Từ khóa: logistics, nhân sự, chính sách, chất lượng nguồn nhân lực

Summary

In recent years, the operation of logistics services in Hai Phong city plays an important role in the Northern key economic region as well as the Red River Delta. As the largest logistics center in the North, Hai Phong is currently facing the risk of lacking high-quality human resources in the logistics sector. The article focuses on assessing the current status of human resources in the logistics sector and proposes some solutions to contribute to improving the quality of human resources for this service sector in Hai Phong in the coming time.

Key words: logistics, human, policies, quality of local human resources

GIỚI THIỆU

Theo Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 2/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Như vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng cho hoạt động logistics là hết sức cần thiết.

THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH LOGISTICS CỦA TP. HẢI PHÒNG

Trong những năm qua, hoạt động của dịch vụ logistics tại TP. Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như Đồng bằng sông Hồng. Theo Sách trắng Logistics 2018 của Hiệp hội Logistics Việt Nam, dự báo, đến năm 2025, Hải Phòng (trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc) sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; năm 2030 con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo.

Về đào tạo ngành học này trên địa bàn Thành phố, chỉ có Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành logistics. Với năng lực khoảng 300 sinh viên/năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành liên quan, như: Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thủy, Kinh tế Ngoại thương… Ngoài ra, có thể kể tới một số trường cao đẳng đào tạo ngành logistics trên địa bàn Thành phố, như: Trường Cao đẳng Hàng hải 1, Trường Cao đẳng Kinh tế Hải Phòng…

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng cũng chỉ đáp ứng khoảng 40%-45% nhu cầu thị trường. Theo TS. Lưu Việt Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải 1, số lượng người tham gia vào thị trường logistics qua đào tạo chưa đạt được khoảng 10%. Còn theo ông Quách Minh Dũng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Logistics, nguồn nhân lực của doanh nghiệp nói riêng và sinh viên mới ra trường nói chung còn đang yếu ở một số kỹ năng mềm, như: kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ; đặc biệt với sinh viên học ngành logistics mới ra trường còn thiếu sự kiên nhẫn trong công việc. Còn theo ông Nguyễn Minh Quang – Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại vận tải An Vượng cho biết, nhìn chung, nhân lực làm việc trong lĩnh vực logistics tại Hải Phòng còn yếu. Phần lớn các em sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực này chưa được tiếp cận quá nhiều nghiệp vụ, thao tác. Chính vì vậy, khi được tiếp xúc những công việc trong chuỗi cung ứng mới, sẽ bị bỡ ngỡ lúc ban đầu (Hải Ngân, 2022).

Để làm rõ hơn về chất lượng nhân lực ngành logistics của Hải Phòng, tác giả đã tiến hành điều tra là 25 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Logistics Hải Phòng và 50 sinh viên học ngành logistics mới tốt nghiệp tại Thành phố. Thời gian tiến hành điều tra: tháng 5-6/2023.

Hình cho thấy, nhìn chung, các doanh nghiệp đánh giá về các kỹ năng của nhân sự logistics của Hải Phòng còn hạn chế, theo đó, các kỹ năng như: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ, công nghệ, chuyên môn, kiến thức… đều ở mức dưới 6 điểm (thang điểm tối đa là 10 điểm).

HÌNH: DOANH NGHIỆP ĐÁNH GIÁ VỀ NHÂN SỰ LOGISTICS CỦA HẢI PHÒNG

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics của TP. Hải Phòng
Chú thích: thang điểm 1-10
Nguồn: Điều tra của tác giả (2023)

Mặt khác, tác giả cũng khảo sát đánh giá của sinh viên mới tốt nghiệp ngành logistics về chất lượng đào tạo của các trường có chuyên ngành logistics trên địa bàn Hải Phòng. Kết quả cho thấy, phần lớn, các sinh viên đều chưa hài lòng về “Chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn”, chỉ có 20% sinh viên hài lòng. “sinh viên tự tin làm việc ở các bộ phận” chỉ đạt 12%. Rất ít doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên, cụ thể “Doanh nghiệp hướng dẫn, giải thích chuyên môn cho sinh viên” đạt chỉ 8%. Các nội dung khác cũng đạt ở mức độ rất thấp, chỉ có khoảng từ 21% đến 25% sinh viên hài lòng.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT TRONG THỜI GIAN TỚI

Nhằm đẩy mạnh số lượng cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành logisitcs của TP. Hải Phòng trong thời gian tới, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp – cơ sở đào tạo – cơ quan quản lý nhà nước trong việc thống nhất về việc tối ưu nguồn lực và hợp tác trên các lĩnh vực: đào tạo chứng chỉ nghề; chương trình tham quan, kiến tập, thực tập, tập sự nghề nghiệp, tuyển dụng; cuộc thi học thuật, chương trình hướng nghiệp-phát triển kỹ năng; hợp tác đào tạo, học phần nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, hợp đồng tư vấn chuyển giao; thành lập Quỹ “Học bổng,” chuỗi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các doanh nghiệp đầu ngành, các chuyên gia nước ngoài.

Hai là, các cơ sở đào tạo cần tập trung vào các vấn đề sau:

– Trong tương lai, các vị trí cần tuyển dụng nhiều gồm: nhân viên khai báo hải quan; nhân viên hành chính logistics; nhân viên giao nhận hàng hóa tổng hợp; nhân viên vận hành kho và nhân viên quản lý kho; nhân viên lái xe tải; nhân viên kinh doanh thương mại điện tử; nhân viên điều hành vận tải; nhân viên công nghệ thông tin. Do vậy, các cơ sở đạo tạo cần tập trung vào các phân khúc đào tạo này, nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng.

– Thu hút đầu tư từ Nhà nước và xã hội để tăng tính hấp dẫn của chuyên ngành logistics. Đó là việc các cơ sở đào tạo cần có thêm nhiều nguồn học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, có thêm nguồn hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thêm các chương trình thực tập sinh tại các doanh nghiệp uy tín, có thêm cơ hội tiếp cận với thực tế công việc tại doanh nghiệp trong ngành.

– Thay đổi về phương thức, nội dung, chương trình đào tạo. Trước mắt, các cơ sở đào tạo ngành logistics trên địa bàn TP. Hải Phòng cần đẩy mạnh đầu tư nhằm phát huy vai trò của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và các công ty đào tạo. Các khóa học ngắn hạn này tập trung vào các mảng nghiệp vụ hoặc tác nghiệp chuyên biệt, phục vụ cho một nhiệm vụ cụ thể; cập nhật những kiến thức luật pháp trong nước và quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có.

Nội dung, chương trình đào tạo cần học tập, nghiên cứu chương trình của những nước thành công trong hoạt động logistics để sàng lọc, bổ sung và chuẩn hóa chương trình của Việt Nam cho các cấp độ, chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ chuyên ngành.

Ba là, về phía các doanh nghiệp logisitcs, cần:

– Triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ. Việc học tập, cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nên trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục.

– Tiếp tục tự đào tạo. Nhìn chung, đây vẫn là hình thức phổ biến trong năm qua tại các doanh nghiệp. Do khó tìm được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tế, nên phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nhân viên theo điều kiện hiện có. Các hình thức tự đào tạo phổ biến tại doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bao gồm: đào tạo qua công việc do nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhân viên mới, các chương trình đào tạo nội bộ do doanh nghiệp tự xây dựng và mời chuyên gia về đào tạo tại doanh nghiệp…

Bốn là, các cơ quan như: các cảng, cảng vụ, hải quan, thuế, đăng kiểm… cần có sự hỗ trợ nghiệp vụ cho cơ sở đào tạo, cụ thể là các phòng thực hành mô phỏng; ngược lại, cơ sở đào tạo sẽ cung cấp dịch vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các cơ quan trên. Cần thực hiện phương châm “Mỗi cán bộ nhân viên của cơ quan chuyên ngành là một giảng viên”, hỗ trợ cho cán bộ nhân viên làm giáo viên thỉnh giảng một số chuyên đề tại cơ sở đào tạo.

Năm là, địa phương cần hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động các hội cựu sinh viên ngành logistics tại các cơ sở đào tạo. Từ đó, tạo thành nơi kết nối, chia sẻ tri thức, là mạng lưới lan tỏa chặt chẽ./.

TS. Đỗ Thị Kim Dung – Trường Đại học Hải Phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 34, tháng 12/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Abrache, J., Aguenaou, S., Alaoui, A. H., and Iraqi, K. (2013), Evaluation of efficiency of firms listed in the Casablanca Stock Exchange using data Envelopment Analysis, Journal of Emerging Issues in Economics, Finance and Banking, 2(4), 833-846.

2. Andrews, Y, M. (2019), Satisfaction, Trust and Commitment Key Variables for Undestanding Customer Loyalty in Retail Banking Industry, Book 1, 133-136

3. Bộ Công Thương (2023), Tài liệu Hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, ngày 15/3/2023.

4. Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế (2022), Cẩm nang tích hợp FTA theo từng lĩnh vực “Hướng dẫn thực thi cam kết về thương mại dịch vụ”, Nxb Thanh niên.

5. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng (2021), Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 02/8/2021 về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

6. Hiệp hội Logistics Việt Nam (2019), Sách trắng Logistics 2018.

7. Hải Ngân (2022), Hải Phòng: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, truy cập từ https://diendandoanhnghiep.vn/hai-phong-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-logistics-232954.html.

8. Sở Công Thương TP. Hải Phòng (2023), Hướng dẫn thực thi cam kết về Thương mại dịch vụ logistics.

9. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 221/QĐ-TTg, ngày 22/02/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logisitics Việt Nam đến năm 2025.

10. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày 14/02/2017 về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

12. Vaughn, M, P. (2018), Managing service quality in HE: is SERVQUAL the answer? Part 1, Managing Service Quality: An International Journal, 6(2), 11-16.