Nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho khu vực tài chính

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2021, trên cơ sở tập trung phân tích, đánh giá, cảnh báo mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính- ngân hàng và nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với tổ chức tài chính quốc gia, Ủy ban đã cảnh báo những yếu tố rủi ro có thể tác động đến an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng; cảnh báo rủi ro tồn tại trên thị trường chứng khoán; đánh giá và cảnh báo một số vấn đề trong lĩnh vực bảo hiểm; cảnh báo những rủi ro tập trung sở hữu cổ phần, tập trung tín dụng, rủi ro lan truyền… với các tập đoàn tài chính.

Nâng cao chất lượng giám sát hệ thống tổ chức tài chính
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa tổ chức. Ảnh: VGP
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) triển khai Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam”…

Trên cơ sở đó, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã đề xuất nhiều giải pháp chính sách như: tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo lộ trình trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, để tạo nguồn lực cho xử lý nợ xấu trong thời gian tới; tiếp tục theo dõi, giám sát chặt hoạt động cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản; tăng cường giám sát các cổ phiếu biến động bất thường không gắn với kết quả kinh doanh; kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phải niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu; khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và niêm yết trái phiếu doanh nghiệp…, qua đó, đã góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của tổ chức tài chính.

Để làm cơ sở cho công tác phân tích, dự báo, đánh giá tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính…, Ủy ban đã xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu chung về thị trường tài chính (hệ thống FMSIS, đưa vào sử dụng từ năm 2017 và đang được hoàn thiện). Đến nay, Ủy ban đã thu thập thông tin, báo cáo, dữ liệu từ 320 định chế tài chính với hơn 500 mẫu biểu các loại…

Nâng “chất” dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô

Trong năm 2022, Ủy ban tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính. Cùng với đó, Ủy ban đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giám sát, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo rủi ro đối với hệ thống tổ chức tài chính, nhất là các tổ chức tín dụng; bám sát diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp… để tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất, khuyến nghị chính sách cụ thể. Một giải pháp trọng tâm nữa mà Ủy ban tập trung triển khai trong năm nay là đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin về kinh tế – tài chính để đảm bảo nhất quán về số liệu và thống nhất về quan điểm phân tích, nhận định; tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến đối với các đề án, báo cáo của các bộ, ngành liên quan đến định hướng, chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).

Ngoài ra, Ủy ban còn tập trung hoàn thiện và cải tiến hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thu thập, phân tích, xử lý thông tin nhằm nâng cao chất lượng giám sát từng định chế tài chính, giám sát chung/tổng thể hệ thống tài chính, giám sát hợp nhất hoạt động của các định chế tài chính hoạt động theo mô hình “tập đoàn tài chính” một cách độc lập, khách quan…/.