kinh tế hiện đại.

“Chúng ta phải nhanh chóng vượt qua giai đoạn giảm phiền hà, từ chỗ giảm phiền hà chuyển thành đội quân tinh nhuệ yểm trợ cho các doanh nghiệp tiến lên. Làm sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hay Bộ Tài chính gửi đội quân tinh nhuệ xuống các địa phương, địa phương nào muốn đột phá, chúng tôi yểm trợ ngay”, vị chuyên gia này đề xuất.

Điểm thứ ba trong nắm bắt xu thế, theo ông Khương, Việt Nam phải chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động gắn kết với các đại doanh nghiệp của thế giới để chuẩn bị cho tương lai, như kinh nghiệm của Singapore.

“Trong thời gian tới, chúng ta chủ động không chờ đại bàng đến nữa, mà thực sự sát cánh cùng đại bàng để giải quyết nhiều vấn đề. Đây là bài toán mà tôi nghĩ là chúng ta phải có chuyển động rất lớn trong thời gian tới, phải thực sự biến nguồn lực trở thành thực lực chiến lược, ông Khương khuyến nghị.

Ông cũng lưu ý, có nguồn lực mà đổ vào những cái không chuẩn thì dễ vướng bẫy thu nhập trung bình, tức là chỉ biến thuận lợi thành khó khăn. Bẫy thu nhập trung bình thật ra đơn giản tức là có thuận lợi nhưng không biết dùng nó để biến thành thành quả lớn mà khiến nó thành khó khăn cho doanh nghiệp.

“Đấy là những cái mà chúng ta hết sức chú ý trong việc tăng sự ứng đáp hệ sinh thái kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Khương lưu ý./.