THỰC TRẠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CỦA KHU VỰC KTTN VIỆT NAM

Những kết quả đạt được

Thứ nhất, năng lực nội tại của khu vực KTTN Việt Nam đã cải thiện đáng kể, thể hiện qua những nội dung sau:

Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn tới
Tốc độ tăng bình quân hàng năm của DN khu vực KTTN đạt 10,26% giai đoạn 2011-2020

(i) Số lượng chủ thể KTTN Việt Nam tăng liên tục qua các năm, đặc biệt số lượng doanh nghiệp (DN) khu vực KTTN. Cùng với quá trình hoàn thiện khung pháp luật theo các phiên bản Luật Doanh nghiệp (từ Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990 đến Luật Doanh nghiệp phiên bản năm 1999, 2004, 2014 và 2020) và Luật Đầu tư (2005, 2014, 2020) và những quyết sách trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để người dân, DN biến các cơ hội kinh doanh thành sự phát triển thực sự, số lượng DN thành lập mới đã tăng đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2020 với hơn 735 nghìn DN thành lập mới (trung bình 122,5 nghìn DN/năm) cao hơn gần 1,5 lần mức trung bình giai đoạn 2011-2016. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong hai năm qua, vẫn có hơn 134,9 nghìn DN thành lập mới trong năm 2020 và gần 116,8 nghìn DN thành lập mới trong năm 2021.

Số lượng DN khu vực tư nhân đang hoạt động cũng tăng đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm ngày 01/01/2011, cả nước có 268.831 DN khu vực KTTN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh, đến thời điểm 01/01/2020, con số này đã là 647.632 DN (chiếm 96,88% tổng số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh của cả nước), gấp hơn 2,4 lần. Tốc độ tăng bình quân hàng năm của DN khu vực KTTN đạt 10,26% giai đoạn 2011-2020.

(ii) Quy mô của khu vực KTTN đã cải thiện đáng kể. Theo Sách trắng DN năm 2021 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021), các chỉ số phản ánh quy mô của DN khu vực KTTN Việt Nam bình quân giai đoạn 2016-2019 đều tăng mạnh so với giai đoạn 2011-2015, như: số lượng DN hoạt động tăng 155,6%; số lao động tăng 125,9%; nguồn vốn tăng 216,7%; tài sản cố định và đầu tư dài hạn tăng 240,4%… (Bảng 1).

Bảng 1: Tăng trưởng quy mô DN khu vực KTTN Việt Nam giai đoạn 2016-2019 so với giai đoạn 2011-2015

Số lượng DN hoạt động

155,1%

Lao động

125,6%

DNNN

76,5%

DNNN

79,0%

DN khu vực KTTN

155,6%

DN khu vực KTTN

125,9%

DN FDI

160,7%

DN FDI

147,6%

Nguồn vốn

190,3%

Trang bị vốn/lao động

151,4%

DNNN

151,0%

DNNN

196,7%

DN khu vực KTTN

216,7%

DN khu vực KTTN

170,2%

DN FDI

188,1%

DN FDI

125,7%

TSCĐ và đầu tư dài hạn

182,4%

Trang bị TSCĐ/ lao động

142,9%

DNNN

123,0%

DNNN

184,7%

DN khu vực KTTN

240,4%

DN khu vực KTTN

148,9%

DN FDI

191,5%

DN FDI

140,1%

Doanh thu thuần

120,0%

Lợi nhuận trước thuế

121%

DNNN

186%

DNNN

152%

DN khu vực KTTN

130%

DN khu vực KTTN

197%

DN FDI

137%

DN FDI

125%

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021)

Điều đáng lưu ý là đã xuất hiện những DN khu vực KTTN có quy mô lớn, tiềm lực mạnh. Danh sách 500 DN lớn nhất Việt Nam (Vietnam Report) năm 2020 ghi nhận sự xuất hiện của 314 DN khu vực KTTN Việt Nam (năm 2016 là 263), TOP 100 ghi nhận 46 DN, TOP 50 ghi nhận 18 DN và TOP 20 ghi nhận 6 DN. Trong danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” do Forbes Việt Nam công bố đã ghi nhận nhiều DN khu vực KTTN. Với danh sách công bố ngày 30/12/2016, TOP 10 ghi nhận 5 vị trí của DN khu vực KTTN Việt Nam. DN khu vực KTTN cũng đang dần chiếm vị thế áp đảo trong danh sách DN đạt vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày 30/6/2021, HOSE ghi nhận 4 DN có mức vốn hóa trên 10 tỷ USD, trong đó ghi nhận 3 cái tên từ khu vực KTTN, đó là Tập đoàn Vingroup, Công ty Vinhomes và Tập đoàn Hòa Phát.

(iii) Trình độ công nghệ của DN khu vực KTTN bước đầu được cải thiện; nhiều DN đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, liên kết, tham gia chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Các chủ thể KTTN, đặc biệt DN tư nhân (DNTN) đã quan tâm nhiều hơn và đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học – công nghệ, thực hiện chuyển đổi số. Một số tập đoàn KTTN, DNTN lớn, như: Vingroup, FPT… đã từng bước liên kết với trường đại học, viện nghiên cứu để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc thành lập trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm ngiên cứu để tạo lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Nhiều DNTN đã hợp tác, liên kết cùng nhau để phát triển và bảo vệ thương hiệu Việt, thị trường Việt, bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, góp phần giúp DN khu vực KTTN đã làm chủ cuộc chơi, như: Vingroup và Masan Group, Vinamilk và Sữa Mộc Châu, THACO và Hoàng Anh Gia Lai… Nhiều DN khu vực KTTN đã nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực để có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Mối liên kết giữa DN khu vực KTTN Việt Nam và DN FDI đã từng bước được cải thiện. Số lượng DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, như: Samsung, Canon, LG, Panasonic… ngày càng tăng.

Thứ hai, năng lực (hiệu quả) hoạt động của chủ thể khu vực KTTN đã được cải thiện, đặc biệt những DN quy mô lớn, quản trị tốt

(i) Tổng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế của khu vực KTTN đã tăng đáng kể qua các năm. Doanh thu thuần của DN khu vực KTTN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2016-2019 tăng 130% so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2019, DN khu vực KTTN chiếm 57,46% tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh toàn bộ DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh. Đã có những DN khu vực KTTN ghi nhận doanh thu tỷ USD và lọt vào Danh sách 200 công ty khu vực châu Á – Thái Bình Dương hoạt động hiệu quả cao có doanh thu trên 1 tỷ USD[1] như Masan Group, Thế giới Di động, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank, Vingroup.

Tương tự, lợi nhuận trước thuế của DN khu vực KTTN cũng tăng mạnh. Lợi nhuận trước thuế của DN khu vực KTTN đang hoạt động có kết quả sản xuất giai đoạn 2016-2019 tăng 197% so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2019, DN khu vực KTTN Việt Nam chiếm 31,2% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN cả nước.

Một số chỉ tiêu hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN khu vực KTTN Việt Nam đều ghi nhận cải thiện trong giai đoạn 2016-2019 so với giai đoạn 2011-2015 (Bảng 2).

Bảng 2: Một số chỉ tiêu hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN khu vực KTTN Việt Nam

Bình quân

2011-2015

Bình quân

2016-2019

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu

1,2

2,2

Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản

1,2

1,5

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu

3,4

4,4

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021)

Các DN khu vực KTTN quy mô lớn, có bộ máy quản trị tốt ghi nhận hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh khá cao. Theo Bảng xếp hạng Profit 500 (Vietnam Report), khả năng sinh lời (ROA, ROE) của DNTN khá cao (11,5% và 17,6% năm 2019; 9,8% và 20,8% năm 2020).

(ii) Khu vực KTTN Việt Nam đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Khu vực KTTN Việt Nam đóng góp ổn định khoảng 40% GDP, khoảng 45% vốn đầu tư toàn xã hội. Sự tăng trưởng và mở rộng đầu tư của khu vực KTTN góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, làm thay đổi diện mạo và đóng góp vào những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua. Khu vực KTTN Việt Nam đóng góp quan trọng trong tạo việc làm thu nhập cho người lao động, với khoảng 18 triệu lao động đang làm việc trong các DN khu vực KTTN và hộ kinh doanh, góp phần quan trọng trong giảm sức ép rất lớn về việc làm trong xã hội như hiện nay. Không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho người sở hữu, quản lý và làm việc, mà khu vực KTTN; đặc biệt hộ kinh doanh còn gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn.

Khu vực KTTN, đặc biệt một số DNTN, đã góp phần tạo vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Một số tập đoàn tư nhân, DN lớn đã đầu tư theo chiều sâu, mở rộng thị trường ra khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, khẳng định được thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Địa bàn đầu tư đa dạng, hướng đến các đối tác phát triển, như: Úc, Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… góp phần khẳng định vị thế, năng lực của các DNTN nói riêng, DN Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, với sự xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú thế giới là doanh nhân Việt góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ doanh nhân thế giới.

Khu vực KTTN đóng góp lớn trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khi đã tạo nhiều việc làm cho phụ nữ và có xu hướng tăng. Số DN do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng và đã có những DN do phụ nữ làm chủ không những là những DN tầm cỡ trong nước, mà còn vươn ra quốc tế, góp phần làm tăng uy tín và vị thế của đất nước. KTTN đóng góp lớn vào các hoạt động vì an sinh, xã hội, thể hiện rất rõ trong hai năm qua khi các DNTN đã chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy sự “chia lửa” của DN với Chính phủ và đất nước, thể hiện và phát huy mạnh mẽ truyền thống nhân văn, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của DN Việt Nam.

Thứ ba, năng lực thích ứng với các “cú sốc” được nhiều chủ thể KTTN thực hiện tốt, đặc biệt cú sốc đại dịch Covid-19 trong hai năm qua. Nhiều DN, hộ kinh doanh đã nắm bắt được cơ hội từ đại dịch Covid-19 để tìm hướng đi mới, kịp thời thích ứng thông qua áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm biến các ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, khai thác lợi thế từ chuyển đổi số, ứng dụng số hóa… và đứng vững trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Nhiều DN tiến hành cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh.

Những vấn đề đặt ra đối với năng lực của khu vực tư nhân

Mặc dù đã cải thiện, nhưng năng lực của khu vực KTTN còn nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể:

Một là, năng lực nội tại của khu vực KTTN Việt Nam yếu và chậm được cải thiện

(i) Khu vực KTTN Việt Nam đông về số lượng, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Mặc dù tăng, nhưng quy mô bình quân của DN khu vực KTTN Việt Nam còn ở mức thấp, chưa đạt được quy mô tối ưu để có được năng suất lao động cao nhất. Do quy mô nhỏ, nên DN gặp phải những hạn chế cố hữu về công nghệ, quản lý, nhân lực. Khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất hầu như không có.

(ii) Trình độ công nghệ của DN còn ở mức thấp. Theo Báo cáo Phân tích và dự báo thống kê năm 2020 của Tổng cục Thống kê, phần lớn DN đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang. Tỷ lệ DN công nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thấp và trung bình năm 2018 trong tổng số DN lên tới 87,8%, chỉ có 12,2% số DN sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh đó, năng lực ứng dụng công nghệ mới của Việt Nam cũng ở mức thấp trong khu vực do thiếu sự liên kết giữa khu vực KTTN và khu vực FDI.

Số lượng DN tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu tăng, nhưng còn ở mức khiêm tốn, chủ yếu là ở những khâu, công đoạn yêu cầu năng lực không cao với giá trị gia tăng thấp. Trên thực tế, phần lớn giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc về DN FDI (chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Hai là, hiệu quả hoạt động của các chủ thể khu vực KTTN khá thấp và chưa có nhiều thay đổi tích cực

(i) Các chỉ số hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN khu vực KTTN đều thấp hơn so với DN nhà nước (DNNN) và DN FDI. Một số hệ số sinh lời, như: hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA), hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và hiệu suất sinh lời trên doanh thu (ROS) của phần lớn DN khu vực KTTN luôn thấp hơn so với các loại hình DN khác (Hình).

Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn tới

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021)

(ii) Đóng góp của khu vực KTTN chưa thực sự tương ứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Đóng góp của khu vực KTTN Việt Nam vào GDP thời gian không thay đổi đáng kể trong suốt 10 năm qua, chỉ dao động ở mức 41-44% (không đạt mục tiêu đóng góp 50% GDP vào năm 2020). Trong giai đoạn 2016-2020, các DN khu vực KTTN tăng trưởng khoảng 12%/năm, nhưng bộ phận quan trọng nhất của KTTN là kinh tế cá thể chưa đạt tốc độ tăng trưởng tương xứng. Điều này dẫn tới tốc độ tăng trưởng của KTTN trong nước nói chung vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Ba là, năng lực chống chịu trước các “cú sốc” như đại dịch Covid-19 còn hạn chế. Các chủ thể KTTN chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, đặc biệt khó khăn về dòng tiền, tiếp cận khách hàng… Tình trạng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trở nên phổ biến (Bảng 3).

Bảng 3: Tình trạng rút lui khỏi thị trường

2019

2020

2021

Số DN rút lui khỏi thị trường (DN)

89.282

101.719

119.828

– Tạm ngừng kinh doanh

28.731

46.592

54.960

– Chờ giải thể

43.711

37.663

48.127

– Hoàn tất thủ tục giải thể

16.840

17.464

16.741

Số DN gia nhập thị trường (DN)

177.560

179.037

159.955

– Thành lập mới

138.139

134.941

116.839

– Tái gia nhập thị trường

39.421

44.096

43.116

Rút lui/gia nhập thị trường (%)

50,28

56,81

74,91

Rút lui/thành lập mới (%)

64,63

75,38

102,25

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CỦA KHU VỰC KTTN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh chủ trương tăng cường tính độc lập, tự chủ, sức chống chịu của nền kinh tế và đề ra quan điểm phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình DN, phát triển KTTN thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế và đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu DN hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP khoảng 55%; đến năm 2030 có khoảng 2 triệu DN hoạt động và tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP khoảng 60-65%. Để hiện thực hóa các chủ trương, mục tiêu của Đảng, bên cạnh nỗ lực của bản thân các chủ thể KTTN, cần có những giải pháp trọng tâm, tạo điều kiện cho KTTN tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh quốc tế, trong nước để bứt phá, nâng cao năng lực và phát triển. Các nhóm giải pháp trọng tâm gồm:

Thứ nhất, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cụ thể: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh; Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hộ kinh doanh, đảm bảo khả năng tiếp cận kịp thời của người lao động, DN, hộ kinh doanh tới các gói hỗ trợ; Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia, đặc biệt việc di chuyển lao động an toàn giữa các địa phương.

Thứ hai, tăng cường nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, thúc đẩy tinh thần, ý chí khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể: Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình và đào tạo tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên; Thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN, doanh nhân để khuyến khích tinh thần kinh doanh của các thế hệ học sinh, sinh viên; Phát triển các chương trình truyền thông tuyên truyền, khích lệ tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp; Phát triển đội ngũ huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ, tư vấn cho người khởi nghiệp; Phát triển các cơ sở ươm tạo DN, nâng cao năng lực của các cơ sở ươm tạo để hỗ trợ DN khởi nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN, cụ thể: Tập trung giảm rào cản gia nhập thị trường; giảm thiểu thủ tục gia nhập thị trường và chi phí phát sinh đối với DN mới thành lập. Xây dựng và thực hiện một quy trình tổng thể về khởi sự kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp và cơ chế trách nhiệm giải trình giữa các bên liên quan, thực hiện liên thông các bước thủ tục để giảm thời gian, tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng của DNTN với các cơ hội kinh doanh và các thông tin, nguồn lực phát triển, đặc biệt nguồn lực tài chính và đất đai. Xóa bỏ các rào cản, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp, tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực; thực hiện công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng; Tiếp tục cải cách thể chế bảo đảm quyền tài sản; Rà soát, loại bỏ những chính sách có sự phân biệt giữa các loại hình kinh doanh, nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế khoán đối với hộ kinh doanh…

Thứ tư, hoàn thiện chính sách thúc đẩy DN ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, từ đó, nâng cao mức độ sẵn sàng và khả năng ứng phó kịp thời với những bất định mang tính toàn cầu và tận dụng thành tựu của Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, cần tập trung vào: (i) Kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh; (ii) Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng; (iii) Phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp sẵn các chức năng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng; và (iv) Tạo lập niềm tin vào tiến trình chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hoàn thiện khung pháp luật cho sự vận hành của các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt các mô hình kinh doanh kinh tế số: (i) Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống luật về DN, chứng khoán, đầu tư, tổ chức tín dụng, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ; (ii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, viễn thông, tần số vô tuyến điện, bưu chính nhằm phát triển hạ tầng kết nối và thể chế hóa các định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước; (iii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu; (iv) Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến việc hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số.

Thứ năm, thúc đẩy liên kết DN giữa các khu vực kinh tế, thúc đẩy DNTN tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cụ thể: Thiết lập, thúc đẩy liên kết giữa kinh tế nhà nước, DNNN và KTTN, DNTN để nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; Phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên. Hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn KTTN có quy mô lớn có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc vùng hoặc vai trò là DN dẫn đầu trong chuỗi giá trị; Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của DN nhỏ và vừa vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; nâng cao nhận thức, kiến thức và khả năng tận dụng các hiệp định thương mại cho DN. Xây dựng Chương trình hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; Tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa DNTN với DN FDI. Xây dựng và triển khai các chương trình kết nối kinh doanh giữa nhà cung cấp trong nước với các DN FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia để hình thành các chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp.

Thứ sáu, tập trung phát triển DNTN quy mô vừa và lớn, hình thành và phát triển các tập đoàn KTTN: (i) Xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho các DNTN, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông tin; tạo điều kiện hình thành các tập đoàn KTTN lớn trong lĩnh vực công nghiệp có vai trò dẫn dắt phát triển ngành và có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; tăng cường các biện pháp bảo vệ các ngành, DN sản xuất công nghiệp trong nước trước áp lực của cạnh tranh từ quá trình mở cửa hội nhập; (ii) Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; thu hút đầu tư tư nhân vào các ngành dịch vụ mũi nhọn, xương sống để KTTN thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; (iii) Nghiên cứu xây dựng đề án khuyến khích hình thành và phát triển các tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; (iv) Khuyến khích, hỗ trợ KTTN xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giúp DNTN phát triển.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN: Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của DN, thị trường; đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo; Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tăng thực hành; cải thiện chất lượng đào tạo nghề và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho lao động DN đáp ứng bối cảnh mới. Hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để tạo nguồn lao động có chất lượng cho DN. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động dôi dư do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để giúp họ chuyển hướng ngành nghề sang những ngành phù hợp với bối cảnh mới, như: thương mại điện tử, ngành sử dụng công nghệ mới…

Thứ tám, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng thuận lợi cho các chủ thể KTTN phát triển: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí không chính thức, chi phí tuân thủ; Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung và thông suốt, đồng bộ; xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn quốc gia; Tăng cường liên kết, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành; giữa Trung ương, vùng và địa phương. Thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền, giữa các bộ, ngành trong quản lý và cung cấp các dịch vụ hành chính, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý, điều hành; Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về khu vực KTTN, trong đó chú trọng đến tính đồng bộ, thống nhất và đảm bảo khả năng so sánh với quốc tế của các các tiêu chí, chỉ số, tạo điều kiện cho việc phân tích, đánh giá để hoạch định chính sách phát triển khu vực KTTN một cách phù hợp, hiệu quả.

Thứ chín, tiếp tục tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai thời gian qua theo chủ trương của Bộ Chính trị, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Dự thảo ngày 17/12/2021)

2. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (2019-2021). Báo cáo Tình hình đăng ký kinh doanh năm 2019, 2020, 2021

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Sách trắng DN Việt Nam 2020

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Sách trắng DN Việt Nam 2021

5. Tổng cục Thống kê (2012-2021). Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2011 đến năm 2020, Nxb Tổng cục Thống kê

[1] https://www.forbes.com/asia-over-billion/list/, Xếp hạng năm 2019

TS. Nguyễn Thị Luyến

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 1, năm 2022)